Nhiều giáo viên chuyển sang nghề da giày, may mặc
Cập nhật lúc 11:42, 17/10/2010 (GMT+7)
Hiện nay, ở Hải Phòng, không ít người được đào tạo trình độ đại học sư phạm chính quy nhưng đã phải chuyển sang làm các công việc khác như: da giày, may mặc, thậm chí làm bảo vệ… Rất nhiều giáo viên hợp đồng đứng lớp 40 tiết/1 tuần với mức lương không đủ tiền xăng xe đã phải từ bỏ “nghề cao quý” để tìm kiếm các công việc khác làm kế sinh nhai.
|
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. |
Chị Hoàng Thị Thường, giáo viên Trường tiểu học An Hòa (An Dương, Hải Phòng) trò chuyện với chúng tôi:
Ra trường năm 2001, chị nộp hồ sơ xét tuyển vào Phòng Giáo dục huyện và được phân công về trường dạy với mức lương 600 nghìn đồng/tháng. Qua nhiều lần điều chỉnh lương, đến nay, số tiền mà chị lĩnh được hàng tháng trừ đi khoản đóng bảo hiểm chỉ vỏn vẹn 1 triệu đồng/ tháng.
Bi đát hơn, phải kể đến những giáo viên giảng dạy theo hình thức hợp đồng trường. Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm năm 2003 với chuyên ngành Văn – Địa, chị Nguyễn Thị Hiếu (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) lặn lội đến từng cơ sở giáo dục xin việc, song đều nhận được câu trả lời không có nhu cầu.
Cuối cùng, chị xin làm giáo viên hợp đồng tại Trường THCS Ngũ Đoan của huyện.
Đến nay, đã 7 năm, chị được nhận lương 400 nghìn đồng/ tháng, ngoài ra không có bất kỳ một khoản phụ cấp nào, kể cả BHXH và BHYT. Tính ra, lương cả tháng cũng không đủ xăng xe để chị đi làm từ nhà tới trường.
Bức xúc trước cơ chế bất hợp lý, chị Nguyễn Thị Lan, một giáo viên hợp đồng lâu năm ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), nói:
“Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa nhà tuyển dụng và người lao động. Tôi ký hợp đồng có nghĩa là tôi chấp nhận công việc được phân công, điều kiện làm việc và mức lương quy định, thế nhưng tôi thấy thật bất công khi trả lương cho giáo viên hợp đồng thấp như vậy.”
Dù khó khăn, song họ vẫn bám trường, bám lớp với hi vọng có được một suất biên chế.
Tuy nhiên, điều này là quá mong manh và xem ra là “giấc mơ xa tầm tay”.
Ông Nguyễn Trung Ẩn, Trưởng Phòng giáo dục huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cho biết:
“Với giáo viên THCS, gần 10 năm nay huyện “đóng cửa”, chỉ tuyển một số nhân viên phục vụ chứ không có biên chế giáo viên.
Đến nay, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng có khoảng 200 giáo viên hợp đồng tại các trường ở cấp THCS trở xuống, nhà trường phải cân đối tài chính và tự trả lương từ 500 – 600 nghìn đồng/ tháng. Nhiều khi, chỉ nghe có thông tin huyện tuyển giáo viên là chúng tôi nhận được cả chồng hồ sơ, nhưng cũng chỉ giải quyết dược 1, 2 trường hợp”.
“Huyện và nhiều trường không dám ký hợp đồng, vì lấy đâu kinh phí mà trả cho họ hàng tháng. Nhiều giáo viên mới ra trường đành chấp nhận được giảng dạy cho đỡ quên kiến thức, kỹ năng sư phạm. Thậm chí, tôi được biết có người cuối cùng chỉ nhận được 100 nghìn đồng" - Trưởng phòng Giáo dục huyện Tiên Lãng nói |
Cũng “loay hoay” như trên, ông Phạm Uyên, Trưởng phòng Giáo dục huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cho hay, địa phương có khoảng 100 giáo viên hợp đồng tại trường.
“Huyện và nhiều trường không dám ký hợp đồng, vì lấy đâu kinh phí mà trả cho họ hàng tháng. Nhiều giáo viên mới ra trường đành chấp nhận được giảng dạy cho đỡ quên kiến thức, kỹ năng sư phạm. Thậm chí, tôi được biết có người cuối cùng chỉ nhận được 100 nghìn đồng” – ông Uyên chia sẻ.
Mạnh tay trong việc ký hợp đồng với giáo viên phải kể đến quận Hồng Bàng, đơn vị có thành tích giáo dục dẫn đầu của thành phố Hải Phòng. Tính đến năm học 2009 – 2010, quận đã ký 217 lao động hợp đồng.
Tuy nhiên, quận mới hỗ trợ ký hỗ trợ lương từ nguồn ngân sách tính bậc 1 theo trình độ chuyên môn đào tạo với 93 người, trong đó có 47 giáo viên mầm non.
Như vậy, tổng số lương và bảo hiểm hàng năm quận phải chi trả là trên 2,6 tỷ đồng.
Còn lại 124 trường hợp lao động hợp đồng các trường phải tự cân đối tiền lương từ nguồn thu học phí với mức lương bình quân từ 800 nghìn đồng đến hơn 1 triệu/tháng (bao gồm cả BHXH và BHYT).
Song, đến tháng 9/2010, quận Hồng Bàng đã có 20 giáo viên xin nghỉ việc, chuyển đi nơi khác, hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Điển hình là Trường Mầm non 1 được coi là trường điểm của thành phố Hải Phòng.
Thế nhưng, chỉ trong 3 tháng nghỉ hè năm 2010, có tới 7 giáo viên mầm non nghỉ việc, trong đó có những giáo viên hợp đồng 10 năm và từng đạt nhiều giải dạy giỏi cấp thành phố.
Lý giải về nguyên nhân bỏ dạy, các giáo viên này đều chung lý do “chính đáng” là không thể “sống” được bằng mức lương hiện tại.
Không giấu được sự lo lắng, bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, Phó chủ tịch UBND quận Hồng Bàng chia sẻ:
“Đây là một hiện tượng đáng báo động. Hiện tại, chúng tôi gặp không ít khó khăn khi không đủ giáo viên mầm non đứng lớp”.
Liên quan tới công tác tuyển dụng giáo viên, quận Lê Chân áp dụng theo các hình thức xét tuyển.
Theo đó, ngoài các thang điểm chung theo quy định, mỗi năm giảng dạy, giáo viên hợp đồng sẽ được cộng thêm 5 điểm, và đây là “tiêu chí” để làm cơ sở xét tuyển. Do vậy, số lượng giáo viên hợp đồng ngày càng tăng. Vì nếu không hợp đồng thì cơ hội để vào một suất biên chế với những giáo viên này là đều “không tưởng”.
Rõ ràng, những bất cập trong việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng đang như một căn bệnh “trầm kha” của ngành giáo duc bấy lâu nay.
Nó cảnh báo một điều, nếu không có “liều thuốc’ sớm đặc trị sẽ dẫn đến những hiệu ứng xấu trong lĩnh vực được coi “nghề cao quý”.
(Theo Bảo vệ pháp luật)
Ý kiến bạn đọc
anhdao, Hai Phong, 11:06, 19/10/2010
Tôi đi làm được gần 10 năm. Lương của một giáo viên THPT với tấm bằng cử nhân lúc đó là 680.000Đ mua được hơn một chỉ vàng. Sau gần 10 năm qua nhiều lần nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu qua 3 lần lên lương lương , hiện tại lương của tôi khoảng 2.600.000đ. Hỏi tôi mua được bao nhiêu chỉ vàng?
Mai Thi Nga, Triệu Sơn, Thanh Hoá, 09:36, 19/10/2010
Đọc bài viết này xong tôi thấy sao mà giống ở huyện tôi thế.
Tôi cứ tưởng là chỉ các huyện ở tỉnh TH mới như vậy chứ? Vì tỉnh tôi dân số rất đông nên có nhiều người học SP ra không thể xin được việc làm vì tình trạng giảm lớp, giảm học sinh. Các huyện không có nhu cầu tuyển mới giáo viên. Nhiều giáo viên đã phải bỏ nghề để đi chợ buôn bán chứ họ không thể sống được với đồng lương trả theo tiết được (500 - 600/tháng).
Bản thân tôi cũng học SP, tôi đã từng đi dạy 2 năm, tuy tôi chưa được biên chế nhưng môn của tôi là môn chính tôi còn có thể dạy thêm, có thêm thu nhập. Nhưng tôi cũng không thể gắn bó với nghề lâu hơn được nữa vì có cố gắng lắm thu nhập của tôi cũng chỉ 1triệu đồng/tháng mà không được đóng BHXH-BHYT. Tôi cũng đã từ bỏ nghề giáo mặc dù được đánh giá cao và rất có năng lực trong giảng dạy.
Và các bạn tôi ra trường cũng chỉ như tôi, thậm chí không bằng. Có người ra trường mấy năm mà ko xin được đi dạy hợp đồng ở đâu.
Lê Đình Tâm, Nghệ An, 23:24, 18/10/2010
Không riêng gì ở Hải Phòng mới có hiện tượng này, mà ở Nghệ An cũng có theo tôi nghĩ thì tình trạng này hầu như xảy ra ở tất cả các tỉnh thành phố ở nước ta. Chúng ta ở đây nói lên những bức xúc của chúng ta nhưng những người có thẩm quyền có nghe thấu hay không? xin hỏi tất cả các thầy cô giáo!!!
ĐT, Hải Phòng, 21:57, 18/10/2010
Tôi là một giáo viên ở Hải Phòng và tôi hiểu những điều tác giả viết trên bài báo là đúng 100% và sự thực thì còn thảm thiết hơn. Tôi vào nghề từ năm 2004 đến năm 2008 tôi mới được vào biên chế và mới có lương. Từ năm 2008 trưở về trước tôi không được hưởng bất kì đồng tiền lương nào vì tôi phải tình nguyện làm không lương để lấy chỗ đứng. Hàng tháng tôi sống chủ yếu bằng tiền dạy thêm được hơn 1 triệu đồng/tháng. Hiện nay lương tháng của tôi là hơn 2 triệu đồng và sau đây là các khoản thu nhập thêm của tôi để các bạn tham khảo:
Tết dương lịch: 0 đồng
Tết nguyên đán: 150.000 đồng
Ngày 20 - 11 thưởng 150.000
Ngày 30-4, 1- 5 : 0 đồng.
Thưởng cuối năm lao động tiên tiến: 50.000 đồng
Công đoàn xuất sắc: 30.000 đồng
Ngày công cao ( cả năm không ngỉ ngày nào, kể cả bị ốm) : 20.000 đồng
Lao động tiến tiến thì được xét nghiêm túc chi tiết với hàng chục tiêu chí, mỗi tháng xếp loại lao động tiên tiến được 10.000 đồng.
Như vậy cả năm nếu trọn vẹn được thưởng thêm tổng cộng: khoảng 500.000 đồng. Số tiền này chủ yếu lấy từ quỹ hội phụ huynh. Nhà nước không cho đồng tiền nẩo cả.
như vậy thử hỏi nếu bạn không yêu nghề bạn có tồn tại được với nghề giáo được không??
Mai, Nghệ An, 21:14, 18/10/2010
Không phải chỉ ở Hải Phòng mới có như vậy. Ở Nghệ An chúng tôi cũng có hàng loạtgiáo viên tiểu học, mầm non đã hợp đồng 5-7 năm rồi nhưng vẫn không thể nào có suất biên chế. Lương của chúng tôi không đủ xăng xe để đi dạy. Vì tiếc công học bao nhiêu năm nên lại không nỡ bỏ. Chúng tôi không hiểu vẫn phải dạy như thế nhưng lương lại không như những người khác. Thật là bất công. Nếu các bạn muốn hiểu rõ hơn hãy về huyện Anh sơn quê tôi thì sẽ thấy bi đát hơn nữa.
ban doc, dak lak, 21:04, 18/10/2010
Đọc xong bài viết tôi thấy buồn kinh khủng, bản thân tôi cũng tốt nghiêp đh sư phạm nhưng cũng không được gọi là giáo viên vi 2 năm rồi tôi không xin được việc (mặc dù điểm số cua tôi không tồi).
Tôi thấy nhu cầu thì ngày càng rất ít và chế độ ưu tiên quá cao trong tuyển dụng (chủ yếu sinh viên dân tộc thiếu số và sinh viên của gia đình chính sách mới trúng tuyển) nhưng sinh viên học sư phạm thi không hề giảm, có lẽ sau khi họ ra trường nhưng không được làm giáo viên như tôi có nhiều không nhưng tôi chắc chắn là không ít.
Ai cũng biết rằng tốt nghiệp sư phạm rất khó xin làm việc trong các lĩnh vực khác.
Thiết nghĩ các địa phương cần tính toán sơ bộ nhu cầu giáo viên của từng cấp học để từ đó bộ giáo dục và đào tạo giao chỉ tiêu đào tạo cụ thể cho từng địa phương, điều này một mặt giảm được số lượng giáo viên bi thất nghiệp, mặt khác nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của sinh viên khi mà ngày càng nhiều học sinh giỏi nói không với nghề giáo.
Niềm Tin, Vũng Tàu, 20:58, 18/10/2010
Việc tuyển nhân sự trong tất cả các ngành VN ta đều vậy. Sự thật đau lòng quá nhưng chúng ta đấu tranh yếu ớt quá. Bạn tôi dạy ở 1 trường có ngành không có GV nào ở Hải Phòng thế nhưng họ không biên chế cho GV ngành đó mà duy trì dạy hợp đồng. Những chuyện như bài viết trên rất phổ biến trên khắp đất nước VN. Đau lòng qua!
Tran Nam Khanh, Thanh Hoa, 19:55, 18/10/2010
Nha nuoc can co chinh sach dao tao va can doi nhan luc hop ly neu khong trong tuong lai se xay ra tinh trang thieu giao vien. Ben canh do phai giam sat chat che che do luan chuyen GV o mot so dia phuong, khong de xay ra tinh trang "chay cong" chuc, cong bang trong thi tuyen cong chuc ke ca cac loai hinh bang cap (nen can cu vao nang luc khi phong van). Dam bao muc luong toi thieu cho GV. Dao tao han che nhung mon hoc dang o tinh trang du thua (giao chi tieu cho cac truong SP).
Bùi Thị Hằng, Hải Phòng, 17:57, 18/10/2010
Lâu lắm tôi mới thấy được một bài viết cho các giáo viên như thế này. Bởi tôi thực sự thấy buồn cho những người bạn của tôi học xong sư phạm ra trường đi làm ở các công ty da giầy. Hi vong sau bài viết này Nhà nước quan tâm hơn tới việc chi trả lương cho giáo viên
nguyen quang dinh, 27-Tong Huu Dinh-P.Thao Dien-Q2-TP.HCM, 15:38, 18/10/2010
Nhà nước mình nên trả lương cao cho giáo viên, bởi lẽ họ nên được cuốc sống ổn định, 3-5 năm học ĐH, CĐ mất 100 - 200 triệu thế mà khi ra trường làm lương không đủ sống, còn khi đi học số tiền gia đình gửi ăn học còn nhiều hơn.
Duy Hưng, 11:30, 18/10/2010
Không biết mọi người thế nào nhưng đọc bài viết này tôi thấy rất vui.
Vui vì các thầy cô đã nhận ra giá trị sức lao động của mình và “dũng cảm” chuyển sang nghề khác để có thu nhập, lo cho gia đình.
Vui vì các thầy cô làm như vậy là có trách nhiệm với xã hội (trong giáo dục không thể để mãi cảnh “tiền nào, của nấy” được).
Vui vì có thể từ đây, người dạy và học nên được đối xử (và cả ứng xử) với nhau một cách sòng phẳng.
Mong rằng thông tin này sẽ sớm đến được tai các nhà quản lý.
Lê hồng Thanh, krông Năng- Đăk Lăk, 10:52, 18/10/2010
Tôi thực sự buồn,khi đọc bài viết này. Một ngành được cho là cao quý mà người giáo sinh được đào tạo chính quy phải chịu cảnh thất nghiệp không có việc làm ,nếu có thì đồng lương quá thấp ,nếu không muốn nói là rẻ mạt.
Tại sao hai bộ quốc phòng và công an tổ chức thi tuyển va đào tạo theo yêu cầu của ngành ,địa phương được mà bộ giáo dục lại không làm được?
Đã có vị bộ trưởng bộ giao dục đào tạo tuyên bố là đến năm nay giáo viên sống được từ lương đâu rồi ? hay là nói cho vui!
Đề nghị quốc hội, chính phủ nên có đối sách cụ thể cho ngành giáo dục, để giáo viên không còn thất nghiệp, lương không đủ chi cho cuộc sống.
Cường Tấn, tp hcm, 09:13, 18/10/2010
Nếu lương giáo viên thấp như vậy thì nhà nước cần minh bạch hóa tài chính của ngành giáo dục, để thấy rõ tiền ngân sách dành cho giáo dục đã sử dụng vào việc gì để cả xã hội giám sát. Tại sao tiền ngân sách không tới được với giáo viên ?
Ngoài ra để tránh tình trạng thiếu giáo viên ảo, tránh mắc lừa của các hiệu trưởng thì nhà nước cũng cần thiết lập trang web thống kê tình trạng giáo viên ở các trường trên toàn quốc, để giáo viên các địa phương biết trường nào đang thiếu, cần tuyển giáo viên, mức lương là bao nhiêu, tạo thuận lợi cho giáo viên xin việc, góp phần loại bỏ tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên.
Lưu Dung, Hà Nội, 08:37, 18/10/2010
Theo tôi, Bộ Giáo dục nên điều tra lượng giáo viên cần bổ sung trong tương lai, sau đó phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng để đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm cho phù hợp với lượng giáo viên cần để sau khi các bạn sinh viên ra trường không rơi vào tình trạng thừa phải đi làm hợp đồng
Hương, phutho, 23:53, 17/10/2010
Bài báo đã phản anh chính xác thực trạng hiện nay.
Ngay trường tôi co gv đã hợp đồng tới 7-8 năm rồi, lương 650 nghìn không được đóng bảo hiểm, lương 2 tháng ký 1 lần. Giáo viên như tôi ra trương cũngđên 9 năm mà lương con cam thấy eo hep sau khi trư các khoản còn khoảng trên 2 triệu đồng một chút.
Nhiều đồng nghiệp cam thấy nản nhất là những bạn chưa biên chế, có ban đã bỏ nghề đi buôn bán hoặc xin vào các doanh nghiệp tư nhân để có thể nuôi sống bản thân và gia đình.
Tôi cũng không hiểu sao giáo dục càng ngày càng đẻ ra hàng đống hồ sơ báo cáo mà dường như cái gì cũng mang tính hình thức như kiểm định chất lượng , phổ cập, các cuộc vân động........chỉ thấy ngập dầu là báo cáo vậy chúng tôi còn được bao nhiêu thời gian cho chuyên môn.
Trong chan ngoài thèm, chúng tôi nghĩ rằng để chất lượng GD được tốt mong Bộ GD-ĐT hãy bớt hồ sơ báo cáo cho GV thì hơn, hãy để GD được phản ánh bằng kết quả học tập của HS thôi.
Một hiệu phó trường tôi nói như gần khóc vì quá khổ về báo cáo , thậm chí còn nghĩ đến việc về hưu non...............
lê hoàng đảo, 23:02, 17/10/2010
Lương!
Tôi tốt nghiệp đại học cách đây 3 năm và cũng từng ấy thời gian tôi đi làm và được hưởng lương!
Hiện tôi đang là giáo viên của một trường THPT thuộc địa bàn thành phố Buôn Mê Thuột. Giáo viên, ông bà ta vẫn thường nói là một nghề cao quí phải không các bạn, và tôi cũng tin chắc rằng có rất nhiều bạn trẻ ao ước được đứng trên bục, giảng điều hay lẽ phải cho những thế hệ đi sau.
Khoảng thời gian mới ra trường, chưa đi dạy, trong tôi ấp ủ rất nhiều những dự định những sáng kiến. Thật sự, tôi không phải là một người thích gõ đầu trẻ, nhưng trong tôi cũng trào dâng niềm khát khao được cống hiến vì sự phát triển của xã hội. Nhưng có lẽ chỉ khi đi dạy tôi mới thấy có quá nhiều thứ không như mình dự tính và cũng có lẽ điều mà làm tôi mất nhiều thời gian suy nghĩ nhất là lương.
Để có thể dạy tốt thì giáo viên phải suy nghĩ trăn trở nội dung cần dạy và phương pháy dạy, phải đầu tư thời gian rất nhiều, điều đó lại cần thiết hơn đối với một giáo viên mới ra trường như tôi. Nhưng có lẽ điều đó không quan trọng với tôi nữa khi tôi nhận được tháng lương đầu tiên,1680000 đồng, không biết với các bạn khoảng tiền đó như thế nào? mọi thứ điều mang tính tương đối, có thể ít với người này nhưng lại nhiều với người khác, nhưng có lẽ nó phải phù hợp với thực tại nhu cầu cần thiết. Lại nói về mình, quê tôi ở huyện nên khi dạy ở thành phố tôi phải ở trọ, khoảng tiền chi tiêu đầu tiên là tiền thuê nhà, 450000đ/tháng, cũng ít thôi đúng không các bạn?
Ai cũng biết sống là phải ăn, để sống được một ngày thì phải ăn đủ 3 bữa thì mới đảm bảo sức khỏe, ngày xưa cô giáo dạy sinh của tôi vẫn thường nói như vậy. Ăn sáng không dám nhìn vào quán phở hay quán bún mà chỉ giám ghé vào xe bán bánh mì hay xe bán xôi thì cũng mất 5000đ, vì là thân trai không thể tự nấu ăn nên mỗi bữa đi ăn cơm bình dân tàn tàn cũng mất 15000đ, đôi lần cũng nghĩ tự nấu ăn để tiết kiệm, nhưng nghe mẹ bảo nấu mà ăn được thì cũng tốn từng ấy tiền có khi tốn hơn nên đã thôi ý tưởng cao đẹp ấy.
Vậy là một thanh niên trai tráng không giám uống một li cafê, không dám giao lưu một lần cùng bạn bè, tối nào đói thì ráng mà nhịn cũng phải tốn 1050000đ phục vụ cho nhu cầu ăn để sống.
Ngoài ra, sống là phải di chuyển đi lại nên khoảng tiền tiếp theo phải chi là tiền xăng, khoảng thời gian ấy xăng có giá hới khủng nên tiết kiệm lắm một tháng cũng chi cho cái xe máy 200000đ, chưa kể tới những lúc nó trở chứng hay dậm phải đinh. Thêm một thứ phải nuôi nữa đó là điện thoại, dù không giám gọi nhưng một tháng cũng phải chi 150000 đồng. Thế là sau khi thắt lưng buột bụng một tháng một giáo viên trẻ như tôi phải chi 1850000đ để có thể tồn tại được với những nhu cầu thiết yếu. Và thế là sau một tháng làm nghề cao quí tôi thâm nợ 170000 đồng.
Sau những buổi lên lớp gặp học sinh thân yêu, tối đến nằm trong căn phòng rộng chừng 10m2, nặng mùi ẩm mốc vì sự lụp xụp của dạy trọ, lâu lâu lũ chuột thành phố chạy qua chạy lại nhìn tôi cười đùa, tôi suy nghĩ về lương. Không biết ai đó đề ra mức lương cho nghề cao quí này họ đã từng thử sống với bằng ấy tiền chưa, hay họ nghĩ giáo viên có một nguồn thu nhập khác ngoài lương nhỉ?
Nhiều tháng gặp chuyện phải chi tiền, chưa đến nửa tháng mà lương đã hết rồi. Theo các bạn làm sao để sống nửa tháng còn lại, cũng dễ mà đúng không, dồn hết tiền trong túi mua mấy thùng mì tôm về để nơi cao quí nhất của căn phòng mà ăn dần.
Mỗi khi lên lớp, các em học sinh ngây thơ nhìn vẽ ngoài “bảnh bao” của thầy giáo trẻ, các em đâu thấy được trong bụng thầy chứa gì đâu. Chỉ những khi nào sức cùng lực kiệt vì những sợi mì không thể cung cấp đủ dinh dưỡng cho thầy thì các em mới thấy được sự lờ đờ của thầy giống như một thằng nghiện, có khi làm một phép biến đổi mà sai lên sai xuống. Nhưng các em đâu có biết , bước lên bục giảng cũng là một sự cố gắng không thể cố gắng hơn của thầy rồi. Gần trường tôi có một quán cơm chay, cơm ở đây chỉ 10000đ/1đĩa, nên túi tiền tôi rất thích.
Học sinh thấy tôi hay ăn cơm chay, lại nghĩ thầy mình tốt ghê nhưng đâu biết rằng thầy nó không có tiền để ăn cơm mặn. Nghe học sinh hỏi “sao em thấy thầy ăn cơm chay hoài ?” tôi cũng mỉm cười mà rằng “thầy thích”câu trả lời chỉ có hai từ nhưng sao nghe đau quá. Cũng mong là ít học sinh hỏi vậy thôi, vì mỗi lần trả lời là thêm một lần thầy nói láo, điều mà thầy dạy các em không được làm.
Khi lương không đủ đáp ứng cho nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, thì buộc người ta phải tìm ra một cách nào đó kiếm thêm tiền. Theo các bạn, giáo viên họ sẽ làm gì? Cũng giống như những gì các bạn đang nghĩ, giáo viên làm đủ mọi thứ, xấu có tốt có. Việc đầu tiên là dạy thêm, nhưng làm sao để học sinh học thêm? Theo các bạn giao viên sẽ làm sao? Dạy thêm với mục đích nâng cao chất lượng dạy và học thì không có gì phải bàn, nhưng dạy thêm vì một lí do khác thì thật sự mệt mỏi.
Là một giáo viên, tôi hoàn toàn thông cảm cho đồng nghiệp của mình. Nhiều người phê phán việc dạy thêm học thêm, nhưng nhìn kĩ lại thì dạy thêm cũng giống như mọi việc khác luôn có hai mặt tốt và xấu. Cũng mong là những ai phê phán việc dạy thêm, nên tìm câu trả lời cho câu hỏi “tại sao giáo viên lại dạy thêm?”
Đánh giá trên quan điểm chuyên môn thì dạy thêm là tốt vì nâng cao khả năng, trình độ của giáo viên, nhưng điều đó lại làm giảm hiệu quả tiết học ở trường và tạo nên ấn tượng xấu của học sinh về thầy giáo ở rất nhiều khía cạnh.
Ngoài những môn không dạy thêm được thì giáo viên sẽ thế nào? họ sẽ làm gì? Tôi không giám bàn về điều đó, nhưng liệu khi làm thêm như vậy họ có đảm bảo chất lượng của tiết dạy hay không? Xã hôi luôn bắt giáo viên phải thế này thế kia nhưng có bao giờ xem thử giáo viên sống như thế nào không?
Ai cũng muốn chất lượng giáo dục được nâng cao nhưng giáo viên có thể nào toàn tâm lo cho chất lượng đó không?
hồ nam, lâm đồng, 22:10, 17/10/2010
Bài của bạn phản ánh đúng viễn cảnh của giáo viên hiện nay.
Tôi xin phép tính sơ như thế này! Một người thợ hồ không qua trường lớp công của họ một ngày từ 150.000 đến 200.000 một ngày.
Mỗi tháng họ cũng có trong tay khoảng 4.000.000 đến 5.000.000. Trong khi đó thì giáo viên mình... Làm sao mà thu hút được học sinh giỏi vào ngành sư phạm. Giáo viên bây giờ toàn hướng học sinh đi học những nghành mà không phải là nghề của mình.
Vì họ không muốn học sinh của mình phải hy sinh như họ.
Các vị lãnh đạo thử đi quanh các con đường của địa bàn mình quản lý và hãy so sánh nhà của giáo viên và các công chức trong nghành khác thì họ thấy được cuộc sống của giáo viên.
Rất mong các vị lãnh đạo có một cơ chế hợp lí hơn với chế độ tiền lương của giáo viên. Vì đội ngũ này là cốt lõi cho sư phát triển của một quốc gia.
PHAN NO, 21:26, 17/10/2010
Quả thực đúng là như vậy, chỉ có người trong ngành mới hiểu.
Ai cũng nói giáo viên nhàn nhưng quả thật là không nhàn chút nào.
Công việc giảng dạy ở trường tuy ít song phải mang việc về nhà mà làm nữa, nhiều khi về nhà bận tối mắt không có thời gian nghỉ ngơi, lương lậu thì lại thấp trong khi mọi chi phí ngày càng tăng.
Lương ko đủ nuôi bản thân mình, còn phải phụ thuộc thêm vào gia đình, những ai dạy môn chính thì còn kiêm thêm đc còn dạy những môn phụ thì chỉ có mà đi ,,,phu hồ. Lương thấp như thế ko cả dám lấy vợ vì làm sao lo đc cho gia đình chứ. Nản wa', chuyển nghề thui, chuyển mau cho lành.
Nguyễn Huy Anh, Vinh, Nghệ An, 20:44, 17/10/2010
Bài báo phản ánh đúng thực trạng giáo dục của một địa phương, làm cho chúng ta suy nghĩ và sẻ chia. Thực trạng này không những ở HP mà có ở Nghệ An và nhiều tỉnh khác nữa.
Tác giả đã phản ánh thực trang, còn tôi xin nói về nguyên nhân:
1, Trong những năm gần đây, Bộ GDĐT đã quá lỏng trong việc cho phép nhiều cơ sở đào tạo GV chất lượng thấp; bất cứ ai học gì nếu có chứng chí có 3 - 6 tháng sư phạm là có thể được tuyển vào đi dạy. Có người thi vào trung cấp sư phạm 12+2 của tỉnh nhà không đậu nhưng vào Tây Nguyên thi đậu ĐHSP, tốt nghiệp quay về địa phương được bình đẳng như những sinh viên tốt nghiệp ĐSPHN, ĐHSP Vinh để đi dạy THPT.
2, Bộ có một số chủ trương dạy học các môn tự chọn, dạy bán trú, ... nhưng không qui định về định mức biên chế mà để các trường, các địa phương tự xoay xở, tự hợp đồng cho đủ giáo viên bộ môn để dạy, trong lúc ngân sâch không có để cấp thêm, nên các trường phải tằn tiện chi lương cho giáo viên hợp đồng từ nguồn chi khác hoặc từ nguồn thu rất ít của học sinh.
3, Qui định về phân cấp quản lí giáo dục không rõ ràng, thiếu cụ thể, khong quy rõ trách nhiệm cho ai cả.
Có tỉnh thì Sở Ngoại vụ, có tỉnh thì UBND huyện, có tỉnh thì Sở GDĐT, có tỉnh lại giao cho trường tuyển dụng, HDD GV . Có địa phương, người đứng đầu GD nói rằng: "Chủ tịch huyện tuyển dụng ai, hợp đồng ai tôi không biết nhưng khi giáo viên kêu về chế độ chính sách không đảm bảo, phụ huynh kêu về chất lượng GD kém thì họ lại quy kết trách nhiệm cho tôi".
Mỗi ông chủ tịch huyện mới là thêm một đợt tuyển dụng mới, hợp đồng mới, mặc dù các trường đã thừa nhiều do học sinh giảm; các hiệu trưởng vẫn phải "vui vẻ" tiếp nhận và bố trí. Chưa kể ông trưởng phòng GD, ông hiệu trưởng cũng tranh thủ HĐ thêm một ít cho có "uy ". Các vị coi nhà trường là nơi để giải quyết công ăn việc làm cho người nhà, cho người thân và cho những đối tượng chính sách xã hội.
Từ những lí do nói trên, giáo viên các cấp thừa, thừa nhiều lắm; thu nhập của giáo viên HD thấp, thấp lắm!
Theo tôi, cần những giải pháp sau:
1, Bộ cần qui định cụ thể về việc đào tạo nhà giáo phải có chất lượng: trường nào được phép đào tạo, loại hình đào tạo, chất lượng đầu vào và nên quy định chuẩn đào tạo giáo viên các cấp phải là ĐHSP.
2, Chính phủ nên quy định bắt buộc và công khai rằng: đã là giáo viên dù HĐ hay BC đều phải được hương lương theo thang bảng lương GV, bởi vì họ là GV được đào tạo bài bản, được cấp có thẩm quyền tuyển dụng, hợp đồng hẳn hoi, chứ có phải là "dân cửu vạn" đâu (mà dân cửu vạn thì cũng phải trả đủ chi phí để tồn tại và tái sinh sức lao động thì người ta mới làm). Có quy định như vậy, mới chấm dứt được việc HĐ vô tội vạ.
3, GV nếu không đủ sống bằng lương thì cũng nên tự xaoy xở tìm kiếm việc khác mà làm, có khi lại đỡ khổ hơn; trước hết hãy "tự cứu mình" đã. Thay đổi nghề nghiệp, việc làm là chuyện bình thường trong xã hội có nhiều nhiều biến động, nhiều đổi mới, không nên "ngồi chờ" vào biên chế nhà nước.
atuan, Haiphong, 20:44, 17/10/2010
Vợ tôi là giáo viên mần non ra trường năm 1996, công tác tại Hải Phòng, đến khi bỏ việc năm 2000 lương chỉ có 200.000 vnd.
.Bây giờ vợ tôi làm XNK tại 1 TCT lớn lương thưởng ok.. Tôi vẫn trêu vợ, nếu không có chồng hướng dẫn, chắc bi giờ e làm tới hiệu trưởng..lứa bạn bè là giáo viên như vợ tôi cả mần non lẫn đại học SP bỏ nghề khá nhiều, chỉ còn rất ít người tâm huyết với nghề thì đồng lương không đủ sống..vì vậy trăm sự lại nhờ cậy vào phụ huynh...bởi thế đầu năm, gia đình nào cũng phải đóng 1 khoản tiền quá cao so với thu nhập mà vẫn phải vui..có lẽ mấy nưam nữa, câu " chuột chạy cùng sào..." vẫn đúng như xưa.
Pham Lan, Hải Dương, 20:41, 17/10/2010
Không chỉ có thành phố Hải Phòng mà còn có ở nhiều tỉnh thành khác nữa. Học hành đâu đến nỗi vậy sao tôi lại chọn vào ngành này nữa. Thật sự đi dạy cũng có lúc buồn và lúc vui nhưng cuộc sống không biết có thể làm cho ta cố gắng đi hết con đường mà ta đã chọn nữa không?
Phan Thị Hằng, so nhà 45 Phố Bần, 20:38, 17/10/2010
Quả đúng như bài báo nói, gần như hiện trạng này có hầu hết ở các tỉnh.
Ngay ở tỉnh Hưng Yên cũng vậy lãnh đạo huyện cứ nhận rồi đưa về các trường ồ ạt rồi trả lương cho các giáo viên chỉ đủ thuê nhà và tiền xăng xe còn lại phải về nhà lấy của bố mẹ để sống cho qua ngày tháng vậy thì chất lượng sẽ ở đâu khi mà người GV hàng ngày còn phải lo miếng cơm manh áo, đấy là chưa có gia đình vậy nếu có gia đình thì sao?
Rất nhiều em đã dạy học đến 10 năm rồi còn phải bỏ để đi làm việc khác ,nếu cứ tình trạng này kéo dài vài năm nữa chắc chắn không còn những em học sinh tốt nghiệp THPT dám đăng kí thi tuyển vào ngành Sư phạm.
Bản thân tôi là một giáo viên dạy đã khá nhiều năm rồi nhưng nhiều lúc còn thấy chán nản đồng lương chỉ đủ để lo cho mình chứ còn con cái thì đành kệ cho chồng lo nếu không lo được thì đành khổ cùng nhau vậy thôi , vật giá leo thang từng ngày vậy mà lương thì chỉ có vậy, không có khoản thu nhập nào thêm cả nhiều lúc chỉ nghĩ đến cơm áo gạo tiền đã mụ mẫm cả đầu óc còn đâu mà tư duy.
Tôi mong rằng xã hội cần quan tâm hơn nữa với ngành giáo dục đất nước có mạnh lên hay không chính là nhờ vào thế hệ tương lai có tri thức ra sao .
hoa, Hưng Yên, 20:12, 17/10/2010
Tôi thấy đồng lương giáo viên thực sự không đủ sống trong điều kiện hiện nay nhất là ở những vùng nông thôn như chúng tôi. Đi làm 6 năm, có biên chế mà lương của tôi còn không đủ chi trả cho bản thân mình đâu nói gì đến việc có tích lũy. Học hành vất vả, nhưng chúng tôi vẫn phải sống bám vào gia đình với công việc hiện tại. Tôi thấy ngành giáo dục đưa ra đủ mọi biện pháp để cải tiến chất lượng nhưng chắc chắn một điều chất lượng sẽ chẳng thể nâng lên nếu giáo viên chúng tôi còn chưa đủ sống bằng đồng lương.
Rien Havane, Hà nội, 20:10, 17/10/2010
Thật đáng tiếc cho nguồn nhân lực có được đào tạo chuyên sâu của thành phố cảng Hải phòng.
tvinhtc@ymail.com.vn, Trà Cú - Trà Vinh, 17:56, 17/10/2010
Cám ơn bạn Lê Phong đã nói lên sự thật về những bất cập của nền giáo dục nước nhà.
Phải nói nền giáo dục nước ta là một nền giáo dục tồi từ cơ chế chính sách đãi ngộ , từ chủ trương , quản lý ,...
Đảng và nhà nước ta luôn lúc nào cũng hô hào : "Giáo dục là quốc sách hàng đầu " ,"Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý " mà lương nhà giáo thì thua một công nhân lành nghề ,nhà giáo không thể sống bằng lương bố thí của nhà nước nên phải làm thêm hoặc phải từ bỏ nghề cao quý mà xã hội đặt cho cái tên " Có tiếng mà không có miếng "của mình .
La Văn Bộ, Hà Nội, 17:29, 17/10/2010
Đơn giản bởi nghề sư phạm bây giờ rất khó xin việc. Khi dạy hợp đồng thì lương chẳng đủ ăn. Khi biên chế à phải chờ dài cổ. Xin lỗi nhưng tôi phải nói thật không có tiền chạy thì còn lâu mới được biên chế. không chỉ có ngành sư phạm đâu nhiều ngành khác cũng vậy thôi. ai đó mà muốn về tỉnh làm mà thuộc nhà nước thì nếu không có quen biêt nhờ cậy hay chạy chọt thì còn lâu. Điều này ai mà chẳng biết chỉ có những người giả vờ ngu thì không biết thôi.
An Hòa, Đồng Nai, 17:22, 17/10/2010
Lỗi đào tạo không địa chỉ.
Mỗi tỉnh thành có một (cùng lắm mới có hai) trường đào tạo ngành Sư phạm. Nhu cầu nhận người của các trường trong tỉnh chả lẽ SGD hay trường sư phạm không đoán ra hay không thể biết? Là một giáo viên quèn, cũng thừa sức biết trong 5 năm tới, trường phải tuyển thêm khoảng bao nhiêu giáo viên, huống gì là hiệu trưởng, trưởng phòng, giám đốc sở, hiệu trưởng trường sư phạm? Trường học đâu phải doanh nghiệp tư nhân, mà không dự báo được số lượng trường sau 3 năm, 5 năm?
Công tác dự báo đơn giản như nhân lực trong ngành sư phạm còn không làm được,thì làm thế nào dự báo được nguồn nhân lực cho tất cả các ngành trong một nước?
Bởi vậy, bây giờ bọn trẻ cứ ào ào vào học ngành kinh tế, không biết 5 năm nữa, có ai tuyển dụng chúng không?
Nếu không, thật hết sức lãng phí, nếu chúng phải mưu sinh bằng các nghề trái tay.
Các nhà nghiên cứu, các chuyên viên có trách nhiệm hãy làm việc tốt công việc dự báo của mình, để phụ huynh chúng tôi đỡ khổ khi bỏ tiền triệu cho con học nhầm nghề, để rồi phải làm trái nghành, hay học lại.
thuy, 16:33, 17/10/2010
Đúng là khổ, ở Lào Cai quê tôi giáo viên vùng sâu vùng xa còn khổ hơn nhiều. Có cô giáo ở huyện Bảo Yên nói: Tháng này lương của em được 2.900ngàn trừ đi em còn lĩnh được có 490.000đ. Tôi hỏi sao lại trừ? co trả lời : Vì nhà trường trừ các khoản đóng góp từ thiện thậm trí vì là trường điểm tiếp khách tỉnh, khách huyện cũng trừ lương giáo viên. Tôi nói: Các em xứng đáng là anh hùng.
Nguyễn Trung Khoa, 178 Hồ Tùng Mậu, 16:03, 17/10/2010
Đây là một tình trạng đáng báo động. Ở các thành phố lớn ngay cả các giảng viên của các trường đại học công lập mà còn bỏ việc, đi kiếm việc làm tại khu vực tư nhân hay có yếu tố nước ngoài.
Hãy làm một phép tính: Hai vợ chồng + 2 con + thuê nhà + sống (tồn tại) thì lương mỗi người 10 triệu đồng/ tháng thì tiết kiệm khoảng 40 năm sẽ mua được nhà. Lúc đó họ đã 60-70 tuổi và con họ lại đang tiết kiệm!
Thanh Bình, Hải Phòng, 14:30, 17/10/2010
Đây là dấu hiệu đáng lo lắng cho ngành giáo dục, bởi hiện nay các giáo viên mới ra trường rất khó khăn khi tìm được cho mình một việc làm đúng chuyên môn sau khi ra trường, hoặc có được đứng lớp thì với những chế độ đãi ngộ "không thể sống được" các thầy cô giáo trẻ cũng không còn nhiệt huyết khi giảng dạy.
Và Các em học sinh còn đang ngồi trên nghế nhà trường cũng không còn thiết tha khi tham gia thi vào các trường Đại học sư phạm khi chứng kiến những gì đang diễn ra đối với ngành sư phạm.
Dẫn đến không đào tạo được nhiều thầy cô giáo giỏi, đây lại là một thiệt thòi nữa cho các thế hệ sau khi không được dạy dỗ bởi những thầy cô có năng lực. Đây là một vấn đề mang tính xã hội ở một số địa phương cũng như trên cả nước.
Hy vọng với tâm huyết của những nhà quản lý giáo dục, với hy vọng đưa đất nước ta đi lên nhờ nền tảng tri thức sẽ có những chính sách để khuyến khích và phát thế hệ tương lai.
Hoàng Lan, Hải Phòng, 14:21, 17/10/2010
Điều mà tôi không hiểu là khi không đủ giáo viên đứng lớp, để giáo viên phải dạy 40 tiết 1 tuần, mà lại không có biên chế mới? Vậy có nghĩa là biên chế ít hơn nhu cầu? Vậy cần phải tăng biên chế và cũng phải tăng ngân sách chi cho lương giáo viên. Không có cách nào khác.
Nguyễn Đăng Ninh, Krông Bông - Dal Lak, 14:06, 17/10/2010
Là một người trong ngành giáo dục, tôi thật cảm thông với những đồng nghiệp phải chấp nhận làm việc mà không đủ để ăn chứ đừng nói gì đến tích lũy, trong khi biết bao người khác với công việc lao động phổ thông của họ cũng đủ cho mớ lo toan hàng ngày.
Nếu đem so sành một chút thì hỡi ơi thật là tủi phận, nhớ ngày xưa học tập vất vả như thế nào để được vào trường sư phạm thì bây giờ với đồng lương bèo bọt, với công việc bấp bênh, và còn với bao nhiêu nỗi lo toan khác, thử hỏi có làm cho lòng người yên ổn được chăng?
Tôi nghĩ rằng, Nhà nước cần phải có giải pháp kịp thời với những giáo viên đang trong tình cảnh như vậy và cần phải có những hoạch định rõ ràng từ khâu đào tạo đến khâu tuyển dụng để nước nhà không bị chảy máu chất sám vô ích như vậy.
Lê Phong, b, 12:09, 17/10/2010
Tôi nhớ lại thời kỳ tồi tệ nhất của thời bao cấp thập niên 80 Hàng loạt giáo viên bỏ dạy nó thể hiện sự tồi tệ chưa từng thấy của một nghành mà xã hội tôn vinh ông thầy. Hậu qủa xã hội gánh chịu sẽ rất lớn ở chỗ thế hệ sau chúng ta sẽ được đào tạo bởi những ông thầy dạy để cố mà sống vừa không có tài vừa không có tiền để sống tốt hơn và sản sinh ra các quan chức không có chuyên môn và trình độ tối thiểu để lãnh đạo chỉ đọc diễn văn viết sắn.