Nhật thúc ép Trung Quốc về đất hiếm

Cập nhật lúc 14:08, 25/10/2010 (GMT+7)

Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản thúc giục Trung Quốc nối lại xuất khẩu đất hiếm - nguyên liệu chủ chốt cho ngành sản xuất công nghệ cao.

Quan chức Nhật Bản cho rằng, Bắc Kinh đã tiến hành lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm kể từ cuộc tranh cãi giữa hai cường quốc châu Á nổ ra vào tháng trước, xung quanh vụ việc va chạm giữa một tàu cá Trung Quốc và hai tàu tuần tra Nhật Bản.

a
Trung Quốc tuyên bố hạn chế xuất khẩu đất hiếm để bảo vệ môi trường. Ảnh: Telegraph

Theo một số công ty Nhật, việc Trung Quốc ngăn chặn vận chuyển các kim loại đất hiếm tới Nhật kể từ 21/9 có thể là hành động trả đũa động thái Tokyo bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc ở gần quần đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông.

Vị thuyền trưởng cuối cùng đã được tự do. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn phủ nhận một lệnh cấm chính thức vận chuyển đất hiếm tới Nhật, nhưng các công ty và quan chức Tokyo nói rằng, nguồn cung cấp vẫn chưa được nối lại.

Hôm qua (24/10), Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Akihiro Ohata nói với Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Tương Diệu Bình rằng, việc ngừng trệ vận chuyển các kim loại đất hiếm có thể làm tổn hại đến nền kinh tế của cả hai quốc gia.

Ông Tương hiện đang ở Tokyo để tham dự một diễn đàn bảo tồn năng lượng Nhật - Trung, đã trả lời rằng, ở đây không có sự "cố ý" cấm vận thương mại. Ông cho rằng "việc gia tăng vận chuyển tái phép" đã buộc cơ quan chức năng phải tăng cường thủ tục kiểm tra hải quan.

Theo thông tin của báo chí Nhật, ông Tương còn nhấn mạnh, Trung Quốc đã tăng cường kiểm tra vận chuyển đất hiếm với các nước khác, không chỉ có Nhật Bản. Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc tuyên bố: "Sẽ nỗ lực làm việc để tình hình không dẫn tới những ảnh hưởng bất lợi cho kinh tế Nhật Bản và Trung Quốc".

Những tranh cãi chủ quyền lãnh thổ đã làm dấy lên quan ngại ở Nhật Bản về an ninh khu vực. Thủ tướng Naoto Kan hôm qua cho biết, Nhật Bản đang đối mặt với những đe dọa an ninh khu vực "gay gắt" vì chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, và vì sự gia tăng hiện diện quân đội cũng như hoạt động hải quân của Trung Quốc.

"Chúng ta cần duy trì sự linh hoạt của lực lượng quốc phòng để có thể đối phó hiệu quả với mọi tình hình", ông Kan phát biểu ở một căn cứ quân sự gần Tokyo.

Trong khi đó, phong trào phản đối Nhật Bản vẫn tiếp tục ở các thành phố Trung Quốc hồi cuối tuần, hàng trăm người biểu tình yêu cầu Nhật ngừng tuyên bố chủ quyền ở quần đảo gọi là Senkaku (theo tiếng Nhật) và Điếu Ngư (tiếng Trung Quốc).

Trong cuộc gặp với Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc, ông Ohata đã đề nghị với ông Tương đảm bảo an toàn cho công dân và các công ty của Nhật ở Trung Quốc. Việc ngừng vận chuyển đất hiếm có ảnh hưởng lớn tới sản xuất công nghiệp Nhật Bản. Hiện Nhật đang tìm kiếm các nguồn cung khác và cân nhắc việc trở thành một trung tâm tái chế đất hiếm.

Ngày 22/10, nhật báo kinh doanh Nikkei đưa tin, Nhật Bản muốn thảo luận với Việt Nam để cùng hợp tác, phát triển kim loại đất hiếm, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong nguồn khoáng sản chiến lược này. Trung Quốc chiếm khoảng 97% tổng sản lượng kim loại đất hiếm của thế giới, một nửa trong số đó được xuất khẩu sang Nhật.

Tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu đất hiếm để bảo vệ môi trường. Tuyên bố này khiến các công ty khai mỏ ở Mỹ và Canada nghĩ tới kế hoạch nối lại hoạt động sản xuất trong nước.

Theo tài liệu của Cục điều tra địa chất Mỹ, tập hợp của 17 nguyên tố hóa học với những tên gọi rất khó phát âm như yttrium, dysprosium and neodymium… gọi là kim loại đất hiếm. Chúng có hàm lượng rất nhỏ có trong trái đất.

Những nguyên tố này được dùng trong sản xuất sản phẩm công nghệ cao như laser, tấm pin năng lượng mặt trời, đánh bóng thủy tinh và đồ sứ; bộ chuyển đổi tiếp xúc ô tô, màn hình máy tính, chiếu sáng, ti vi và dược phẩm… Kim loại đất hiếm là thứ hàng hóa “được khao khát” trong công nghệ cao và khá đắt đỏ.

  • Thái An (Theo WSJ)

Tin liên quan

Các tin khác