Vợ Mai An Tiêm dùng nhan sắc để bẫy cá...

Cập nhật lúc 10:38, 30/05/2010 (GMT+7)

Không chỉ dùng nhan sắc để bẫy cá về ăn thịt, vợ Mai An Tiêm còn trả lời chồng: “Vâng, anh nói đó nha!”. Nhiều truyện cổ tích khi được dựng thành truyện tranh bị sai lệch nội dung, hoặc đưa vào những tình tiết hư cấu nhằm gây cười.

TIN LIÊN QUAN

Mô tả ảnh.
Trang truyện minh họa cảnh con gái nhà địa chủ dụ dỗ anh Khoai về ở nhà mình (Cây tre trăm đốt).
Truyện tranh cổ tích biến dạng

Dạo hội sách năm nay, nhiều phụ huynh giật mình lo lắng, sách nhiều, in trên giấy đẹp nhưng có nhiều sai sót, khuyết điểm đến mức phải hết sức cẩn trọng, khó khăn khi chọn lựa.

Những năm gần đây, nhiều truyện cổ tích được xuất bản dưới dạng truyện tranh với hình thức đẹp, bắt mắt nhưng nhiều truyện đã đánh rơi những chi tiết được coi như linh hồn của câu chuyện cổ.

Truyện Tấm Cám trong tủ sách Búp bê (NXB Tổng hợp Đồng Nai) được đặt lại tựa: Cô Tấm. Truyện Cô Tấm bị cắt lược hết câu thần chú âu yếm gọi cá của Tấm: "Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người" hay lời nói như thơ của bà cụ nhân hậu: Thị ơi, thị rụng bị bà…

Tương tự, truyện Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (NXB Kim Đồng), đoạn hoàng hậu ngồi thêu bên khung cửa trong một ngày mùa đông tuyết phủ, bị kim đâm vào tay chảy máu, bà buột miệng: “Ước gì ta có được một đứa con gái da trắng như tuyết, môi đỏ như máu, tóc đen như khung cửa gỗ mun này”, sau đó mới sinh ra Bạch Tuyết cũng bị tranh truyện cắt bỏ.

Trầm trọng hơn, có truyện còn viết sai lệch nội dung, hoặc đưa vào những tình tiết hư cấu sai nguyên gốc nhằm gây cười.

Truyện cổ "Cây tre trăm đốt" kể rằng do nhà nghèo, anh Khoai đã phải đi ở đợ cho nhà địa chủ. Nhưng theo bộ Truyện tranh cổ tích Việt Nam, trong một lần đi chợ, con gái địa chủ đã dụ dỗ Khoai về ở nhà mình với lời lẽ: “Về ở nhà ta nghen, nhà ta có nhiều đồ ăn ngon lắm”.

Nội dung truyện cũng được làm mới: Con gái địa chủ thầm yêu mến anh Khoai nên từ chối hôn nhân do cha mẹ sắp đặt, một mực đòi lấy anh Khoai. Do đó, lão địa chủ ra điều kiện anh Khoai đi tìm cây tre trăm đốt mới gả con. Bộ truyện này bỏ qua chi tiết quan trọng là mấu chốt của câu chuyện: Lão địa chủ bội ước lời hứa gả con gái cho anh Khoai sau ba năm anh chịu khó cày ruộng. Điều này đã làm mất đi tính cách đặc trưng về nhân vật địa chủ: độc ác, nham hiểm.

Cùng trong bộ truyện này, truyện "Sự tích quả dưa hấu" có nhiều chi tiết nhí nhố, văn phong cực kỳ hiện đại. Mai An Tiêm khi bị đày ra đảo hoang, an ủi vợ: “Nàng đừng lo! Trời sinh voi, sinh cỏ, nhất định chúng ta sẽ vượt qua được thôi!”. Người vợ đáp: “Vâng, anh nói đó nha!”.

Truyện còn đưa thêm những tình tiết không phục vụ chủ đề của truyện gốc là tinh thần tự lập của An Tiêm mà còn tạo ra hình ảnh ghê rợn, thiếu nhân văn. Một chú voi con vừa đi dạo chơi trong rừng vừa hát líu lo yêu đời thì bị Mai An Tiêm bắn hạ, kèm theo đó là khung tranh đỏ loang màu máu. Vợ của Mai An Tiêm chỉ ngồi bên bờ biển dùng nhan sắc của mình để dụ cá theo về nhà làm thịt. Con trai của Mai An Tiêm thuần phục được một chú hổ con đem về làm bạn nhưng được mẹ dặn dò: “Khi nào con chơi chán thì nói mẹ nấu cà ri nhé con!”…

Những tựa sách giật gân

Nhiều phụ huynh đã nhăn mặt khi đọc các tựa sách dành cho tuổi mới lớn, chủ yếu là sách dịch. “Phô” nhất có lẽ là bộ truyện "Thuyền trưởng quần lót" nhiều tập với các tựa: Thuyền trưởng quần lót và cuộc xâm lược của các mụ cấp dưỡng thô tục khiếp từ ngoài kinh hành tinh; Thuyền trưởng quần lót và cuộc tấn công của lũ toa lét biết nói… Cũng cùng mục đích gây tò mò cho độc giả nhí, tựa sách: Mèo Angus, quần lọt khe và nụ hôn thắm thiết (NXB Hội Nhà văn. Tựa gốc: Angus, thongs and full-frontal snogging) cũng gây phản cảm cho người đọc.

Không chỉ sách dịch, truyện cổ tích Việt Nam cũng có tựa sách gây mất cảm tình. Cả NXB Mỹ thuật và NXB Tổng hợp Đồng Nai đều đưa truyện cổ "Gái ngoan dạy chồng" vào kho truyện tranh cổ tích dành cho thiếu nhi.

“Tôi rất dị ứng với những tựa sách này. Sách thiếu nhi phải hướng trẻ đến vẻ đẹp thiện mỹ. Lời văn phải trong sáng, trau chuốt và có giá trị văn học mới nâng đỡ tâm hồn trẻ. Những tựa sách trên quá thô và gây phản cảm” - chị Nguyễn Thị Hương (43 tuổi, Gò Vấp) nhận xét.

(Theo Pháp Luật TP HCM)

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Thu Hằng, hà nội, 02:29, 01/06/2010

Bây giờ chẳng trông mong gì vào tất cả các đầu sách thiếu nhi xuất bản ra là tốt và hướng thiện hết cho các bé. Có nhà xuất bản này, nhà xuất bản kia, không phải NXB nào cũng tốt, và không phải cứ NXB tốt là in sách ra đã tốt, không biến tấu.

Quan trọng là các bậc làm cha làm mẹ nên tìm hiểu kĩ sách trước khi mua cho các em. Nếu có thời gian hãy đọc qua sách, nếu không có thời gian cũng cố gắng tìm hiểu trước. Đấy có lẽ là việc nhỏ nhưng lại rất quan trọng cho tâm hồn của các bé. Sách nếu hay và bổ ích cũng là một nhân tố giúp các em hướng thiện rất nhiều.

Còn phần nêu tiêu đề các đầu sách, tôi cũng rất đồng tình với ý kiến của bạn Trường. Nếu các phụ huynh không biết thì cũng dễ nghĩ theo tác giả đây là những tựa đề giật gân câu khách.

Nhưng thực ra đây đều là những đầu sách có uy tín, được yêu thích nhiều. Chưa kể cuốn "Angus, Thongs and Full-Frontal Snogging" là sách dành cho tuổi mới lớn chứ ko phải cho trẻ em. Và tựa đề dịch là đúng theo nguyên bản gốc. Nếu dịch khác đi theo tôi mới là không tôn trọng tác giả truyện.

Huỳnh Phương, Đà Nẵng, 23:00, 31/05/2010

Bài viết rất đúng khi nói về sự thiếu trách nhiệm của những người cho ra những cuốn sach đó. Kể cả việc phê phán 2 cuốn sach dich mà bạn Trương ở TpHCM đã bênh vực (không phải cứ có giải này giải nọ mà đã phù hợp với người Việt, nhất là trẻ em - Cũng không phải cứ dịch sát cái tựa là hay. Người dich có quyền và có trách nhiệm chỉnh lí nếu không phù hợp với văn hóa lối sống người Việt).

Là một người mẹ,tôi không lo ngại cho sự hình thành nhân cách lối sống của con em mình khi con đến trường - dù giáo dục nước nhà còn những điểm yếu; dù SGK còn phải viết lại mới yên lòng. Mà lo ngại nhất là con em chúng tôi đang bị những cuốn sách ,những bài báo, những phim truyền hình, những trò chơi ảo và vô vàn những tệ nạn ngoài xã hội đang tấn công.

Không một gia đình nào, thậm chí một nhà trường nào đủ sức bảo vệ cho cac em. Cac nhà làm sách, làm phim, làm mọi thứ ăn chơi trác táng vô bổ cho trẻ em, hãy có trach nhiệm, hãy THA cho con em chúng tôi!

mỹ thương, 212 trường chinh phường 13 quận tân bình, 22:16, 31/05/2010

Tôi có xem bộ truyện tranh cổ tích Việt Nam của nhà xuất bản tôi thấy rất hay và thú vị. Năm nay tôi 24 tuổi nhưng vẫn còn cảm thấy thích đọc.

Đừng cứng nhắc khi nghĩ rằng truyện tranh là phải mang tính nhân văn và giáo dục. Cách đây mấy năm bộ truyện "Dũng sĩ hecnman", "Dấu ấn rồng thiêng", hay "7 viên ngọc rồng" đầy rẫy bạo lực nhưng vẫn được nhiều phụ huynh mua về cho con mình.

Hay xem phim "Tom va jery" cũng đánh nhau rất nhiều nhưng rất nhiều phụ huynh vẫn mua về chiếu cho con mình xem đấy thôi.

Bộ truyện cổ tích kia rất thú vị và sáng tạo. Tôi nghĩ rằng nếu chỉ là cổ tích bình thường và bao quyển sách khác thì đi vào một lối mòn không lối thoát, sự sáng tạo để thu hút những câu chuyện cổ tình cũ kĩ trở nên mới mẻ hơn với bạn đọc thiết nghĩ đó cũng là điều hết sức cần thiết. Nếu bạn chưa xem thì hãy mua về xem thử, đừng phê phán

ruangox, 15:18, 31/05/2010

Tôi biết rằng nhiều người - ngay cả những người lãnh đạo và những người hoạt động trong ngành xuất bản đều than phiền rằng thế hệ trẻ ngày nay không biết tới lịch sử, những giá trị đạo đưc ngày càng suy đồi, vậy thử hỏi nguyên nhân từ đâu, có phải một phần nguyên nhân từ những cuốn sách được xuất bản như thế này hay không?

huynhboong, 22:37, 30/05/2010

Suy cho cùng, quý vị phụ huynh nên cẩn trọng khi lựa chọn sách cho con.

P&H, Lộc Ninh, 22:04, 30/05/2010

Chết, chết, không thể chấp nhận nổi cái thứ "xào nấu" lại truyện cổ tích. Thử hỏi đối tượng hướng tới của loại truyện này là ai? Chắc chắn là các cô cậu tuổi teen - cái tuổi mà dễ bắt chước và hay "lí sự".

Hồng Tuyên, Đồng Nai, 21:38, 30/05/2010

Hãy để những quyển sách thật sự là những người bạn của trẻ con.

Truong, Tp.HCM, 16:41, 30/05/2010

Phần thứ nhất của bài thì tôi không có bình luận gì vì đó là truyện dân gian Việt Nam, biến hóa như thế thì đúng là không chấp nhận được nhưng cái tôi muốn bàn ở đây là phần thứ hai (Những tựa sách giật gân).

Hãy thử nhìn xem nội dung những quyển sách trong phần này là gì. Thuyền Trưởng Quần Lót (tên gốc Captain Underpants) là một bộ sách thiếu nhi nổi tiếng tại Mỹ, là một best-seller và từng đoạt giải Disney Adventures Kids' Choice Award 2007. Còn cuốn "Angus, Thongs and Full-Frontal Snogging" thực chất hòan toàn không phải sách cho trẻ em mà là sách dành cho thanh niên mới bước vào đời, và cũng từng đoạt hành chục giải lớn nhỏ.

Tóm lại, theo tôi, những tựa sách trên rõ ràng là được dịch hòan toàn chính xác từ tựa gốc chứ không phải để giật gân và thực chất là cũng chả có vấn đề gì to tát cả. Có chăng thì là chính là vì những người có đầu óc không được trong sáng như trẻ em thì mới "chuyện bé xé ra to" như thế thôi.

Đoàn Văn Tân, Thái Nguyên, 11:28, 30/05/2010

Đọc xong bài báo suýt nữa tôi bị ngất.

Các tin khác