- Hiện nay, trung bình mỗi tháng phía Nam có 500 ca tay chân miệng phải nhập viện. Theo số liệu của Viện Pasteur, từ đầu năm đến nay, 20 tỉnh phía Nam có 10 ca chết vì tay chân miệng, gấp 2 lần so với số tử vong vì sốt xuất huyết.
Một ca tay chân miệng 5 tháng tuổi đang điều trị tại khoa Nhiễm - BV Nhi Đồng 1. Ảnh chụp ngày 13/5. Ảnh: H.Cát |
Ngày 14/5, ThS. BS Lương Chấn Quang - Khoa Y tế Công cộng, Viện Pasteur TP.HCM đã đưa ra cảnh báo: Diễn biến của tay chân miệng phức tạp hơn bệnh sốt xuất huyết. Không phải trẻ nào cũng xuất hiện những bóng nước đặc trưng. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường không sốt hoặc sốt nhẹ. Những biến chứng thần kinh như giật mình, chới với trong giấc ngủ rất khó phát hiện.
Ngoài ra, những ca nặng có biến chứng thần kinh hoặc viêm não, được cứu sống cũng khó có thể dự đoán được di chứng lâu dài.
Dựa trên số liệu của Viện Pasteur, từ đầu năm đến nay, 20 tỉnh phía Nam có 10 ca chết vì tay chân miệng, gấp 2 lần so với số tử vong vì sốt xuất huyết. Trong 10 ca tử vong vì tay chân miệng, 7 ca là của TP.HCM.
Theo BS. Quang, dịch tay chân miệng đã bùng phát dữ dội lần đầu tiên ở TP.HCM vào năm 2003 sau đó là vào năm 2006. Mặc dù vậy, hệ thống giám sát bệnh tay chân miệng ở các tỉnh gần như không có; tận cuối năm 2007 vừa qua, khi dịch bùng phát trở lại.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, chỉ có khoảng 7/20 tỉnh thành phía Nam mới có những báo cáo giám sát bệnh tay chân miệng khá đầy đủ. Cụ thể, Bến Tre: 215 ca, Cần Thơ: 124 ca, Đồng Nai: 197ca, Đồng Tháp: 322 ca, Kiên Giang: 261 ca, TP.HCM: 1018 ca, và Vĩnh Long: 220 ca.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng phía Nam có 500 ca tay chân miệng phải nhập viện.
Viện Pasteur cũng mới chỉ bắt đầu hình thành hệ thống giám sát bệnh tay chân miệng vào đầu năm 2008. Tuy nhiên, qua các số liệu chủ yếu từ 3 bệnh viện lớn của TP.HCM, gồm BV Nhi Đồng 1, BV Nhi Đồng 2, BV Bệnh Nhiệt đới, năm 2007 tổng số ca là 2988, tăng 30% so với năm 2006.
Trong khi đó, theo Sở Y tế TP.HCM, số ca tử vong vì tay chân miệng vào năm 2007 là 16 ca, trong khi năm 2006 chỉ có 3 ca. Tính đến ngày 8/5, trên toàn thành phố có 755 trẻ mắc bệnh tay chân miệng.
Tình hình bệnh tay chân miệng xuất hiện khắp các quận huyện trên địa bàn thành phố. Bệnh xảy ra chủ yếu ở những trẻ dưới 36 tháng tuổi (lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo). Bệnh lây truyền trực tiếp qua tiếp xúc nước bọt, dịch tiết mũi họng, dịch bóng nước, phân của người bệnh.
Các chuyên gia về dịch tễ học cho rằng, nguyên nhân dịch bệnh bùng phát là do có thể vệ sinh môi trường không tốt vào mùa mưa, đẩy mạnh sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh và tăng tính lây lan trong cộng đồng.
Bệnh thường do virus Coxsackie 16 và Enterovirus 71 gây ra. Đặc biệt Enterovirus 71 có khả năng gây biến chứng thần kinh nặng và tử vong.
Nhận dạng triệu chứng khác nhau giữa sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng Bệnh sốt xuất huyết: trẻ thường sốt cao từ 2 - 7 ngày. Hạ sốt bằng cách cho trẻ uống acemol, lau mát bằng nước ấm. Cho trẻ uống nhiều nước (nước chín, nước trái cây, nước biển khô...). Nếu có một trong những dấu hiệu sau cần nghĩ đến Sốt xuất huyết nặng và đưa trẻ đến bệnh viện: Lừ đừ, bứt rứt - Lạnh tay chân thường là vào ngày thứ tư, thứ năm của bệnh, nhất là khi trẻ hết sốt. - Ói nhiều - Đau bụng - Chảy máu bất thường: xuất huyết dưới da, máu mũi, ói máu, tiêu phân đen... Bệnh tay chân miệng: Trẻ sốt, loét miệng, nổi hồng ban có bóng nước ở bàn tay, bàn chân, gối hoặc mông. Việc theo dõi trẻ phải kéo dài từ 7 - 10 ngày. Khi có một trong những triệu chứng sau cần nghĩ đến bệnh tay chân miệng nặng và phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay: sốt cao, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, chới với, run giật tay chân, co giật, nôn ói nhiều, bỏ bú, yếu liệt tay chân, da nổi bông. |
-
Hương Cát