221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1099990
Những "góc khuất" trên vựa lúa ĐBSCL
1
Article
null
Những 'góc khuất' trên vựa lúa ĐBSCL
,
 - Vùng ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước, xưa nay được biết đến là nơi dễ kiếm sống bởi thiên nhiên ưu đãi nhưng đời sống của  những hộ nông dân nghèo, ít đất đai làm ăn thì sao?

“15.000m2 đất mà không nuôi nổi 5 miệng ăn. Xứ này bây giờ người ta không đói là nhờ con chứ không nhờ ruộng!”, anh nông dân Mười Tâm buồn bã nói.

Nhà anh Mười Tâm, tức Võ Thành Tâm, 48 tuổi nằm lọt thỏm giữa vùng thuần nông huyện U Minh thuộc ấp 11, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau. Cái tổ ấm được xây dựng bằng chỉ ba trăm ngàn đồng này từ hơn 1 năm qua lạnh lẽo bởi cảnh cha xa con, vợ xa chồng cũng bởi… nghèo.
 
Ông Mười Tâm tiếc nuối khi xem những tấm giấy khen của đứa con trai út vừa bỏ học năm lớp 6 của mình.

Xa nhà đi tìm kế mưu sinh
Anh Mười kể về chuyện làm ruộng. Kể đến đoạn mùa mưa năm 2007, giọng anh đứt quãng như trẻ con tức tưởi sau trận đòn roi. 
 
Cơn mưa kéo dài trong tháng 08/2007, đã nhấn chìm tất cả số lúa đang độ trổ đòng đòng của nông dân xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Sáng ra ruộng, trông cái cảnh nước láng đồng, anh Mười ngồi bệt xuống đám cỏ trên bờ ruộng, nước mắt rơi lã chã. Anh biết rồi các con anh sẽ phải đi xa để tìm kế mưu sinh cho cả nhà, bởi thất trắng vụ này thì không còn đường sinh sống.
 
Vợ chồng ông Tư Mạch lo lắng cho bầy con sẽ bỏ học sớm vì ít đất khó mà vượt được cái nghèo.
 
Ba ngày sau, con gái lớn của anh là Võ Thị Mộng Mơ đã gạt nước mắt chào cha mẹ: “Con lên thành phố làm công nhân, sẽ gửi tiền về cho cha mẹ đều. Cha đừng lo nữa, không đói đâu!”. Sau đó vài tháng, con trai anh là Võ Văn Mến cũng phải khai tăng thêm 2 tuổi để khăn gói theo bạn bè lên Biên Hòa làm công nhân chế biến gỗ.

“Bây giờ, mỗi tháng 2 con tôi gửi tiền về được 1 triệu đồng. Nhờ vậy mà không bị đói”, anh Mười nói. Nhưng anh lại canh cánh một nỗi lo khác…

Anh kề tai nói nhỏ: “Bà Năm T. xóm này bây giờ khổ lắm! Có hôm thiếu gạo, bả ăn mì gói trừ cơm. Hai đứa con của bả đi làm ăn một thời gian đã có vợ có chồng ở trên thành phố luôn rồi, không còn gửi tiền về cho bả nữa”. Rồi anh nói thêm khi liên hệ tới tình cảnh gia đình mình: “Nói ra thì có tội với con, chứ tôi rất sợ chúng nó lập gia đình sớm. Nói thiệt, bây giờ có ai đến hỏi cưới nó, tôi không gả đâu… Gả nó chết tui!”
 
Anh Mười tâm sự rằng luôn thấy mình có tội với các con. Các con anh đều ham học, nhưng đều phải nghỉ sớm ở lớp 6 vì hoàn cảnh gia đình nghèo.

Vân vê mấy tấm giấy khen của con trai Võ Văn Mến, anh tiếc nuối: “Nó học năm nào cũng tiên tiến. Thằng út Võ Minh Luân cũng vậy, ham học “dữ” lắm. Năm kia cho nó nghỉ học vì không tiền mua quần áo, sách vở. Nó khóc mấy ngày, tôi cũng khóc! Còn con gái lớn nhà tôi nay đã 20 tuổi, nhiều lần người ta đến hỏi cưới. Tôi đã tìm cách từ chối để nhờ vả nó thêm vài năm nữa. Tôi có lỗi với con mình!”

Chỉ một điều duy nhất khiến anh Mười thấy an tâm với cuộc sống hiện tại là cả xóm đều vậy. “Bà con sống được, thì tui sống được!” - anh cười gượng nói. 

8 ngày công = 8 ký gạo 
 
Cách nhà anh Mười Tâm non kilomet, vợ chồng anh Nguyễn Văn Mạch (Tư Mạch) đang đội nắng xới đất trồng rau ở trước sân nhà, đàn con 5 đứa nheo nhóc bu quanh. Anh có tiếng giỏi giang, không biết nhậu nên nông dân ấp 11, xã Nguyễn Phích bầu làm chính quyền nhiều năm qua.
 
Vợ chồng ông Tư Mạch làm lụng không ngày nghỉ nhưng vẫn không thoát được cái nghèo.
 
Trước, thời còn tập đoàn, anh làm tập đoàn trưởng, hơn 1 năm qua anh sang làm phó công an ấp. “Nói ra thì xấu hổ, làm phó công an ấp mà năm nào cũng phải đi hỏi vay lúa, gạo ăn. Tôi đã xin nghỉ làm mấy lần rồi, nhưng anh em xã nhờ giúp thêm một thời gian để tìm người thay thế. Cũng gắng thôi chứ anh em nhờ biết làm sao”.
 
Nhà anh Tư Mạch không có món gì đáng giá 100.000 đồng. Cái bàn gỗ dài giữa nhà anh chỉ có một băng ghế, mọi người phải ngồi chung, hướng mặt về một phía, nói chuyện mà không thể nhìn được mặt nhau.
 Ông Võ Văn Mách, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau cho biết: “Dân cư ấp 11 mới được chuyển giao về xã chúng tôi từ các lâm ngư trường vừa giải thể. Nguyên nhân căn bản khiến bà con nơi đó nghèo là do ít đất sản xuất. Ít đất mà vẫn phải bám đất để sống - thực trạng đó đang khiến cái nghèo đeo bám nông dân - một thực trạng nhức nhối ở nông thôn ngày nay”.
Chị Võ Bé Năm, vợ anh Tư Mạch ngồi trên bộ ván phía sau lưng chúng tôi nói: “Vợ chồng tôi về đây làm ruộng cả chục năm, nhưng chưa năm nào vắng cảnh chạy gạo mùa giáp hạt. Có năm phải hỏi vay lúa ăn đến 30 giạ. Mới hôm kia, tôi hỏi 2 công cấy, được 8kg gạo, vừa ăn hết sáng nay. Nói các chú đừng cười chứ chiều nay chưa biết kiếm đâu ra gạo ăn!”.

Để cấy 2 công đất, anh chị phải làm mấy ngày? “Ít nhất là 4 ngày, tính ra đến 8 ngày công” - anh Mạch đáp.
 
Cái nghèo đã đeo bám anh và đang tiếp tục bào mòn tương lai các con anh.

Con trai lớn của anh là Nguyễn Thành Luân đã nghỉ học 3 năm nay khi mới vừa hết lớp 9. Nó nghỉ vì một “sứ mệnh”: đi ở mướn. Nhờ nó đi ở mướn giá rẻ - 300.000 đồng/tháng mà anh mượn được 5 chỉ vàng về chuộc lại đất đai. Mỗi tháng nó còn gửi cho anh được 150.000 đồng để mua gạo nuôi các em thơ của nó.

Anh buồn bã: “Đời tôi khổ cực quen rồi, chỉ thương cho các con. Vì nghèo, rồi thì tụi nó cũng sẽ học hành chẳng tới đâu”.

Con gái thứ 3 của anh Nguyễn Tuyết Kha đang bồng em trai út còn bú sữa đứng góc nhà. Nó lắng nghe câu chuyện mà ánh mắt đỏ hoe.

Ước mơ trên lưng gà
 
Anh Mạch cũng có chút học hành (lớp 9), thế nhưng bài toán làm nông dân anh giải mãi không ra. “Làm nông dân xưa đã khó, nay, trong thời buổi vật giá leo thang ngày càng khó hơn. Năm nào tôi trúng lúa thì thất về giá lúa, còn năm làm thất bát thì phải mua gạo ăn với giá trên trời. Cái điều mà nông dân chúng tôi bó tay nữa là phụ thuộc ông trời. Mưa thuận gió hòa thì làm có ăn, có mặc. Trời cho no thì no, cho đói thì đói, nông dân không ai cãi nổi”.
 
Mỗi hộ gia đình chỉ hơn 1ha đất trồng lúa, nông dân ấp 11 xã Nguyễn Phích, huyện U Minh bao năm qua bị cái nghèo đeo bám và chưa hứa hẹn ngày buông tha.

Anh Mười Tâm cũng rút được một kinh nghiệm xương máu rằng: “Ấp này có 119 hộ dân, chỉ có không tới một chục hộ không nghèo. Đó là các ông Bùi Minh Luân, Nguyễn Văn Hòa, Tám Tình, Tư Gân… trong đó một ông khá được nhờ trước đây có đất trong khu quy hoạch bị giải tỏa, được đền tiền. Còn lại là khá nhờ có con lớn đi làm ăn xa gửi tiền về. Chưa thấy ai khá, giàu nhờ ruộng lúa. Nên rõ ràng, làm nông dân không thể nào giàu được nếu như mỗi hộ chỉ có vài héc ta như dân ấp chúng tôi. Thử đi hỏi hết xóm này xem, những gia đình không có con đi làm ăn xa hoặc có thêm nghề khác hỗ trợ thì đều nghèo “dữ dằn”!”.

Mười Tâm còn chỉ ra thêm cái thế bí của nông dân vùng này. Đó là nước ngập không có đường xổ ra, thiếu nước không biết lấy đâu bổ sung vào.

“Còn nữa, khi thiếu ăn, vay 1, tới mùa lúa trả 2, 3 lần. Nó rút rỉa nông dân thêm nghèo khó” - anh Mạch nói.
 
Và hai ông “Hai lúa” Mười Tâm và Tư Mạch đều có cùng một kế hoạch thoát nghèo là nuôi cá. Kế hoạch của Tư Mạch: “Tôi sẽ đào phân nửa ruộng mình để nuôi cá bống tượng và cá chình. Tôi coi ti vi thấy khắp nơi người ta nuôi hai loại cá này giàu luôn. Để có vốn nuôi cá, tôi đang tính chuyện nuôi vịt”.

Còn Mười Tâm thì đang mơ ước nuôi cá đồng. Mười Tâm nói về kế hoạch vốn của mình: “Tôi đã nuôi được 25 gà, nay đã gần 1kg. Mới đổ xuống một bầy vịt 15 con. Thành công số gà vịt này, tôi có chút vốn sẽ nuôi thêm một đợt nữa, quy mô lớn hơn. Nếu thành công nữa thì tôi đào ao nuôi cá đồng ngay.”

Mong sao dịch cúm gia cầm đừng “viếng” Cà Mau nữa để các anh được thỏa nguyện ước mơ trên những tấm lưng gà, vịt. 
  • Bài và ảnh: Chí Hạo
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,