- "Xóm bốc mả" ở khu phố 4 - phường 15, quận 8 (TP.HCM), những số phận trẻ thơ chẳng bao giờ mơ tới ngày được cắp sách tới trường. Đó cũng là nỗi niềm chung của những đứa trẻ "xóm lò gạch” ở xã Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương.
Ba đời không biết mặt chữ
Những thân hình gầy guộc, làn da đen kịt, người lấm lem bùn đất, đầu tóc rối bù… hàng chục đứa trẻ trong "xóm bốc mả" lân la khắp nghĩa địa, chúng nhảy từ ngôi mộ này sang ngôi mộ khác để chơi đùa. Đang vào tháng bảy âm lịch nên hầu hết bọn trẻ trong xóm đều đi “giật cô hồn” (đi giật tiền lẻ, trái cây cúng của người dân).
Không học hành, những đứa trẻ xóm bốc mả lay lắt chơi đùa, cuộc sống gắn liền với những nấm mồ. Ảnh: Thu Hòa |
Mặc dù chỉ cách Trường Tiểu học Lê Lai và Nguyễn Nhược Thị chưa đến 1km nhưng khoảng 20 đứa trẻ đang trong độ tuổi đến trường ở "xóm bốc mả" lại chẳng biết đánh vần lấy 1 chữ cái.
Hơn thế nữa, các em chưa biết trường học là gì và cũng không hiểu... tại sao phải đi học.
Mỗi đứa trẻ ở "xóm bốc mả" có một hoàn cảnh éo le riêng nhưng chưa một gia đình nào trong đó thoát cảnh nghèo đói quanh năm.
Đưa tay chỉ ra đám bạn cùng trang lứa đang ngồi ăn cơm trên một ngôi mộ, Võ Ngọc Hân (12 tuổi) nói: “Tụi nó cũng không đứa nào được đi học, lang thang khắp nơi, khi nào đói thì kéo nhau ra bờ sông lượm đồ ăn”.
Võ Ngọc Dũng, cậu bé nhỏ nhất trong nhóm vừa nghe nhắc đến chuyện đi học liền lập tức khoe: “Con không đi học đâu, ở nhà đi lượm ve chai lấy tiền mua bánh ăn sướng hơn, với lại con phải ở nhà coi 2 em để ba con đi làm lấy tiền trả nợ”.
"Xóm bốc mả" chỉ hơn chục nóc nhà thì có hơn 20 đứa trẻ không được đi học vì đa phần là dân lao động nghèo nhập cư. Con cái không có giấy khai sinh, hộ khẩu, chẳng nhà trường nào chịu nhận.
Ba thế hệ nhà bà Võ Thị Dưa (53 tuổi) sống chung trong căn nhà lụp xụp được che tạm bởi vài tấm tôn cũ đã gỉ, nền đất lấp xấp nước. Trong căn nhà chưa đầy 20m2 ấy, không có ai đọc nổi mặt chữ.
“Cháu nội tôi hết năm nay được sáu tuổi nhưng không biết làm sao để xin cho nó đi học được vì tôi cũng không biết chữ. Với lại đi học thì tiền đâu ra mà nộp?” - Bà Dưa tâm sự.
Đến khi có lớp học phổ cập xóa mù chữ buổi tối trong khu phố, những đứa trẻ “xóm bốc mả” cũng chẳng cầm sách vở được lâu. Học được vài buổi tối, chúng lại nghỉ vì “không quen đi học”.
Bà Nguyễn Thị Đan Phượng - cán bộ chuyên trách dân số, gia đình và trẻ em UBND P.15 – Q.8 cho biết: Hầu hết "xóm bốc mả" đều là dân nhập cư, đa phần bọn trẻ không có giấy khai sinh, hộ khẩu nên không thể nhập học chính quy. Để tạo điều kiện cho các em được đến trường, lãnh đạo phường đã vận động, hướng dẫn phụ huynh trở về nguyên quán trích lục giấy chứng sinh để làm giấy tờ cho con đi học nhưng họ không đồng ý với lý do không có tiền.
“Chính quyền địa phương nhiều lần đến tận nhà động viên các em đi học lớp phổ cập ban đêm, trợ cấp đầy đủ các khoản nhưng chỉ được vài ngày là chúng lại bỏ lớp. Bọn trẻ không chịu đi học mà thích đi làm kiếm tiền hơn thì chúng tôi cũng đành chịu thôi” – bà Phượng nói.
Đừng gắn đời với gạch, cháu ơi!
Nằm giữa “làng đại học” (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) thế nhưng giấc mơ đến trường của những đứa trẻ ở "xóm lò gạch” xã Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương là điều xa xỉ.
Xóm lò gạch, nơi có nhiều đứa trẻ không được đến trường. Ảnh: Đỗ Ngà
Từ nhỏ, trẻ con “xóm lò gạch” đã phải ở nhà một mình từ sáng đến chiều vì cha mẹ chúng đi làm. Lên năm tuổi đã biết bưng từng viên gạch phụ giúp cha mẹ. Lên bảy, lên mười thì theo những đứa lớn hơn nhặt rác kiếm tiền về trang trải cuộc sống gia đình. Chúng không được học hành phần vì gia đình nghèo, phần vì không có giấy khai sinh.
Trong con ngõ của "xóm lò gạch", gần mười đứa trẻ đang chơi trò đánh trận giả, hò hét, chạy đuổi nhau một cách hồn nhiên. Cu Phước - 13 tuổi - háo hức chờ tới chừng nào lớp học sẽ "khai giảng".
Hiếu - 11 tuổi - khoe: “Bà nội mới mua áo mới cho con. Nội nói nay mai con sẽ đi học. Năm nay con được vào lớp 1… Thằng Lộc, thằng Hoài cũng thích đi học với con, nhưng mà mẹ nó nói nhà nó không có tiền, đi học phải mua quần áo mới, mua sách vở, đóng tiền học cho thầy nữa…”.
Cả xóm có gần mười đứa trẻ thì chỉ có hai ba đứa đi học, lớp học của chúng là một lớp học tình thương được ông bà Tư phụ trách.
Bé Ngân năm nay 10 tuổi đang học lớp 1 của "thầy Tư", được mấy anh chị sinh viên tình nguyện bên lớp tình thương cho cuốn sách giáo khoa, cuốn tập và chiếc cặp cũ. Nó luôn khoe với mấy đứa trong xóm mỗi khi nói đến chuyện học hành, niềm vui đến trường của nó đơn giản vì không bị ăn hiếp và có bạn để chơi.
Hỏi học được chữ nào rồi, bé Ngân nhanh nhảu lôi từ trong cặp ra cuốn sách cũ và kéo anh của nó là Hiếu ngồi vào chiếc ghế, cũng là bàn học đọc vang những gì mà nó đã học được ở lớp tình thương. Tiếng đọc trong veo bài tập đánh vần lớp 1.
Bé Ngân và Hiếu đang ôn bài. Ảnh: Đỗ Ngà
Không có tiền để cho cháu mình theo học lớp chính quy, bà Nguyễn Thị Út vẫn tìm mọi cách cho hai đứa cháu nội mình là Nguyễn Hữu Hiếu và Nguyễn Thị Thu Ngân "biết đến cái chữ".
Bà Út tâm sự: “May nhờ có cậu sinh viên tình nguyện giới thiệu tôi biết được lớp học của ông bà Tư, hai đứa nhỏ chỉ học được 4 tháng rồi nghỉ hè, nhưng chúng nó được đi học là niềm hạnh phúc lớn lắm rồi.
Hiện giờ chúng tôi đang dành dụm chút tiền, chắc cũng phải bôn ba về quê một chuyến làm cho chúng cái giấy khai sinh, biết chắc là khó lắm nhưng để mãi như thế này chúng lớn lên cũng chẳng được xã hội thừa nhận…”.
Nơi bà Út và những gia đình khác từ miền Tây lên ở để làm gạch là những túp lều nhỏ, ẩm thấp lại lụp xụp được che bằng những tấm tôn cũ nát.
Hỏi ra mới biết, ngay cả túp lều nhỏ và lụp xụp kia cũng không phải của họ, mà được chủ lò gạch dựng lên cho ở. Nay mai, túp lều đó cũng không còn trú chân được bởi vì nơi đây thuộc khu qui hoạch của Đại học Quốc gia, chỉ trong năm nay tất cả đều phải giải tỏa.
Bà Tư nghẹn ngào: “Hai đứa nhỏ vừa tìm được lớp, học cái chữ còn chưa thuộc lòng, vậy mà chúng tôi lại sắp bôn ba tìm một chỗ ở mới, một công việc mới… Tôi cũng chẳng biết tháng ngày sau phải làm gì để kiếm sống nữa, gần 50 tuổi công việc tôi làm chủ yếu là đẩy xe, bưng, bốc gạch, chỉ mong sao cháu tôi đừng gắn đời nó với gạch như tất cả chúng tôi…”.
-
Thu Hòa - Đỗ Ngà