Samsung đang theo đuổi một mô hình phân phối bắt buộc người dùng phải có cam kết sử dụng dịch vụ với các nhà mạng một cách không cần thiết. Mối quan hệ này sẽ khiến người dùng không nhức nhối với giá bán ban đầu của Tab, nhưng về lâu dài, họ sẽ bị "bội chi" thêm một khoản đáng kể nếu sở hữu thiết bị này. Giả sử mỗi tháng, người dùng phải đóng gói cước 25 USD thì cam kết sử dụng dịch vụ 2 năm sẽ khiến họ tốn thêm 600 USD nữa.
Áp dụng cơ chế nhà-mạng-trợ-giá thường dùng cho smartphone vào sân chơi tablet là một lỗi chiến lược. Lẽ dĩ nhiên, người dùng có thể mua Galaxy Tab bản unlock, nhưng mức giá 650 USD chắc chắn không thể thách thức được những iPad 16Gb giá 499 USD hay thậm chí là iPad 3G unlock 629 USD.
Trong khi đó, Apple lại theo đuổi một chiến lược hoàn toàn khác. Với việc phân phối sản phẩm qua 4 kênh Best Buy, Amazon, Target và Walmart, Apple chủ trương xoay quanh hệ thống bán lẻ và website trực tuyến. Bất cứ chỗ nào người dùng tìm kiếm, họ cũng có thể nhìn thấy Apple iPad và mật độ xuất hiện rộng khắp của thiết bị này sẽ "phục vụ đắc lực" cho Apple hơn hẳn so với việc nhà mạng trợ giá.
Bên cạnh đó, việc thử sức và cạnh tranh với iPad ở một mức giá cao hơn là lỗi chết người của Samsung. Dù cấu hình và tính năng của Galaxy Tab có ấn tượng đến đâu, thì cũng đừng nên quên rằng, iPad ra đời đã thiết lập nên các chuẩn mực cho thị trường máy tính bảng. Người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm Apple đắt hơn mặt bằng chung là vì "giá trị thương hiệu", và họ mặc định các sản phẩm không thuộc Apple phải rẻ hơn.
Đối thủ của Samsung là LG đã chọn phương án chờ Android 3.0 ra mắt, thay vì cố gắng phát triển một mẫu tablet trên nền một hệ điều hành di động vốn được thiết kế không nhằm tối ưu cho tablet. Kết hợp với thực tế là Galaxy Tab nhỏ hơn một cách đáng kể so với iPad, vỏ máy lại được chế tác từ nhựa (rẻ hơn kim loại)... mức giá bán của Galaxy Tab thực sự là một rào cản quá lớn cho thành công của thiết bị này.