- Trung Quốc đã chính thức phản ứng với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ và cảnh báo quốc tế hoá tranh chấp Biển Đông sẽ chỉ khiến vấn đề trở nên tồi tệ.
>> Ngoại trưởng Mỹ phản đối sử dụng vũ lực ở Biển Đông
>> Bất thường Biển Đông trong nghị trình ASEAN
Trong một thông cáo đăng trên mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/7, Bộ trưởng Ngoại trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì đã nêu quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, một trong những nội dung được các bên đưa ra thảo luận tại cuộc họp Diễn đàn Khu vực ASEAN diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội.
Khăng khăng quan điểm giải quyết qua kênh song phương
Đề cập đến những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, trong đó nêu mối quan hệ giữa những lợi ích quốc gia của Mỹ và Biển Đông, tầm quan trọng và sự khẩn thiết về duy trì tự do lưu thông hàng hải, phản đối sự ép buộc và việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông, Bộ trưởng Dương Khiết Trì cho rằng những nhận định có vẻ vô tư đó là nhằm "tấn công" vào Trung Quốc, tạo cho cộng đồng quốc tế một ấn tượng sai lầm rằng tình hình trên Biển Đông là một nguyên cớ cho sự quan tâm nghiêm trọng.
Trong bản thông cáo này, Trung Quốc đã cáo buộc cái nước này gọi là "âm mưu" của một số nước quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và cảnh báo "nếu vấn đề Biển Đông trở thành một vấn đề quốc tế hoặc đa phương sẽ chỉ khiến cho vấn đề trở nên tồi tệ và giải pháp sẽ khó khăn hơn".
"Thực tiễn quốc tế cho thấy cách tốt nhất để giải quyết các bất đồng, tranh chấp đó là các bên liên quan đàm phán song phương trực tiếp", ông Dương khẳng định.
Bộ trưởng Dương Khiết Trì bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Hà Nội. Ảnh: LAD
Thông cáo nói rằng, trong các cuộc thảo luận song phương của ông Dương với các đồng nghiệp ASEAN cũng như các nước khác về tình hình trên Biển Đông, các bên đều nói rằng "không có sự đe dọa đối với hòa bình và ổn định khu vực".
Ông Dương cũng khẳng định Trung Quốc "có những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải với một số thành viên của ASEAN" nhưng "không vì các nước đó là thành viên ASEAN mà coi đây là bất đồng giữa Trung Quốc và ASEAN".
Trung Quốc cho rằng, ASEAN không phải là một diễn đàn thích hợp để bàn thảo về vấn đề Biển Đông.
Đặt câu hỏi về "sự đồng thuận giữa các nước trong khu vực liên quan đến vấn đề Biển Đông", Bộ trưởng Dương Khiết Trì cho hay"sự đồng thuận đó là các tranh chấp, bất đồng được giải quyết một cách hòa bình thông qua thương lượng hữu nghị trong quyền lợi về hòa bình và ổn định ở Biển Đông và những quan hệ láng giềng thuận hòa" và "không biến nó trở thành một vấn đề quốc tế hay vấn đề đa phương".
Chức năng của Tuyên bố DOC ký giữa Trung Quốc và ASEAN, theo ông, đó là "tăng cường lòng tin giữa các quốc gia liên quan và tạo ra những điều kiện thích hợp và không khí tốt cho giải pháp cuối cùng cho những bất đồng, tranh chấp".
Ông Dương Khiết Trì cũng đặt câu hỏi "Mục đích của việc bàn về sự ép buộc trong vấn đề Biển Đông là gì?" và khẳng định "Trung Quốc từ lâu tin rằng tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều bình đẳng. Trung Quốc, một quốc gia lớn, luôn có những mối quan tâm chính đáng của mình. Liệu biểu hiện một trong những mối quan tâm chính đáng là sự ép buộc? Điều đó không lô gíc.
Biển Đông, mối quan tâm ngày càng tăng của quốc tế
Phản ứng của Trung Quốc được đưa ra hai ngày sau khi kết thúc Diễn đàn ARF - 17, nơi mà Mỹ cùng 11 nước khác đã lên tiếng ủng hộ một cách tiếp cận mới về vấn đề Biển Đông.
Trong tuyên bố được xem là mạnh mẽ và dứt khoát nhất từ trước tới nay của Mỹ về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định Mỹ có "lợi ích quốc gia" trong việc tự do lưu thông hàng hải, tự do tiếp cận các vùng biển châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông".
Bà Clinton cũng nêu quan điểm của Mỹ "tách đòi hỏi về chủ quyền biển với các tuyên bố chủ quyền đối với đảo và các dãy đảo".
Tờ New York Times nhận định tuyên bố của bà Hillary Clinton đã đặt Trung Quốc vào một tình thế "bối rối", còn tờ AP cho rằng: Tuy Hoa Kỳ vẫn khẳng định không đứng về bên nào trong tranh chấp, song bình luận của Ngoại trưởng Mỹ đã khiến Trung Quốc tức giận.
- Linh Thư