UBTVQH thảo luận Luật Tố tụng hành chính:

"Không nhà nước vì dân nào biết sai lại không sửa"

Cập nhật lúc 06:07, 22/07/2010 (GMT+7)

- Sau những tranh luận sôi nổi tại diễn đàn quốc hội kỳ vừa rồi, phiên thảo luận chiều 21/7 của UBTVQH về dự án Luật Tố tụng hành chính tiếp tục đạt những bước tiến mạnh mẽ theo hướng có lợi cho người dân.

>> Nóng bỏng nghị trường

"Công khai một lần"

Dù tất cả đều đồng tình sẽ quy định thẩm quyền giải quyết của Tòa án hành chính theo phương án loại trừ, nhưng liệu có loại trừ những quyết định, hành vi hành chính của Chính phủ và Thủ tướng không thì lại nảy ra tranh luận gay gắt.

Mô tả ảnh.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận (trái): Không có nhà nước của dân, do dân, vì dân nào biết sai lại không sửa

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đề nghị cứ quy định thẳng trong luật là có loại trừ, bởi "nếu không lại thành gian dối". Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng lập tức tán thành, bởi thực tế "tòa án tỉnh mà xét xử quyết định của Thủ tướng thì khó lắm, khi xử sơ thẩm mà đụng đến các quyết định của bộ trưởng đã khó lắm rồi, văn hóa người Việt là thế".

Đáp lại, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba rất "chân thành" khi giải thích, nếu phải quy định thẳng trong luật là loại trừ các quyết định của Thủ tướng thì "phải có lý lẽ cụ thể, vì sao lại loại trừ? Không lẽ lại ghi vì Thủ tướng là Ủy viên Bộ Chính trị nên Tòa hành chính không thể xem xét giải quyết?".

Bà Thu Ba dẫn việc ở nhiều nước, người dân được quyền khiếu kiện với mọi quyết định dù của cấp nào, Luật Khiếu nại tố cáo của ta cũng không quy định loại trừ, nhưng vì người có thẩm quyền giải quyết cao nhất chính là Thủ tướng nên đương nhiên Thủ tướng chỉ giải quyết về các quyết định của cấp dưới. Theo bà, "luật lần này không quy định loại trừ, nhưng quy định được khiếu kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ và cơ quan ngang bộ thì cũng "ngầm hiểu" là không có quyết định của Thủ tướng rồi".

Còn theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, "ghi loại trừ vào đây sẽ rất phức tạp, một vấn đề hiển nhiên rồi thì đặt ra làm gì". Sau đó, "quả bóng" trách nhiệm được trả về cho QH khi ông Bình đề xuất nếu quyết định của Thủ tướng sai thì sẽ có giám sát, chất vấn của QH để thay đổi.

Mặc những giải thích chi tiết của phía soạn thảo và thẩm tra, Chủ nhiệm UB Pháp luật vẫn nhất định đề nghị phải "công khai một lần", ghi thẳng vào luật sự loại trừ này.

Sai thì phải sửa

Tranh luận mạnh mẽ khi bàn chuyện có loại trừ quyết định, hành vi hành chính của Chính phủ và Thủ tướng không, nhưng lại rất đồng thuận khi khẳng định đã đến lúc phải có cơ chế để xử lý những bản án, quyết định đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, hoặc khi Hội đồng thẩm phán TANDTC đã có quyết định giám đốc thẩm, nhưng phát hiện có sai lầm nghiêm trọng.

Mô tả ảnh.
Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng (trái): Xử sơ thẩm mà đụng đến các quyết định của bộ trưởng đã khó lắm rồi

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, "việc này đã nợ mấy nhiệm kỳ rồi. Không có nhà nước của dân, do dân, vì dân nào biết sai lại không sửa, lại không tìm được cơ chế để sửa sai". Ông Trần Thế Vượng đề xuất nên chăng quay lại mô hình có Ủy ban thẩm phán trong Tòa án tối cao, để Hội đồng thẩm phán giữ vai trò "sửa sai", bởi ông không đồng tình chuyện "kéo" cả Bộ trưởng Tư pháp và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vào, "sẽ vi phạm nguyên tắc độc lập của tòa án".

Theo bà Thu Ba, nếu không có cơ chế đặc biệt để "sửa sai" thì giám sát chỉ mang tính hình thức, và đề nghị phải có cơ chế đồng bộ trong tất cả các luật (tố tụng hành chính, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự...) để sửa những quyết định sai, bởi "chuyện thiệt hại tài sản còn có thể nhùng nhằng chịu đau được, không lẽ trong bản án hình sự, đã tuyên tử hình sai lại mặc kệ"?

Chánh án Trương Hòa Bình "khách quan" trình bày cả 3 quan điểm: Quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC là góc thiêng liêng của luật phát nên đã quyết định là thôi; Nhà nước của dân, do dân, vì dân thì có sai phải sửa nên cần cơ chế đặc biệt; và quan điểm trung hòa: công nhận quyết định sai nhưng không sửa lại mà có cơ chế bồi thường của nhà nước.

Phó Chánh án Trần Văn Tú lại cho rằng "quyết định của tòa án là sản phẩm tư duy, mang tính chủ quan, dứt khoát sẽ có sai. Luật sẽ thiết kế theo hướng thấy sai thì tự sửa, Hội đồng thẩm phán thấy sai sẽ giao cho Viện trưởng Viện Kiểm sát và Chánh án TANDTC kháng nghị để sửa lại". "Tiết lộ" trước đây với những vụ án phát hiện sai sót thì phải "lách luật", tìm ra yếu tố mới để xử tái thẩm, ông Tú khẳng định đã báo cáo Chủ tịch nước và Chủ tịch chỉ đạo theo hướng "đã thấy sai thì phải sửa".

Mô tả ảnh.
Phó Chủ tịch QH Uông Chung Lưu (trái): Vì công lý, phải bảo vệ sự thật

Với sự đồng thuận mạnh mẽ trong thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chung Lưu khi tổng kết thảo luận khẳng định "vì công lý thì phải bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự thật", và đề nghị Ban soạn thảo cùng cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ để có đề án cụ thể cho cơ chế đặc biệt này.

Ngoài ra, UBTVQH còn đồng thuận trong nhiều vấn đề rất quan trọng của đạo luật, liên quan đến quyền tự do của công dân, như người dân có quyền khiếu kiện thẳng ra Tòa án hành chính khi thấy có những quyết định, hành vi hành chính trái pháp luật, viên chức - từ cấp vụ trưởng trở xuống - được khiếu kiện khi bị buộc thôi việc...

  • Khánh Linh - Ảnh: Lê Anh Dũng

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác