221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1131415
Cò vé bao vây ga Sài Gòn
1
Article
null
Cò vé bao vây ga Sài Gòn
,
- Nhiều người mệt mỏi thất vọng vì không mua được vé tàu về quê ăn Tết. Trong khi đó, thị trường vé "chợ đen" hoạt động công khai, tấp nập. “Cò vé” tung hoành ngang dọc trong khuôn viên ga Sài Gòn lẫn ở ngoài sẵn sàng cung cấp vé cho khách có nhu cầu.  

“Cò vé” lộng hành
 

Vừa qua khúc cua đường Nguyễn Thông (Q3, TP.HCM) để vào cổng ga Sài Gòn, một nhóm cò vé áng trước đầu xe mời chào: “Mua vé không anh Hai, tụi em bán cho? Cần vé đi ngày nào, ga nào tụi em cũng có. Bảo đảm uy tín. Vào trong ga mua không còn vé đâu, anh Hai mua được tụi em cắn lưỡi chết trước mặt anh Hai...”.
Vé do "cò" Minh bán. Ảnh: Trần Duy

Vào đến cổng ga Sài Gòn, một nhóm “cò vé” khác đã chực sẵn ở đây từ bao giờ. “ĐM! Của tao. Đã phân chia địa bàn rồi còn giành khách của tao nữa sao!". Một “gã” (không biết nên gọi anh hay chị vì dân cò vé gọi là Linh “xăng pha nhớt”) gạt phăng nhóm ngoài cổng, kéo chúng tôi lại giở chiêu tiếp thị: “Nói thẳng nghen, tui hoạt động ở đây gần chục năm nay rồi, cần vé đi đâu, loại nào tui cũng có”.

Chúng tôi nói cần 4 vé, 1 vé đi ga Phủ Lý, Hà Nam vào 22 Tết và 3 vé đi Quãng Ngãi ngày 27 Tết.  Linh  nhanh chóng đưa ra giá: “Ngoài tiền mua vé, đưa cho tui tiền công tổng cộng là 750.000 đồng. Đặt cọc trước 100.000- 200.000 khoảng 15 phút sau sẽ có vé. “Mắc quá!”- chúng tôi chê. “ĐM! Mày không mua thì biến giờ không còn vé cho mày mua nữa đâu”.  
Chân dung "cò" Minh và trùm "đầu nậu" vé chợ đen. Ảnh: Trần Duy

Chúng tôi chạy xe vào bãi giữ xe gắn máy để gởi. Tại đây, “cò” Nhàn bỏ dở câu chuyện với nhân viên giữ xe đến bên chúng tôi mời chào. Chúng tôi cũng lặp lại yêu cầu như đã nói với Linh “xăng pha nhớt”.  Bà “Nhàn” khoảng 50 tuổi, người ốm nhom, nói giọng Huế sẵn sàng giảm giá cho chúng tôi. “Tiền công 4 vé là 600.000 đồng. Em đặt cọc 200.000 đồng còn bao nhiêu mai mốt lấy vé rồi chồng hết cho chị”. Chúng tôi đưa trước cho bà Nhàn 200.000 đồng. Bà nguệch ngoạc vào tờ giấy trắng học sinh dòng chữ “đặt cọc trước 200.000 đồng” rồi ký tên, ghi số điện thoại  012665795..

Từ bãi giữ xe, chúng tôi băng qua con lươn tiến về phía cổng sau của ga Sài Gòn. Cò Danh nhanh chóng rà theo. “Chừng nào đi?” - Danh hỏi. Chúng tôi nói đi Ninh Bình vào 26 Tết. “Mua thẳng Hà Nội rồi tới Ninh Bình xuống. Chịu tiền công 250.000 đồng/vé” -  Danh tư vấn và giải thích rõ hơn: “Mua vé từ đây đi Hà Nội 700.000 đồng thêm 50.000 đồng nữa là 750.000 đồng”.

“Có chắc là có vé không?”. Danh tỏ ra bực bội: “Sao không có vé. Không có vé sao dám lấy tiền công. Mỗi vé tính tiền cò 250.000 đồng là rẻ lắm rồi đó”.  

“Bao người”

Danh trông có vẻ cộc cằn. Gã là mẫu người không nên dây dưa, nhiều chuyện vì có thể gã sẽ nổi nóng bất cứ lúc nào. Chúng tôi từ chối mua vé của Danh, viện lý do để “dạo giá” thêm.
Ngân- một "cò vé" đang mời chào PV VIetNamNet. Ảnh: Trần Duy

Chúng tôi đi từ phía trong ga Sài Gòn ra, dáng lững thững như người thất vọng vì không mua được vé tàu Tết, “cò” Ngân “đánh hơi” thấy và bám theo ngay bắt chuyện: “Vé Ninh Bình thì tiền công hơi cao. Nếu lấy vé dịch vụ, chị sẽ đăng ký cho, lấy tiền công 150.000 đồng. Đến ngày đi em ra đây, công ty đưa vé cho em lên tàu ngồi đúng toa đúng ghế”.

Chúng tôi nói muốn lấy vé liền cho chắc ăn vì 5 năm nay chưa có dịp về quê ăn Tết với gia đình. “Lấy liền thì tiền công hơi cao, 250.000 đồng”  - Ngân vừa nói vừa thăm dò thái độ của chúng tôi.

“Đến ngày đi giao tiền hay trả tiền trước?”. “Đâu có, trực tiếp với nhân viên. Tức là đến Ninh Bình em trực tiếp trả tiền cho nhân viên. Chị chỉ ăn tiền công 150.000 đồng thôi”.
"Cò vé" mời chào khách mua vé tàu khách ngay trong khuôn viên ga Sài Gòn. Ảnh: Trần Duy

Chúng tôi hỏi thẳng Ngân có bảo đảm cho chúng tôi về được đến nhà hay không. “Tụi chị dân làm ăn kiếm tiền. Chị dắt coi nơi, nhà cửa đàng hoàng. Chị đăng ký cho em mấy giờ em lên, rồi nhân viên đưa vé cho em, em về tới Ninh Bình đưa thẳng tiền vé cho nhân viên. Chị dẫn em gặp nhân viên, nhân viên dẫn em lên tàu, đúng ghế, đúng vé thì em trả tiền” - Ngân bảo đảm chắc nịch. 

“Chị nhận tiền thì chị phải có trách nhiệm lo cho em từ đây đến Ninh Bình. Tụi chị dân làm ăn không phải dân lừa gạt. Nếu chị lừa gạt thì em cứ tới đồn công an thưa. Em lấy giấy hẹn ra (?)  là thấy tên, thấy mặt chị trong đó rồi. Ở đây chị làm ăn đàng hoàng. Được thì chị đăng ký cho, tiền bạc khỏi sợ. Tụi chị làm ăn có nơi có chỗ, tụi chị không làm bậy bạ đâu, làm ăn lâu dài chứ đâu phải ngày một, ngày hai. Đây là số phone của chị 090464063...”.

Chúng tôi hiểu Ngân đang nói đến cách đi “bao người”. Tức Ngân sẽ bắt mối với nhân viên nhà tàu, sau đó trao chúng tôi cho nhân viên này và lấy tiền hoa hồng. Tiền vé sẽ do chúng tôi thỏa thuận với nhân viên tàu.

Gặp “trùm cò vé”

“Cò vé” tại ga Sài Gòn hoạt động quanh năm suốt tháng và đặc biệt “nở rộ” vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Những người như Linh, Ngân, Mai, Nhàn... mà chúng tôi gặp trong khuôn viên ga Sài Gòn chỉ thuộc loại “tép riu”, “cò con”. Đằng sau hệ thống “chân rết” cò là những “đầu nậu” vé. Họ chính là người chi phối hoạt động mua bán vé “chợ đen” tại khu vực ga Sài Gòn.

Qua một nguồn tin riêng, chúng tôi bắt mối được với cò Minh (số điện thoại 09561682...) và đặt vé đi Đà Nẵng vào 23 Tết, loại vé ngồi mềm, tàu TN4 với giá 700.000 đồng. Trong đó, Minh lấy trên 200.000 đồng “tiền cò”.

Với loại vé này, phải khó nhọc và mệt mỏi mới mong mua được vé qua con đường chính thức là nhắn tin lấy số thứ tự tại ga Sài Gòn. Nhưng Minh khẳng định với chúng tôi: “Ông muốn mua bao nhiêu vé cũng có. Không những ngày này, mà có cả vé đi trong những ngày cao điểm từ 26 đến 28 Tết âm lịch của bất kỳ ga nào”.

Sau khi mua tấm vé này để tạo lòng tin của Minh, chúng tôi tiếp tục đề nghị mua thêm 10 vé đi Quảng Ngãi vào ngày 27 Tết. Minh dẫn chúng tôi vào con hẻm trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, nằm đối diện với cổng vào ga Sài Gòn. Ở đây, có khá nhiều “cò vé” đang ngồi uống nước giải khát, hoặc bận rộn nghe điện thoại đặt vé.
Cò đang ngã giá với PV VietNamNet. Ảnh: Trần Duy

Con hẻm này từ nhiều năm nay là “đại bản doanh” của dân cò vé ga Sài Gòn. Nó nằm ở vị trí đắc địa. Nếu có bị công an truy quét có thể dễ dàng thoát ra nhiều con đường khác.

Minh dẫn chúng tôi gặp “đầu nậu” tên Loan, một phụ nữ đẫy đà, trạc 50 tuổi. Bà Loan giơ ra hàng chục vé nằm gọn lỏn trong chiếc mũ vải. Cầm một chiếc vé đi vào ngày cao điểm lên xem thử, chúng tôi nhận thấy vé còn mới, chưa hề ghi số chứng minh nhân dân. Điều này có nghĩa, nếu được bán ra, khách sẽ tự ghi số chứng minh nhân dân của mình vào vé và dễ dàng lọt qua khâu soát vé vào những ngày cao điểm Tết một cách hợp pháp.

Bà Loan nói nhà ở gần đây, cần bao nhiêu vé cũng có. Nhưng bà rất cảnh giác giật ngay chiếc vé chúng tôi đang xăm xoi trên tay.

Chia tay Minh và “đầu nậu” Loan, hẹn vào ngày khác sẽ đem tiền ra lấy vé, Minh “bỏ nhỏ” khi “đánh hơi” thấy chúng tôi sẽ là “khách ruột”: “Tụi cò vé ở đây cũng có năm bảy đường. Như tui lấy của ông 200.000 đồng/vé đâu phải mình tui ôm trọn mà còn phải chia cho đầu nậu, đầu mối lấy vé, bảo vệ... Có những đứa mà ông gặp trong ga cũng là “cò” nhưng tụi nó chỉ là “cò con” thôi. Toàn tụi nghiện, bụi đời kiếm chút tiền để mua thuốc chích cho đỡ cơn nghiền. Tin tụi nó có ngày bán nhà”.

Minh tỏ ra thật lòng nói ban đầu tiếp xúc, anh ta không tin chúng tôi lắm. “Nhưng nếu như mấy ông là hình sự (cảnh sát hình sự) đi chăng nữa tui cũng không sợ” - Minh lém lỉnh.

Trong quá trình thực hiện điều tra nạn đi vé chui, trong đầu thời điểm tháng 11/2008, nhóm PV VietNamNet đã từng mục sở thị hình thức “bao người” này.

Sau khi “cò vé” bắt mối thành công, họ sẽ gọi cho nhân viên tàu. Nhân viên này sẽ mang hành lý của chúng tôi lên toa tàu đã chỉ định trước. Chúng tôi chỉ cần mua vé tiễn để vào cổng. Sau khi đưa chúng tôi lên tàu, nhân viên đường sắt sẽ nhường hẳn buồng nghỉ cho chúng tôi.

Sau khi đến ga Diêu Trì để xuống Quy Nhơn, nhân viên này mới lấy tiền công. Khâu gay go nhất là phải qua khâu soát vé ở cửa ra. Nhân viên tên Mai (số điện thoại 090578706...) đưa cho chúng tôi mật hiệu: “Người nhà toa 3”. Và quả thực chúng tôi đã qua cổng soát vé trót lọt.

Nghe Ngân nói, chúng tôi đặt ra nghi vấn: “Phải chăng trong dịp Tết năm nay, nhân viên đường sắt sẽ sử dụng hình thức này để thâu tóm tiền vào túi của cá nhân. Cách này một người sẽ không làm được mà phải có một đường dây, trong đó có sự liên kết và ngầm thỏa thuận với nhau”.

Khi chúng tôi cung cấp về thông tin này, Trưởng ga Sài Gòn Nguyễn Thị Thanh Phương cho biết, có tình trạng như chúng tôi phản ánh nhưng những nhân viên này không thuộc quyền quản lý của ga Sài Gòn mà của Xí nghiệp khác thuộc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn.

Bà Phương cho biết theo quy định của ngành đường sắt, nhân viên được cấp buồng riêng để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động để phục vụ hành khách. Việc tùy tiện nhường buồng cho hành khách đi tàu chui là vi phạm vào nội quy của ngành đường sắt.

  • Trần Duy - Hà Dịu

Bài 2: Chân dung cò vé ga Sài Gòn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,