221
448
Sức khoẻ
suckhoe
/suckhoe/
450464
Ngành ghép tạng: Mong lắm một Pháp lệnh!
1
Article
null
Ngành ghép tạng: Mong lắm một Pháp lệnh!
,

(VietNamNet) - Ngành ghép tạng Việt Nam bao giờ có luật? Câu hỏi này của không ít bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng mới mong kéo dài sự sống vẫn chưa có lời đáp. Bởi, với 12 năm tuổi của ngành ghép tạng Việt Nam, đến nay Pháp lệnh về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người vẫn chưa được thông qua. Hôm nay (24/6), một lần nữa dự thảo Pháp lệnh này lại được Bộ Y tế đưa ra thảo luận cùng sự có mặt của một số giáo sư, bác sĩ thuộc Trung tâm Cấy ghép quốc gia của Cộng hòa Pháp.

Cái lợi khi có luật

GS.Lê Thế Trung, nguyên chủ tịch Hội đồng Ghép tạng: Bao giờ ở Việt Nam có Luật Chết não?

Theo bà Trịnh Thị Lê Trâm, nguyên phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), về cơ bản, Dự thảo lần thứ 6 mà Bộ Y tế đưa ra vẫn không có gì khác so với những lần dự thảo trước. Chỉ có sự thay đổi về cách dùng từ sao cho chính xác và chặt chẽ. Nội dung được nhiều người quan tâm vẫn là Chương II, quy định về chết não. "Việc chưa có Pháp lệnh đã khiến ngành ghép tạng Việt Nam gần như không có cơ hội phát triển.'' - bà Lê Trâm nói.

Chương trình ghép thận ở Việt Nam được tiến hành từ những năm 1970, với sự giúp đỡ của một số bác sĩ Cuba. Ca ghép thận đầu tiên diễn ra tại Viện 103 (Học viện Quân y) ngày 4/6/1992. Đến nay, bệnh nhân đầu tiên vẫn sống khỏe mạnh.

Mặc dù không có mặt tại buổi thảo luận này nhưng trao đổi với VietNamNet, GS Lê Thế Trung cho biết thêm: ''Mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến về ghép tạng nhưng muốn cứu sống được nhiều người bệnh thì cần có nhiều người cho. Hiện chúng tôi vẫn chờ nguồn nội tạng từ những người chết não, tức phải chờ đến khi nào ở Việt Nam có Luật Chết não mới có được nguồn cung cấp từ dạng này. Bộ Y tế đã duyệt dự thảo Pháp lệnh hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và khám nghiệm tử thi nhưng đến nay vẫn chờ Quốc hội thông qua. Hơn nữa, nếu có Luật Chết não và có đủ nội tạng thì những bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng sẽ không còn phải ra nước ngoài, đồng thời quá trình ghép diễn ra cũng đơn giản hơn''.

Trên thực tế, thời gian qua Việt Nam thực hiện khá thành công việc ghép tạng, đặc biệt là ghép thận với hơn 100 ca từ năm 1992 đến nay. Có những ca là trẻ em cũng đã bắt đầu và thu được kết quả tốt. Đặc biệt là trường hợp ghép gan đầu tiên được tiến hành tại Việt Nam bước đầu cũng đã thành công. Tuy nhiên, điều đáng nói là tất cả những trường hợp được ghép đều phải lấy thận, gan của người sống mà chủ yếu là những người thân trong gia đình. Do đó, việc ghép tạng gặp nhiều khó khăn như tâm lý người cho và nhận, quá trình lấy và ghép phức tạp hơn, chi phí cao...

Theo thống kê của ngành y tế, số ca tử vong do tai nạn giao thông của nước ta hiện nay rất cao. Nếu có hành lang pháp lý, Việt Nam sẽ tận dụng được tạng của những người này vào việc cứu người sống bị bệnh. Với tính toán của các chuyên gia, phương pháp lấy nguồn tạng từ các bệnh nhân chết não sẽ có chi phí thấp hơn so với việc tiến hành mổ lấy tạng trực tiếp từ những người tự nguyện hiến, vì phương án này sẽ tối giản được công đoạn bảo đảm an toàn tính mạng sống cho cả người cho và người nhận

Bao giờ?

Nội dung được đề cập nhiều nhất trong buổi thảo luận vẫn là quy định chết não. Bà Trịnh Thị Lê Trâm cho biết, dự thảo của Việt Nam quy định điều kiện xác định chết não là đủ tiêu chuẩn chết não, đủ thời gian chết não và được hội đồng xác định chết não trực tiếp khám, kết luận chết não.

Còn theo nhận xét của một giáo sư Pháp, Bộ Luật Y tế cộng đồng của Pháp chỉ đề cập đến việc người chết chứ không nhấn mạnh vào chết não. Ngay cả trong nghị định của Pháp về việc xác định chết trước khi lấy tạng, mô và tế bào vì mục đích chữa bệnh hoặc nghiên cứu cũng chỉ đề cập đến việc xác định người chết trước khi lấy tạng. ''Đối với một người mà tim ngừng đập và không còn thở liên tục trong một thời gian nhất định thì chỉ có thể xác định người đó đã chết nếu đủ điều kiện: người đó mất ý thức hoàn toàn và không có vận động tự nhiên, mất tất cả các phản xạ của não, hoàn toàn ngừng thở tự nhiên''. Nghị định này còn đề cập đến việc xác định chết lâm sàng trong khi đang thở máy mà vẫn duy trì chức năng huyết động học...

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những ý kiến đóng góp, trong khi sửa đổi Dự thảo ra sao thì vẫn phải đợi. Nhìn một cách tổng thể, luật của Pháp hoàn thiện và cụ thể hơn. Hơn nữa, ngành ghép tạng của họ cũng đã có hiệu lực trong khi Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Tại buổi thảo luận lần này, TS Lý Trọng Kính, vụ trưởng Vụ Điều trị (Bộ Y tế) cho biết: "Dự thảo đã được xem xét rất cụ thể nhưng vẫn phải chờ Quốc hội thông qua. Dự tính, đến năm 2005, Pháp lệnh này mới được xem xét''.

Nếu theo dự tính này, những bệnh nhân ghép có nhu cầu ghép tạng cũng như ngành ghép tạng của Việt Nam lại ''mòn mỏi'' chờ luật.

  • L.Hà

,
Item_article_xahoib1
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,


,
,
,
© Báo VietNamNet, số 141 Bà Triệu, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cơ quan chủ quản: Bộ Thông tin và Truyền thông.
Số giấy phép: 1285/GP - BTTTT cấp ngày 27/8/2008. Tổng biên tập: Nguyễn Văn Bá
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.
,