(VietNamNet) - Một trong những mâu thuẫn lớn hiện nay của giáo dục ĐH Việt Nam: Các nhà quản lý đào tạo mong muốn nâng cao chất lượng, trong khi “chiếc bánh” kinh phí đào tạo lại còn quá nhỏ. Khoảng 50% “chiếc bánh” kinh phí đó được tạo thành từ... học phí thu từ sinh viên.
Quy định tài chính: Vẫn còn bất cập
Chính vì vậy, hiện nay hầu hết các trường ĐH, CĐ đang quan tâm vấn đề: Làm sao giải toả được mâu thuẫn này, trong khi chờ quyết định của Chính phủ về quy định mức học phí mới?
Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch và ngân sách năm 2004. Toàn ngành sẽ tuyển mới 199.065 chỉ tiêu hệ ĐH-CĐ chính quy. Năm 2004, Bộ tiếp tục giao kế hoạch đào tạo theo một chỉ tiêu, đặc biệt tăng cường hơn việc giao chỉ tiêu cụ thể theo cơ cấu ngành nghề đào tạo, ưu tiên các ngành có nhu cầu lớn. Nhà nước sẽ tập trung các điều kiện để đào tạo, khắc phục dần tình trạng mất cân đối trong cơ cấu đào tạo.
Một nghịch lý hiện nay mà ai cũng biết: Bậc học càng cao, mức học phí càng thấp! Hiện nay, chúng ta đang chờ quyết định của Chính phủ về mức thu học phí. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai đã khẳng định: “Việc tăng học phí bậc ĐH từ 180.000 lên 250.000 đồng/ tháng là để tăng chất lượng đào tạo. Bởi với mức học phí như hiện nay, các trường gần như không có kinh phí cho SV, HS thực tập, nghiên cứu khoa học…”. Một khía cạnh khác, để thực hiện mức tăng học phí này, theo vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Văn An, thì tăng học phí phải gắn với việc tăng cường chế độ chính sách cho SV. Quan điểm và thực tiễn cho thấy quyết định này là rất hợp lý.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, việc đưa ra chế độ chính sách phải mang tính dài hạn và tuỳ điều kiện thực tế từng trường vận dụng cho phù hợp. Thử nhìn lại QĐ 70/CP vừa mới ra đời, chưa kịp triển khai đã có bất cập. Sẽ không công bằng nếu yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo ĐH theo tiêu chuẩn ngoại nhưng chi phí lại theo mức nội?
Ba đề nghị về “chiếc bánh” kinh phí…
Chính vì vậy, về phía cấp trường là người trực tiếp thực thi các quyết nghị của Bộ GD-ĐT, chúng tôi xin góp ba đề nghị:
Thứ nhất, về học phí. Quy định về học phí của Chính phủ nên mang tính định hướng, không nên quá cụ thể. Nên dựa vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Chẳng hạn, không nên quy định bắt buộc học phí phải thu theo tháng (hình thức này chỉ phù hợp với các cấp tiểu học, trung học..) mà nên quy định là thu theo tháng, học kỳ hay năm học (tuỳ theo điều kiện từng cấp, từng loại hình, từng cơ sở GD-ĐT. Cụ thể quá bao giờ cũng khó và thiếu cho những văn bản mang tính định hướng!
Về sử dụng biên lai thu học phí, hiện nay có trường sử dụng biên lai theo mẫu của Bộ Tài chính, có trường liên hệ với cơ quan thuế. Quan hệ với thuế có vẻ “yên tâm” hơn, nhưng với mẫu tờ khai đăng ký thuế có những thuật ngữ khá lạ với môi trường giáo dục như: đăng ký kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh, loại hình doanh nghiệp, hình thức hạch toán và kết quả kinh doanh… Nên chăng với tinh thần Nghị định 10, các trường ĐH có thể tự quản lý, tự chủ và chịu trách nhiệm nguồn kinh phí mà họ nỗ lực tạo ra?
Được biết, tại hội nghị triển khai công tác tổ chức nhà nước năm 2004, bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung cho biết: Hai ĐHQG sẽ được tự quyết định mức học phí. Điều này, theo chúng tôi, là hợp lý. Nhưng hợp lý hơn là nên để cho tất cả các trường ĐH tự quyết định mức học phí, phương thức thu và quản lý chi tiêu của mình trên cơ sở những quy định khung rất thoáng, rộng của Chính phủ.
Thứ hai, vấn đề giao chỉ tiêu. Chỉ tiêu là mục tiêu để phấn đấu. Thử lấy một con số ở trường ĐH Rakhamheng (Thái Lan), để có thể thấy bất ngờ cho nhiều người: Quy mô đào tạo là 500.000 sinh viên, trong khi tỷ lệ tốt nghiệp là 5% (25.000). Mặc dù chúng ta cũng phải nghĩ đến con số 475.000 sinh viên không tốt nghiệp nhưng rõ ràng con số 25.000 có ý nghĩa và gần với con số chỉ tiêu hơn! Vì vậy, nên chăng chúng ta cần chú ý hơn chỉ tiêu dưới góc độ đầu ra (thay vì đầu vào). Con số đầu ra thực ra vẫn chưa đủ, còn phải kể đến tỷ lệ có việc làm, có việc làm đúng ngành nghề được đào tạo.
Sẽ là lãng phí rất lớn nếu đào tạo ra đội ngũ cán bộ KHKT chuyên sâu nhưng không được sử dụng hoặc không muốn sử dụng! Nhu cầu và dự báo xã hội về nguồn nhân lực sẽ là thông số rất quan trọng cho việc phân bổ chỉ tiêu. Rất mừng là năm nay, Bộ GD-ĐT có chủ trương hợp lý như: ưu tiên chỉ tiêu các ngành mới, ngành thuộc khối Nông Lâm, Kỹ thuật, Công nghệ Thông tin và bậc sau đại học, hạn chế các trường ĐH lấn sân đào tạo CĐ, trung học chuyên nghiệp…
Thứ ba, tránh những bất cập không cần thiết. Cụ thể và sinh động nhất về mong muốn này là những kiến nghị của các trường được kiểm toán, thanh tra vừa qua. Các trường đã kiến nghị về những bất cập, về những mâu thuẫn do tự chịu trách nhiệm nhưng chưa được tự chủ đúng mực. Nên có những xem xét đặc thù của môi trường GD-ĐT để có những chế độ, chính sách hợp lý đối với người thầy, với sinh viên, vấn đề thuế má, thu nhập…
Ở góc độ nào đó, muốn phát triển và đảm bảo nâng cao chất lượng, cần phải có nguồn lực. Muốn có nguồn lực, phải tránh những bất cập. Với ba điều mong muốn trên đây của nhiều trường, nếu Chính phủ và Bộ GD-ĐT quan tâm giải quyết thì “cái bánh” kinh phí sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc nâng cao chất lượng đào tạo của nền giáo dục ĐH hiện nay và cả trong tương lai.
• ThS Trần Đình Lý (Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)