- Một đêm băng rừng, ngược lên phía rừng phòng hộ xã Ia Chía, Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), chứng kiến việc càn sát thú và đốn hạ gỗ ở đây, mới thấy rừng bị con người tàn phá thê thảm. Vùng rừng bị chặt phá thuộc các tiểu khu đã có chủ.
Những cây gỗ nhóm I đường kính 1,5m-2m ở rừng Ia Chía bị đốn hạ. Ảnh: Lê Văn Nhung |
Đêm sát thú
“Đoàng”! Một tiếng nổ khô khốc xé rách màn đêm tĩnh mịch. Ánh sáng chớp loè lên như một vết cắt giữa không gian rồi lặng mất hút. Tiếng con thú kêu lên thảm thiết.
Một con hoẵng chừng 25 ký bị một vết đạn ca-lip-đu xuyên qua cổ nằm chết ngay tại chỗ. Những con hoẵng con đang bú mẹ bỏ chạy tan tác.
Nhóm săn bốn người đến điểm tập kết. Sau đó, hai người tách ra một mũi đi theo hướng khác. Tuy là một xạ thủ nhiều kinh nghiệm, nhưng đêm nay, mũi phía Ét vẫn không thể hạ gục con hoẵng khác vì nó lớn quá.
Cả đêm Ét cứ theo vết máu con hoẵng nhưng cuối cùng đành bỏ cuộc. Chỉ vào họng súng còn khét lẹt, tay thợ săn tên Bin cho biết, loại súng này bắn đạn chùm, đã bắn thì khó con nào chạy thoát. Đạn lại dễ mua và rẻ, chỉ cần một trăm rưỡi ngàn đồng đến các điểm bán đồ thể thao tại TP.Pleiku là có mười viên và mua bao nhiêu cũng có.
Ét nói, dù có kinh nghiệm nhưng đôi khi đi lả cả người trong đêm cũng đành thất bại vì bây giờ quá nhiều người đi săn. Để những mầm non cây cỏ gọi bầy thú về, đầu những tháng mùa mưa, người đi rừng thường tìm cách cho lửa cháy bén những thảm thực vật qua một mùa khô hạn.
Đó cũng là lý do tại sao hàng năm vẫn có nhiều vụ cháy rừng ở khu vực Ia Chía, Ia O, Ia Meur, Ia Puch… Khi những cơn mưa ùa về, những mầm sống nhô lên cũng là lúc những tay thợ săn (dù không chuyên) ôm súng lên rừng… sát thú. Bầy thú, bất kể lớn nhỏ, đều rơi vào tầm ngắm.
Việc săn bắt thú rừng dù có nghiêm cấm gắt gao nhưng nhiều người vẫn không từ bỏ vì cái lợi rất lớn. Đó là chưa kể thú vui của một số cán bộ có trách nhiệm. Có người giấu cả súng trong rừng, khi nào cần đi săn họ chỉ việc vào rừng lấy súng ra sử dụng. Ét còn giải thích thêm: Thế mới thấy thịt rừng không bao giờ thiếu ở thành phố hay ở trung tâm các huyện, thị xã, dù các quán đã đề biển cam kết với ngành kiểm lâm “không mua bán thịt thú rừng”!
Tan hoang rừng
Săn bắn thú đã thế, còn việc chặt phá rừng thì có lúc âm ỉ có lúc bùng phát. Mất nhiều giờ đồng hồ, len lỏi vào một số địa điểm thuộc hai tiểu khu 344 và 433, lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai, dù các tiểu khu này thuộc rừng phòng hộ và đã được đóng cửa rừng cấm khai thác trên dưới 10 năm nay nhưng tình trạng phá rừng làm rẫy và lấy gỗ vẫn diễn ra.
Những gốc cây ứa nhựa đỏ vàng, dường như rừng cũng đang nhức nhối trước sự tàn phá khốc liệt không mảy may thương tiếc. Càng vào sâu những con dốc cao, càng thấy nhiều loại cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi như gõ mật (gụ mật), cà te, hương… có đường kính từ một đến hai mét bị “xẻ thịt”. Lá cây queo quắp lại nhưng vẫn còn xanh như một sự trăn trở cuối cùng với rừng trước sự vô cảm của con người.
Và bị xẻ thịt thành từng mảnh. Ảnh: Lê Văn Nhung |
Bin vừa tiết lộ, chính quyền khó ngăn chặn người địa phương vào phá rừng làm rẫy bởi cán bộ cũng chặt cây lấy gỗ quý. Bin giải thích: “Gỗ quý đã được chấm “toạ độ”. Bằng chương trình trồng cây sao xanh xen lẫn rừng quản lý, người ta biết những loại cây này nằm ở vị trí nào, và chủ rừng cũng biết.
Từ đó, cán bộ cho khai thác rồi tìm cách vận chuyển ra. Cho nên dân địa phương nói cán bộ lấy cây to được thì họ chặt cây nhỏ làm rẫy, nếu không họ sẽ tố giác”.
“Đồi dốc thế này thì làm sao vận chuyển ra?” - “Họ đưa xe bò nghé, việc gì mà chẳng làm được”. Xe bò nghé là loại xe tương tự như xe bò vàng chuyên kéo gỗ nhưng nhỏ hơn. Loại xe này có hai đầu tời, một đầu giữ không cho xe tuột dốc, một đầu kéo gỗ ra.
Từ khu vực rừng phòng hộ Ia Chía và Ia O ra, phải qua một trạm gác có một kiểm lâm viên địa bàn và các cán bộ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai, tổng cộng 6 người lúc nào cũng túc trực, nhưng gỗ vẫn lọt qua.
Bó tay?
Ông Bùi Văn Nghĩa, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ia Grai, cho biết: Huyện Ia Grai quản lý hơn 55 ngàn héc-ta rừng, trong đó có hơn 17 ngàn héc-ta rừng phòng hộ. Còn lại là rừng sản xuất. Biên chế của Hạt chỉ có 18 cán bộ nên lực lượng “cắm” chốt ở địa bàn quá mỏng, trong khi Ia Grai có tới 13 xã, thị trấn có rừng. Ông Nghĩa nói rằng mới được điều động về phụ trách Hạt từ trước Tết Nguyên đán nên chưa nắm hết!
Theo Hạt trưởng Nghĩa, thời gian qua có vài vụ phá rừng làm rẫy chứ không có trường hợp nào khai thác gỗ trái phép, có chăng vào những năm trước đó(!); việc săn bắn thú rừng lại càng… không có(?)
Ngược lại, với trách nhiệm của chủ rừng, mặc dù chúng tôi đã nhiều lần liên lạc để đăng ký làm việc với ông Ngô Càn Thanh - Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai, nhưng rất tiếc ông Thanh vẫn tìm cách thoái thác. Vì vậy mà vẫn chưa có ai lý giải được, Ban quản lý rừng phòng hộ thường xuyên phải đi thị sát kiểm tra, quản lý rừng như thế, nhưng tại sao vẫn nhiều loại cây nhóm I hàng chục năm tuổi, thậm chí cả trăm năm vẫn bị đốn hạ.
Có thể thấy, việc xử lý hàng loạt các vụ vi phạm phá rừng làm rẫy thời gian vừa qua thực chất chỉ một phần bề nổi của tảng băng chìm.
-
Lê Văn Nhung
Ý kiến bạn đọc: