Khi dân được kiện quan

Cập nhật lúc 19:43, 23/10/2010 (GMT+7)

- Cận cảnh thực tế các vụ "dân kiện quan" có tỷ lệ thành công "rất thấp", thậm chí thắng lợi không rõ ràng, ĐBQH Nguyễn Đình Xuân muốn luật khắc phục những bất cập để khả thi.

>> Nhờ luật, chủ tịch tỉnh có dám hầu tòa?
>> Để dân kiện quan không còn giống ’con kiến kiện củ khoai’
>> ’Không nhà nước vì dân nào biết sai lại không sửa’

Sáng 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật tố tụng hành chính - dự luật mở ra nhiều quy định cho dân có quyền kiện và kiện thắng quan ở bất cứ vị trí nào, nếu như quan chức đó làm không đúng pháp luật.

Quan sai, có thể kiện ngay

Mô tả ảnh.
ĐB Nguyễn Đình Xuân: "Dân kiện quan quá khó khăn".
Từng đi dự một số phiên tòa hành chính, ĐB Nguyễn Đình Xuân khẳng định thực tế "dân kiện quan" là "quá khó khăn". Tỉ lệ thành công "rất thấp", thắng lợi, nếu có, cũng không được tuyên rõ ràng.

"Có trường hợp tuyên bác bỏ một quyết định nhưng sau đó lại ra một quyết định tương tự. Hay phát hiện có những vấn đề bất cập nhưng không đưa vào trong bản án, quyết định bản án là vấn đề đó cần phải sửa đổi, mà lại tách ra một vụ việc khác. Như vậy làm cho quá trình xét xử kéo dài và quyền lợi của người dân bị vi phạm", ông Xuân cho hay.

Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền muốn đạo luật được thông qua sẽ tạo cơ hội tốt nhất để người dân tiếp cận công lý.

"Có người cho rằng dân làm sao thắng được quan, họ nói chính trị, tiền bạc hay tình cảm đi vào tòa thì công lý cắp cặp ra đi. Khi nói đến hình ảnh của tòa thì cũng như các cơ quan khác, nếu bị ai tác động, đều có thể bị chi phối, nhưng tôi cho đó là mặt trái của xã hội và tin chắc rằng nếu đạo luật này được thông qua, công lý sẽ được thực hiện tại tòa tốt hơn", ông Thuyền nói.

Một trong những quy định của dự thảo luật được đa số ý kiến tán thành, đó là tổ chức và cá nhân không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính, không yêu cầu cá nhân, tổ chức đó phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu mới có quyền khởi kiện, ngay cả trong những lĩnh vực đất đai, xây dựng, sở hữu trí tuệ.

ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cũng cho rằng nếu dự án luật quy định trước khi khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án phải qua thủ tục khiếu nại như Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành quy định thì sẽ không đổi mới được cơ chế giải quyết khiếu kiện hiện nay. Tình hình giải quyết khiếu kiện sẽ không có sự chuyển biến căn bản, vì các khiếu kiện hành chính luôn phát sinh từ các lĩnh vực chuyên môn nhất định thuộc chức năng quản lý hành chính.

Băn khoăn xử án oan sai

Mô tả ảnh.
ĐB Trần Đình Nhã.
Nhiều ĐB chú ý đến thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao - tức xem xét lại các án oan sai do Tòa tối cao phán.

ĐB Mã Điền Cư cho hay trường hợp quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC có sai lầm nghiêm trọng, nhưng không có cơ chế giải quyết lại, khiến đương sự và dư luận xã hội rất bức xúc, khiếu nại gay gắt, kéo dài, thậm chí xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức.

’’’Tôi cho rằng đó là điều không hợp lý, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhân dân đối với Tòa án", ĐB nói. Ông đề nghị luật cần quy định cơ chế đặc biệt để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với các quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC khi phát hiện có sai lầm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Trần Đình Nhã (ĐB tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi nếu áp dụng thủ tục đặc biệt, có thể giải quyết được "một vài vụ án xưa nay có sai lầm nghiêm trọng" nhưng tình hình sẽ đến đâu?

"Như thế chúng ta phá vỡ niềm tin hay sự tín nhiệm của công chúng là xét xử của ta không có điểm dừng và không đáng tin. Cả Hội đồng thẩm phán TANDTC là cơ quan thông tuệ pháp luật nhất đất nước này xét xử còn sai lầm. Dẫn đến tình trạng sẽ ùn lại tất cả, thậm chí những bản án cao nhất, vì người ta bảo không tin, người ta còn hy vọng, tiếp tục gửi đơn đề nghị xem lại. Tình trạng quá tải của Tòa án càng quá tải thêm, tại sao anh xem vụ này, không xem vụ kia", ông Nhã lo ngại.

ĐB kiến nghị nên tổ chức một phiên tòa đặc biệt của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban khác của Quốc hội khi giám sát thấy bản án A, B, C nào đó có vấn đề thì yêu cầu Chánh án TANDTC tổ chức một phiên tòa đặc biệt. Phiên tòa sẽ không có sự tham gia của những người đã tham gia xét xử ở Hội đồng thẩm phán TANDTC trước đó.

"Không thể để cho mấy đồng chí đã xét xử rồi, đã quyết định rồi bây giờ lại ngồi lại để xét xử lại. Nên triệu tập những thẩm phán khác, thậm chí là thẩm phán của các Tòa án địa phương lên ngồi để xét xử, xem lại vụ án này, coi đây là trình tự hết sức đặc biệt mà năm thì mười họa mới phải làm. Làm như thế này khi ban hành luật này ra sẽ rất nhiều đơn từ, rất nhiều ý kiến sẽ cho rằng chúng ta sẽ phá vỡ tố tụng hình sự", ĐB kiến nghị.

ĐB Lê Văn Tâm (Cần Thơ) cho rằng đây là qui định rất mới nhưng vụ án giải quyết không thể kéo dài mãi mãi. ĐB kiến nghị thời hạn chậm nhất 3 năm phải kết thúc.

"Bây giờ bản án có hiệu lực rồi mà kéo dài mãi mãi, xem xét tới, xem xét lui từ sơ thẩm đến phúc thẩm, rồi đến Hội đồng thẩm phán, bây giờ lại xem xét lại quyết định Hội đồng thẩm phán nữa và rồi quay lại sơ thẩm, phúc thẩm nữa thì bản án là quản lý Nhà nước thì quản lý như thế nào, tôi thấy rất khó", ĐB nói và đề nghị bộ thủ tục xét xử rút gọn.

  • Xuân Linh

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác