- Ông Trần Văn Tư, chủ vườn mai Tư Địa hớn hở: “Có lẽ năm nay ăn Tết ngon rồi. Bờ bao các con rạch và sông đã được gia cố chắc chắn”. Rồi ông xụi lơ khi hay tin: sẽ có đợt triều cường lớn vào 3 ngày Tết...
Nghe đâu có đợt triều cường...
Ông Tư đưa chúng tôi đi xem đoạn đê bị vỡ trong đợt triều cường vừa qua tại Cống Họ. Tại đây, hàng trăm mét bờ bao dài ngoằng uốn khúc đã đắp xong còn thơm mùi đất mới.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, trong 3 ngày Tết, gió mùa Đông Bắc với cường độ mạnh sẽ làm mực nước vùng hạ lưu sông Sài Gòn- Đồng Nai dâng cao. |
Bờ bao được đắp khá cao có thể ngăn được đỉnh lũ trên 1,5m. Không riêng gì bờ bao này, các bờ bao dọc theo rạch Bằng Hòn, dọc theo các con rạch ngang dọc chằng chịt trong các khu phố 1,3,4,6 cũng như bờ bao ngăn sông Vĩnh Bình thuộc khu phố 2 đều đã được gia cố vững chãi.
Tại khu vực thuộc dự án Daxaco, hàng trăm mét tường bao xây bằng gạch ống cũng đã được bịt kín các đầu gạch. Trước đây, nước triều theo lỗ gạch chui vào gây ngập nặng ở khu vực này.
Ở dự án 198ha của Công ty Vạn Phúc, UBND phường đã có ý kiến đề nghị công ty này phải đảm bảo không để xảy ra sự cố trong suốt thời gian bà con vui Xuân.
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Phước cho biết, phường Hiệp Bình Phước nằm trong một địa thế rất bất lợi. Bao bọc tứ phía là sông Sài Gòn, sông Vĩnh Bình, rạch cầu Ông Dầu và Rạch Đỉa. Hầu hết các bờ bao dọc theo hai bên sông rạch đều quá cũ và yếu. Bên trong còn hàng chục con rạch lớn nhỏ.
Mai ghép trồng chậu trị giá chục triệu đồng trơ lá. Ảnh: Lê Du An |
Trước đây khi còn là xã nông nghiệp, bà con nông dân vừa canh tác vừa gia cố đê bao nên ít xảy ra sự cố. Sau khi đô thị hóa, không còn hộ nông dân nên việc chăm sóc bờ bao có phần chểnh mảng, vì vậy thường xuyên xảy ra sụt vỡ.
Gần đây, UBND TP.HCM và quận Thủ Đức đã chỉ đạo chặt chẽ việc khắc phục và gia cố thật vững chắc bờ bao nhằm đảm bảo cho bà con ăn Tết trong an toàn, khô ráo.
“Nhưng biết có toại nguyện không. Nghe đâu sẽ có đợt triều cường trùng vào 3 ngày Tết với mực nước cao không thua đợt triều lịch sử hồi giữa 11/2008”- ông Trần Thanh Nam nói, giọng xụi lơ.
Buồn lẫn vui
Ông Tư, chủ vườn mai Tư Địa đưa chúng tôi đi tham quan vườn mai. Khoảng 4.000 gốc mai Tết của ông giờ đã trở thành... chà khô!
Đám mai mà ông đã tốn hàng chục triệu đồng thuê lặt lá giờ đây đã trơ cành khẳng khiu. Chỉ còn vài ngày nữa là Tết đến nhưng trên cành không xuất hiện một nụ hoa nào.
Nhìn cảnh vườn mai hiu hắt của ông Tư, một chút ngậm ngùi cho một người nông dân làm lụng cả một năm chỉ trông vào ba ngày Tết.
Hàng trăm triệu đồng nằm trong dự tính của ông đã tiêu tan. Con nước triều do vỡ bờ bao vào hai ngày liên tiếp 11 và 12/1 đã lấy đi những gì mà ông đã dày công chăm sóc suốt một năm qua.
Nhìn ông thẫn thờ chúng tôi cũng xót xa. Cùng cảnh ngộ như ông, tại phường Hiệp Bình Phước không phải là ít.
Ông Năm Liêm có 68.000 gốc mai dự trù thu 4 tỉ nhưng giờ đây chính ông muốn có một chậu chưng Tết cũng không biết lấy ở đâu. Chẳng lẽ nhà vườn mà đi mua mai về chơi Tết?
Cảnh dập dìu người ra kẻ vào chở mai tỏa đi khắp nơi trong thành phố giờ đã không còn. Những năm trước mai Hiệp Bình Phước có mặt hầu hết ở những điểm bán mai trong thành phố nhưng nay, nhiều thương lái vào đây rồi trở ra với hai bàn tay không. Mai đã không ra hoa vì ngập.
Ông Trần Văn Tư đứng trên một bờ bao mới vừa đắp xong nhưng vẫn không yên tâm khi nghe tin đợt triều cường lớn sẽ xuất hiện trong 3 ngày Tết. Ảnh: Lê Du An |
Theo UBND phường Hiệp Bình Phước, UBND quận Thủ Đức và thành phố vừa trao tặng nhằm hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại trong đợt lũ vừa qua 52 phần quà..
Có quà thì cũng mừng nhưng biết bao nhiêu cho vừa với công sức đã bỏ ra. Thôi thì đành vậy!. “Trời lấy thì trời cũng sẽ cho lại”- một nhà vườn khác tự an ủi mình cũng như an ủi những đồng nghiệp khác cùng cảnh ngộ.
-
Lê Du An