221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1040961
Không luật nào cấm Việt kiều bán nhà này, mua nhà khác!
1
Article
null
Không luật nào cấm Việt kiều bán nhà này, mua nhà khác!
,

 - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam trao đổi với VietNamNet nhiều vấn đề xung quanh dự thảo Nghị định sửa đổi về việc người Việt Nam định cư tại nước ngoài mua nhà ở trong nước mà Bộ này vừa hoàn tất, trình Chính phủ...

Ai chỉ sở hữu 1? Ai được sở hữu nhiều?

- Thưa Thứ trưởng, dự thảo Nghị định sửa đổi về việc người Việt Nam định cư tại nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cơ bản khác trước ở điểm gì? Thứ trưởng có thể cho biết lý do sửa đổi?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: - Như chúng ta đã biết, Nghị định 90/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở được Chính phủ ban hành ngày 6/9/2006 qui định cụ thể nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực nhà ở. Hiện nay, sau hơn 1 năm các địa phương trong cả nước triển khai thực hiện Luật Nhà ở và Nghị định này, một số vướng mắc đã phát sinh, cần nghiên cứu, sửa đổi để phù hợp với thực tế. Đó là lý do cần phải có thêm Nghị định sửa đổi Nghị định 90/2006/NĐ-CP mà Bộ XD trình Chính phủ lần này.

1

Tất cả những người có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam đều được Nhà nước bảo hộ như nhau (Ảnh: Hoàng Huy).

Cụ thể về vấn đề Việt kiều sở hữu nhà trong nước, Nghị định sửa đổi sẽ bổ sung một số qui định liên quan đến các đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Bộ XD dự kiến trình Chính phủ qui định, giải thích rõ những đối tượng nào được sở hữu nhà trong nước theo Luật Nhà ở, bởi có rất nhiều loại đối tượng khác nhau như: người có quốc tịch Việt Nam, người vẫn còn quốc tịch Việt Nam, người gốc Việt Nam...

Trong đó, có trường hợp được sở hữu nhiều nhà ở như người Việt Nam đang sinh sống trong nước, có trường hợp lại chỉ được sở hữu 1 nhà ở. Tuy vậy, Nghị định 90 (kể trên) lại chưa có qui định rõ đối với từng đối tượng khiến nhiều địa phương vướng mắc khi thực hiện.

- Tính ưu việt của những qui định mới về vấn đề người Việt Nam định cư tại nước ngoài mua nhà ở trong nước sau khi đã sửa đổi là gì, thưa Thứ trưởng?

- Trước hết cần khẳng định, Nghị định sửa đổi lần này không chỉ hướng dẫn cụ thể Luật Nhà ở về vấn đề mua nhà của bà con Việt kiều mà còn điều chỉnh cả qui định về quyền sở hữu nhà ở thông qua việc tặng, cho, nhận thừa kế nhà ở của người Việt Nam định cư tại nước ngoài nữa!

Ngoài ưu điểm sẽ qui định cụ thể trường hợp Việt kiều nào được sở hữu nhiều nhà ở, trường hợp nào chỉ sở hữu 1 nhà (như đã nói ở trên) - Nghị định sửa đổi đồng thời qui định cụ thể các loại giấy tờ chứng minh nhân thân của người Việt Nam định cư tại nước ngoài làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đảm bảo sau khi Nghị định được ban hành, bà con Việt kiều có thể thực hiện được ngay mà không cần phải chờ hướng dẫn riêng như Nghị định 90 trước đây đã qui định.

1

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam (Ảnh: H.H).

Nhà nước sẽ bảo hộ như nhau!

- Điều 5 Luật Nhà ở qui định Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của chủ sở hữu nhà ở. Đối với người trong nước thì quyền này tương đối rõ, tuy nhiên đối với bà con Việt kiều mua nhà ở tại Việt Nam thì Nhà nước sẽ bảo hộ đến đâu và bằng hình thức nào?

- Những ai là chủ sở hữu nhà ở đều được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu, Luật Nhà ở không phân biệt nhân thân chủ sở hữu là ai: người trong nước hay Việt kiều định cư tại nước ngoài... nếu được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam và thực tế là chủ sở hữu của căn nhà đó thì đều được Nhà nước bảo hộ như nhau.

Bà con Việt kiều nếu thuộc diện được sở hữu nhà ở theo pháp luật nhà ở và đã có nhà ở tại Việt Nam thì đều có các quyền và nghĩa vụ như người Việt Nam trong nước nêu tại điều 21, 22 Luật Nhà ở. Nếu các quyền này bị vi phạm, chủ sở hữu nhà ở có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, bảo vệ quyền sở hữu của mình.

- Thứ trưởng có thể cho biết, với những người thuộc diện được sở hữu 1 nhà ở tại Việt Nam nhưng vì lý do gì đó phải bán căn nhà đó đi, vậy có được tiếp tục mua nhà khác không?

- Theo qui định của Luật Nhà ở, những người thuộc diện được sở hữu 1 nhà ở tại Việt Nam thì trong cùng một thời gian chỉ được sở hữu 1 nhà ở. Pháp luật không có qui định cấm mua nhà ở khác nhưng nếu họ đang sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì không được sở hữu nhà ở thứ hai.

Lượng Việt kiều có nhu cầu, đủ điều kiện mua nhà không lớn

- Để tạo môi trường sống hợp lý, sau khi các qui định trên đi vào đời sống, trong qui hoạch xây dựng chúng ta có dự định hình thành những khu nhà ở riêng biệt cho Việt kiều không, hay họ muốn mua nhà và sống ở đâu tùy thích?

- Hiện nay, không có qui định nào hạn chế khu vực bà con Việt kiều có thể mua nhà ở, bởi vấn đề này liên quan đến quyền cư trú, đi lại... Bà con Việt kiều có quyền lựa chọn những địa điểm, khu vực phù hợp với cuộc sống cũng như khả năng tài chính của mình, chỉ những khu vực Nhà nước cấm hoặc hạn chế đi lại mới không được mua và sở hữu nhà ở.

TIN LIÊN QUAN

Ý tưởng về qui hoạch các khu nhà ở dành riêng cho Việt kiều cũng đã được đề cập khi nghiên cứu soạn thảo Luật Nhà ở, tuy nhiên nếu thực hiện theo ý tưởng này sẽ dẫn đến nhiều vấn đề không phù hợp cả về chính sách và hoạt động quản lý của Nhà nước.

- Hiện tổng quỹ nhà ở trong nước khoảng gần 900 triệu m2, trong đó quỹ nhà ở đô thị xấp xỉ 300 triệu m2 với diện tích bình quân 10,5m2/người. Định hướng phát triển nhà ở dự kiến đến 2012 đạt khoảng 15m2/người. Vậy kế hoạch phát triển nhà ở này đã tính đến quỹ nhà dành bán cho Việt kiều và người nước ngoài thời gian tới chưa, thưa Thứ trưởng?

- Hiện nay có khoảng 3 triệu người Việt Nam đang sinh sống khắp nơi trên thế giới, gồm cả những người định cư lâu dài, những người sang nước ngoài học tập, sinh sống trong một thời gian nhất định... Thống kê sơ bộ đến lúc này, lượng bà con Việt kiều cũng như người nước ngoài có nhu cầu và đủ điều kiện sở hữu nhà tại Việt Nam không lớn, do vậy dự báo cũng không tác động nhiều đến việc tăng quỹ nhà ở cho các đối tượng này.

Mặt khác, rất nhiều dự án nhà ở của chúng ta đang triển khai xây dựng, bình quân hàng năm tại các đô thị trên cả nước xây dựng được 35 triệu m2 sàn nhà ở và còn tăng nhanh trong thời gian tới. Như vậy, trong định hướng nhà ở đến 2012, Nhà nước ta cũng đã tính đến việc xây dựng quỹ nhà để phục vụ bà con Việt kiều và người nước ngoài tại Việt Nam.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

  • Tràng An Nguyễn (thực hiện)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,