Lại chưa đúng chuyện Hà Nội đổi tên 7 lần

Cập nhật lúc 16:29, 15/10/2010 (GMT+7)

- Từ tìm tòi của mình, bạn đọc Nguyễn Thành Tâm gửi tới VietNamNet ý kiến đóng góp cho chương trình "Chung kết cuộc thi Hà Nội 36 phố phường" của VTV3 – Đài Truyền hình Việt Nam. Theo tác giả, chương trình được phát trực tiếp ngày 9/10/2010, có một câu hỏi mang tính chất quyết định đến kết quả chung cuộc nhưng đáp án lại chưa đúng.

BÀI VIẾT CỦA BẠN ĐỌC

Mô tả ảnh.
Khu vực đồng hồ đếm ngược "nghìn năm Thăng Long - Hà Nội" buổi sáng sau Đại lễ, ngày 11/10. Ảnh: Thái Anh

Cụ thể, trong câu hỏi thứ 5: Thăng Long kể từ năm 1010 cho đến nay, đã có bao nhiêu lần đổi tên?” Các đáp án được đưa ra là

  • A. 10 lần
  • B. 7 lần
  • C. 6 lần
  • D. 3 lần

Và đáp án được chương trình cho là chính xác là đáp án B: 7 lần đổi tên của Thăng Long – Hà Nội.

Nhưng sau khi đã có sự tra cứu kĩ về các cứ liệu lịch sử, tôi thấy rằng, Thăng Long – Hà Nội đâu chỉ có 7 lần đổi tên, mà thực tế là 12 lần. Cụ thể vào những năm sau đây:

  • Lần thứ 1: năm 1010 được đặt tên là Thăng Long do Lý Thái Tổ (1).
  • Lần thứ 2 : năm 1014 đổi tên là Nam Kinh , cũng do Lý Thái Tổ(2).
  • Lần thứ 3 : từ năm 1279 đến 1284, đổi tên là Trung Kinh, do vua Trần Nhân Tông(3).
  • Lần thứ 4 : năm 1400 , đổi tên là Đông Đô dưới thời Hồ Quý Ly(4).
  • Lần thứ 5 : năm 1408, đổi tên là Đông Quan dưới thời giặc Minh xâm lược (còn gọi là Minh thuộc)(5).
  • Lần thứ 6: năm 1430 , đổi tên là Đông Kinh dưới thời Lê Thái Tổ(6)
  • Lần thứ 7 : năm 1466, đổi tên là Trung Đô, thời Lê Thánh Tông(7).
  • Lần thứ 8 : năm 1469 , đổi tên là Phụng Thiên, cũng do vua Lê Thánh Tông (8)
  • Lần thứ 9: từ năm 1740 – 1786, tên gọi Đông Đô, thời Lê Hy Tông (9)
  • Lần thứ 10 : sau năm 1789 đại phá quân xâm lược Thanh, đổi tên là Bắc Thành, do vua Quang Trung đổi tên (10).
  • Lần thứ 11 : năm 1805 lại đổi tên là Thăng Long (11), nhưng không phải là chữ (昇 龍) của Lý Thái Tổ mà lại là (昇 隆), với ý nghĩa là hưng thịnh, chữ () được lấy từ niên hiệu của Gia Long, đặt lên Thành Thăng Long như mang ý nghĩa khẳng định quyền làm chủ và uy quyền lên vùng Bắc Hà ngày trước.
  • Lần thứ 12: Năm 1831, đổi tên là Hà Nội, dưới thời vua Minh Mạng (12).

Đó là sai sót về mặt kiến thức lịch sử. Ngoài ra còn một lỗi khác dễ nhận ra hơn nhiều, dễ gây ra hiểu nhầm không chỉ với người chơi lúc đó mà còn với bất kì ai để ý câu hỏi: đó là “kể từ” trong câu hỏi Thăng Long kể từ năm 1010 cho đến nay, đã có bao nhiêu lần đổi tên?” .

Đây là một nhóm từ rất dễ gây hiểu nhầm, bởi nó không cho biết có tính hay không tính mốc Thăng Long năm 1010? Nếu đã gọi là đổi tên, thì phải tính từ Thăng Long năm 1010 đến tên gọi tiếp mới gọi là một lần, chứ bản thân tên gọi ban đầu, thì có mốc nào để tính là đổi nữa?

Do vậy, câu hỏi sẽ là chặt chẽ, nếu sửa thành: Đã có bao nhiêu tên gọi chính thức của Thăng Long từ năm 1010 đến nay?.

  • Nguyễn Thành Tâm

****************************

Tài liệu tham khảo:

(1): Thiên đô chiếu – Chiếu dời đô

(2): Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – NXB KHXH, Hà Nội, 1998, tập 1, trang 244

(3),(5), (9),(10),(11), (12): Đại Nam Nhất Thống Chí – NXB KHXH, Hà Nội, 1971, tập 3, trang 151-152

(4): Nguyễn Trãi, Toàn Tập, NXB KHXH, Hà Nội, 1976, trang 217.

(6): Nguyễn Trãi, Toàn Tập, NXB KHXH, Hà Nội, 1976, trang 216.

(7): Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – NXB KHXH, Hà Nội, 1998, tập 3, trang 211, và tập 2, trang 411

(8): Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – NXB KHXH, Hà Nội, 1998, tập 2, trang 437

13: Philippe Papin, Lịch sử Hà Nội, NXB Mỹ Thuật, Hà Nội, 2010, trang 58, 109, 113,114

14. Pierre Clement và Nathalie Lancret, Hà Nội chu kỳ của những đổi thay, NXB KH&KT, Hà Nội, 2005, trang 20, 79,80 ( Bản đồ Hồng Đức)

15. Nguyễn Vinh Phúc - Trần Huy Bá - Ðường phố Hà Nội - H. 1979, tr 12

16. Thiều Chửu, Hán Việt Từ Điển, NXB Văn Hóa Thông Tin, 2005, trang 661, 731.

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Nguyễn Phước, TP. HCM, 04:27, 19/10/2010

Câu hỏi này dành cho công trình của giáo sư, chứ luận án tốt nghiệp của tiến sỹ thì cũng chắc gì trả lời chính xác nổi. Còn như với thí sinh, ai tính cả tên vào Thăng Long vào là sai bét. Nhà đài chỉ hỏi các lần đổi tên của Thăng Long, tức là khi tên gọi Thăng Long đã đươc vua Lý Công Uẩn đặt rồi.

Gervie, MyHanoi, 18:57, 18/10/2010

Tôi có phân tích và đưa một số dẫn chứng về vấn đề này trên diễn đàn của MyHanoi. Nếu ai có nhu cầu tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, có thể trao đổi tại đây: http://myhanoigroup.com/forums/showthread.php?p=14813#post14813

trần sơn hà, 408 xã đàn hà nội, 10:13, 18/10/2010

xin hỏi bạn Thành Tâm là từ năm 1284 đến năm 1284 thì Hà Nội khi đó có tên gọi là gì?nếu đúng như những gì bạn đã liệt kê thì khoảng thời gian đó là khoảng trống tên, vậy là thiếu?và nếu thiếu khoảng thời gian đó thì Hà Nội phải còn 1 tên nữa chứ?bạn kiểm tra lại nhé

Đỗ Quang Lâm, Hà Nội, 12:47, 17/10/2010

To Gervie: bạn nên tìm hiểu thêm về Thành, phủ và tỉnh nhé. Nếu bạn muốn phân biệt rõ ràng thì Thăng Long hoàn toàn không phải là Hà Nội.
Tôi nghĩ ở đây bạn là người cần tìm hiểu hơn là tác giả bài này.

bay lên giời, Hà Nội, 00:28, 17/10/2010

Nam Kinh là đổi từ phủ Ứng Thiên, không phải Thăng Long, Đại Việt sử kí toàn thư chú thích rất rõ.
Không có tài liệu nào khẳng định tên Trung Kinh là tên chính thức về mặt pháp lý chỉ Thăng Long Hà Nội. Suy đoán 1 chút, nếu giả sử có chiếu vua rằng đổi tên kinh đô thành Trung Kinh thật thì gần như chắc chắn phải chép trong Đại Việt sử kí, đổi tên kinh đô là chuyện "tày trời", đến nhỏ như chuyện cá trong hồ thủy tinh chết còn được ghi lại thì ko có lí gì chuyện lớn thế này không được ghi chép. Vài lời góp ý.
@Gervie: các bản đồ Hồng Đức đều ghi rõ là bản đồ Trung Đô anh ạ, dù là bản thật hay giả. Thế nên cũng không ngạc nhiên khi Trung Đô là tên gọi của Thăng Long.

lambarca, Hà Nội, 15:44, 16/10/2010

Theo ĐVSKTT thì:
Bính Tuất, [Quang Thuận] năm thứ 7,
(Minh Thành Hóa năm thứ 2)
Tháng 6
Đặt 13 đạo thừa tuyên: Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên
...Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, An Bang, Hưng Hóa, Tuyên
Quang,Thái Nguyên, Lạng Sơn và phủ Trung Đô

To Gervie : bạn tìm cho mình Thăng Long ở đâu nhé. thân

Tuan2040, 15:09, 16/10/2010

To Gervie: tôi vẫn chưa hiểu rõ lắm ý kiến của bạn. Vì trong những tên gọi trên, không phải lúc nào Thăng Long cũng là Kinh thành, đôi lúc Thăng Long chỉ là 1 địa danh, một thành trong cả nước. Còn nếu theo bạn, thế nào là khác nhau giữa kinh thành và phủ, thì năm 1831, vua Minh Mạng : " lập ra tỉnh Hà Nội. Tỉnh Hà Nội lúc đó bao gồm 4 phủ: phủ Hoài Đức (gồm thành Thăng Long, huyện Từ Liêm của trấn Sơn Tây) và ba phủ Ứng Hoà, Thường Tín, Lý Nhân của trấn Sơn Nam". Nếu như thế thì hiện nay chúng ta phải gọi Thủ Đô là Hà Nội hay Thăng Long hay Hoài Đức?

Gervie, Hà Nội, 12:55, 16/10/2010

Tác giả bài này tuy có đọc nhiều tài liệu lịch sử nhưng dường như chỉ đọc mà không có hiểu. Tôi lời khuyên tác giả nên tìm kiếm thêm tư liệu để hiểu rõ hơn hai khái niệm sau: thế nào là "kinh thành" và thế nào là "phủ". Khi bạn đã hiểu thế nào là "thành" thế nào là "phủ", thì bạn sẽ có được câu trả lời chính xác.

hoacucxanh, Hà Nội, 12:26, 16/10/2010

To Phạm Văn Toàn: Có thể những cái tên Nam Kinh, Trung Kinh, Phụng Thiên... chỉ xuất hiện trong văn bản chiếu, có thể do triều đình phong kiến chứ chưa thông dụng trong dân giân. Nhưng tại vì câu hỏi là "Thăng Long kể từ năm 1010 cho đến nay, đã có bao nhiêu lần đổi tên?", câu hỏi này dễ gây nên những nhận thức khác nhau. Nhưng thường ta sẽ nghĩ đến những văn bản chính thức.
To Khanh: nhầm một chút. Đây là chúng ta đang nói đến tên gọi của Hà Nội qua các thời kỳ chứ không phải quốc hiệu bạn ạ!
Ý kiến của bản thân:
- Một câu hỏi chốt một chương trình quan trọng, nên chăng, cần phải xem xét kỹ hơn để không bị hiểu nhầm về ý nghĩa dẫn đến việc đưa ra sai câu trả lời.
- Sai thì sửa.
- Sự thẩm định dựa trên sách vở thì với 16 tài liệu trên hẳn đã đủ. Cái còn lại là chờ ý kiến của các nhà sử học dựa trên những lý luận của họ để độc giả và khán giả có được câu trả lời chính xác.

sangcom, hanoi, 09:07, 16/10/2010

Vậy cái tên "Tràng An" là ở đâu ra??? Theo tôi được biết Tràng An là tên kinh đô cũ của Trung Quốc, sao người Hà Nội lại cứ thích gọi là người Tràng An ???

Hoàng, Đà Nẵng, 07:10, 16/10/2010

Cái này vẫn còn thiếu tên Thành Hoàng Diệu nữa

khuongtuan, nam định, 05:53, 16/10/2010

Theo tôi nếu có đổi tên thủ đô lần nữa thì cứ như tên đâng gọi lại hay và đủ nghĩa:"Thăng Long-Hà Nội"
"Từ thủa mang gươm đi dựng nước
Ngàn năm còn nhớ đất Thăng Long..."
Tên này vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại.Đầy đủ tính lịch sử từ khi vua Lý Công Uẩn dời đô . Vẫn có thể nói lên câu nói khhông thể mất của Bác Hồ là:"Việt nam thắng mỹ ngay trên bầu trời Hà Nội" các thày dạy sử sau này không cần phải giải thích "Hà nội là Thăng Long ngày nay.."

Nguyễn xuân Hoài, Hà nội, 04:53, 16/10/2010

Xin hoan nghênh và cám ơn việc làm công phu của bạn Nguyễn Thành Tâm. Hy vọng VIetnam Net sẽ tiếp tục đăng ý kiến cuả các bạn đọc khác và đề nghị VTV3 cho bạn đọc biết con số chính xác về số lần đổi tên của thủ đô Hà nội chúng ta.

giang, 22:56, 15/10/2010

đúng rồi, hôm mình xem cũng thấy không hợp lý.

Lê minh thắng, hải phòng, 22:52, 15/10/2010

Tôi nhớ đã đọc trong tạp chí "Xưa và nay" có bài viết nói rằng sau năm 1945 Hà Nội đã được đổi tên là Hoàng Diệu, những chưa kịp triển khai tên này thì kháng chiến bùng nổ (lâu rồi không còn nhớ tến tác giả và số số tạp chí này)

Trần Mộc, Hà Nội, 22:49, 15/10/2010

Chờ đợi sự lên tiếng của hội đồng cố vấn, hội sử học và đài truyền hình Việt Nam.

Đã là sử thì không được sai, đó là quan điểm của tôi.

phạm hai giáp, 22:41, 15/10/2010

rất xác đáng!

Phạm Văn Toàn, Cần Thơ, 21:16, 15/10/2010

Tôi thật thấy ngưỡng mộ và nể phục về việc nguyên cứu của bạn. Nhưng để tăng thêm tính đãm bảo hơn nữa thì rất cần thêm những nhà nguyên cứu khác đối chứng lại với bạn. Bởi vì nước ta trãi qua rất nhiều biến cố chính trị nên có thể có những tên gọi chỉ xuất hiện trên bản chiếu, cũng có thể là do áp đặt mà chưa trở thành thông dụng cho xã hội lúc bấy giờ.

KHANH, 21:11, 15/10/2010

Nước ta còn có tên gọi Đại Ngu dưới thời Hồ Quý Ly. Chữ Đại Ngu này được hiểu là yên vui, hạnh phúc.

Các tin khác