- Sau khi bị phát hiện xả thải gây ô nhiễm ra sông Hồng, Miwon thừa nhận đã gây ô nhiễm về mùi cho người dân xung quanh. Tuy nhiên, đại diện Miwon lý giải rằng, đó là do "sự cố". Sự lý giải của Miwon đã không thuyết phục được người dân, những người hơn 1 năm nay phải "khốn khổ" vì mùi hôi thối bốc ra từ ống xả thải của Miwon.
Công ty Miwon hiện nay được tiếp quản từ Nhà máy Miến, Mì chính Việt Trì cách đây khoảng hơn chục năm. Sau khi tiếp nhận, Công ty Miwon tiếp tục sản xuất các sản phẩm bột canh, mì chính, tương ớt… Năm 2006, công ty này bắt đầu sử dụng công nghệ lên men và đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Và mặc dù hệ thống nước thải chưa hề được cấp phép, Miwon vẫn đưa vào vận hành vào tháng 11/2007.
Kể từ khi hệ thống nước thải mới của Miwon được đưa vào sử dụng không phép, người dân xung quanh bắt đầu phải sống trong sự ô nhiễm, khi mà hằng ngày, ở các đường cống xả thải cứ ào ào đổ ra thứ nước thải đen xì, bốc mùi hôi thối.
Nước thải đen ngòm chảy ra sông Hồng từ ống xả của Miwon. Ảnh: T.N |
Ngày 30/9, đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện Phòng CSMT - Công an tỉnh Phú Thọ, Phòng Quản lý môi trường - Sở TNMT tỉnh Phú Thọ và Trung tâm Quan trắc và bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ đã đến nhà máy kiểm tra, lấy mẫu nước thải về kiểm nghiệm.
Trong cuộc trao đổi mới đây với báo chí, ông Lee Dong Joon, Giám đốc Nhà máy Miwon Việt Nam thừa nhận việc Miwon đã gây ra ô nhiễm về mùi cho người dân xung quanh.
Tuy nhiên, lý giải cho việc gây ô nhiễm, ông này cho rằng, "đó chỉ vì sự cố nhỏ trong toàn bộ hệ thống xử lý nước thải của Miwon". Theo ông Lee, trung bình mỗi ngày Miwon xả ra sông Hồng 150m3 nước thải nhưng đã qua xử lý của hệ thống cũ.
Miwon cho rằng, "sự bức xúc của người dân xung quanh nhà máy về mùi là do quá trình khắc phục xử lý nước thải về mùi còn kém, gây ra mùi khiến người dân cảm thấy bức xúc".
Giải thích thêm về nguyên nhân gây mùi khó chịu, Miwon cho rằng: "Nước thải của Miwon từ quá trình sản xuất lên men mật rỉ đường và tinh bột sắn. Mùi sinh ra trong quá trình lên men trên và quá trình phân giải các chất hữu cơ do vi sinh vật, nên khi ngửi vào cảm thấy rất khó chịu".
Hệ thống xả thải của Miwon đã làm người dân xung quanh "khốn khổ" gần 2 năm trời. |
Toàn bộ nước thải công nghiệp của nhà máy đầu tiên được tập trung vào các bể chứa. Sau đó đưa vào xử lý cả ở hệ thống cũ và mới rồi mới xả ra môi trường.
Biện minh cho những sai phạm của mình, Miwon "đổ lỗi" cho bên thi công: Hệ thống nước thải mà chúng tôi sử dụng đó là đang chạy thử. Đơn vị thiết kế và thi công trạm xử lý nước thải này đã cố gắng nhưng trạm xử lý mới vẫn chưa thể phát huy được năng lực mong muốn. Để khắc phục về mùi, ngày 10/9, Miwon đã hủy hợp đồng với đơn vị thi công trạm xử lý nước thải trước đây để tìm đơn vị mới có chuyên môn hơn.
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Ngô Quý Thiệu, Trưởng phòng PC36 - Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, từ trước đến nay PC36 Phú Thọ chưa hề nhận được phản ánh nào từ phía người dân.
Giải thích cho điều này, ông Thiệu cho rằng, có lẽ do Phòng CSMT cũng mới được thành lập, nên người dân chưa biết đến sự tồn tại của nó.
Tuy nhiên, trong một lần đi kiểm tra, Phòng CSMT nhận thấy Miwon có dấu hiệu vi phạm về quản lý rác thải nguy hại. Sau đó CSMT đã cùng cơ quan chức năng tiến hành lấy 4 mẫu nước ở 2 điểm: điểm chảy tràn ở hồ sinh học trước khi ra ngoài môi trường và điểm ngoài ống xả thải phía bờ sông Hồng. Tuy nhiên đến giờ, vẫn chưa có kết quả.
Ông Thiệu cho biết, theo lời khai từ phía Miwon, mỗi ngày công ty này xả ra môi trường 150m3 nước thải. Nhưng, thực chất nước thải đó bị ô nhiễm mức độ nào và liệu có đúng là Miwon chỉ thải ra 150m3/ngày đêm thì còn phải chờ kết quả điều tra.
Ông Thiệu cũng khẳng định, Miwon đã vi phạm khi mà chưa được cấp phép đã đưa vào sử dụng hệ thống xả mới. CSMT cũng đã yêu cầu Miwon phải có biện pháp khắc phục, đảm bảo nước xả thải an toàn ra môi trường. Để thực hiện yêu cầu trên, Miwon đã giảm 30% công xuất để giảm lượng nước thải.
-
Tuyết Nhung