Bộ trưởng giải thích chuyện "phình" gần gấp đôi bộ máy
- Trả lời câu hỏi chất vấn của ĐBQH Nguyễn Đình Xuân, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, trong 10 năm qua, biên chế công chức trong bộ máy hành chính cấp cơ sở đã tăng 41,25%. Đồng thời tại một số bộ đang có rất nhiều Thứ trưởng, thậm chí có bộ lên tới 10 Thứ trưởng.
Biên chế tăng 25%
Trong đó, biên chế Trung ương tăng 7,4%, biên chế địa phương tăng 41,2%.
Như vậy, biên chế chung tăng trên 25% (52.221 người).
Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nguyên nhân tăng biên chế cấp Trung ương được cho là để bổ sung cho các cục, vụ mới thành lập. Riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành lập mới 3 Tổng cục.
Ngoài ra, một số tổ chức mới thành lập như Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cũng cần tăng thêm người.
Biên chế tăng ở hầu hết các bộ. Chẳng hạn lực lượng hải quan, thuế, kho bạc, chứng khoán (Bộ Tài chính); đội ngũ làm công tác thống kê, quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT); đội ngũ quản lý môi trường, đất đai, biển, hải đảo (Bộ TN&MT).
Theo Bộ trưởng Trần Văn Tuấn, biên chế chủ yếu tăng ở cấp cơ sở, đặc biệt biên chế cấp huyện.
Có tới 14 lý do được Bộ trưởng đưa ra để giải thích về tỷ lệ tăng gần gấp đôi biên chế ở địa phương, như thành lập một số chi cục như Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm; Chi cục Bảo vệ môi trường và một số Chi cục hoặc phòng thuộc các sở, ban ngành.
Việc ra đời một số sở như Sở Thông tin Truyền thông, Sở Ngoại vụ, Ban dân tộc ở một nơi cũng góp phần "phình" bộ máy. Đặc biệt, nhiều nơi lập thêm Phòng y tế, Phòng dân tộc. “Rồi chuyển biên chế sự nghiệp sang biên chế quản lý nhà nước như dân số, gia đình và trẻ em, thanh tra giao thông, xây dựng”, Bộ trưởng Nội vụ cho hay.
Nguyên nhân khác là tăng biên chế quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo, thi đua khen thưởng, du lịch, ngoại vụ, dân số kế hoạch hóa gia đình, thú y, thủy sản....
Nhiều động thái "kiện toàn bộ máy" của các ngành như thanh tra (giao thông, y tế, xây dựng, giáo dục) và cải cách hành chính, tiếp dân... cũng thúc đẩy việc tăng gấp đôi bộ máy.
Ngoài ĐB Nguyễn Đình Xuân, rất nhiều ĐBQH khác cũng chất vấn vị trưởng ngành nội vụ tình trạng phình bộ máy.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Lương Phan Cừ cho hay, qua tiếp xúc cử tri, người dân đang bức xúc trước tình trạng phình tổ chức, biên chế ở Trung ương.
Cũng như ĐB Xuân, ông Lương Phan Cừ cũng gửi chất vấn đồng thời lên cả Thủ tướng và Bộ trưởng.
"Vì điều này không phù hợp với định hướng thể hiện trong tờ trình Chính phủ và quá trình thảo luận của Quốc hội về việc sáp nhập một số bộ, ngành để giảm đầu mối, giảm biên chế như kỳ họp đầu tiên của QH khoá XII đã bàn", ông Cừ cho hay.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội đề nghị Thủ tướng và Bộ trưởng Nội vụ cho biết rõ trách nhiệm trong việc không thực hiện đầy đủ các mục tiêu đề ra khi tiến hành sáp nhập một số Bộ, ngành, để xảy ra tình trạng giảm đầu mối Bộ, ngành nhưng lại tăng đầu mối cục, tổng cục ở các cơ quan Trung ương.
Tuy nhiên, câu trả lời của Bộ trưởng Nội vụ chưa làm ĐB Cừ hài lòng, vì, Bộ trưởng chỉ giải thích, "đây là cả một quá trình".
Tăng cấp phó để bình đẳng giới
Liên quan đến chủ trương giảm cấp phó (xuống còn 3 - 4 người), Bộ trưởng Nội vụ trả lời ĐB Nguyễn Đình Xuân rằng, trên thực tế nhiều Bộ lên tới 10 Thứ trưởng (Bộ Công thương, NN&PTNT).
Các Bộ có 7 Thứ trưởng là Ngoại giao, Tài chính, TN&MT.
Bộ Nội vụ cũng có tới 6 Thứ trưởng (cùng với các bộ khác như Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ).
Như giải thích của ông Trần Văn Tuấn, cấp phó tăng chủ yếu vì chủ trương hợp nhất.
Nhưng thực tế, trong số các bộ "phình" đội ngũ Thứ trưởng chỉ có Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT là hai bộ được sáp nhập.
Lý do khác được Bộ trưởng Nội vụ đưa ra, là tăng cấp phó để thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo.
"Ngoài ra, để thực hiện chính sách cán bộ lãnh đạo là nữ ở cấp Thứ trưởng theo Luật bình đẳng giới, nên ở một số bộ, số lãnh đạo nhiều hơn quy định", người đứng đầu ngành Nội vụ lí giải.
Bộ trưởng Nội vụ cam kết: "Sau ĐH Đảng sắp tới sẽ điều chuyển số cán bộ lãnh đạo cấp Bộ để giảm dần lượng cấp phó".
Cũng theo ông Tuấn, cấp phó tăng vì Chính phủ chuyển một số cơ quan thuộc Chính phủ sang cho các bộ, thành lập mới một số tổng cục nên thời gian đầu, để bảo đảm các tổ chức này sớm đi vào hoạt động ổn định, Ban Bí thư, Thủ tướng đồng ý cần có Thứ trưởng kiêm người đứng đầu các cơ quan này.
Bộ Nội vụ thêm 2 Thứ trưởng vì bộ này nhận về Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban thi đua, khen thưởng Trung ương.
Bộ NN&PTNT thêm 3 Thứ trưởng do thành lập mới 3 Tổng cục: lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản.
Lý do cuối cùng, theo Bộ trưởng Tuấn, là do yêu cầu thực tiễn về tăng cường chỉ đạo - điều hành với một số ngành, lĩnh vực, tập đoàn, Tổng công ty, nên Bộ trưởng một số bộ đã đề nghị và được Ban Bí thư, Thủ tướng đồng ý bổ nhiệm thêm thứ trưởng để phụ trách các ngành, lĩnh vực hoặc tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN được phụ trách bởi một Thứ trưởng Bộ Công thương. SCIC thuộc Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính tăng tới 7 Thứ trưởng do cần người phụ trách thuế, hải quan.
Bộ Ngoại giao tăng 7 Thứ trưởng để quản lý lĩnh vực công tác ngoại giao.
Tương tự, Bộ TN&MT cần cấp phó phụ trách môi trường, địa chất, khoáng sản.
Chốt lại, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nói, việc bổ sung Thứ trưởng tại một số bộ được đặt ra trong bối cảnh thực hiện chủ trương bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Do có sự sáp nhập các bộ nên nhiều tổng cục được lập mới.
Ban Bí thư và Thủ tướng quyết định việc bổ nhiệm Thứ trưởng của Bộ kiêm Tổng cục trưởng.
"Vấn đề Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng cần được nghiên cứu, tổng kết để quy định phù hợp hơn trong thời gian tới để xác định chức trách của lãnh đạo Bộ là Thứ trưởng trong chỉ đạo, điều hành và của Tổng cục trưởng là người đứng đầu cơ quan, tổ chức", ông Tuấn khẳng định.
-
Lê Nhung