221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1139080
Phải nghiêm trị mọi hành vi xâm hại người tiêu dùng!
1
Article
null
Phải nghiêm trị mọi hành vi xâm hại người tiêu dùng!
,

 - Trước những ý kiến của độc giả gửi đến VietNamNet phản ánh tình trạng danh dự và tinh thần của họ bị xâm hại nghiêm trọng trong thời gian qua, ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng VN khẳng định: “Hiệp hội sẽ đứng về phía người tiêu dùng!”

 

- Từ trước đến nay, Hiệp hội có nhận được nhiều phản ánh của người tiêu dùng về những hành vi xâm hại tới danh dự và tinh thần của họ hay không, thưa ông?

 

- Những phản ánh của người tiêu dùng gửi đến Hiệp hội từ trước đến nay chủ yếu là những vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng thật, hàng giả, hàng không đảm bảo trọng lượng…, chứ chưa có những phản ánh về việc họ bị xâm hại đến tinh thần, danh dự. Nếu người tiêu dùng bị xâm hại đến thân thể, tinh thần thì nhất quyết phải khởi kiện ra toà, phải dùng biện pháp hình sự.

 

Nếu khách hàng có sơ suất gì thì có nhiều cách thức giải quyết, chứ nhất thiết không được dùng vũ lực. Dưới góc độ bảo vệ người tiêu dùng, chúng tôi cho rằng tất cả những hành vi xâm phạm tới quyền lợi và tinh thần chính đáng của người tiêu dùng, phải được nghiêm trị. Nếu tình trạng này không được xử lý thoả đáng, không có tác dụng răn đe sẽ có thể tái phạm.

 

Ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng VN: "Hiệp hội sẽ đứng về phía người tiêu dùng!". Ảnh: Kiên Trung.

 

- Trong vai trò, quyền hạn, chức năng nhiệm vụ của mình, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bảo vệ người tiêu dùng trên những lĩnh vực gì?

 

- Nói chung tất cả những lĩnh vực trong đời sống xã hội liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng đều thuộc trách nhiệm của hiệp hội. Những tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh nếu vi phạm đến quyền của người tiêu dùng được quy định trong Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng (ban hành năm 1999), Hiệp hội sẽ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng để bảo vệ. Tất nhiên, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không phải hoàn toàn là trách nhiệm của Hiệp hội mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm tự bảo vệ mình.

 

Trước những phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng gửi đến, Hiệp hội giải quyết bằng các biện pháp trên tinh thần hoà giải để quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết thoả đáng. Còn những vấn đề liên quan đến pháp luật, chúng tôi chuyển đến các cơ quan hữu quan có trách nhiệm xem xét. Với vai trò tư vấn, phản biện, giám sát xã hội, chúng tôi phát biểu, góp ý với các cơ quan nhà nước trong việc ban hành luật…

 

- Thời gian qua, rất nhiều vụ việc cho thấy quyền lợi người tiêu dùng VN bị xâm hại nghiêm trọng. Như thế có thể thấy, người tiêu dùng VN vẫn chưa phải “thượng đế”?

 

- Mặc dù các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đều nói như thế, nhưng tôi có thể khẳng định một điều là quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng bị xâm hại nghiêm trọng, thể hiện qua hàng loạt những vụ việc như hàng chục cây xăng được gắn chíp để gian lận khách hàng, hay những vụ việc như an toàn vệ sinh thực phẩm, sữa có Melamine; trọng lượng, khối lượng và thể tích của các hàng hoá đóng gói… Tất cả những vấn đề đó ảnh hưởng rất nhiều đến người tiêu dùng. Chúng tôi cũng kiến nghị Nhà nước sớm ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng để có chế tài đủ mạnh nghiêm trị những hành vi xâm hại đến người tiêu dùng.

 

- Trước hàng loạt những sự việc xâm hại đến quyền lợi người tiêu dùng như thế, Hiệp hội đã lên tiếng như thế nào?

 

Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng có một phòng riêng để tiếp nhận những phản ánh từ phía người tiêu dùng gửi đến. Ảnh: Kiên Trung

- Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi có kiến nghị với cơ quan nhà nước, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng trong việc lựa chọn những sản phẩm hàng hoá nào đảm bảo chất lượng cũng như số lượng cho phép…

 

Một số vụ việc nghiêm trọng, chúng tôi có văn bản gửi sang các cơ quan liên quan đề nghị điều tra khởi tố những hành vi vi phạm thương mại, vì những vụ việc như thế, xử phạm hành chính hay rút giấy phép đăng ký kinh doanh không có ý nghĩa răn đe, mà cần phải truy tố trước pháp luật.

 

- Các Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng ở các nước trên thế giới là các tổ chức độc lập, họ có vai trò rất lớn trong việc can thiệp, xử lý những hành vi xâm hại đến người tiêu dùng trên tất cả các góc độ. Vai trò Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng VN mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra các kiến nghị những cơ quan hữu quan, chứ chưa có thẩm quyền đưa ra các biện pháp xử lý?

 

- Là một tổ chức xã hội, chúng tôi có vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tuyên truyền nâng cao ý thức cho người tiêu dùng… Còn những vấn đề gì liên quan đến xử lý hành vi vi phạm, đó là thẩm quyền của Nhà nước.

 

Một thực tế, điều kiện hoạt động của Hiệp hội thời gian qua còn nhiều khó khăn, nguồn tài chính chủ yếu từ những dự án trong nước và quốc tế chứ chưa có một nguồn nào cố định. Nếu chính phủ có sự quan tâm tạo điều kiện cho Hội, tôi tin Hiệp hội sẽ có những hoạt động mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ người tiêu dùng.

 

Hiện nay Luật Bảo vệ người tiêu dùng đang được soạn thảo và sẽ thông qua năm 2010. Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng đã tham gia góp ý xây dựng luật. Tôi nghĩ, khi luật này được ra đời cùng với sự hoàn thiện của các văn bản pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, tôi nghĩ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được đảm bảo hơn.

 

- Theo ông, người tiêu dùng Việt Nam đã biết tận dụng lợi thế của mình để gây sức ép đối với doanh nghiệp trong những tình huống bị xâm hại về lợi ích hay chưa?

 

 

Vấn đề bảo vệ danh dự và nhân phẩm là một vấn đề phức tạp, ngoài khả năng của chúng tôi. Người dân bị xâm hại có quyền khiếu nại đến không chỉ riêng hội chúng tôi, mà có quyền phản ánh đến nhiều tổ chức, cơ quan pháp luật khác!

 
Ở Việt Nam, người tiêu dùng còn ở thế yếu. Từ trước đến nay, chưa có người tiêu dùng nào đứng ra khởi kiện doanh nghiệp, bởi nhiều lý do. Thứ nhất, người tiêu dùng không có thói quen đi khởi kiện. Thứ hai, trình tự, thủ tục cứng rất rắc rối. Và thứ ba, người tiêu dùng không có khả năng tài chính để hầu kiện.

 

Ở nước ngoài, nếu như người tiêu dùng khởi kiện, nhà sản xuất phải có trách nhiệm chịu những chi phí đứng ra chứng minh sự việc. Đằng này, ở Việt Nam, người tiêu dùng (nếu khởi kiện) phải tự mình chứng minh khả năng thiệt hại. Điều này, rõ ràng người tiêu dùng hoàn toàn bất lợi và không có khả năng thắng kiện.

 

- Nếu người tiêu dùng Việt Nam khởi kiện, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng sẽ luôn đứng về phía người tiêu dùng?

 

- Nghị định 55 của Chính phủ (ban hành năm 2007) về việc hướng dẫn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng 1999 cũng quy định tổ chức xã hội của người tiêu dùng có quyền đứng ra thay mặt người tiêu dùng khởi kiện, với điều kiện người tiêu dùng uỷ quyền. Trong một số trường hợp người tiêu dùng uỷ quyền cho hội và Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng có khả năng đứng ra điều tra, khảo sát, đánh giá chứng minh được đầy đủ việc người tiêu dùng bị xâm hại thì Hiệp hội sẽ đứng ra.

 

- Đối với những trường hợp cụ thể (như vụ việc khách hàng bị siêu thị BigC Đồng Nai xâm hại đến danh dự và tinh thần) mà họ không phán ảnh đến hiệp hội, nhưng đã được các cơ quan truyền thông phản ánh, Hiệp hội có quyền gửi công văn đến những đơn vị có hành vi sai trái đó hay không, xét dưới vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệp hội?

 

- Trên nguyên tắc chúng tôi chỉ phát biểu quan điểm của mình nếu như chúng tôi nhận được phản ánh của người tiêu dùng. Nếu nằm ngoài phạm vi quyền, nghĩa vụ của chúng tôi, chúng tôi sẽ tư vấn người tiêu dùng để họ phản ánh sự việc tới cơ quan chức năng.

 

Trong trường hợp này, nếu sự việc đúng như báo chí phản ánh, chúng tôi đề nghị các cơ quan hữu quan xử lý nghiêm, phải truy tố trước pháp luật để không để tái vi phạm như thế!

 

- Xin cảm ơn ông!

  • Kiên Trung thực hiện

 

 

Nếu bạn chưa hài lòng về những sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng, hãy gửi bức xúc của bạn về cho chúng tôi!
Đường dây nóng: (091)356-4657 hoặc (04)3772-2729 
Email: bvkh@vietnamnet.vn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>