Nhập khẩu "chương trình ngoại", khó mời giảng viên ngoài

Cập nhật lúc 20:41, 19/10/2010 (GMT+7)

- Việc "nhập khẩu" các chương trình "ngoại" triển khai trong các trường ĐH Việt Nam từ 2006, nhưng sau gần 5 năm thực thi vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Những tồn tại đã được đặt ra tại buổi sơ kết sáng 19/10.

SV có thích "du học tại chỗ"?

a
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự giờ một buổi lên lớp tại một giảng đường kiểu mẫu tại ĐH Quốc tế (Ảnh TL)
Từ năm 2006, Bộ GD-ĐT chính thức phê duyệt và hỗ trợ kinh phí cho 9 trường ĐH trọng điểm triển khai thí điểm 10 chương trình tiên tiến (CTTT- pha 1).

Năm 2008 thêm 13 chương trình (pha 2) được "nhập khẩu". Trong năm 2010 có thêm 12 chương trình (pha 3) "ngoại" triển khai ở các trường ĐH Việt Nam... Bộ GD-ĐT cho biết, với 22 trường ĐH trên thế giới có hợp tác với 23 trường ĐH Việt Nam hầu hết đều được xếp hạng trong top 200 theo bảng xếp hạng của US News.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, chương trình đào tạo được áp dụng thực hiện là chương trình do các trường ĐH xây dựng trên cơ sở chương trình đào tạo đang được thực hiện ở các trường ĐH tiên tiến trên thế giới. Do không dễ dàng về bản quyền và các thủ tục thanh toán nên thời gian đầu, các trường pha 1 gặp nhiều khó khăn trong việc mua giáo trình và tài liệu tham khảo.

Đến nay, sau 5 năm thực thi các CTTT pha 1, pha 2 đã khắc phục được - đã mua được hết giáo trình gốc của trường đối tác. Tuy nhiên, sách tham khảo vẫn còn hạn chế. Đây cũng sẽ là khó khăn đối với các trường pha 3 bắt đầu triển khai từ năm nay, ông Ga nói.

Không chỉ khó trong việc chuẩn bị đủ giáo trình, tài liệu tham khảo - việc tuyển sinh học CTTT ở một số trường rất chật vật.

Trưởng Ban điều hành CTTT Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) Tôn Thất Dụng than thở, trường được giao đào tạo CTTT ngành Vật lí từ năm 2006, nhưng quá trình triển khai gặp không ít trắc trở.

Dù trường xác định chỉ tiêu cho mỗi khóa là 30 sinh viên (SV), nhưng chưa năm nào tuyển đủ. Thậm chí, số SV vào học mỗi năm lại giảm...

Ông Dụng nói, khóa 1 tuyển được 30 nhưng chỉ có 25 SV theo học. Riêng khóa 4 có 21 SV trúng tuyển nhưng chỉ có 7 SV theo học.

Còn theo thống kê của Bộ thì tổng số SV 4 khóa của 10 CTTT ở pha 1 gần 1.500 SV, tính đến nay còn 1.332 SV. Tương tự, tổng số SV 2 khóa của 13 CTTT pha 2 là 840, đến nay giảm 42 SV (còn 798).

Nguyên nhân số SV "hụt" đi được lý giải là do một số SV nhận được học bổng đã đi học nước ngoài. Một số do không đủ điều kiện để tiếp tục theo học nên chuyển sang chương trình đại trà.

Trưởng Ban điều hành CTTT của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cho rằng, SV chưa rõ mục tiêu của CTTT và sợ học xong không xin được việc. Hơn nữa, SV thi vào ngành Sư phạm không phải đóng học phí nên họ còn băn khoăn khi học chương trình này sẽ phải đóng học phí...

Khó mời giảng viên "ngoại"

Vấn đề kinh phí để duy trì tính bền vững và nâng cao chất lượng của CTTT cũng được đặt ra. Số đông đại biểu đều nhìn nhận, việc mời giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy giúp giảng viên Việt Nam không chỉ có cơ hội làm quen với công nghệ giảng dạy tiên tiến mà năng lực chuyên môn và tiếng Anh của giảng viên Việt Nam được nâng lên nhiều.

Tuy nhiên, tình trạng chung của nhiều trường việc mời giảng viên trường đối tác sang là cả "vấn đề" liên quan đến chế độ đãi ngộ. Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - Đỗ Văn Xê nhẩm tính, kinh phí trả cho giảng viên nước ngoài sang giảng dạy là rất lớn. Ngoài việc đài thọ tiền vé máy bay đi về, mỗi ngày trường phải chi khoảng 40 USD tiền ăn và tiền dạy 1 tiếng là 40 USD...

Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) Đoàn Quang Vinh nêu thực tế, kinh phí chi cho 1 Giáo sư nước ngoài sang giảng dạy một đợt từ 120 - 180 triệu đồng. Chưa kể lịch làm việc của họ cũng không rảnh nên rất khó để bố trí.

Từ thực tế không tuyển được SV, ông Tôn Thất Dụng - Trưởng Ban điều hành CTTT của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) lo lắng, tính bền vững của CTTT gặp khó khăn khi kinh phí của dự án không còn được cung cấp, trong khi đó lại không thu được học phí từ người học. Mẫu thuẫn về kinh phí không được cấp nên khó có điều kiện để mời giảng viên từ nước ngoài nên phải sử dụng đội ngũ giảng viên tại chỗ vẫn còn những hạn chế khi giảng dạy bằng tiếng Anh.

Bên cạnh các trường khó xoay sở trong việc mời giảng viên ngoại sang giảng dạy thì một số trường thực hiện tốt.

Theo bảng "xếp hạng" của Bộ thì dẫn đầu danh sách là ĐH Đà Nẵng đã mời được 39 lượt giảng viên nước ngoài/ CTTT được phân bố đều ở cả 4 khóa; Kế đến là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) hai khóa đầu mời được 28 lượt giảng viên/ CTTT, thế nhưng khóa 3 và 4 lại không mời được giảng viên nào; Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) 4 khóa đầu mời được 29 lượt giảng viên/ CTTT.

Các trường rất khó khăn trong việc mời giảng viên nước ngoài sang tham gia giảng dạy gồm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Cần Thơ, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên.

Theo nhận định chung của Bộ GD-ĐT, việc một số trường gặp khó khăn trong việc mời giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy là do trường đối tác đòi hỏi kinh phí quá cao hoặc các giáo sư không sắp xếp được thời gian. Việc này đã ảnh hưởng nhiều đến thực hiện mục tiêu của CTTT là đảm bảo những khóa đầu 100% các môn học do giảng viên nước ngoài đảm nhận.

Phải chuẩn bị kỹ

Ghi nhận những ý kiến từ các đơn vị thực thi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đề nghị, các trường triển khai CTTT cần bám sát mục tiêu đề ra trong đề án đào tạo CTTT do Chính phủ ban hành. Song song với đó, cần phải đánh giá hiệu quả để có kế hoạch triển khai 35 CTTT ở 23 trường ĐH trong thời gian tới. Việc đánh giá hiệu quả phải được xem cả về tài chính, bộ máy quản lý, trang thiết bị, lợi ích của SV - giảng viên trong và ngoài nước...

Kết quả học của SV các CTTT phần lớn đạt khá và giỏi. Số SV đạt khá giỏi khóa 1 (pha 1) chiếm gần 72%; khóa 2 (pha 1) chiếm 75%; khóa 3 (pha 1) chiếm 68%.

Số SV khá giỏi khóa 1 (pha 2) chiếm gần 77%.

(Thống kê của Bộ GD-ĐT)

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhìn nhận, việc triển khai CTTT ban đầu không tránh khỏi những non yếu, lạ lẫm nên phải có đỡ đầu và có thời gian để đầu tư. Tuy nhiên, về lâu dài các chương trình phải sống được, sống tốt và sống tự chủ độc lập....

"Phải có lộ trình để những CTTT trở thành những "đầu tàu" kéo các chương trình khác lên. Từ đó nhân rộng các CTTT khác" - Bộ trưởng chỉ đạo.

Chia sẻ với những trăn trở của ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân động viên, khi triển khai CTTT là chúng ta đã "cấy" một yếu tố quốc tế vào trong trường với mong muốn hình thành một mũi ngọn đào tạo chất lượng cao. Như vậy nền chung về đổi mới quản lí của trường cần phải chuyển. Đổi mới mà không tạo được "đồng hướng lợi ích" - đồng hướng của giáo viên, nhà trường, SV và xã hội - thì sẽ không bền vững.

Những trường sắp làm, từ nay đến 2015, phải chuẩn bị giáo viên. Việc xem xét đầu tư sẽ không bình quân mà có phân biệt. Ví như khối Kỹ thuật thì có tăng cường đầu tư hơn để có phòng thí nghiệm...ông Nhân cho biết

  • Kiều Oanh

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Trần Minh, Guimaraes, Portugal, 16:44, 20/10/2010

Gửi chị Ngân,

Em là sinh viên CTTT khóa 1 (pha 1) của ĐHBK HN đây. Thực ra những ý kiến chị đóng góp cũng đã được giải quyết tương đối:

1. Thực ra các giáo viên dạy CTTT ở BKHN đều có cơ hội được sang trường đối tác học môn mình sẽ dạy trong 1 học kỳ. Và thực ra các giáo viên khi đi cũng đã quay lại video buổi giảng dạy, slides bài giảng và sách tham khảo. Chứ không phải GV VN chỉ ở VN mà dạy tiếng Anh đâu.

2. Thực tế chỉ cần SV có vốn tiếng Anh tương đối thì hoàn toàn có thể hiểu và theo học các course không có vấn đề gì. Vì giáo trình dạy từ cơ bản, từ thấp lên cao, nên học từ từ thì sẽ hiểu được trọn vẹn nội dung chương trình (và hoàn toàn không cần phải học song ngữ hay dịch ra tiếng Việt). Thực tế hiện nay hầu hết thuật ngữ chuyên ngành, chúng em không biết tiếng Việt, chỉ biết từ tiếng Anh. Nhưng đúng là tiếng Anh của giáo viên là một vấn đề, tuy nhiên chuyện này đã được cải thiện đáng kể sau vài năm triển khai. Đặc biệt các giáo viên từng học thời gian dài tại các nước nói tiếng Anh, hoặc đi nhiều hội thảo quốc tế, hoặc từng giảng dạy tại nước ngoài có thể giảng rất tốt bằng tiếng Anh.

3. Em học KT Vật liệu, là ngành thực hành nên việc thí nghiệm là chuyện bắt buộc và thực tế là chúng em làm rất rất nhiều thí nghiệm, và được ưu tiên để được làm các thí nghiệm ấy. Đành rằng cả trường được vài hệ máy hiện đại để thí nghiệm, nhưng chỉ cần là SV CTTT thì được ưu tiên xếp lịch để hướng dẫn sử dụng. Và thực ra bọn em cả kỳ học 5,6 môn, mỗi môn tầm 2 tiết/tuần. Cả tuần lên lớp khoảng 3 buổi, thời gian còn lại tự đọc sách và làm bài tập về nhà, sinh viên năm 4, năm 5 thì lên lab. So với các hệ khác chúng em không phải lên lớp nhiều, nhưng lại có quỹ thời gian tự lập để làm được rất nhiều việc khác. SV CTTT nói chung đều được đánh giá là nhanh nhẹn và tự lập hơn. Và em xin nhấn mạnh là bọn em không hề học song ngữ, mà toàn bộ là học tiếng Anh.

4. Lớp chuyên ngành của em có 15 SV. Nếu như ở các lớp đại trà, SV không nhớ được mặt bạn cùng giảng đường, thì do số lượng ít mà chúng em thân thiết như một gia đình. Mọi người giúp đỡ động viên nhau học tập. Các giáo viên khi dạy các lớp nhỏ cũng rất thoải mái, nhớ tên từng sinh viên, thậm chí quan tâm hỏi han rất chân thành. Kiến thức được dạy cũng dễ dàng tiếp thu hơn nhiều, vì do đặc thù lớp nhỏ, nên có thể hỏi giảng viên bất cứ lúc nào có thắc mắc, hỏi đến khi hiểu cặn kẽ thì thôi. Em nghĩ rõ ràng đây là ưu điểm, chứ không phải nhược điểm.

5. Môi trường: thì khi em sang các nước Nam Âu, cũng chẳng có cô bán canteen nào nói được tiếng Anh cả. Nếu họ nói tốt được tiếng Anh, họ đã chẳng đi làm ở canteen trường.

6. Ngoài ra còn một điều mà em chưa thấy nhắc đến. Đó là CTTT mở ra tạo cơ hội lớn cho các trường đại học có thể tham gia liên kết đào tạo quốc tế. CTTT của chúng em đã nhận một số sinh viên quốc tế vào học cùng, thậm chí làm trợ giảng. Điều này giúp SV trong nước luyện tiếng Anh rất nhanh, đồng thời giao lưu về văn hóa.

Bản thân em nhận thấy CTTT đã có tiến bộ và phát triển rất nhiều từ năm đầu tiên. Việc SV ít tham gia vào các lớp CTTT phần đông là vì sợ không tiếp thu được nếu học bằng tiếng Anh, nhưng nếu là SV nhìn xa trông rộng, thì nên theo học các CTTT. Vì việc có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh chuyên ngành tạo cơ hội rất lớn khi đi học các bậc học cao hơn ở các trường đại học trên thế giới. Em đi du học không gặp khó khăn nào trong việc tiếp thu là nhờ thế. Và rõ ràng CTTT trang bị cho em khả năng tự đọc tài liệu tiếng Anh, cách viết, cách trình bày ý kiến bằng ngoại ngữ. Những điều ấy, đối với nhiều SV ra trường mới bắt đầu làm quen, trong khi chúng em đã làm quen trong suốt quãng thời gian học đại học.

Bùi Linh Ngân, Amsterdam, 22:42, 19/10/2010

1. Để dạy được 1 giáo trình ở bậc ĐH bằng tiếng Việt, các giảng viên mới cần phải lên lớp theo các GV có kinh nghiệm. Vậy để giảng được giáo trình ngoại bằng tiếng Anh, nếu không mời được GV ngoại thì cũng phải cho GV ta ra nước ngoài học 1 course giáo trình đó hoặc chí ít mua bản quay video bài giảng cho GV chuẩn bị trước. Nếu dùng GV ngoại, bay sang 1 tuần làm vèo 1 cái liên tục… thì kiến thức không hấp thụ được. Đến khi hơi hiểu, muốn thắc mắc thì thày đã đi xa, lại giống như dạy tại chức ở các TT GD TX tỉnh.

2. Thực tế các GV của ta trình độ TA không giống nhau, cách phát âm không đồng nhất nên rất khó cho sv tiếp thu. Nhiều vấn đề trừu tượng nghe tiếng Việt còn khó chứ nói gì bằng TA. Nhiều lúc GV giảng bằng TA sau đó lại cắt nghĩa bằng TV.
(Hãy thử tưởng tượng các KS/CN của Cambodia, Laos học tại VN, về nước họ dạy bằng TV thì sẽ thấy vấn đề không đơn giản).

3. Thí nghiệm - Thực hành: Đối với các môn học công nghệ cao ở ta hiện nay (như KH Vật liệu, Cơ ĐT...), các GV đều theo đề cương, tài liệu nước ngoài hoặc các cuốn sách nổi tiếng, nên nội dung cũng cập nhật. Tuy nhiên thiếu hụt ở đây vẫn là thí nghiệm, (ngoại trừ những môn học cơ bản như Hóa, Lý…). Ở nước ngoài họ lên lớp ít, sách tham khảo nhiều nên việc tự học và thực hành - thí nghiệm là yếu tố quyết định, nên ch/tr của họ rất thưa – tuần lên lớp độ 10-15 tiết. Còn ta, vẫn như Ch/tr ĐH chung nhưng học song ngữ mà thôi vì chả có/rất ít thí nghiệm nên thời gian học càng ít.

4. Học ai là chính? Cả nội lẫn ngoại, SV học được từ thày thì ít mà học nhau thì nhiều. Trong quá trình tự học và làm thí nghiệm, vai trò của người HD và bạn bè rất quan trọng để SV hoàn thiện kiến thức. Trong các lớp CTTT, có ít SV và ít thí nghiệm nên cơ hội trao đổi học hỏi lẫn nhau là không cao.

5. Môi trường: Không thể so với học ĐH ở nước ngoài, kể cả việc mời GV ngoại sang. Cần phải tạo được môi trường như tây, ở đó từ cô giáo vụ, cô bán canteen cho đến các cán bộ giáo vụ, quản lý... vào khu vực đó chỉ được nói bằng TA. SV luôn phải nói, nghe, suy nghĩ bằng TA.

Kết luận: Theo tôi để nâng cao chất lượng, khai thác tối đa các nguồn đầu tư thì nên:
- Nên lập 03 trung tâm ở 03 miền (HN, Tp HCM và ĐN). SV của trường nào, ngành nào vẫn do các trường đó phục trách, nhưng các PTN, môi trường, nhiều sv tề tựu… là dùng chung tài nguyên - kiểu trường chuyên.
- Cả hệ thống (gồm các giảng đường, các PTN, canteen, y tế… và các nhà quản lý) phải mở 24x7, các nhân viên phải có trách nhiệm phục vụ khi có yêu cầu.
- SV trường này có thể tham dự bài giảng của GV trường kia để tham khảo (ví dụ như giữa ĐHGT và ĐHXD có nhiều môn có nội dung gần giống nhau) hoặc bài giảng các môn cơ bản toán, lý, hóa, triết, TT HCM, hình họa và VKT... hoặc các môn cơ sở như KT Điện tử, LT mạch, Lập trình... thậm chí học tập trung.
- Các thày giáo được phân công là người trực tiếp tham quan, dự giờ bên ngoài và thiết kế bài thí nghiệm theo mẫu của nước ngoài. Tránh kiểu đầu tư rất đắt nhưng khả năng khai thác kém.
- Thiết kế đầu ra cho SV yên tâm học tập. Thực tế nhiều SV thấy nội dung học không đúng với yêu cầu làm việc ở VN, nên họ phải đi học thêm các môn học khác mang tính cập nhật với yêu cầu thì trường, như Lập trình Apptech, quản trị mạng CCNA…
Ngân

Các tin khác