Trung - Nhật: Làm sao lướt sóng Hoa Đông?

Cập nhật lúc 05:58, 19/11/2010 (GMT+7)

- Căng thẳng chưa hề có dấu hiệu giảm bớt tại vùng biển nổi sóng Hoa Đông khi cả Trung Quốc và Nhật Bản đều từ chối rút lui tuyên bố chủ quyền ở quần đảo tranh chấp.

Gần đây nhất, hôm 17/11, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết sẽ tăng cường tuần tra trên các vùng biển xung quanh nước này, trong đó bao gồm cả vùng biển Hoa Đông, bằng việc trang bị thêm nhiều máy bay trinh sát thế hệ mới.

s

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra ở Yokohama, Nhật Bản Ảnh Reuters

Vừa một ngày trước đó, Trung Quốc đã điều tàu ngư chính hiện đại tuần tra tại biển Hoa Đông.

Trải qua nhiều thách thức trong nước cũng như quốc tế vài tháng trở lại đây, Thủ tướng Nhật Naoto Kan đang hứng chịu sự bất bình của người dân khi tỉ lệ ủng hộ ông tiếp tục sụt giảm. Ông Kan đã tái khẳng định chủ quyền của Nhật về quần đảo tranh chấp với Trung Quốc, trong nỗ lực lấy lại lòng tin của người dân.

"Như Nhật đã đề cập, không có vấn đề lãnh thổ liên quan tới quần đảo Senkaku. Trên thực tế, Senkaku là lãnh thổ vốn có của Nhật Bản, được công nhận bằng lịch sử của chúng tôi cũng như luật pháp quốc tế”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN.

Thủ tướng Nhật cũng khẳng định, Trung Quốc cần hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế. Giới phân tích cho rằng, cụm từ “lãnh thổ vốn có” có thể giúp ông Kan kiểm soát được tỉ lệ tín nhiệm đang giảm sút trong nước, nhưng lại làm khó khăn thêm những “nút thắt” ngoại giao bên ngoài biên giới Nhật Bản.

Quần đảo tranh chấp thuộc vùng biển Hoa Đông, được cả Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc gọi khu vực này là Điếu Ngư, còn Nhật Bản gọi là quần đảo Senkaku. Đây là vùng biển giàu nguồn cá và có trữ lượng dầu, khí khổng lồ.

Tại Nhật, kết quả một cuộc thăm dò tiến hành hồi cuối tuần qua cho thấy, tỉ lệ ủng hộ với nội các của Thủ tướng Naoto Kan giảm tới 27%. "Công chúng ngày càng bất mãn vì chính sách ngoại giao vụng về của chính phủ. 77% người được hỏi thất vọng với nó”, báo cáo thống kê nhấn mạnh.

Trong khi đó, ngày 16/11, Trung Quốc đã điều động một tàu tuần tra ngư trường trọng tải lớn mang tên “Ngư Chính 310” đi kèm hai trực thăng tới “quần đảo Điếu Ngư” thực hiện sứ mệnh tuần tra. Ngư Chính 310 là tàu tuần tra ngư trường tốc độ nhanh nhất hiện nay của Trung Quốc được trang bị công nghệ tối tân nhất.

Theo Tân hoa xã, con tàu đã rời thành phố Quảng Châu tới Hoa Đông, đảm nhận công việc tuần tra khoảng 20 ngày. Hãng này cho hay, trước đây, Trung Quốc cũng đã điều tàu tới khu vực. Trung Quốc nói họ có quyền điều động tàu tuần tra ngư trường tới vùng biển này.

Lí Kiện Hoa, giám đốc Cục Ngư nghiệp Trung Quốc bình luận: “Con tàu (Ngư Chính 310) đánh dấu một cột mốc đối với lực lượng tuần tra, giám sát hàng hải của Trung Quốc khi con tàu có thể phối hợp các thiết bị giám sát trên không và trên biển”. Tân hoa xã dẫn lời ông Lí nói rằng, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng nhiều con tàu như thế.

Bên lề một hội nghị thượng đỉnh khu vực diễn ra ở Nhật Bản hồi cuối tuần, quan hệ giữa hai bên dường như đã có tiến triển khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Naoto Kan. Ông Hồ Cẩm Đào tuyên bố, Trung Quốc cam kết là một láng giềng tốt. Còn Thủ tướng Nhật mô tả về cuộc gặp kéo dài 20 phút là “chân thành”.

Trước động thái điều tàu Ngư Chính tới vùng biển tranh chấp, giới quan sát cho rằng, Nhật Bản cuối cùng đã có phản ứng khi bắt đầu tính tới việc đưa vào sử dụng 10 máy bay trinh sát loại P1 thế hệ mới cho Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản trong 5 năm tới.

10 máy bay tuần tra thế hệ mới sẽ có nhiệm vụ giám sát tàu ngầm và các tàu tình nghi. Bộ Quốc phòng Nhật ước tính, chi phí mua máy bay lên gần 2,5 tỉ USD. Máy bay tuần tra P1 đầu tiên sẽ được triển khai trong năm tài khóa tới.

Tại Tokyo, chính quyền của Thủ tướng Kan đang chịu đựng sức ép mất tín nhiệm từ những sự kiện xảy ra gần đây ở gần quần đảo Senkaku (Điếu Ngư). Theo giới quan sát, thực tế này có thể thúc ép chính quyền gia tăng “sức kháng cự” với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về quần đảo tranh chấp hai bên.

Nội các của ông Kan cũng đang chú tâm vào cuộc điều tra về cuốn video bị rò rỉ trên Youtube. Cuốn video cho thấy hình ảnh một tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần tra của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản ở gần Senkaku (Điếu Ngư). Hiện Nhật đang tập trung xác định tính xác thực của cuộn băng. Tokyo dường như sẽ thúc đẩy điều tra và gia tăng áp lực yêu cầu bồi thường với phía Trung Quốc.

Và ít nhất trong vài tháng tới, nội các Nhật sẽ có nhiều việc phải làm để vừa gỡ bỏ những "nút thắt" ngoại giao quốc tế, vừa xoa dịu và lấy lại lòng tin của dân chúng trong nước.

  • Thái An

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác