- Mua phải bánh mốc, ngậm bồ hòn mà ăn. Rút ví nhận giấy bị rút lõi, hãy bấm bụng dùng. Bởi cơ quan bảo vệ người tiêu dùng "hẻo" như lá mùa thu, vã mồ hôi gõ được cửa, thì cơ quan ấy cũng chỉ giúp được việc... trình cấp trên, hoặc đâm đơn thưa kiện.
Long đong "tố" giấy gian
Chị Huỳnh Hương Giang và những chiếc bánh chị cho là có những đốm đen bất thường. Ảnh: VNN
Theo đơn thư của chị Trần Thị Tuyết Mai (ở Q.7, TP.HCM) gửi đến hộp thư Bảo vệ khách hàng của VietNamNet (bvkh@vietnamnet.vn), chị vừa trải qua chặng đường dài tìm nơi khiếu nại về 4 ream giấy chị mua của Cty CPTM điện tử Thiên Phúc, theo chị, đã bị "rút lõi" trước khi đến tay người mua. Cụ thể, trong 4 ream đã mở ra dùng, 2 nhân viên của công ty chị đếm thấy số tờ khác nhau: 440 tờ, 430 tờ, 437 tờ, và 426 tờ/ream.
Chị Mai còn 2 ream đang dùng dở, cùng 1 ream khác còn nguyên bao bì chưa sử dụng, cũng mua của Cty Thiên Phúc, và theo chị, 3 ream này cũng có thể bị rút lõi bởi có chung trọng lượng với những ream giấy thiếu kia khi đem cân.
Buồn bực vì những ream giấy thiếu, ngày 29/11/2008 chị Mai gọi điện đến Cty Thiên Phúc xin gặp Tổng Giám đốc để trực tiếp phản ánh về sự việc, nhưng trong nhiều cuộc gọi, nhân viên công ty luôn hứa sẽ nhắn để Tổng Giám đốc Thiên Phúc gọi điện lại. Một tuần trôi qua, chị Mai không thấy Thiên Phúc hồi âm.
Ngày 4/12/2008, chị Mai gọi điện đến một tờ báo lớn; báo chỉ chị đến Phòng Bảo vệ người tiêu dùng trên đường Điện Biên Phủ. Người ở cơ quan này bày cách báo... công an.
Ngày 5/12/2008 chị Mai tìm đến Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương, văn phòng phía Nam trên đường Ký con) với hy vọng được quan hữu trách hỗ trợ đòi công bằng cho chị và thực thi biện pháp trừng phạt gian thương móc túi người tiêu dùng. Ở đây, theo thủ tục, chị nộp đơn, và được 1 cán bộ của Cục Quản lý cạnh tranh tiếp với kết luận: “Chị đã đến đúng nơi chị cần. Chúng tôi sẽ lưu ý và trình lên cấp trên sự việc này…”.
Đến ngày 22/12, câu trả lời cho chị Mai là sự im lặng. Chị không biết phải kêu đến cơ quan nào nữa mới thấu tai công lý, để những người tiêu dùng khác thoát nguy cơ mua phải giấy rút lõi như chị.
Vã mồ hôi kêu bánh mốc
Một trường hợp khác, chị Huỳnh Hương Giang, cũng đã rất lúng túng khi tìm nơi khiếu nại về hàng hoá mà chị cho là đã xui xẻo mua về. Bánh bông lan Phạm Nguyên, bao bì tử tế, còn hạn sử dụng, bán trong một siêu thị danh tiếng là Fivimart, nhưng chị lại thấy những đốm đen bất thường; có cái mốc trắng, xanh (ngay cả trong gói bánh Công ty đổi lại cho chị).
Do đại diện Công ty Phạm Nguyên không thừa nhận bánh đã mốc, ngày 19/12 chị Huỳnh Hương Giang điện thoại đến Văn phòng phía Nam Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng(VINASTAS) để hỏi thủ tục khiếu nại. Chị được tư vấn gửi công văn đến cơ quan này ở 49 Pasteur, Quận 1, TP.HCM, hoặc đến trực tiếp. Chị Giang hỏi: "Gửi email được không?", người đầu dây kia nói không.
Sợ vấp vào thủ tục hành chính nhiêu khê với những công văn viết tay tốn thời gian, chị Giang bấm 1080 để xin tư vấn nơi nhận thông tin khiếu nại giản tiện hơn. Nhưng 1080 lại chỉ chị đến siêu thị nơi chị mua hàng, và VINASTAS!
Chị Giang gọi đến đường dây nóng một báo lớn, nhưng thấy người tiếp chuyện qua điện thoại không được nhiệt tình. Thêm vào đó, bạn bè đều khuyên bỏ cuộc cho hết chuyện, chị thêm nản lòng bởi chặng đường chờ đợi, gửi công văn, và những phiền phức có thể xảy ra với công việc, cuộc sống riêng, chỉ vì chị đi thưa kiện.
Chị buồn bã cho biết: "Người lớn cẩn thận còn may mắn nhận ra, nhưng trẻ em, chưa có khái niệm thế nào là bánh mốc làm thế nào để tránh? Tìm cơ quan phân xử khiếu nại hàng gian, hàng rởm khó như hái sao trên trời, nếu ai cũng ngại "tố" hàng rởm, thì còn bao nhiêu người khác còn phải ngậm bồ hòn... ăn bánh mốc"?
Nhiều kiến, sẽ kiện được khoai?
64% người VN được hỏi không biết có Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng.
Trong 95% người tiêu dùng đặt vệ ATVSTP là điều quan tâm hàng đầu thì 88% trong số họ khẳng định không thể phân biệt được thực phẩm an toàn và không an toàn bằng mắt thường.
(Theo điều tra năm 2008 của VINASTAS)
TS. Hồ Tất Thắng - Phó Chủ tịch VINASTAS nhận định, người tiêu dùng (NTD) Việt Nam thường “ngại” khiếu nại và đòi bồi thường thiệt hại khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng và thiếu an toàn. Họ chỉ thường tự nhủ: sẽ chú ý hơn trong lần mua sau. Nếu có ý định khiếu nại, rất ít người chọn cách cầu cứu các cơ quan chức năng, nhà sản xuất, mà chủ yếu quay lại nơi bán hàng.
Theo ông Phó Chủ tịch VINASTAS, NTD nước ta là đối tượng chịu thua thiệt nhiều nhất hiện nay trong hầu hết các lĩnh vực từ thực phẩm, đồ uống, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm... đến các dịch vụ y tế, giáo dục, taxi... Nhưng khi các vụ vi phạm liên quan đến quyền lợi của NTD xảy ra, rất ít vụ NTD được bồi thường thỏa đáng, bởi VN hiện chưa có một toà án riêng chuyên bảo vệ NTD như nhiều nước. Ngay cả những vụ việc "động trời" như gian lận xăng dầu mới bị phanh phui trên toàn quốc, vụ sữa trộn chất melamine, hay vụ "nước tương đen" cách đây vài năm, chưa NTD nào được bồi thường.
TS. Thắng thừa nhận, VINASTAS, tuy được luật pháp cho phép đại diện cho NTD đứng ra khởi kiện, nhưng lại chỉ là 1 hội không có đủ chức năng để hoàn thành sứ mệnh bảo vệ NTD. Việc xử lý tranh chấp chỉ dừng lại ở mức độ hoà giải, các quyết định không mang tính pháp lý. Quy định pháp lý và chế tài xử lý hành vi vi phạm hiện tại không rõ ràng. Cách đánh giá mức độ thiệt hại và phạm vi trách nhiệm bồi thường chưa cụ thể, không phù hợp thực tế khiến NTD cứ mãi chấp nhận cảnh bị móc túi, khi mua từ mớ rau, lít xăng cho đến những tài sản lớn như chiếc xe, cái nhà.
Phó Chủ tịch VINASTAS khuyến cáo: Trong hoàn cảnh bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng quyền lợi, NTD hãy tự bảo vệ mình, bằng việc sử dụng quyền đòi hỏi sự minh bạch khi mua bán hàng hoá, đôi khi chỉ là những thông tin cực kỳ đơn giản như: chất lượng, đo lường, giá cả... và xem đó lại là những tiêu chí cần thiết kiểm tra tính trung thực, công khai của nhà sản xuất.
Cùng ý kiến với TS. Hồ Tất Thắng, PGS.TS Nguyễn Thị Khánh Trâm - Phó Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế) khẳng định, cách phòng chống "bị móc túi" hiệu quả nhất là NTD đòi quyền được dùng hàng chất lượng (đặc biệt là thực phẩm an toàn), biết khiếu nại và quyết tâm khiếu nại khi cần. Thông tin phản ánh công khai, minh bạch trên báo chí và với cơ quan chức năng của triệu triệu NTD cả nước về chất lượng các sản phẩm tiêu dùng sẽ trở thành làn sóng mạnh nhất tuyên chiến và "khai tử" nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ gian dối.
Nếu hàng triệu tiếng nói cùng cất lên, các cơ quan có trách nhiệm sẽ không còn ngồi bó tay, người dân (ví đã lép vì biến động giá cả và suy thoái kinh tế) không còn quen bấm bụng ăn bánh mốc và dùng giấy bị rút lõi...
Có "trọng tài" xác định bánh mốc, thực phẩm hỏng |
PGS.TS Nguyễn Thị Khánh Trâm: Đến thời điểm hiện tại, đã có 14 nhóm thực phẩm đã được Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn và bánh kẹo là một trong những nhóm này. Để nhận sản phẩm bánh kẹo còn chất lượng và đảm bảo an toàn cho người ăn, quan sát thôi chưa đủ; sản phẩm này nên được lấy mẫu, đem tới các trung tâm hoặc khoa kiểm nghiệm ATVSTP trực thuộc sở y tế tỉnh, thành (nếu là sản phẩm sản xuất trong nước) và Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế, nếu là hàng nhập khẩu). Trường hợp có tranh chấp giữa các kết quả kiểm nghiệm, thì Viện Dinh dưỡng sẽ cho kết quả cuối cùng. |
-
Quảng Hạnh
Nếu bạn chưa hài lòng về những sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng, hãy gửi bức xúc của bạn về cho chúng tôi! |