- Những người đã chung tay xây dựng nên Công viên Thống Nhất của 50 năm trước và những người đang ngày ngày gắn bó với Công viên Thống Nhất (Hà Nội) bày tỏ bức xúc: Công viên là của bao thế hệ dân Hà Nội, xin đừng cắt đất để bán!
"Người ta bán cả mồ hôi của thế hệ chúng tôi"!
Nhiều người trong đoàn quân thanh niên tình nguyện tham gia lao động công ích xây dựng công viên Thống Nhất vào những năm 50 của thế kỷ trước bày tỏ bức xúc khi biết tin có một "đại khách sạn" đã được khởi công ngay trong Công viên.
Ông Vũ Quang Minh (số nhà 111 C5, tập thể Kim Liên) nói: "Năm 1957, chúng tôi nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, của Chính phủ, rằng cùng nhau chung tay để xây đắp nên một chỗ nghỉ ngơi của người già, vui chơi cho các cháu, một công viên đúng nghĩa của nó".
Ông Vũ Quang Minh (Ảnh:H.L)
Như ông Minh, hàng ngàn thanh niên đã hăng say tham gia lao động công ích, đắp đập, vét hồ, trồng cây... đều đặn một tháng 3 buổi. Sau 2 năm, đã có một công viên thực sự, nơi này đặt tên là đảo dừa Nam Bộ, nơi trước kia trồng cây đa Bác Hồ...
"Giờ đây, chúng tôi đang được hưởng thụ chính sức lao động của mình bỏ ra thì người ta lại bán mất, cắt mất mà có ai thèm hỏi ý kiến chúng tôi lấy một câu đâu" - ông Minh bức xúc.
Ông nói tiếp: "Mấy ông bạn già chỉ biết bàn với nhau, ấm ức với nhau chứ có được gặp nhà chức trách bao giờ. Tôi nghĩ, nơi này là của dân, họ bán, nếu không lấy ý kiến của dân được hết, thì cũng phải hỏi ý kiến đại diện của đoàn thể, của hội. Như chúng tôi, là đại diện câu lạc bộ sĩ quan về hưu chẳng hạn. Thế mà...".
Có mặt trong đoàn thanh niên xây dựng Công viên Thống Nhất trong những năm 1957-1959, nên những người như ông Minh, ông Đối cho rằng, cắt đất xây khách sạn trong Công viên đồng nghĩa với việc ai đó bán đi những giọt mồ hôi vì lí tưởng của thế hệ các ông! - Ảnh tư liệu |
Ông Hà Ngọc Đối, một cựu sĩ quan công an, số nhà 306, tổ 40, phường Phương Liên cũng bức xúc: "Công viên là tài sản chung. Nó cũng là mồ hôi nước mắt của chúng tôi trong những ngày tháng lao động xã hội chủ nghĩa. Giờ vào Công viên, thấy họ thu tiền người này mà miễn phí người nọ đã bất công lắm rồi. Thế mà họ còn bán cả đất Công viên. Công sức thế hệ chúng tôi thành nơi kiếm tiền của kẻ khác. Bán vé cũng được, kinh doanh vui chơi cũng được, nhưng số tiền đó phải dành tu sửa, cải tạo Công viên".
Hầu như ngày nào cũng vào Công viên, ông thấy nó ngày càng tiều tụy. Chỉ có cái ghế cho các cháu ngồi bị gãy mà đợi mãi mới được thay. Ngày trước, ông trực tiếp xây cống thoát nước, những cái cống to, giờ thì nó tắc hết, không thoát được.
Ông Hà Ngọc Đối (Ảnh: H.L)
"Sao không lắp thêm đèn cho sáng? Sao không trồng thêm cây xanh, thay nước hồ? Mà cứ chăm chăm cắt đất bán, chặt cây xanh?" - ông Đối nói.
"Làm xiếc" sân bóng thành khách sạn?
Ông Nguyễn Văn Thơ, số nhà 27 Nguyễn Du cho biết, chỗ đang xây khách sạn ngay sau rạp xiếc vốn là một sân bóng rổ và trẻ em hay đá bóng ở đó. Rồi từ năm ngoái, người ta đem máy ủi, cần cẩu vào thi công khiến các cháu phải "dạt" sang chỗ khác.
"Tôi không hiểu nổi, một nơi thuần tuý nghỉ ngơi, tản bộ, vui chơi như công viên mà người ta lại cắt sân bóng để làm khách sạn. Khi mới xây, tôi cũng tưởng họ mở rộng rạp xiếc vì nằm ngay sau rạp xiếc, hoặc một khu trò chơi gì đó cho các cháu. Đến khi nghe báo chí nói đó là một khách sạn lớn liên doanh với nước ngoài thì họ đã bán xong xuôi rồi!" - ông Thơ buồn bã.
Thực tế hơn, anh Phạm Hoàng Thân, một doanh nhân người TP.HCM nhưng đã sống nhiều năm tại Hà Nội có nhà ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ cho hay: "Về thủ tục pháp lý, từ duyệt quy hoạch, đến có giấy tờ thuê đất hay giấy phép xây dựng một khách sạn lớn như thế nên chắc họ đã được nhiều cơ quan thẩm định".
Hầu hết người dân lo sợ, sẽ không chỉ 1 mà rồi có nhiều khách sạn nữa mọc lên trong Công viên Thống Nhất, xé nát không gian, cảnh quan của nơi nghỉ ngơi, tản bộ này (Ảnh:H.L) |
Tuy nhiên, anh Thân băn khoăn ở nhiều điểm: Trước hết, tại sao một dự án lớn như thế mà khi đã an bài, đã xây dựng thì nhiều người dân, thậm chí người dân quanh Công viên vẫn phải hỏi nhau: "Họ xây gì?".
"Tôi cũng từng biết một doanh nghiệp định biến công viên này thành "Disneyland", nhưng sau khi bị báo chí, dư luận lên tiếng đã phải dừng lại. Còn đằng này, khách sạn khởi công một thời gian, nhờ báo chí tôi mới biết đến. Phải chăng có gì khuất tất? Các nhà chức trách, khi cắt đất Công viên xây khách sạn, sao lại không tham khảo ý kiến những nhà chuyên môn về kiến trúc, môi trường?" - anh Thân đặt câu hỏi.
Thêm nữa, theo anh Thân, là một doanh nhân, ai cũng cần lợi nhuận, nhưng lợi nhuận, kinh doanh ở nơi khác thì được, chứ đem khách sạn vào trong công viên thế này sẽ phá vỡ hết cảnh quan, môi trường, sao dân chấp nhận được? Anh nói: "Bao nhiêu khu đất khác vẫn đang quy hoạch "treo" sao không xây dựng đi, lại đưa khách sạn vào nơi người dân đi bộ, thể dục".
Nhiều người dân hàng ngày qua lại Công viên bức xúc: Thực tế, năm ngoái, khi bắt đầu xây dựng, chưa có bức tường sắt cao kia, nước bẩn, chất thải xây dựng đã tràn qua đường chạy bộ, xuống hồ, ảnh hưởng đến vui chơi, nghỉ dưỡng của người dân rồi. Không hiểu, khi khách sạn hoàn thành sẽ như thế nào nữa?!
-
Hà Lê (ghi)