221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1121263
Giấc mơ thoát nghèo từ bauxite và hậu hoạ khôn lường
1
Article
null
Bài 1:
Giấc mơ thoát nghèo từ bauxite và hậu hoạ khôn lường
,

 - Nếu dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên triển khai, mỗi năm ngân sách có thêm 1.500 tỷ đồng, nhưng lợi ích trước mắt này liệu đã đủ lớn, để có thể chấp nhận tất cả rủi ro? Và cách đây hơn 20 năm, dự án này từng bị hủy bỏ.

Cuộc tranh luận “tóe lửa” giữa các chuyên gia, nhà khoa học về “dự án khai thác và chế biến bauxite  ở Tây Nguyên”, của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), vẫn chưa đi đến hồi kết. Tại đây, có phản biện phủ nhận hoàn toàn việc khai thác quặng bauxite  trên vùng này, nhưng cũng có ý kiến luyến tiếc, nếu “tài nguyên không được khai thác”.

Với mục đích của dự án đề ra, Việt Nam có thể nhanh chóng trở thành cường quốc nhôm trên thế giới, mà theo nhiều chuyên gia, đủ để thấy, TKV quá tham vọng và thực sự liều lĩnh.

Tham vọng

Dự án có vốn đầu tư dự kiến từ 172 – 227 tỷ USD, với tổng cộng 10 dự án lớn, móc hàng triệu tấn bauxite  dưới lòng đất lên mỗi năm, chế biến alumin tại các nhà máy trải dài từ Bảo Lộc – Di Linh (Lâm Đồng), đến Đăk Nông, qua Bình Phước. Dựng các nhà máy điện phân nhôm, xây dựng cả tuyến đường sắt Tây Nguyên – Bình Thuận, và một cảng biển chuyên xuất khẩu nhôm Việt Nam ở Bình Thuận.

Riêng Đăk Nông, nơi có trữ lượng bauxite  dự báo lớn nhất cả nước, chiếm 60% tổng trữ lượng quốc gia, tập trung đến 4 dự án.

Trụ sở của Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ, thuộc TKV, khai thác bauxite  ở tỉnh Đăk Nông.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, (từng lấy bằng kỹ sư mỏ Đại học bách khoa Teskent, Liên Xô, năm 1977; hoàn thành Tiến sĩ Đại học Mỏ Moscow, Nga, năm 1986) hiện là Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng, thuộc TKV, phân tích:

“Nhôm không phải là nguyên liệu chiến lược, có thể thay thế bằng nguyên liệu rẻ tiền khác như sắt, thép, gỗ, nhựa, giấy,… Trong khi đó, nhu cầu về nhôm trong nước không lớn, mà thị trường thế giới cũng không khan hiếm. Việt Nam còn là nước có nền kinh tế chậm phát triển, nhưng đã có quy hoạch phát triển một ngành kinh tế bauxite  – nhôm để dẫn đầu thế giới như thế này, thì quá tham vọng”, Tiến sĩ Sơn nói.

Ông Sơn cho rằng, việc phát triển ngành nhôm là hướng đi không hiệu quả, chứa đựng rất nhiều rủi ro, không chỉ trên thị trường, mà còn đẩy đến các nguy cơ tàn phá môi trường, và các hệ lụy kéo theo từ việc khai thác bauxite .

“Về thị trường, đó không phải là mặt hàng quan trọng, thậm chí khó có thể cạnh tranh về giá so với Trung Quốc và Úc, chứ chưa nói đến thị trường. Trong khi đó, toàn bộ tài nguyên bauxite  chưa được đánh giá đúng mức, số liệu không thống nhất. Các dự án đều triển khai đồng loạt ở vùng rất nhạy cảm về môi trường, ở những nơi đang có tình trạng thiếu điện, nước trầm trọng, mà việc khai thác và sản xuất bauxite  thì rất cần nhiều năng lượng”, ông Sơn khăng khăng khẳng định không nên triển khai dự án.

Liều lĩnh

Thực ra, việc khai thác quặng bauxite  ở Tây Nguyên không phải đến giờ mới được đặt ra, mà trước đó, vào những năm của thập niên 80, khi chúng ta còn là thành viên của COMECON (Hội đồng tương trợ kinh tế của các nước thuộc hệ thống XHCH những năm 1949 – 1991), vấn đề này đã được đưa ra nghiên cứu.

Vào thời điểm đó, các thành viên của tổ chức này thực sự có nhu cầu về quặng bauxite , để đẩy mạnh công nghiệp hóa quốc phòng. Đặc biệt là Liên Xô, đang rất thiếu nguồn tài nguyên này.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tế, COMENCON đã quyết định không triển khai dự án bauxite  ở Tây Nguyên, mà thay vào đó, đã giúp Việt Nam triển khai các dự án trồng chè, cà phê, cao su.

Bởi, COMENCO cho rằng, nếu triển khai dự án tại Tây Nguyên, hậu quả về môi trường sẽ rất lớn, đặc biệt là nguồn nước, sẽ đẩy vùng này trở nên khó khăn hơn với việc thiếu nước. Bên cạnh đó, hệ sinh thái sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, đến khí hậu của toàn vùng Nam Trung Bộ, hạn hán kéo dài và lũ lụt sẽ thường xuyên hơn.

Việc khai thác bauxite  để sản xuất nhôm sẽ để lại hậu quả rất xấu cho môi trường.

Về mặt kỹ thuật, để sản xuất, khai thác bauxite  sẽ phải thải ra khối lượng bùn đỏ (red mud) khổng lồ, mà việc giữ nó ở trên cao nguyên là việc làm không thể, thiếu an toàn. Đặc biệt, việc khai thác quặng bauxite  ở vùng Tây Nguyên không thể giúp Việt Nam phát triển bằng các dự án khác, như cao su, cà phê, chè,…

Ngoài ra, khai thác quặng bauxite  tiềm ẩn quá nhiều rủi ro kéo theo nó, từ thảm thực vật, môi trường đất, nước, không khí đến địa hình đều bị sự tác động lớn, nếu việc khai thác ồ ạt quặng bauxite  diễn ra.

Đặc biệt là nguồn nước, Đăk Nông là nơi bắt nguồn của nhiều nhánh sông, suối đổ vào hệ thống sông Đồng Nai, mà đây là nguồn sống của không chỉ người dân Đông Nam Bộ. Nếu sự ô nhiễm sông Đồng Nai, được ví như mạch máu của Đông Nam Bộ, thì không khác gì, hàng chục triệu người dân vùng này bị bức tử. Đó là chưa kể bụi phát sinh trong quá trình khai thác, vận chuyển bauxite , là nguy cơ rất lớn lên sức khỏe cộng đồng và gia súc, gây ra mưa axit,…

Dự án khai thác bauxite  tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, không khí và biến đổi môi trường, khí hậu( Ảnh: HG)

Cụ thể hơn về hậu quả trước mắt cả việc khai thác quặng bauxite , Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Trung Thuận, Đại học Quốc gia Hà Nội, dẫn chứng tác động đến môi trường từ mỏ Tân Rai, tỉnh Lâm Đồng, được nghiên cứu từ năm 1998. Theo ông Thuận, chỉ riêng thiệt hại tài nguyên cây trồng trong 20 năm đầu do hoạt động khai thác và tuyển quặng gây ra là khoảng 1.804 tỷ đồng.

Đã 20 năm sau, một lần nữa, dự án khai thác bauxite  vùng Tây Nguyên được lật lại, nhưng trong bối cảnh khác, với tham vọng lớn hơn, và nguy cơ về hiểm họa lớn hơn, khi vấn nạn về môi trường vẫn đang làm đau đầu cả hệ thống.

Vấn đề hiện tại, có thực sự cần thiết, để nỗ lực trở thành “cường quốc… nhôm”? Có thực sự cần thiết phải lấy tất cả những gì từ lòng đất lên, miễn nó là tài nguyên, để khai thác, làm giàu?

  • Hoài Giang

Bài 2: Mỏ quặng bauxite ở Tây Nguyên, nên làm “của để dành”!

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;