Đại biểu ngại chất vấn...
Khai mạc lễ tổng kết nhiệm kỳ. Ảnh: Đặng Vỹ. |
Trong báo cáo của mình, ông Lê Minh Nhựt, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM nhận xét: Mặc dù chất lượng chất vấn có tiến bộ hơn, song hoạt động chất vấn của đại biểu chỉ tập trung một số người. Có nhiều nguyên do. Người thì thờ ơ cho rằng việc đó ai cũng biết rồi, có hỏi cũng vậy. Số đông đại biểu vì e ngại do những mối quan hệ chằng chéo, nên dù có biết, cũng không chất vấn.
"Thực chất, HĐND không mong chất vấn nhiều. Trong một cuộc họp HĐND, chất vấn càng ít càng tốt, vì điều đó có nghĩa là bộ máy đã làm việc tốt. Tuy nhiên, nếu có vấn đề cần phải sáng tỏ, thì các đại biểu vẫn phải chất vấn", ông Nhựt nói.
Theo ông Nguyễn Minh Kỳ, khá nhiều đại biểu có phần e ngại khi phản biện một số vấn đề trong các chủ trương của UBND thành phố. Trên thực tế, mục đích của sự phản biện này cũng chỉ để chứng minh lần nữa cho cái đúng, cái chắc chắn, đặt niềm tin cậy vào chủ trương, thế nhưng, các đại biểu lại e ngại!?
Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân hoạt động chất vấn chưa hiệu quả còn do chất lượng đại biểu. Theo ông Lê Minh Nhựt: "Sự phát huy trí tuệ của đại biểu cũng không nhiều. Có những đại biểu suốt một nhiệm kỳ không chất vấn, không tham gia ý kiến thảo luận tổ, hoặc phát biểu không sâu, không có tính đột phá, và không có giải pháp cụ thể, chưa đi vào các vấn đề trọng tâm".
"Đó cũng là những nguyên nhân dẫn đến câu trả lời chất vấn cũng không đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, còn rất nhiều cơ quan, cán bộ lãnh đạo trả lời không chu đáo, dài dòng, đổ lỗi cho khách quan. Hoặc có câu trả lời nói nhiều về về thành tích, không nói vào trọng tâm vấn đề được chất vấn", ông Nhựt nhận xét.
Cũng giống nhận định trên, đại biểu Đặng Văn Khoa cho rằng, đại biểu càng ít chất vấn vì câu trả lời không đáp ứng được yêu cầu của câu hỏi. Có nhiều ý kiến chất vấn, nhưng câu trả lời có cũng như không, vì nội dung trả lời không rõ ràng, không thấu đáo.
"Có quy định nào về việc trả lời chất vấn của đại biểu không?" - Đại biểu Khoa thắc mắc. Ông Khoa đơn cử, trong nhiệm kỳ qua, tại HĐND TP.HCM, có 3.500 ý kiến chất vấn, khiếu nại tố cáo, kiến nghị. Thế nhưng, HĐND và các cơ quan chức năng cũng chỉ giải quyết chừng 1.000 ý kiến. Vậy còn hơn 2.000 ý kiến, kiến nghị đã trôi về đâu?
Theo đại biểu Khoa, để giải quyết tốt công tác chất vấn, giám sát, khiếu nại tố cáo, cơ quan quản lý nên tìm nguyên nhân. Nếu nắm được nguyên nhân thì có thể ngăn chặn bớt việc khiếu nại tố cáo, hoặc nếu có thì cũng không đến nỗi trầm trọng và triền miên. Ông cho rằng, nên cải tiến phương pháp tiếp xúc cử tri, theo hướng gần dân hơn nữa. Lâu nay việc tiếp xúc chỉ tổ chức trước và sau kỳ họp, nên rất sơ sài.
"5 năm qua chúng tôi tiếp xúc cũng chỉ loanh quanh ở các cơ sở gần, với những đại cử tri ấy, những khuôn mặt quen thuộc ấy. Tại sao không tổ chức tiếp xúc cử tri tại các điểm nóng, có sự việc quan trọng? Hay tại sao không thể tổ chức tiếp xúc theo giới, theo tuổi? Do ta không thông báo báo, có phải vì ngại cử tri đến đông, không lợi cho cuộc tiếp xúc?" - ông Khoa bức xúc.
"Giám sát mới chỉ ở ngoài da"
Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Hải và đại biểu Đặng Văn Khoa trong giờ giải lao. Ảnh: Đặng Vỹ. |
Không giải thích, nhưng trong báo cáo của Ban Kinh tế ngân sách thành phố có chi tiết, hầu hết các lần giám sát được tiến hành trong một buổi. Với lượng thời gian như vậy, chính các thành viên đi giám sát cũng thừa nhận rằng, không thể kiểm tra thấu đáo. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Châu Kỳ nói: "Xin nói thật, giám sát chỉ là ngoài da, còn thanh tra mới là trong ruột. Báo cáo của các đơn vị tài chính, của các Tổng công ty có chính xác hay không? Thực ra những văn bản đó cũng chỉ để... lấy niềm tin, tin nhau mà chấp nhận. Trên thực tế, khi giám sát kỹ hơn là sẽ nhận được "sự đáp trả".
Đại biểu Kỳ cho rằng, vì thiếu điều kiện, thiếu chuyên môn, và cả cơ chế, nên không thể giám sát được thấu đáo. Theo ông, HĐND cũng cần phải có một khoản tài chính để thuê chuyên gia khi giám sát.
Đại biểu Thích Thiện Tánh nói rằng, khi nghe HĐND về kiểm tra giám sát, ban đầu quần chúng ở cơ sở hồ hởi, nhưng sau đó cũng trở nên nguội lạnh, hoặc thờ ơ. Nguyên do vì có những việc sau khi giám sát, các kiến nghị của cơ sở không được cơ quan quản lý giải quyết. Vì vậy cơ sở, quần chúng không tin vào hoạt động giám sát của HĐND. "Chính từ đó làm giảm sức mạnh của HĐND", đại biểu nói.
"Chính vì thế mà thành ra đại biểu nhân dân trở thành những người hứa suông", đại biểu Vũ Văn Minh tán thành. Ông Minh cho rằng, việc tạo một kết nối giữa HĐND với cơ quan chính quyền là một việc làm hết sức cần thiết, để cùng kịp thời chuyển tải, giải quyết nguyện vọng của dân, ít ra cũng có câu trả lời kịp thời.
"Kể cả việc thực hiện các nghị quyết của HĐND như thế nào, cũng phải thông báo cho dân biết" - ông Minh đề nghị. Theo ông, trong nhiệm kỳ HĐND có đến 52 nghị quyết, đại biểu HĐND cũng không thể nào nhớ hết. Vì vậy, ở mỗi kỳ họp, mỗi nhiệm kỳ, HĐND nên có tổ chức kiểm điểm lại nghị quyết của kỳ trước.
Cải cách hành chính: TP.HCM muốn "nghiêm khắc hơn với chính mình"
Đại biểu Thích Thiện Tánh. Ảnh: Đ.V. |
Bàn về những tồn tại trong cải cách hành chính của TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thành Lập cho rằng, công tác quy hoạch bất cập, không công bố, không thực hiện, làm mất nhiều công sức của dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Ông kể trường hợp UBND huyện Củ Chi, 2 lần giao đất cho doanh nghiệp làm cơ sở sản xuất, nhưng cả 2 lần Sở Quy hoạch - Kiến trúc đều trả lời là không được, vì đất đó đã quy hoạch! Nhưng để có câu trả lời, phải mất máy tháng. Điều đại biểu này phàn nàn là Sở Quy hoạch - Kiến trúc không phối hợp với địa phương, đến nỗi địa phương cũng không biết đất trên địa bàn mình đã được quy hoạch như thế nào.
Nói về thủ tục rườm rà, đại biểu Lập kể một trường hợp doanh nghiệp xin ý kiến để bán mặt bằng, nhưng 6 tháng sau mới được trả lời. Cơ quan trả lời nhanh nhất là UBND thành phố, 25 ngày, còn các cơ quan khác để từ 1 đến hơn 2 tháng. "Trong khi theo quy định, nếu sau 3 tháng không bán được, thì phải định giá lại. Vậy để định giá lại lần nữa, thì không biết bao giờ mới bán được mặt bằng?".
Về vấn đề quy hoạch, đại biểu Thích Thiện Tánh cho rằng, Chính phủ đã phê duyệt điều chính tổng thể mặt bằng TP.HCM từ 1998, nhưng đến nay vẫn không quy hoạch chi tiết được, vậy phải chỉ ra nguyên nhân, và trách nhiệm thuộc về cá nhân, tổ chức nào, mới có thể giải quyết được công tác quy hoạch thành phố.
Tuy nhiên, mặc dù cho rằng vẫn còn nhiều nhiêu khê, nhưng tất cả các đại biểu đều tin cậy góp ý, cho rằng nội dung "Bộ máy chính quyền chưa thực sự là một chính quyền với đúng nghĩa, của dân, do dân và vì dân" ghi trong bản báo cáo là không đúng. Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TP.HCM giải thích: "Nói như vậy, là chúng tôi muốn nghiêm khắc với chính mình hơn nữa trong công việc phục vụ nhân dân, trong cải cách hành chính".
Đồng tình với ông Hải, các đại biểu cùng chung ý kiến: "Có thể trong công việc, chính quyền vẫn còn có sai, có nhiêu khê, nhưng nhìn toàn bộ về bản chất, thì đích thực là chính quyền của dân, vì dân, chứ không vì ai khác".
Chủ tịch Lê Thanh Hải: "Trọng tâm của cải cách hành chính là con người". Lâu nay cải cách hành chính, chúng ta thường chú ý nhiều đến thủ tục, mà chưa quan tâm đúng mức đến việc đổi mới bộ máy và con người. Con người là nhân tố đầu tiên. Có con người, mới nói đến bộ máy, và cải tiến thủ tục. Đặc biệt rất cần có những con người có cái tâm. Cái tâm đối với nhân dân, cái tâm đối với công việc. Trong một nhiệm kỳ 5 năm làm việc, có 3 điều tôi tâm đắc nhất, đó là: Trong hoạt động thực tiễn, luôn luôn phát huy tính năng động, sáng tạo để tìm mô hình mới, cách làm mới; Ngày càng thấy được ý nghĩa tầm quan trọng đặc biệt trong chức năng của chính quyền về quản lý đô thị; Và cải cách hành chính là thước đo hiệu quả của chính quyền. |
- Đặng Vỹ