- Khu di tích lịch sử Làng Cả (Việt Trì - Phú Thọ) đã được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia năm 2007. Nhưng hiện tại, một phần của hồ “phong thủy” thuộc khu di tích lại là nơi chứa nước thải của nhà máy Miwon.
Di tích Làng Cả nay thuộc địa phận phường Thọ Sơn - Thành phố Việt Trì - Phú Thọ, cách Hà Nội khoảng 52km, vốn là một quả đồi thấp, diện tích khoảng 1,8km2. Những năm 1970, nhà máy Miến-Mì chính được phép ủi phẳng quả đồi. Nhiều di vật ngẫu nhiên phát lộ, đưa đến hai cuộc khai quật "chữa cháy" vào năm 1976 và 1977. Qua đó, giới khảo cổ phát hiện ra một di tích có khả năng chứng minh một cách thuyết phục sự tồn tại và phát triển của kinh đô Văn Lang thời các vua Hùng và cả thời kỳ tiền Hùng Vương.
Trao đổi với PV VietNamNet ngày 5/10, ông Lưu Văn Cân, tổ 3, phố Hồng Hà, phường Tiên Cát (TP.Việt Trì – Phú Thọ), người sống từ nhỏ ở Làng Cả cho biết: “Làng Cả là một khu di tích thiêng với nhiều giá trị văn hóa của dân tộc, nhưng hiện tại Miwon đã “chiếm” mất một phần ba diện tích, trong đó có một phần là hồ chứa nước thải. Điều này khiến khu di tích đang mất đi giá trị nguyên sơ của mình”.
Hệ thống xả thải của Miwon đã làm người dân xung quanh "khốn khổ" gần 2 năm trời - Ảnh: Tuyết Nhung
Được biết, năm 2006 tổng diện tích mà Miwon xin cấp thêm là 62.700 m2, trong đó có tới 30.000 m2 “ăn lẹm” vào khu di tích Làng Cả.
Lúc đó, bất chấp những phản đối của dư luận và ngành văn hóa địa phương, UBND tỉnh Phú Thọ vẫn đồng ý cho Miwon sử dụng 13.000m2 đến 15.000 m2 trong diện tích tổng thể khu di tích để làm hồ xử lý nước thải của nhà máy.
Một người trong khu vực bất bình: “Việc các công ty, nhà máy phát triển là tất yếu, xong không phải vì thế mà thiếu tôn trọng những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc. Việc Miwon biến phần đất di tích thành hồ chứa nước khiến người dân chúng tôi hết sức bức xúc!...”.
Song, do quyết định phải "nhường đất" cho Miwon, nên dự án phải xoay xở trong 3,5 ha còn lại, tức là mất đi một nửa!
Sau 40 năm kể từ khi di tích này phát lộ, chính quyền địa phương không hề quan tâm đến việc đăng ký bảo vệ di tích Làng Cả, kể cả là công nhận di tích cấp tỉnh!
Vì lẽ đó, khu di tích không được bảo vệ bởi Luật di sản văn hóa, dẫn đến chuyện Miwon xin phép được mở rộng vào đất của làng.
Đến năm 2007, sau một năm hồ xử lý nước thải đã được Miwon đưa vào sử dụng, thì UBND tỉnh Phú Thọ mới ra quyết định số 592/QĐ UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết khu di tích KCH Làng Cả.
Một nhà khảo cổ học tại Phú Thọ cho biết: “Tôi rất buồn trước việc một phần khu di tích Làng Cả bị biến thành hồ chứa nước thải, nhất là khi đã được rất nhiều người cảnh báo. Trong điều kiện đất nước phát triển, có nhiều công ty nước ngoài vào đầu tư nhưng không phải vì thế mà bỏ qua những giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc”. Đợt khai quật lớn tại Làng Cả vào cuối năm 2005 đã phát hiện 22 mộ táng có niên đại trên 2500 năm. PGS.TS Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ học VN) nhận định: "Các mộ táng thuộc thời kỳ Hùng Vương này đã khẳng định tại đây là một trung tâm kinh tế lớn bậc nhất của nước ta thời dựng nước". Tính đến nay Làng Cả đã phát lộ 314 ngôi một cổ. Tại đây còn tìm thấy nhiều hiện vật đặc trưng văn hoá Đông Sơn có niên đại 2300 năm như rìu, mũi giáo, đồ dùng bằng đồng, bình, vò gốm...
Vì sao Miwon lại dễ dàng dùng hồ phong thuỷ của di tích Làng Cả làm nơi chứa nước thải? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề này.
-
Vũ Điệp - Trà My