- Thưa Tiến sĩ, tại sao phải thành lập các "lò luyện" tiến sĩ này?
- Việc thành lập các trung tâm trên xuất phát từ thực tế có nhiều cán bộ ở các trường ĐH vùng sâu, vùng xa, trường ĐH mới thành lập không có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn. Khi có các trung tâm này, họ sẽ có cơ hội tiếp cận, nâng cao trình độ, chuẩn bị cho việc đi học tiến sĩ, thạc sĩ theo các chương trình học bổng khác nhau.
Một lý do khác nữa là trong chương trình của Quỹ Giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ (VEF) có một nội dung hoạt động đưa các GS giỏi từ Mỹ sang Việt Nam dạy học. Như vậy cần phải có những cơ sở đào tạo làm đầu mối để tiếp nhận hoạt động này.
- Bà có thể giới thiệu về các hoạt động "luyện thi" của các trung tâm nói trên?
- Bộ GD - ĐT ủy quyền cho các trường tự làm và các trường cũng có đủ kinh nghiệm đảm nhận việc này. Giám đốc trung tâm là lãnh đạo nhà trường, chẳng hạn ở ĐH Huế, giám đốc ĐH kiêm luôn giám đốc trung tâm. Các trung tâm không "lên" chương trình trước một cách quan liêu mà sẽ đáp ứng theo nhu cầu của người học. Khi tham dự các khóa đào tạo bồi dưỡng nguồn ở đây, ứng viên phải thi đầu vào để phân loại trình độ để sắp xếp lớp học nhằm tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả.
- Như vậy có thể hiểu là người học sẽ "đặt hàng" cho các trung tâm?
- Nói "đặt hàng" thì không hẳn vì 100 người, 100 yêu cầu sẽ khó mà tổ chức được. Nói chung, nội dung bồi dưỡng sẽ chú trọng các môn chuyên môn và môn học cơ sở phục vụ cho việc tuyển chọn du học. Đặc biệt, môn ngoại ngữ sẽ được chú trọng vì đây là điểm yếu nhất của các ứng viên. Ngoài việc nâng cao trình độ tiếng Anh TOEFL, IELTS, các trung tâm tổ chức bồi dưỡng để lưu học sinh đáp ứng các điều kiện tuyển chọn đối với bậc tiến sĩ của các trường ĐH Mỹ như yêu cầu về chứng chỉ GMAT, GRE...
- Có phải chỉ ứng viên dự nguồn du học theo đề án 322 mới được theo học tại các trung tâm này? Bộ GD - ĐT có quy định gì về lệ phí theo học tại đó?
- Các trung tâm này có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, viện nghiên cứu, trung tâm công nghệ cao, các doanh nghiệp cơ quan nhà nước... Hiện nay, các trung tâm này chưa đi vào hoạt động, thế nhưng do đã phân cấp cho các trường nên những quy định cụ thể sẽ do các trung tâm đặt ra.
- Chúng tôi được biết trong thời gian đầu, các trung tâm chủ yếu phục vụ bồi dưỡng nguồn đào tạo tiến sĩ theo học các trường ĐH tại Mỹ. Tại sao lại tập trung vào đối tượng này và trong thời gian tới, chương trình có mở rộng sang các khu vực khác?
- Hiện nay, các tổ chức, cơ quan giáo dục có uy tín ở các nước mà Việt Nam có cử lưu học sinh sang đó đào tạo như CNOUS của Pháp, DAAD của Đức, NUFFIC của Hà Lan, CEEVN của Mỹ, CES của Trung Quốc... sẵn sàng cử cán bộ khoa học của họ sang giúp đề án 322 trong kế hoạch đào tạo và nâng cao trình độ cho các ứng viên dự tuyển du học. Vì vậy, các trung tâm "luyện thi tiến sĩ" này sẽ không chỉ phục vụ bồi dưỡng nguồn đào tạo tiến sĩ theo học các trường ĐH ở Mỹ mà còn ở nhiều trường ĐH khác tại Anh, Pháp, Hà Lan, Đức, Trung Quốc...
- Xin cảm ơn bà.
- Hạ Anh (thực hiện)