"Cởi áo ra!"

Cập nhật lúc 00:03, 18/10/2010 (GMT+7)

- Cách đây gần 30 năm - đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, những thầy cô giáo trẻ miền xuôi, theo tiếng gọi của Đảng, khoác ba lô đi phát triển văn hoá giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, gieo "cái chữ của Bác Hồ".

BÀI VIẾT CỦA BẠN ĐỌC: "NHỮNG TÌNH HUỐNG ỨNG XỬ SƯ PHẠM"

Mô tả ảnh.
Ảnh chụp học sinh tại Mộc Châu, Mường Chiên - Sơn La. Lê Anh Dũng.

Ngôi trường cấp 3 tôi dạy, vài dãy nhà cấp 4 nép mình dưới rặng đào rừng, thuộc thị trấn nhỏ nằm ven quốc lộ 6.

Học sinh là các em người Kinh, người H’Mông, người Dao, người Thái, người Mường, sáng đến lớp, chiều lên nương, từ các xã của huyện đổ về.

Cuộc sống lúc đó muôn vàn khó khăn, nhà tập thể, ăn tập thể, không điện, nước phải ra suối cách trường gần cả km, mù thông tin, tin tức cập nhật chỉ qua vài tờ báo đến chậm, hay loáng thoáng âm thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tình thầy trò lúc đó vô cùng trong sáng, ấm áp.

Thầy cô giáo - kỹ sư tâm hồn, là hình tượng khát vọng sống, là người truyền cảm hứng, thế giới quan, nhân sinh quan đến những đứa trẻ lộc ngộc - đang lớn: sáng là học sinh, chiều là nông dân, là đứa kiếm củi, chăn bò. Để mỗi sáng khi vào lớp, đứng trên bục nhìn xuống, nếu thấy khoảng trống nào – học sinh nghỉ, cảm thấy lòng mình trống vắng, thiếu mất một thứ gì và tự hỏi không biết tại sao em đó nghỉ?

Đầu giờ, khi bước vào lớp, cả lớp đứng lên chào thầy:

- Chào các em!

Cả lớp lặng lẽ ngồi xuống, riêng em Huệ ngồi bàn thứ 3 vẫn đứng, mặt ửng đỏ bức xúc:

- Thưa thầy, ban Hùng vẩy mực vào áo em!

Những vệt mực xanh ngang, dọc trên chiếc áo sơ mi mới, trắng tinh.

- Thưa thầy, áo mẹ em vừa mua, thế mà... về thể nào cũng bị bố đánh!

- Em Hùng đứng lên, tại sao lại làm như vậy với bạn gái.

Hùng đứng lên, mặt cúi gằm. Cả lớp im phăng phắc, đổ dồn ánh mắt giận dữ về phía Hùng, một tinh huống thật khó xử, giải quyết thế nào đây?

Tôi nghiêm khắc:

- Huệ cởi áo ra! Hùng, cậu đem áo về giặt sạch trả bạn!

Theo phản xạ tự nhiên, Huệ đưa tay lên hàng cúc, bỗng tay chùng xuống, mặt đỏ lựng, lí nhí...".Thưa thầy.. rồi lặng lẽ ngồi xuống.

Cả lớp vỡ oà, tiếng cười vui vẻ, Hùng thoáng cười theo, ngượng ngùng.

Sau trận cười giòn tan, lớp học lại bắt đầu, những công thức hoá học, phương trình hoá học và ứng dụng của nó được chạy dài trên bảng, dưới là những đôi mắt hồn nhiên, tinh nghịch, khao khát chăm chú dõi theo.

Nay đã gần 30 năm. Tuy không đứng trên bục giảng nữa, nhưng cứ mỗi độ thu về - mùa tựu trường, những kỷ niệm xưa của một thời trai trẻ - gian khó trên núi rừng Tây Bắc, hiện lại, như những cánh Hoa Ban thầm nhắc tôi phải sống tốt hơn, sống có nghĩa hơn.

  • Lê Anh Dũng (Hà Nội)

***************************

Là giáo viên, đã từng hay đang là học sinh, hoặc là phụ huynh, hẳn bạn đã từng biết tới các tình huống sư phạm. Mời bạn đọc tham gia giới thiệu các tình huống ứng xử sư phạm ấn tượng mà mình đã từng biết, từng trải qua. Mời quý vị gửi bài viết theo địa chỉ email: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc: Ban Giáo dục, Báo Điện tử VietNamNet, 141, phố Bà Triệu, Hà Nội. Cảm ơn các bạn.

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

nghean, Nghe an, 11:27, 19/10/2010

Tôi thấy một bài viết ý nghĩa và cảm động đó chứ! Sao nhiều người cứ suy diễn lung tung thế nhỉ? văn hóa thấp quá? Câu chuyện về tình thầy trò! rất đáng để học tập.

an, QN, 08:22, 19/10/2010

Thưa thầy, giá như em là cô bé ấy thì em sẽ lập tức cởi áo và nhờ thầy đưa dùm cho bạn Hùng về giặt sạch. Bởi lẽ cô bé đang báo cáo tình huống với thầy bằng một thái độ chân thành và nghiêm túc. Chẳng lẽ thầy lại diễu cợt lúc này? Cả lớp cười ầm; chắc là cười coi thường cách cư xử của người thầy quá vô cảm chứ không phải cười với khía cạnh hài hước của thầy.

Daisy Tran, 01:02, 19/10/2010

Tôi thấy ý kiến bạn Hoàng Duy không có gì là sai cả. Tôi đồng ý với bạn ấy. Đã là dạy phải dạy tới nơi. Nếu sau câu bông đùa kia, ông giáo phân tích cái sai và trách nhiệm hành động của cậu bạn thì câu nói đùa kia mới thực sự phát huy ý nghĩa của nó. Ở đây cô học trò đang gặp khó khăn, ông giáo mang ra bông đùa và chỉ có thế thôi thì không hay . Nếu cậu học trò tiếp tục vẩy mực và nói cô bạn kia: thầy giáo bảo cởi áo ra , tôi mang về giặt cho mà rồi cười cợt cô bạn thì thưa thầy, thầy nghĩ sao ạ.

Thưa thầy, thầy tự hào về việc mang lại chút không khí dễ chịu cho thầy và lớp học, nhưng bỏ mặc học trò. Đó là kỉ niệm đẹp của thầy và thầy giới thiệu lên báo nhưng không chắc là đẹp với cô bé kia.

Nói thêm là tôi thấy nhiều bạn đánh đồng nội dung bài viết với việc khâm phục sự hi sinh của thầy giáo. Khâm phục là khâm phục, cái gì sai vẫn phải nói. Đó cũng là bài học hay.

Gửi bạn Nguyễn xuân trường: xin xem lại đây là mục "NHỮNG TÌNH HUỐNG ỨNG XỬ SƯ PHẠM" "Mời bạn đọc tham gia giới thiệu các tình huống ứng xử sư phạm ấn tượng mà mình đã từng biết, từng trải qua."

Vậy đây không phải nơi để kể chuyện cười. Với tiêu đề bài viết này cộng với nội dung nếu cho vào mục truyện cười hay kỉ niệm cười chi đó tôi sẵn sàng bình bầu 5 sao. Cá nhân tôi thấy đây là tình huống sư phạm KHÔNG ấn tượng gì. Nếu bạn thấy ấn tượng , mời bạn phân tích!

Trần Kiên, Phú thọ, 23:23, 18/10/2010

Một câu chuyện cũng khá ngộ đấy chứ! Cười thì rõ rồi, còn hiểu như thế nào thì... tùy!

Bình an, thai nguyen, 23:18, 18/10/2010

( nhất quỉ nhì ma , thứ ba học trò) . Tôi ko phải là nhà giáo nhưng khi tôi đọc những dòng ( kí ức nhớ một thời của thầy giáo thôi mà ) tôi ko hiểu các bạn suy diễn quá như vậy ,
Cám ơn thầy nhé ! đọc bài của thầy tôi lại như đc quay lại với những kỉ niệm xưa. Ngày đó tôi con nhà nghèo nhưng học giỏi thầy cô nào cũng yêu quí tôi, Các thầy cô ngày ấy thật là như MẸ HIỀN. Còn bây giờ...???

Anh Tuấn, Hà Nội, 23:10, 18/10/2010

Thực sự bài viết ko có vấn đề, nhưng cái tít giật quá, dường như mục đích là để câu khách vậy.

Nguyễn xuân trường, bk đà nẵng, 20:38, 18/10/2010

Đây là một kỷ niệm của người thầy giáo thôi mà, tuy cái đầu đề ko được hay lắm. Mấy người sao bình luận ác ý vậy. Mấy người có đầu óc cao vậy à. Sao ko tự soi xép xem lại bản thân mình đi. Câu chuyện chỉ mang tính kỷ niệm của thời mang cái chữ cho đồng bào dân tộc thôi!

Nhất Nam, TP Vinh, 19:50, 18/10/2010

Bài viết thật giản dị nhưng cảm động vô cùng. Dù chỉ là một tình huống sư phạm nhỏ nhưng chắc chắn những gì liên quan đến nó đã ăn sâu vào tâm trí của tác giả. Một sự nghiêm khắc đầy thông minh mang tính hài hước đã làm tình bạn, tình thầy trò thêm gắn bó, giúp họ vượt qua được những khó khăn ở miền sơn cước. Không trách những người không hiểu câu chuyện vì họ đã không đọc bằng cả một tấm lòng...

Hoàng Thọ Vinh, 18-Phan Phu Tiên,Hà nội, 17:15, 18/10/2010

Theo tôi,Thầy giáo ứng xử như vậy không hợp với môi trường sư phạm. Nếu thầy giáo nói : Sau buổi học,em Hùng đi cùng em Huệ về nhà gặp bố mẹ Huệ nhận lỗi,đồng thời xin lỗi Huệ trước mặt bố mẹ Huệ. Nếu làm như vậy,sẽ tốt hơn cho 2 em và cả lớp.

Nguyễn Hùng, Hàn Quốc, 16:40, 18/10/2010

Tôi không hiểu tiêu đề 'Cởi áo ra!' do tòa soạn hay tác giả đặt? Cách đặt tiêu đề như thế này thể hiện sự tầm thường hóa báo chí, hướng tới sự dung tục và không còn tính giáo dục.

Nguyễn Hoàng Duy, 16:27, 18/10/2010

Khâm phục người thầy dám hi sinh cuộc sống sung sướng miền thành thị để về vùng sâu vùng xa, nhưng chỉ là tôi không đồng ý với bài viết.

Tôi đã bị vẩy mực như thế, và phải cởi trần ra giữa lớp vì câu nói đùa ấy. Rồi mọi việc chẳng có gì cả. Chiếc áo của tôi vẫn đầy mực, thầy giáo xem như "giải quyết xong tình huống cấp bách", và tôi chịu một trận đòn vì tội làm dơ áo. Người bạn kia vẫn nhởn nhơ tiếp tục lần vấy bẩn áo bạn lần thứ hai. Ai sẽ đòi lại công bằng cho tôi - hay cho cô bé học trò kia? Ai sẽ dạy cho "thủ phạm" biết làm như vậy là sai?

Đúng là tôi không hiểu cái gì từ bài viết cả, nên mới viết lên ý kiến của mình để thắc mắc xem giá trị thật sự của bài viết ở đâu. Và chính vì tôi đã từng đi học, từng rơi vào tình huống y như cô học trò kia nên mới biết. Còn các vị nào bảo tôi vô học hay từ trên trời rơi xuống thì hãy giải thích tôi xem tôi sai ở chỗ nào. Chỉ nói khơi khơi như gây sự thì không ai phục cả đâu.

Nguyễn Nam, Hải Phòng, 15:17, 18/10/2010

Nghe thật thô thiển. Chẳng có tính giáo dục nào cả. Đề nghị Ban biên tập xem xét lại. Không hiểu hay ho ở đâu nữa. Thật là phi giáo dục

Dư Đình Quảng, Số nhà 35 đường Hồ Tùng Mậu, Vinh, 14:53, 18/10/2010

Thân gửi các người tham gia ý kiến.
Tôi củng hơi buồn khi một số suy nghĩ của các bạn gửi trong ngày 18/10. Nếu chưa đủ trí tuệ để nhận xét thì tốt nhất là im lặng, "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe" người xưa dạy vậy, viết lên đây văn phạm lũng cũng, ngữ pháp sai nhiều, nhiều người có trí thức đọc qua cảm thấy buồn khi trình độ dân trí của ta chỉ đến mức này sao. Mong chương trình thêm phần lượng giá số người đồng ý với bạn, số không đồng ý để bạn đọc tự soi xét lại chính mình./.

Nguyễn Minh Tân, TP HCM, 14:30, 18/10/2010

Bài viết chả có nội dung gì rõ ràng cả.Cộng với cái tên bài làm người đọc hiểu theo nghĩa khác, toàn là nhũng tên bài gống " sex " nhằm thu hút người xem. Chiu hết nổi !

Phan Vũ Diễm Hằng, Hà Nội, 13:44, 18/10/2010

Hay, cách xử lý của thầy thật thông minh! Ai nghe cũng biết là câu nói đùa (vì đương nhiên sẽ chẳng ai làm vậy) nhưng lại giải toả được sự căng thẳng.

ho, hue, 13:06, 18/10/2010

@Nguyễn Hoàng Duy
Bạn chẳng hiểu một cái gì cả bạn đã từng đi học chưa hay từ trên trời rơi xuống.

le dai ca, tphcm, 11:39, 18/10/2010

rat kham phuc thay giao tre co nghi luc phi thuong, da bo thanh pho len vung cao de day tung con chu cho cac em hoc sinh vung cao.mong nha nuoc co su ho cho de cong trinh trong nguoi do vat va.

HAT, HN, 10:50, 18/10/2010

Rất đồng ý với Nguyễn Hoàng Duy! Bởi, bài viết trên không để lại ấn tượng gì trong cái gọi là "Xử lý tình huống sư phạm". Tôi đồ rằng, trận cười của các em học sinh chỉ là ngẫu nhiên và hơi gượng gạo. Cậu bé vẩy mực, không khéo lại cứ khoe mãi hành vi ấy như một chiến tích đã được "kiểm chứng" và "cổ vũ" bởi thầy giáo!
Thân!

hery ha, virginia- usa, 09:14, 18/10/2010

Nhiều bài hay quá!

Ấy thế mà nước ta lại có những công trình hàng tỷ USD lãng phí. Khẩu hiệu của Bác "vì lợi ích trăm năm trồng người", trông cây như vậy sao nhỉ? Mỗi ngày đọc những bài viết ở quê nhà mà chảy nước mắt.

Nguyễn Hoàng Duy, 09:11, 18/10/2010

Tôi xin lỗi tác giả, nhưng tôi nhận thấy ứng xử trên chẳng có gì là thông minh, còn có phần... phản giáo dục là đằng khác. Tuy đó chỉ là một câu nói đùa, nhưng bảo một thiếu nữ phải cởi áo giữa lớp thì tâm trạng của cô gái sẽ thế nào? Hơn nữa, giải quyết như vậy không thỏa đáng cho cô bé. Áo sơ mi đã dính mực thì vô phương giặt, mà học sinh miền núi, vùng sâu vùng xa thì đâu có nhiều tiền để mua vài ba chục cái để mặc. Cô bé phải ăn nói sao với bố mẹ? Rồi cậu bé kia gây lỗi lầm thì phải tự mình biết sửa sai chứ, cấp III rồi mà. Chỉ cười lên rồi thôi, vậy số phận của cô bé và chiếc áo sẽ như thế nào?

Các tin khác