Thói quen ăn tiết canh vào buổi sáng đã khiến nhiều người lâm vào trọng bệnh. Anh N và gia đình đã vô cùng hoảng sợ khi thấy trên cơ thể mình xuất hiện những nốt ban như đã thối, cảm tưởng chỉ móc nhẹ là thịt, da bung ra.
TIN BÀI KHÁC |
|
---|---|
"Bản án" sau khi ăn tiết canh
BS Nguyễn Trung Cấp - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư) - cho biết, bệnh nhân V.V.N (47 tuổi, quê ở Phú Xuyên, Hà Nội) được chuyển đến viện hôm 18/10 trong tình trạng sốt cao, sốc và trên tay, chân xuất hiện nhiều nốt ban hoại tử
“Nhìn triệu chứng lâm sàng, chúng tôi đã chẩn đoán bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn và kết quả cấy bệnh phẩm cho thấy bệnh nhân dương tính với liên cầu khuẩn lợn. Tuy vào viện ngay từ ngày thứ hai sau sốt nhưng tình trạng bệnh nhân đã rất nặng với các biểu hiện sốt cao, suy đa phủ tạng…” - BS Cấp nói.
Người nhà bệnh nhân cho biết, làm bảo vệ trong nội thành, anh N chủ yếu ăn cơm bụi. Anh có thói quen dăm ba hôm lại uống rượu lòng lợn tiết canh vào buổi sáng. Trước thời điểm phát bệnh, anh không nhớ cách đó mấy ngày đã ăn tiết canh. Đến nay, sau 4 ngày điều trị, hiện anh N vẫn đang điều trị hồi sức tích cực do bị suy đa phủ tạng, nhiễm trùng huyết.
“Tôi cũng có nghe nói đến bệnh liên cầu khuẩn lợn nhưng chưa bao giờ hình dung nó lại kinh khủng đến thế. Nhìn thấy những nốt ban đỏ mọng rồi dần thâm xì, bốc mùi khó chịu xuất hiện trên toàn thân khiến tôi vô cùng hoảng loạn. Cứ nghĩ ăn tiết canh không sạch sẽ, ai đường ruột không tốt cùng lắm bị đi ngoài, không ngờ nó lại có thể gây hậu quả khủng khiếp vậy” - Anh N. thều thào nói.
Biểu hiện của liên cầu khuẩn lợn gây nhiễm trùng huyết ở người rõ ràng nhất là sốt cao, sốc, rồi xuất hiện các ban hoại tử trên toàn thân,
bốc mùi khó chịu. Ảnh: H.Hải
Theo BS Cấp, bệnh liên cầu khuẩn lợn hầu như không có mùa dịch cụ thể, mà vẫn gặp rải rác quanh năm. Tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, thỉnh thoảng lại có bệnh nhân biểu hiện nhiễm liên cầu khuẩn nhập viện. Ngoài trường hợp bệnh nhân N. đang phải nằm điều trị tích cực, tại bệnh viện Nhiệt đới T.Ư từ cuối tháng Chín đến nay vẫn liên tục tiếp nhận bệnh nhân liên cầu khuẩn lợn.
Liên cầu khuẩn bị tiêu diệt hoàn toàn khi nấu chín
BS Cấp cho biết, bình thường vi khuẩn này vẫn cư trú ở họng một số con lợn mà không gây bệnh. Nhưng ở những con lợn yếu, dịch bị suy giảm khiến liên cầu khuẩn tấn công thì vi khuẩn này không còn khu trú nguyên ở vòm họng nữa mà nó tấn công sang các các cơ quan phủ tạng khác, gây viêm phổi, nhiễm trùng huyết và biểu hiện trên da lợn.
Đó là lý do khi ăn tiết canh, nem chạo thì dễ dàng “nạp” vào người số lượng lớn vi khuẩn liên cầu có trong đó và gây bệnh cho người.
Không chỉ lây qua ăn uống khi ăn đồ chưa nấu chín mà bệnh liên cầu khuẩn lợn còn lây qua tiếp xúc. Vì thế, nguy cơ lây nhiễm bệnh xuất phát ngay từ quá trình chế biến, thái, rửa thịt lợn (vì chân tay có thể có những xước xát không phát hiện và vi khuẩn liên cầu lợn có thể xâm nhập vào cơ thể qua những vết tổn thương này). Hầu như các bệnh nhân bị nhiễm căn bệnh này đều có tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh.
“Đáng nói là rất khó nhận biết con lợn nhiễm vi khuẩn liên cầu do người nông dân có tập quán, lợn vừa ốm (khi chưa kịp xuất hiện các ban hoại tử trên da, nhưng đã có viêm phổi, nhiễm trùng huyết) là lập tức bán tống, bán tháo.
Vì thế, để phòng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn liên cầu thì người tiêu dùng hãy luôn thận trọng khi chế biến thịt lợn bằng cách sử dụng găng tay ni - lon khi rửa, thái thịt rồi nấu chín. Khi thịt lợn được nấu chín, vi khuẩn liên cầu hoàn toàn bị tiêu diệt và không còn khả nặng gây bệnh. Còn người giết mổ thịt lợn cũng cần bảo vệ cho mình bằng các trang phục bảo hộ lao động, phòng nguy cơ lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm này”, BS Cấp cảnh báo.
Thống kê của bệnh viện, từ đầu năm tới nay đã có khoảng 40 ca mắc bệnh này và nhiều bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc như giết mổ lợn, ăn các đồ tái chín từ lợn như nem chạo, tiết canh. |
(Theo Gia đình và xã hội)