Các nhà máy là nguyên nhân gây ô nhiễm nước ở TP.HCM. |
Báo cáo UBND TP.HCM hôm qua (15/1) về tình hình ô nhiễm trên kênh Tham Lương, Sở KH-CNMT TP.HCM cho biết, qua khảo sát, 40 doanh nghiệp thải ra kênh khoảng 19.000m3/ngày trong đó 10.000 tấn chất ô nhiễm. Hầu hết cơ sở sản xuất vẫn chưa xử lý nước thải.
Kiểm tra đột xuất một số công ty, nhà máy (Dệt Thành Công, Dệt Thắng Lợi, Dầu Tân Bình, Dầu Tường An, Thực phẩm Vifon, Vifon - Acecook) tuần qua phát hiện, các doanh nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải. Tổng lưu lượng nước thải ở các doanh nghiệp này rất lớn, khoảng 15.000m3/ngày đêm và thành phần các chất ô nhiễm có trong nước thải rất cao, vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.
Thạc sĩ Lê Văn Khoa, Phó phòng Quản lý môi trường thuộc Sở KH-CNMT TP.HCM cho hay, dòng nước ô nhiễm phía hạ lưu khó có khả năng tiến sâu về thượng lưu, nhưng vùng thượng lưu (nơi cung cấp nước cho TP.HCM), lại có tác nhân dầu gây ô nhiễm đáng kể. Hoạt động giao thông thuỷ cùng nước thải vệ sinh công nghiệp... trên sông Đồng Nai đẩy vết dầu loang xuống sông làm mức độ ô nhiễm dầu mỡ trên sông vượt xa tiêu chuẩn cho phép với nguồn nước sinh hoạt. Tại hầu hết các điểm quan trắc trên sông Sài Gòn, đều phát hiện ô nhiễm dầu; hàm lượng ôxy hoà tan (DO) giảm mạnh từ năm 1997 đến nay và chưa từng đạt chuẩn nguồn nước loại A; ô nhiễm do các chất dinh dưỡng cũng ở mức cao.
Gần đây, TP.HCM triển khai nhiều dự án vay vốn nước ngoài giải quyết ô nhiễm các kênh như: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hũ - rạch Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ... nhưng đều trong tình trạng chờ tiền... trong khi tốc độ ô nhiễm luôn ''chạy'' nhanh hơn.
UBND TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Nai vừa ký thoả thuận hợp tác lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hai địa phương đóng vai trò chủ động phối hợp với các tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ để sớm hình thành ''Đề án tổng thể bảo vệ môi trường nước lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai''.
(Theo Thanh Niên)