- Theo báo cáo của 14 nước trên thế giới với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến thời điểm hiện tại Việt Nam là nước có tỷ lệ người nhiễm cúm A/H5N1 cao và xếp thứ 2 về tỷ lệ tử vong do loại virus này.
Bệnh nhân cúm A/H5N1 nguy kịch. Ảnh: VNN |
Báo cáo cho thấy, Việt Nam đang là nước có tỷ lệ người nhiễm virus cúm A/H5N1 thuộc hàng cao nhất (tính lũy 105 trường hợp nhiễm kể từ ca nhiễm đầu tiên tháng 11/2003). Về tỷ lệ tử vong, đã có 51 người thiệt mạng do cúm A/H5N1, chỉ xếp sau Indonesia.
Theo báo cáo nói trên, đến nay thế giới có 370 người nhiễm cúm A/H5N1, trong đó 236 trường hợp đã tử vong. Các chuyên gia y tế nhận định, tỷ lệ tử vong ở người do nhiễm virus cúm A/H5N1 là rất cao.
Còn hiện nay, tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia không ghi nhận bệnh nhân nghi nhiễm virus cúm A/H5N1 cũng như người mắc.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 5/3, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định, trong thời gian qua dịch cúm ở Việt Nam diễn biến phức tạp. Trên gia cầm liên tiếp xuất hiện các ổ dịch mới, còn trên người hầu hết các ca mắc đều tử vong. Những trường hợp mắc cúm A/H5N1 tử vong đều tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh và nhập viện với tình trạng bệnh khá nặng.
Sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do gia cầm chưa được kiểm soát được chặt chẽ, người dân chủ quan, lơ là trong việc tiêu thụ, sơ chế biến gia cầm. Trong khi thời điểm hiện nay, trời đang chuyển mùa, chim di cư nhiều; dịch cúm dễ lây lan và bùng phát.
Một lần nữa, Bộ Y tế đưa ra lời cảnh báo với người dân, tuyệt đối không sử dụng, tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh. Người dân không nên chủ quan và phải luôn luôn tuân thủ 4 biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm trên người theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Cũng tại cuộc họp, TS Nguyễn Trần Hiển cho biết thêm, bên cạnh virus cúm A/H5N1, trong quá trình phân loại bệnh phẩm của 2 tháng đầu năm 2008 cúm B cũng là chủng virus lưu hành nhiều. Còn virus Rhino xảy ra trên trẻ em tại các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã điều tra. Kết quả cho thấy, bệnh nhi bị viêm phổi tử vong có liên quan tới virus Rhino hầu hết là những trẻ suy dinh dưỡng, hệ thống miễn dịch kém. Tất cả các trẻ sơ sinh ở đây đều bị bỏ rơi, nhẹ cân, suy dinh dưỡng hoặc có các dị tật bẩm sinh. Đây là các yếu tố nguy cơ khiến cho các loại virus dễ dàng xâm nhập vì các cháu không được bú sữa mẹ, hệ miễn dịch kém.
-
Lệ Hà