Trung Quốc lại đưa đất hiếm sang Nhật
Một Bộ trưởng nội các Nhật hôm nay (19/11) cho biết, Trung Quốc dường như đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật từng được thực hiện từ khi quan hệ ngoại giao hai nước trở nên căng thẳng sau một vụ va chạm tàu gần quần đảo tranh chấp.
Nhật cho rằng, Trung Quốc đã ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật vì căng thẳng ngoại giao sau vụ va chạm tàu Ảnh Telegraph
Các công ty Nhật khẳng định, việc vận chuyển đất hiếm từ Trung Quốc hầu như đã dừng lại kể từ tháng 9 - thời điểm Tokyo bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc sau khi tàu của người này va chạm với các tàu tuần tra Nhật ở gần quần đảo Điếu Ngư (Nhật gọi quần đảo Senkaku).
"Có những dấu hiệu cải thiện”, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nhật Akihiro Ohata nói.
Ohata cho hay, 16 trong 27 công ty Nhật có liên quan đã trả lời một cuộc thăm dò của Bộ này và khẳng định, việc vận chuyển đất hiếm từ Trung Quốc dường như đang trở lại bình thường. Ở một cuộc thăm dò trước đó, tất cả người được hỏi đều cho biết, việc xuất khẩu bị đình trệ.
Tuy nhiên, theo người phát ngôn Yoshihide Toh của Sojitz Corp., một tập đoàn nhập khẩu đất hiếm thì, chưa có thay đổi gì kể từ khi lệnh cấm bắt đầu.
Trung Quốc sản xuất 97% nguồn cung các kim loại đất hiếm toàn cầu, một nửa trong số đó được xuất khẩu sang Nhật. Kim loại đất hiếm rất cần thiết cho ngành sản xuất sản phẩm công nghệ cao như điện thoại di động, máy tính, xe ô tô điện.
Tới thời điểm này, Bắc Kinh vẫn phủ nhận đưa ra lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm. Một số công ty Nhật cho hay, hoạt động kiểm tra gia tăng và các công việc giấy tờ là đình trệ vận chuyển đất hiếm sang Nhật tại các cảng Trung Quốc.
Lo lắng trước nguy cơ đổ vỡ nguồn cung đất hiếm, Nhật đang xem xét trở thành một trung tâm tái chế các kim loại này và thiết lập đối tác với nhiều quốc gia châu Á khác, như Việt Nam và Mông Cổ để phát triển các mỏ khai thác mới.
Vụ va chạm tàu ở biển Hoa Đông đã làm cho quan hệ Trung - Nhật xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, cho dù cuối cùng Nhật đã thả thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc. Bắc Kinh có thời gian ngừng tạm thời mọi tiếp xúc cấp bộ với Nhật, nhiều lần triệu đại sứ Nhật để phản đối, và hoãn các cuộc đàm phán về việc cùng phát triển mỏ khí tự nhiên dưới biển.
Trữ lượng đất hiếm ở Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 30% toàn cầu, nhưng nước này hiện là nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Mùa hè năm nay, Bộ Thương mại Trung Quốc đã cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu những kim loại này tới 72% trong nửa cuối năm nay.
Kim loại đất hiếm trên thực tế không phải quá hiếm. Một số lượng lớn tồn tại ở Mỹ, Canada, Australia, Nam Phi, Nga, Thụy Điển, Việt Nam… Hiếm là ở chỗ có thể tìm ra những tài nguyên ấy ở một nơi tập trung.
Các cường quốc phương Tây hiện tại đã bắt đầu đổ tiền của vào khai thác trở lại kim loại hiếm. Những nhà đầu tư mạo hiểm có thể muốn nhìn vào Molycorp Inc, đã mở lại mỏ Mountain Pass. Cùng với Arafura và Lynas Corp ở Australia, hãng này hy vọng sẽ sản xuất khoảng 50.000 tấn kim loại đất hiếm vào giữa thập niên này. Dĩ nhiên, nó không đủ đáp ứng nhu cầu của thế giới.
Theo tài liệu của Cục điều tra địa chất Mỹ, tập hợp của mười bảy nguyên tố hóa học với những tên gọi rất khó phát âm như yttrium, dysprosium and neodymium… gọi là kim loại đất hiếm. Chúng có có hàm lượng rất nhỏ có trong trái đất.
Những nguyên tố này được dùng trong sản xuất sản phẩm công nghệ cao như laser, tấm pin năng lượng mặt trời, đánh bóng thủy tinh và đồ sứ; bộ chuyển đổi tiếp xúc ô tô, màn hình máy tính, chiếu sáng, ti vi và dược phẩm… Kim loại đất hiếm là thứ hàng hóa “được khao khát” trong công nghệ cao và khá đắt đỏ.
-
Thái An (Theo businessweek)