"Không ai trả nợ thay Vinashin"

Cập nhật lúc 21:10, 19/11/2010 (GMT+7)

- Thông tin với báo chí tại phiên họp báo chiều nay (19/11), lãnh đạo Vinashin cho hay, sẽ xin chủ nợ lùi thời gian trả nợ đến năm 2011.

Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng, lãnh đạo Vinashin, Vinalines và đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành đã cùng "chia lửa" trả lời những câu hỏi của báo chí về tình hình tài chính và xử lý trách nhiệm ở Vinashin.

Xin khất nợ

Các chủ nợ của Vinashin nói họ đã gửi thư đề nghị Vinashin giải đáp về vấn đề trả nợ nhưng chưa thấy phản hồi. Thông tin chính xác tới đâu? Từ nay đến cuối năm, có những khoản nợ nào phải trả cho chủ nợ nước ngoài? Nghe nói tập đoàn đang có khoản nợ 60 triệu USD phải trả trong tháng 12 năm nay, vậy tập đoàn có đủ khả năng trả nợ không?

Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin Nguyễn Ngọc Sự:  Khoản nợ đầu tiên phải trả vào  ngày 20/12 tới đây.

Mô tả ảnh.
Ông Nguyễn Ngọc Sự báo cáo tình hình Vinashin. Ảnh: Lê Nhung.

Chúng tôi đã một vài lần gặp gỡ đầu mối của tổ hợp các chủ nợ để trao đổi tình hình, nêu rõ hoàn cảnh đang khó khăn, đang tái cơ cấu. Chúng tôi vay thì phải trả nhưng vì đang tái cơ cấu nên cũng xin hoãn nợ, giãn nợ chậm 1 năm tức là đến tháng 12/2011 chúng tôi sẽ bắt đầu trả.

Họ ủng hộ, nhưng họ chỉ là đại diện, không thể quyết định được nên nay mai chúng tôi sẽ soạn thư gửi tới các chủ nợ để xin hoãn, giãn nợ.

Tập đoàn dự kiến sắp xếp giảm 216 doanh nghiệp, vậy khi đó chủ nợ sẽ phải tìm ai để đòi nợ? Có thông tin cho rằng, theo báo cáo kiểm toán  của KPMG thì số nợ hiện tại của Vinashin, trừ những công ty từ chối không cho vào kiểm toán là 96 ngàn tỷ đồng. Bộ GTVT có bình luận gì về thông tin này?

Ông Nguyễn Ngọc Sự: Các khoản nợ của chúng tôi đã đầu tư dự án, công trình, nhà máy đóng dở, và đang nằm ở các công trình đó.

Vinashin đã vay thì Vinashin phải trả, không ai có thể trả thay. Chúng tôi sẽ tổ chức sản xuất, bán dự án công ty không liên quan lĩnh vực chính, cổ phần hoá... để trả nợ. Tất nhiên không xử lý ngay một lúc mà tái cơ cấu phải có quá trình.

Còn thông tin 96 nghìn tỷ đồng là không chính xác mà số nợ chính xác là 86.565 tỷ đồng. Vì chúng tôi đã cùng đơn vị kiểm toán KPMG đi rà soát công nợ, với 15 đoàn công tác.

Nợ trong tầm kiểm soát

Khoản nợ hơn 86 ngàn tỷ là vay thương mại hay nợ công? Ai sẽ trả? Đến thời điểm tái cấu trúc vẫn còn nợ 53.054 tỷ đồng. Vậy lộ trình trả nợ thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Sự:  Tập đoàn vay nợ để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Là DN vay thì DN phải trả, tìm mọi cách để có nguồn trả.

Về lộ trình trả khoản nợ hơn 53 ngàn tỷ sau khi tái cơ cấu.

Hiện, tập đoàn vẫn còn nhiều dự án tiềm năng, các khu đất, khu công nghiệp. Nếu trong điều kiện tương đối tốt, chúng tôi sẽ bán được các dự án này với giá như ban đầu, có thể thu tiền về.

Tổng số nợ sẽ giảm xuống còn 40.150 tỷ. Số nợ này trên tổng vốn điều lệ 14.655 tỷ đồng thì mới chỉ ở mức 2,8 lần.

Tỷ lệ nợ này 2,8 lần hoàn toàn trong tầm kiểm soát và trong sự cho phép về tỷ lệ nợ trên vốn điều lệ.

Vậy làm thế nào để trả món nợ trên 40 ngàn tỷ? Phương án của chúng tôi là, thứ nhất, tập đoàn đang khó khăn thì lãi chưa có nhưng có nguồn khấu hao.

Sang năm, chúng tôi sẽ đóng tàu, giao nhận đúng tiến độ. Mấy năm qua đóng tàu chậm nên lãi phát sinh. Nhưng sắp tới, với sự quyết tâm chỉ đạo của Chính phủ thì chúng tôi sẽ đóng tàu, giao tàu đúng tiến độ và như vậy sẽ có lãi và có nguồn để trả.

Thứ ba, trong số các DN chúng tôi giữ lại thì còn rất nhiều công ty TNHH 1 thành viên 100% vốn tập đoàn. Năm tới chúng tôi sẽ cổ phần hoá và sẽ trả được nợ.

Như vậy, 40 ngàn tỷ đồng hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát và chúng tôi nhìn thấy nguồn để trả nợ.

Năm 2010 giải quyết hết nợ lương

Mô tả ảnh.
Tổng giám đốc Vinalines Dương Chí Dũng cho hay, tháng 12, sẽ bắt đầu bàn giao tàu Hoa Sen cho đối tác ngoại. Ảnh: LN
Tập đoàn vẫn còn nợ lương 102,6 tỷ đồng, vậy lộ trình trả nợ dự kiến như thế nào, sẽ trả trong thời gian bao lâu?

Ông Nguyễn Ngọc Sự: Hiện nay tình hình còn đang khó khăn nên đang nợ lương công nhân, với số tiền trên 100 tỷ đồng.

Nhưng, đội ngũ cán bộ, công nhân, kỹ sư  của Vinashin rất  yêu nghề. Họ sẵn sàng chấp nhận lương thấp để ở lại làm việc, vượt qua khó khăn, gắn bó với tập đoàn.

Chính phủ và Bộ LĐTBXH cũng hỗ trợ từ nguồn quỹ của bộ. Chúng tôi được vay hơn 100 tỷ đồng để trả lương và phấn đấu năm 2010 giải quyết hết nợ lương.

Trách nhiệm đã rõ hơn

Nghị quyết Chính phủ mới đây nói phải làm rõ trách nhiệm các thành viên Chính phủ trước Hội nghị TƯ 14, vậy Bộ GTVT đã kiểm điểm trách nhiệm bộ mình như thế nào?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Thanh tra Chính phủ đang tiếp tục làm rõ. Uỷ ban Kiểm tra TƯ cũng đã chỉ đạo, các bộ đang tiến hành xem xét trách nhiệm.

Bộ GTVT cũng đang thực hiện tự kiểm điểm. Kết luận như thế nào thì phải đợi sau khi có kết luận rõ hơn nữa của Thanh tra Chính phủ, Uỷ ban Kiểm tra thì sẽ làm rõ trách nhiệm của bộ chúng tôi và các bộ liên quan.

Sau tái cơ cấu, Bộ Giao thông Vận tải có vai trò gì với Vinashin?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Trước đây, vai trò chủ sở hữu và quản lý nhà nước của các bộ nói chung và quản lý ngành với Vinashin đã được quy định cụ thể trong quyết định Thủ tướng về thí điểm thành lập Vinashin

Bộ GTVT được giao một số quyền thực hiện quyền chủ sở hữu. Nhưng, theo các quy định đó việc thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vẫn còn quá hạn chế.

Vai trò chủ yếu là cho ý kiến góp ý về vấn đề mà Hội đồng quản trị Vinashin trình Thủ tướng và cùng các bộ giám sát đầu tư.

Thú thật cách tiếp cận và nắm bắt, giải quyết vấn đề còn hạn chế.

Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan xem xét để điều chỉnh. Mục tiêu là đảm bảo cho được quyền chủ động, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, tăng cường quản lý nhà nước và giám sát DN thực hiện.

Trong giao nhiệm vụ của Thủ tướng với Tập đoàn, với Bộ GTVT khi phê duyệt đề án tái cấu trúc tập đoàn đã nêu rõ hơn nhiệm vụ của Bộ GTVT và các bộ liên quan.

Trong phê duyệt điều lệ hoạt động của tập đoàn, lần này, vai trò của Bộ quản lý ngành được đặt ở vai trò cụ thể hơn.

Trước kia Bộ chỉ có nhiệm vụ góp ý kiến. Thì nay các vấn đề lớn, như quy hoạch phát triển, mục tiêu phát triển, tổ chức, cán bộ... không phải chỉ góp ý như trước đây mà bộ phải là cơ quan chủ trì thẩm định và trình Chính phủ tất cả các nội dung trên.

Chính phủ cũng giao bộ trực tiếp chỉ đạo các quyết định đó. Như vậy là vai trò quản lý ngành của bộ rõ ràng hơn.

Với nhiệm vụ giao như vậy thì trách nhiệm rõ hơn. Sắp tới sẽ công bố điều lệ hoạt động. Trong cơ cấu tổ chức, Chính phủ sẽ còn tiếp tục điều chỉnh. 

Không để xảy ra Vinashin thứ hai

Phó Chủ nhiệm VPCP Phạm Viết Muôn: Chúng ta phải thường xuyên hoàn thiện cơ chế quản lý tập đoàn. Sau Vinashin, vấn đề càng cấp bách hơn. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tất cả các bộ, cơ quan, ngành, rà soát lại trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình xem có vấn đề gì cần phản biện thì sẽ nghiên cứu, phản biện.

Thủ tướng Chính phủ trong chỉ thị 1586 tháng 8 vừa qua đã yêu cầu các TĐ, TCT thực hiện vay vốn phải đúng quy định pháp luật, có ý kiến đồng ý của bộ quản lý ngành và bộ tài chính. Việc thành lập mới DN và góp vốn phải phù hợp pháp luật và được sự cho phép của bộ chủ quản. Áp dụng cho tất cả các tập đoàn.

Chúng ta không quay lại cơ chế ngày xưa. Tập đoàn được tự chủ, nhưng phải giám sát, không để xảy ra Vinashin thứ hai.

Ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch HĐTV Vinalines:

Trong 26 tàu tiếp nhận từ Vinashin, Vinalines đã đưa vào hoạt động 23 tàu, tháng 12 đưa vào tiếp 3 tàu trong đó có tàu Hoa Sen. Trước đây tàu Hoa Sen do Vinashin khai thác tuyến Bắc-Nam nhưng không hiệu quả nên dừng hoạt động. Chúng tôi đã nỗ lực đàm phán với 3 khách hàng nước ngoài, đã chốt chọn 1 khách hàng có kinh nghiệm, từ ngày 15 -18.12 bàn giao tàu đưa vào hoạt động.

Các tàu khác hoạt động có doanh thu, tổng doanh thu đội tàu đạt gần 1.500 tỉ đồng, chiết khấu hao, có phần dư trả nợ. Gần 1.500 cán bộ chuyển về Vinalines đều có việc làm và được giải quyết lương nợ.
 
 Trong số 27 tàu Vinashin đang đóng dở do khách hàng rút đơn hoặc không thực hiện, Vinalines đã cáng đáng hộ 20 con tàu nặng, còn lại 7 tàu nhỏ không đáng kể. Ngoài ra còn ký hợp đồng đóng thêm 2 tàu 47.500 và 3 tàu 22.500 DWT.

  • Lê Nhung (ghi)

Ý kiến của bạn

Các tin khác