(VietNamNet) - Đó là ý kiến của nhà biên kịch Lê Ngọc Minh trong cuộc bàn tròn trực tuyến với chủ đề: ''Khi nào khán giả xem phim VN?". Cùng với độc giả VietNamNet, TBT Nguyễn Anh Tuấn và các vị khách mời gồm đạo diễn Vương Đức, Lưu Trọng Ninh, nhà biên kịch Lê Ngọc Minh đã có cuộc thảo luận về thực trạng và giải pháp để điện ảnh VN hấp dẫn khán giả trở lại.
(Nghe) | (Xem) |
Nhiều nhà phê bình điện ảnh có chung nhận định: Công nghệ của chúng ta lạc hậu, kỹ thuật làm phim thủ công, chắp vá. Có phim được mạnh dạn đầu tư làm kỹ xảo ở nước ngoài thì những cảnh kỹ xảo ấy cứ như "trò chơi game trên màn hình lớn"! Chúng ta nào dám "mơ" tới việc xuất khẩu phim, bởi trong nước còn chưa mấy khán giả mặn nồng, nghĩ chi đến chuyện mang phim tới những kinh đô điện ảnh thế giới.
Phải chăng lý do chính vì nền điện ảnh của chúng ta ỷ lại, hoặc phụ thuộc quá vào "bầu sữa" Nhà nước, nên chưa có ai dám xả thân, hy sinh và dồn hết công của để sáng tạo những bộ phim "ra tấm ra món"? Hoặc giả đã có những phim hay rồi mà chưa đầu tư tiếp thị, không kéo được khán giả đến rạp nên đành... cất đi làm của để dành đợi những ngày lễ lớn mang ra trình chiếu?
Thời gian gần đây, đã có một số đạo diễn phim truyền hình cố gắng "làm mới" những tác phẩm của mình, đạo diễn và dựng phim "có ý tưởng" hơn nhưng vẫn không tránh những khuyết điểm truyền thống: diễn viên cũ, lồng tiếng phim nào cũng giống nhau, phục trang nghèo nàn, diễn và thoại nhạt nhẽo, hời hợt, không kịch tích...
Công văn gần đây mà Bộ Văn hoá - Thông tin gửi các đài truyền hình yêu cầu giảm tỷ lệ chiếu phim nước ngoài đã ngay lập tức bị coi là "bất khả thi", bởi lượng phim VN sản xuất ít, hoặc nếu muốn phát sóng thì cứ... phát đi phát lại. Đó là chưa kể đến sự thất thu lớn từ quảng cáo mà các phim ăn khách mang lại, mà danh sách phim ăn khách lại không có... phim xứ ta! Đơn cử, Đài Truyền hình Hà Nội mỗi năm phát trên 1.000 giờ phim, chỉ có 20% là phim VN (đã tính những phim phát đi phát lại).
Tóm lại điện ảnh Việt Nam đang ngụp lặn giữa ba vấn đề: Tài - Tiền - Cơ chế. Vấn đề nào là vật cản lớn nhất cho phát triển? Hay cả ba? Không một đạo diễn, diễn viên, biên kịch... nào thừa nhận mình không có tài; tâm sự với họ bên quán nước họ còn tỏ ra rất thâm thuý, hãnh tiến. Tiền đầu tư cỡ tỉ như cho phim Hoa Ban đỏ ''ế ẩm'' có phải là ít không? Và cơ chế có thực là một thứ vật cản không, hay chỉ là bung xung cho sự bất tài đổ oan đổ uổng?
Chúng ta cũng thường lớn tiếng dè bỉu dòng phim thị trường như ''Gái nhảy'' chẳng hạn. Nhưng nguy hại hơn, nhiều đạo diễn còn rất trẻ tuổi, hoặc mới gặt hái được tí ti thành công đã lên tiếng phê phán tính thị trường. Họ, ngay từ lúc còn trẻ, thiết tưởng phải đặt một câu hỏi tối quan trọng cho bản thân, đó là nếu phim làm ra không ai xem thì làm phim để làm gì? Nghệ thuật không bao giờ là một vật thiêng đặt trong đền thờ cả. Vậy thì khi một bộ phim ăn khách ta nên ứng xử thế nào? Làm phim có tính ăn khách, tức là bán được, có phải một hướng đi đúng cho điện ảnh Việt Nam không? Chúng ta phải cởi ngay ''cái áo nghệ thuật đạo mạo'' để thẳng thắn nhìn vào vấn đề tiền nong vốn liếng có được thu hồi hay không, có lãi hay không, và nên nhớ đừng bao giờ lo rằng thị hiếu thẩm mỹ của khán giả sẽ thế này hay thế kia, họ bỏ tiền đi xem, họ luôn sáng suốt và luôn đúng.
Dưới đây là nội dung cuộc thảo luận:
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Lễ trao giải thưởng Cánh diều vàng đang là sự kiện nóng hổi của lĩnh vực điện ảnh. Chúng ta không có điều kiện để tiếp cận với nó, vì truyền hình VN không tường thuật trực tiếp, hay do ban tổ chức không tổ chức truyền hình trực tiếp. Mời các anh đánh giá qua về sự kiện này?
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Rất tiếc tôi bận làm việc trong Nam, nên phim dự thi lần này tôi không theo dõi, cũng không tham dự buổi trao giải. Tôi muốn nhường lời cho đạo diễn Vương Đức.
Đạo diễn Vương Đức: Buổi lễ trao giải tôi ngồi ở hàng ghế thứ 3, ngồi ở đó thì góc quan sát không được tốt lắm, phải nói một cách nhà nghề như thế. Nhìn chung, Lễ trao giải của Hội Điện ảnh Việt Nam năm nay ổn. Tuy nhiên, các cặp diễn viên lên sân khấu khen nhau nhiều quá. Cuối buổi tôi có hỏi đạo diễn Hải Ninh, ông nói cái buổi trao giải đầu tiên, tức cái buổi tôi không có mặt, thì được tổ chức tốt hơn.
Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh: Tôi cũng như anh Lưu Trọng Ninh, tôi không tham dự. Lý do hôm đó tôi bị ốm. Lẽ ra tôi phải tham dự với hai tư cách, thứ nhất là hội viên Hội điện ảnh VN ở phía bắc, tất cả các hội viên đều có giấy mời đến dự, và tư cách thứ hai là tôi có tham gia BGK phim video ngắn tập. Có anh bạn nói lần này tổ chức không tốt như năm ngoái..
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vậy xin hỏi anh Vương Đức vì sao không có truyền hình trực tiếp, đây có thể coi như một giải OSCAR của VN, vậy công tác tiếp thị, quảng bá cảm giác như chưa được tốt?
Đạo diễn Vương Đức: Theo tôi, đây là giải thưởng nghề nghiệp thông thường hàng năm, chưa thể coi là "Oscar của Việt Nam". Ngoài giải của hội còn có giải LHP quốc gia tổ chức 2-3 năm/lần. Giải quốc gia mang tính khái quát cao hơn giải của hội, dù giải hội là gợi ý cho LHP quốc gia, và có giá trị riêng về nghề nghiệp. Ý kiến cá nhân của tôi cho rằng, đây không phải là giải có tính bao trùm toàn ngành điện ảnh.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Anh ngồi ở hàng ghế thứ ba, không biết anh có biết khán giả bỏ về quá nửa. Không biết vì lễ trao giải buồn tẻ hay giải trao không chính xác nên họ bỏ về?
Đạo diễn Vương Đức: Sáng hôm sau nhiều anh em nói rằng khán giả bỏ về. Thế nhưng ta cũng phải thông cảm cho người đạo diễn chương trình. Có nhiều chương trình như Gặp nhau cuối tuần, cuối năm, cuối tháng ta làm cũng có tốt đâu. Đôi khi cũng phải chấp nhận những chương trình làm chưa cao để lần sau làm tốt hơn. Tôi nghĩ đây là chuyện bình thường từ trước tới nay.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Theo quan điểm của tôi, giải thưởng muốn hấp dẫn nó phải có yếu tố bất ngờ. Thực ra bọn tôi không đi dự giải vì đã biết trong đầu cái gì đã xảy ra. Điều đó không còn thú vị nữa. Bản thân tôi đã tham dự nhiều LHP quốc tế, cái phút người ta đứng dậy thực sự là người ta bàng hoàng. Bản thân yếu tố BGK luôn luôn biến đổi. Ví dụ LHP Cannes năm nay những ai là BGK thì thực sự chất lượng biến đổi, không giống năm trước. Mọi sự định lượng của mọi người về giải thưởng luôn không thể chính xác được. Còn chúng tôi nhắm mắt chúng tôi cũng biết được cái gì được giải cái gì không. Đấy là một cái hạn chế. Nên nhiều khi lễ trao giải cứ phải đưa ca nhạc vào để kéo mọi người đến. Bản thân yếu tố của trao giải là yếu tố hấp dẫn thì chúng ta không có, nên các buổi trao giải là các buổi biểu diễn ca nhạc, múa, những cái đó là thứ ngoài chương trình. Tôi nghĩ họ bỏ về bởi chẳng có gì lạ. Cái thứ hai, tôi thấy mọi người nói năm nay chất lượng phim không tốt, cho nên có cái gì đó hơi bị gượng.
Nhân thể đây tôi cũng nói luôn chuyện này, tôi mong ước BGK phải trẻ, có cách nhìn hoàn toàn mới. Xin lỗi là bốn mươi năm nay BGK không bao giờ thay đổi. Và đó là những cái ông, xin lỗi các anh, sức thì tàn rồi, quan niệm thì cũ kỹ rồi, không đi ra nước ngoài, không xem phim nước ngoài, chấm phim như cách đây 40 năm vẫn chấm. Quan niệm về cái hay cái đẹp y trang như cũ, lạc hậu. Thế thì làm sao có phim hay được, cái hay cái sáng tạo đi vào được khán giả? Mà nhiều người cứ ngây thơ, cái gì được giải, cái gì báo chí nói đều cho là đúng cả, mà không biết rằng giải thưởng đó chỉ của BGK, đại diện cho BGK.
Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh: Tôi nghĩ giải của Hội hàng năm cũng giống như của các hội nghề nghiệp khác. BGK nào thì có kiểu giải thưởng ấy. Tôi không dám nói các bậc cao niên trao giải không chính xác, nhưng có điều kỳ lạ là năm nay các vị trưởng tiểu ban chấm giải đều đã trên 70 tuổi. Đã đến lúc, chúng ta phải lưu tâm đến việc kế thừa. Mỗi thế hệ có tiếng nói của mình, đóng góp của mình. Nên chăng trong 4-5 BGK như thế cũng phải có ban trẻ trung để mình rút ra cái gì chăng? Đặc biệt ở hai thể loại năng động nhất là phim tài liệu và phim truyền hình nhiều tập. Hai bộ phận ấy hiện nay đối diện với công chúng nhiều nhất. Phim tài liệu thì nó hiển hiện trên truyền hình, còn phim truyền hình nhiều tập thì hiện nay ta đang lúng túng. Làm một phim truyện nhựa tồi, phim ngắn tập tồi thì việc đối diện với công chúng đỡ hơn, nhưng nếu anh làm một phim truyền hình nhiều tập kém cỏi thì vô cùng xấu hổ. Bởi nó kéo dài hàng tháng, cứ liên tục như thế. Nên chăng quan tâm hơn đến mảng phim tài liệu và truyền hình dài tập. Tôi nghí phim truyện nhựa là rất cần thiết, là xương sống của một nền ĐA dân tộc, nhưng phải có một cách nào đấy tiếp cận với công chúng nhiều hơn, vì nói cho cùng công chúng vẫn là người ghi nhận công lao lâu dài nhất, các hội đồng nghệ thuật, những giải thưởng cũng chỉ là ghi nhận trong khoảnh khắc thôi. Phim Vợ chồng A Phủ chỉ được Bông sen bạc, nhưng đến giờ vẫn còn sâu đậm trong đời sống. Còn nhiều phim giải vàng quốc gia của 13 kỳ LHP quốc gia giờ biến đi đâu cả, không ai nhớ được tên đạo diễn, diễn viên.... Nên ngoài giải thưởng hàng năm do hội đồng BGK bầu lên, cần có một hội đồng khác của công chúng. Điều đó sẽ tạo một sức sống lâu bền cho tác phẩm.
Theo tôi những giải sau nên tham khảo ý kiến công chúng, mình chọn lựa công chúng trí thức, bình dân là bao nhiêu phần trăm, rồi người trưởng thành, các em thiếu nhi là bao nhiêu phần trăm, nên có dư luận mang tính thăm dò một chút, tôi nghĩ giải sẽ sinh động hơn, và ở một chừng mực nào đó tôi nghĩ sẽ chính xác hơn.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Quay lại chuyện công chúng. Có phim đầu tư nhiều, nhưng ít công chúng, không biết giá trị nghệ thuật ở đâu? Nhưng có những phim, chẳng hạn như Gái nhảy của anh Lê Hoàng, rất đông người xem nhưng lại bị giới phê bình đánh giá là thương mại tầm thường? Ý kiến của các anh về vấn đề này?
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi không chia ra sự phê bình và công chúng. Giới phê bình có cái độc lập riêng của họ. Theo quan niệm của tôi họ là một. Ví dụ ta không thể đem so sánh tiểu thuyết của Dicken và truyện chưởng Kim Dung về mặt công chúng được, nhưng cũng không có nghĩa là chưởng Kim Dung không hay. Việc nhà phê bình họ phê bình ở mảng nghệ thuật là chuyện của họ, còn chuyện công chúng là chuyện hoàn toàn độc lập. Theo tôi chúng ta phải đi đến một mục tiêu chung là phê bình nghệ thuật và công chúng phải tiến đến tiệm cận với nhau. Hiện nay điện ảnh Việt Nam có 2 mâu thuẫn lớn, chia ra là phim thị trường và phim nghệ thuật. Quan điểm của tôi không có phim thị trường và phim nghệ thuật, chỉ có một loại phim thôi, và phim đó phải đến với khán giả. Cũng như anh Lê Ngọc Minh nói rất chính xác, chúng ta làm phim mục đích cuối cùng cũng là để hưởng thụ. Chứ không phải làm ra để họp báo rồi cất đi. Nên việc anh Lê Hoàng ra phim Gái nhảy, tôi thường nói với bạn bè như vậy là thành công. Bởi vì anh Lê Hoàng đã xác định trước khi làm bộ phim này là phải đến được với công chúng. Còn tôi thì chưa xem bộ phim Gái nhảy, nên cũng không đưa ra đánh giá, nhận xét gì nhiều hơn.
Đạo diễn Vương Đức: Tôi cũng đồng ý với anh Ninh, chỉ xin bổ sung thêm: một bộ phim ra đời còn phụ thuộc vào khâu duyệt và phổ biến phim. Hai khâu này làm tốt sẽ hỗ trợ phim có khán giả. Bởi vì có phim yếu tố khán giả tốt nhưng hội đồng duyệt không cho ra, phổ biến phim không tốt thì đó cũng gọi là phim không có khán giả. Vấn đề kỹ thuật phổ biến bộ phim cũng hết sức quan trọng, vấn đề này chúng ta chưa nhấn mạnh từ trước tới nay. Hiện tượng Gái nhảy cho thấy cần nghiên cứu vấn đề này kỹ hơn. Tôi vừa nhận giấy mời từ Viện VH-TT, viện Phim, Trung tâm chiếu bóng quốc gia tham dự hội thảo nghiên cứu về vấn đề khán giả (dưới góc độ xã hội học), trong đó có hệ thống duyệt phim và phát hành phim. Hội thảo tuy hơi trễ, nhưng dù sao đã có.
Đạo diễn Lưu Trong Ninh: Tôi nghĩ duyệt phim không phải là vấn đề lớn hiện nay. Bởi vì công chúng hiện nay không còn cái nhu cầu của những năm đầu 90. Duyệt phim của chúng ta nói cho cùng hiện nay tương đối thoải mái. Vì như Gái nhảy 2 báo chí nói như thế mà duyệt phim vẫn cho ra cơ mà. Nhu cầu như cái thời ra đời những vở kịch của Lưu Quang Vũ hiện không con nữa. Thực ra có những bộ phim rất tốt, nhưng cái trách nhiệm của người bỏ tiền và người làm phim xa nhau quá. Chúng tôi làm thì cứ làm, còn việc phát hành là của người khác. Phim Gái nhảy nó khác ở chỗ, người ta bỏ tiền ra, tự tìm con đường, và tự tìm con đường nó mới được như vậy. Nếu Gái nhảy mà ở Hãng Phim truyện VN, cũng chưa chắc ra tới khán giả. Chúng tôi có những bộ phim còn ăn khách hơn, tốt hơn về mặt nào đấy, nhưng vấn đề là hiện nay chúng ta không gắn đồng tiền của nhà nước bỏ ra với sự tồn tại của bộ phim. Tại sao hiện nay tôi cứ từ chối làm phim nhựa, làm để làm gì nhỉ? Tiêu gần một tỉ bạc của nông dân, cuối cùng họp báo xong vứt xó. Thôi thì hiện nay có phương tiện truyền hình, mình tạm gác mình làm phim truyền hình còn có người xem. Hay hay dở bàn sau, nhưng nó có hiệu quả thực sự. Làm phải có người xem, còn dăm ba LHP quốc tế chả có nghĩ gì cả.
Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh: Tôi thấy thời điểm hiện nay ở nước ta, vấn đề duyệt - cả duyệt kịch bản lẫn phim - vô cùng cởi mở. Các đồng chí có trách nhiệm lãnh đạo ngành văn hoá tư tưởng cũng rất cởi mở. Có những cái hội đồng lo lắng một chút, nhưng lên đến các đồng chí là được tháo cởi. Công sức sáng tạo của anh em luôn được hưởng ứng. Có chăng là những từ ngữ có thể gây ra sự suy diễn không cần thiết thì họ cũng chỉ nêu ra cho mình tham khảo, và có đạo diễn cứ giữ thì cuối cùng cũng chỉ phó thác cho dư luận quyết định. Cái còn lại chỉ là vấn đề phổ biến phim. Nước ta là nước có tầng lớp nông dân đông đảo, nhưng nông dân được xem phim nhựa rất ít. Có những vùng "trắng" về điện ảnh. Mới chỉ các đô thị loại một được xem phim, còn đô thị loại hai, ba thì chưa.
Hãng phim Giải phóng rất năng động trong việc phát hành phim, vì lẽ đó Gái nhảy mới thu được hơn 10 tỷ hay Lọ lem hè phố doanh thu cũng cỡ 7 tỷ, chứ để phát hành chung thì một tỉ cũng khó. Tuy nhiên, theo Trung tâm chiếu phim Quốc gia, phim ngoại bây giờ khán giả nước mình cũng không vồ vập lắm, mà chính phim nội lại thu hút khán giả. Đó thực sự là một dấu hiệu tốt. Chúng ta đang làm phim theo kiểu cắt khúc. Nghĩa là các hãng cứ làm phim, rồi Fafim thích thì mua, giá bèo thôi, để phát hành. Đấy như Gái nhảy, anh phát hành lấy thì được 11 tỉ, con bán thì 300 triệu, ưu ái lắm cũng chỉ 500 triệu là cùng. Các hãng tự phát hành là một hướng ra tốt. Tới đây, nhiều hãng phim tư nhân ra đời, hy vọng kéo con tàu phát hành đa dạng hơn. Chứ như hiện nay thật trì trệ.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Dường như cơ chế vận hành điện ảnh bây giờ đang bất cập... Ở nhiều nước đó là một ngành kinh doanh ra tiền, như Hollywood chẳng hạn. Ở Việt Nam rõ ràng không phải khán giả không thích xem phim, Gái nhảy là một minh chứng hùng hồn. Vậy các anh nghĩ gì về cơ chế của nền điện ảnh nước ta, phải chăng nó đã cũ trong thời điểm hiện nay?
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Cách đây 5 năm tôi đã từng nói trên báo chí, cũng như nói với các đồng nghiệp rằng phải xoá cơ chế tài trợ điện ảnh. Tôi nghĩ nhà nước tài trợ là điều quan trọng, nhưng không phải tài trợ theo kiểu khoán mỗi năm mỗi hãng được mấy tỉ, làm bao nhiêu đầu phim. Mà tôi nghĩ mỗi phim phải do những nhà sản xuất trực tiếp, ví dụ như đạo diễn, nhà biên kịch hai bên cùng tìm kịch bản và lập một dự án xin tiền nhà nước và thuyết phục mọi người trong từng khâu cụ thể và chỉ cần một lần thất bại thì không bao giờ xin lần thứ hai nữa. Hiện nay chỗ chúng tôi một năm Hãng phim truyện Việt Nam làm 5 phim, tìm đạo diễn không khó, nhưng không ai muốn làm. Một cơ chế như vậy thì không tồn tại được. Khi biết tin năm 2005 cổ phần hoá tôi rất mừng. Bởi như vậy những người làm việc tốt sẽ đóng góp được nhiều hơn, và những kẻ bất tài phải ra đi.
Đạo diễn Vương Đức: Nhìn lại thì thấy, thời kỳ thịnh vượng nước ta có trên 1.000 rạp và đội chiếu bóng lưu động do bên điện ảnh quản lý, chúng tôi có thị trường và đem lại doanh số cao nhất ngành văn hóa. Nay còn 40 rạp, lại không do ngành quản lý. Nói đến thị trường là phải nói đến rạp. Nếu cổ phần hóa thì đối tượng đầu tiên là các rạp. Khi đó, do nhu cầu thị trường, chúng tôi phải làm phim theo yêu cầu của rạp. Tôi nghĩ, nếu rạp do ngành điện ảnh quản lý tình hình sẽ khác đi rất nhiều.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi nghĩ ngược lại. Cái thích ứng thị trường nó rất hay. Khi anh làm tốt thì rạp nó tự nhiên mở ra, khi không tôt thì rạp nó tự nhiên co lại, chứ không có nghĩa khi tôi trao rạp cho anh thì sẽ có cái bán. Ví dụ như rất nhiều siêu thi xây ra mà không ai đầu tư, ở các tỉnh cứ xây lại chợ mới nhưng có ai vào đâu. Tôi nghĩ cơ cấu kích cầu là quan trọng nhất. Khi chiếu phim, có 5 sự kiện như Gái nhảy, tôi ví dụ thế, thì sẽ có rất nhiều người bỏ tiền ra xây rạp và làm phim. Thời của điện ảnh VN ngày xưa khác bây giờ rất xa, vì lúc đó ĐA là độc tôn, người ta không có gì để xem cả, còn ngày nay có TV, có nhiều trò để chơi. Bây giờ có cho 1000 hay 2000 rạp cũng không có khách đâu. Quan điểm của tôi là tự thân mình phải mạnh đã, rồi thì thị trường mới chấp nhận. Một hãng, một doanh nghiệp ra đời phải chứng tỏ được họ đã, rồi mới tới người tiêu dùng.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Tôi xin cắt ngang một chút. Dù ĐA là ngành nghệ thuật cao quí, nhưng thôi tôi cứ xem nó như một ngành kinh doanh. Sản xuất thì phải làm ra một sản phẩm tốt, có giá trị cho người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời mạng lưới phân phối bán hàng phải đủ mạnh. Một nhà doanh nghiệp phải triển khai đồng bộ như thế. Ta thấy phim Xác ướp Ai Cập rất đông khách, rồi ở TP.HCM có hiện tượng nhiều người bỏ tiền xây rạp mới. Nhưng các anh có thể nói kỹ hơn về cơ chế không? Tôi đã nghe các anh nói cổ phần hoá trong hãng phim, coi nó như một ngành sản xuất kinh doanh bình thường, vậy thì cơ chế đó có gì nguy hiểm, có gì sai không?
Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh: Thời nào thì khách hàng cũng cần hàng hoá vừa tốt lại vừa đẹp. Nay chúng ta không phải ở thời bao cấp nữa để chỉ cần ăn chắc mặc bền, mà cần đáp ứng cả nhu cầu thẩm mỹ. Để điện ảnh VN đi vào thị trường, thứ nhất thì tác phẩm phải vừa tốt lại vừa đẹp. Thứ hai, nơi bán hàng cũng phải khang trang tiện lợi. Chứ không phải người mua phải gửi xe cách 5 cây số rồi mới vào mua được một món hàng. Đấy là tôi nói một cách hình tượng, để thấy rằng cần phải có đồng bộ trong sáng tạo tác phẩm và môi trường tiêu thụ tác phẩm. Tác phẩm điện ảnh trong cơ chế thị trường cũng là hàng hoá, một thứ hàng hoá đặc biệt. Cho nên yêu cầu đầu tiên là nó phải tốt, phải đẹp và nơi phổ biến nó cũng phải sạch sẽ, khang trang. Có như thế mới có công chúng khán giả.
Đạo diễn Vương Đức: Việc cổ phần hóa làm còn chậm, vì 3 năm trước ngành đã tổ chức hội thảo về xã hội hóa điện ảnh. Hiện nay, toàn bộ ngành được Nhà nước lo cho từ sản xuất tới phổ biến phim. Cổ phần không có nghĩa là tư nhân hóa tuyệt đối, tôi hiểu phần vốn góp của Nhà nước lớn hay bé tuỳ thuộc chính sách của Nhà nước. Chủ trương đã đúng nhưng các bước đi tiếp theo sẽ rất phức tạp và khó, như các ngành khác. Nếu quá trình thực hiện phạm phải sai lầm nghiêm trọng, có thể chúng tôi bị tiêu diệt. Là văn nghệ sĩ, chúng tôi rất dễ bị thương tổn trong chuyện sắp xếp tổ chức. Nghe tin sẽ cổ phần hóa của Chính phủ, Bộ VH, tôi rất mừng, nhưng Nhà nước cũng cần chú ý tới đặc điểm của ngành.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Cũng như lĩnh vực bóng đá, trước đây cầu thủ rất lo lắng không có cơ quan chủ quản, các sở lo cho đội bóng thì không thể có đời sống cầu thủ tốt. Thực tế vừa qua chúng ta đã tư nhân hoá, hoặc doanh nghiệp hoá các đội bóng, và tình trạng lành mạnh hơn rất nhiều. Nên chăng chúng ta cũng mạnh dạn cổ phần hoá ngành ĐA, vận hành nó trong thị trường. Tôi nghĩ việc đó cũng không đáng sợ lắm, các anh nghĩ thế nào?
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Việc cổ phần hoá, theo tôi chúng ta phải thận trọng hơn một chút. Bởi bóng đá và ĐA có khác nhau một chút. Có nhiều quốc gia kinh doanh bóng đá và thành công, còn ĐA thì chỉ ít quốc gia thành công thôi. Nói thế thôi ngay Anh, Pháp hùng mạnh thế nhưng nhà nước vẫn tài trợ ĐA, bởi đứng trước ĐA Mỹ thì không có quốc gia nào tồn tại được. Cũng như ĐA chúng ta đứng trước Hàn Quốc không tồn tại được. Yếu tố hỗ trợ là rất cần thiết. Theo tôi biết, gần như tất cả các nước phát triển đều có sự hỗ trợ về điện ảnh. Đặc biệt ở Việt Nam, khi tất cả mọi giá trị đang ở mức độ rất mong manh, chưa hình thành, đồng thời những nguyên tắc, luật pháp cho điện ảnh tồn tại lại chưa có. Ví dụ đơn giản: Hãng chúng tôi bỏ ra một tỷ làm phim, 3 ngày sau có băng lậu, thì một tỷ đi tong ngay trong đúng một giây. Như vậy hiện nay vấn đề đặt ra, cổ phần hoá là cần thiết, nhưng ai bảo vệ mới là điều đáng bàn. Tôi nghĩ việc cổ phần hoá không có nghĩa là điện ảnh tự bỏ tiền ra rồi tự tồn tại, mà nhà nước phải có một cơ chế bảo hộ. Tôi nghĩ nếu chúng ta cổ phần hoá một cách tự do, thì điện ảnh có thể sẽ mất trong vòng 30 giây.
Tôi nói thật, chiếu Gái nhảy ở rạp, một người vác máy vào quay, dù có người cũng không đánh nhau nổi với nó. Nó quay xong về in đĩa bán. Có báo CA bắt nó, liệu nó có bồi thường cho mình tiền làm phim không? Tôi đồng ý cổ phần hoá, nhưng tôi cũng đặt ngược vấn đề phải có bảo hộ thật sự, vì lẽ một quốc gia 80 triệu dân lại không có nền điện ảnh. Chúng ta hiện nay phải lấy tinh làm quan trọng, có thể năm nay chúng ta làm 2 phim, chứ không phải 15 phim như đang làm, nhưng 2 phim ấy phải thực sự ra trò. Phải đầu tư đến tận cùng, phải xum nhau làm cho có 1 kịch bản ra trò, rồi từ đó mới có thể đi ra được.
Tôi đã nghiên cứu về phim Xác ướp Ai Cập, tai sao nó đông khách? Nó là trường hợp bất ngờ đối với mọi người. Bởi đợt đó chiếu đúng dịp 8-3. Tôi đến tận nơi tôi hỏi, các cơ quan đến mua vé cho chị em đi xem. Chị em mười mấy năm trời chưa vào rạp, đến xem về ngạc nhiên trước bộ phim kỳ ảo như vậy từ âm thanh đến tất cả mọi chuyện. Lập tức Fafilm mua Xác ướp Ai Cập 2 nhưng không có khách. Một phim tôi rất thích là ''Lời nói dối chân thật'' ở rạp Tháng 8 có 4 khách. Nên tôi cười và nói với anh Lê Hoàng, đừng đùa, không dễ đâu. Phim Gái nhẩy ăn khách nó có thiên thời địa lợi của nó, nó có vấn đề của nó. Thế nếu bây giờ một ai làm đúng Gái nhẩy, hay hơn Gái nhẩy không bán được đâu, chưa chắc đã thắng đâu. Bởi vì anh bảo làm gì có gì hay hơn phim Mỹ được, có làm giời cũng không hấp dẫn hơn phim Mỹ được, mà cứ thử nhập phim Mỹ về đây xem...
Ngay anh Lê Đức Tiến cũng nói Gái nhẩy là một cơ may, chứ không phải tự nó là ăn khách. Nói xin lỗi phim đó không chiếu dịp Tết làm gì có khách? Anh nên nhớ phim gì muốn ăn khách phải chiếu dịp Tết, Gái nhẩy 2 mà chiếu sau Tết cũng không có khách. Hiện nay qua con đường Fafilm nhiều nhóm nhập phim về, thấy phim Hàn Quốc ăn khách, lập tức nhập phim Hàn Quốc khác còn hay hơn, nhưng chết ngay lập tức. Bạn tôi rủ nhập phim Người Mỹ trầm lặng mất 100.000USD về chiếu không thu nổi một phần ba. Mà bộ phim đó rất nhiều người quan tâm vì nó quay tại VN, diễn viên chính người VN, bao nhiêu chuyện về VN. Đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu thị hiếu của ta là cái gì? Bọn tôi ngồi với nhau còn không biết hiện nay người ta thích cái gì. Khán giả hiện nay là khán giả trẻ. Giá hôm nay mời một người trẻ ngồi ở đây thì hay biết bao... Cái yếu tố bền vững của thị hiếu hiện nay không có
Đạo diễn Vương Đức: Trong đại hội CNVC vừa qua, chúng tôi có bàn về vấn đề này. Cần coi điện ảnh là ngành kinh tế, và tính tới việc phát triển bền vững của nó, và phải hiểu thế nào là bền vững. Hiện tượng Gái nhảy, Lọ lem hè phố cho thấy ta đã có thị trường, dù là rất nhỏ (chỉ chiếu ở 40 rạp đã lãi). Khán giả ít, có thể do chúng ta chưa làm tốt công tác thương mại điện ảnh. Mỹ không phải là nền điện ảnh tốt, nhưng được công nhận là thương mại điện ảnh tốt nhất. Được biết, nhiều quốc gia có nền điện ảnh tốt, nhưng thương mại ĐA chưa tốt, phổ biến phim không tốt, nên vẫn không bằng ĐA Mỹ. Hiện nay, phim Mỹ ''chiếm lĩnh'' thị trường thế giới bằng kỹ nghệ thương mại là chính, cũng như cả công nghệ điện ảnh cao siêu.
Đến châu Âu, tôi hỏi vì sao rạp vẫn có đông khán giả xem phim Việt Nam - một nền điện ảnh nhỏ, ít người biết (tôi được biết 1 rạp 1.200 chỗ ngồi có 1.000 người xem phim Của rơi của tôi)? Ông Trưởng rạp chỉ cho tôi một phụ nữ đang đi và bảo ông biết rõ nơi ở, loại nước hoa bà này dùng. Điều này chứng tỏ họ có khán giả thường xuyên, đảm bảo phim đưa ra sẽ phục vụ được khán giả của mình. Đó là công việc khó khăn và bền bỉ của những con người cụ thể trong công việc chuyên môn phổ biến phim của họ.
Ví dụ khác, những người tổ chức một LHP mới còn ít khán giả khẳng định họ sẽ bỏ ra 5 năm để chuẩn bị khán giả. Thực tế này cho thấy, bên cạnh việc làm phim cần có người làm công tác khán giả. Đây là công việc của những nhân viên có chuyên môn, đạo diễn có thể làm được, nhưng thường phải là bộ phận có nghề đàng hoàng, học ĐH và đã qua cọ xát trên thị trường thế giới phức tạp. Chúng ta đang chuyển dịch từ chế độ bao cấp sang, chúng tôi vẫn làm phim gần như cách đã cũ. Ngành kinh tế điện ảnh của ta chưa có cán bộ tiêu chuẩn quốc tế, tức là nhà sản xuất phim theo đúng nghĩa.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay có ý kiến đả phá thương mại hoá văn hoá, các anh nghĩ thế nào?
Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh: Trước hết, tôi xin chia sẻ với anh Lưu Trọng Ninh, là điều tra công chúng về thị hiếu nghệ thuật không có gì là mới ở các nền điện ảnh lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... Trước khi sản xuất họ đã có kịch bản gửi đi các nơi chào mời. Vấn đề đó hiện nay ta chưa làm được.
Về vấn đề thương mại hoá trong văn hoá. Nhiều nước đã công bố công nghiệp văn hoá, mà khi nói đến công nghiệp ta không thể loại trừ yếu tố thương mại. Nhưng dù thế nào ta phải đặt lên hàng đầu yếu tố chuyên nghiệp. Anh Đức và anh Ninh làm trong nghề thì biết, vì ta chưa chuyên nghiệp nên phim còn nhiều hạt sạn và không đến được với những thị trường lớn, LHP lớn. Nên nếu phim thương mại mà làm chuyên nghiệp, thì trong đó đã có yếu tố nghệ thuật. Không nhìn nhận thế ta đã tự giẫm chân tại chỗ. Trung Quốc có giải Hoa Biểu cho phim đại chúng, giải Kim Kê cho phim nghệ thuật, hai anh đều lĩnh cúp như nhau. Nếu ta lấy yếu tố chuyên nghiệp làm tiêu chí thì cả hai loại phim đều có thể đi cùng một con đường.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi nghĩ từ ''thương mại'' hiểu rộng ra rất tốt. Đã gọi là hàng hoá thì có cái phục vụ tinh thần, có cái phục vụ nhu cầu vật chất hàng ngày. Tôi đồng quan điểm với nhà biên kịch Lê Ngọc Minh ''điện ảnh là hàng hoá'', vấn đề nó phục vụ cho người tiêu dùng nào và tôi nghĩ thương mại hoá là chính xác. Thực ra chúng ta nói về điện ảnh Mỹ, nói là thương mại, nhưng nó rất hay. Nó không phải là công nghiệp điện ảnh đơn thuần đâu, mà nó 'khổng lồ'' cả về nội dung lẫn hình thức.
Nói cho cùng điện ảnh của nước ta còn nhỏ bé, mà bàn về chuyện cao xa là rất khó. Cũng như anh Đức nói chính xác, ''để một ngày một hôm thành thương mại'' sao được, mất mười năm mở cửa mới có cơ cấu thị trường này, mà trong ngày một ngày hai điện ảnh làm được là không dễ, rất khó khăn. Ngay cả việc cổ phần hoá, tất cả hò hét đồng ý, tôi cũng không làm, cái quan trọng là làm thế nào? Bởi vì không có đội ngũ chuyên nghiệp từ phát hành, phê bình giới thiệu, quảng cáo thì chúng ta làm gì cũng chỉ thế thôi. Tất nhiên nó sẽ ngoi ngóp. Tôi nghĩ đứng trước ngưỡng cửa cổ phần hoá là đứng trước ngưỡng cửa cực kỳ khó khăn. Theo thống kê bên Văn hoá tư tưởng, hiện nay có hai lĩnh vực, thứ nhất là âm nhạc, thứ hai là ĐA được quan tâm nhất. Đó cũng là lợi thế mà cũng là không may. Ở Pháp những năm 50-60 ĐA cũng bị truyền hình lấn át, rồi sau mới phục hồi. Chúng ta cũng phải mất 5-7 năm nữa người ta mới quay lại với ĐA. Hiện nay công chúng vẫn quan tâm đến câu chuyện, chứ chưa có yếu tố thưởng thức trong một tác phẩm, nên họ mới hay xem phim bộ, xem nhân vật nó đi đến đâu, chuyện gì xảy ra. Đặc điểm này quyết định, mà trong hàng hoá thì cái này mới quyết định, chứ không phải chúng tôi. Vậy cái cách xem của truyền hình nó lớn hơn, đó cũng là qui luật. Tất cả các quốc gia đều qua giai đoạn này. Đến lúc người ta chán cách xem như vậy, người ta sẽ quay lại với ĐA. Bởi ĐA là gì? ĐA là đến đó người ta không phải để xem, mà để thưởng thức, nên cốt truyện không con quan trọng nữa. ĐA là tôi phải ngồi trong phòng tối, còn truyền hình là vừa thái rau vừa xem, có khi chỉ cần nghe lời thoại đã đủ. Hai cái khác hẳn nhau.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Liệu tới đây các hãng phim tư nhân có cơ chế nào vận hành để họ đủ mạnh, trở thành những doanh nghiệp lớn?
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi nghĩ hiện nay ĐA VN có một ưu thế mà hãng tư nhân có thể tham gia được, đó là đầu tư thấp. Một bộ phim đầu tư từ 700 triệu đến 1 tỉ là đầu tư thấp. Một tác phẩm ĐA như thế mà đầu tư chỉ bằng một ngôi nhà thì đầu tư như thế không phải là phiêu lưu. Với 1 tỉ trong cơ chế tận thu và trần mình ra thì họ có thể thành công. Nhưng như thế thì cũng không bền, vì đã là công nghiệp thì người ta không thể cứ đi mãi cái xe Volga, mà phải chuyển sang Camry, nghĩa là nhu cầu ngày càng cao. Vì giá thành 1 bộ phim trên thế giới hiện nay trung bình từ 10-15 triệu USD, mà giá thành như thế so với sức mua của VN thì không thể. Giá vé từ 10-15 ngàn thì bao giờ mới thu về nổi? Hiện nay ta mới sản xuất thủ công giá rẻ, để thành một cái nền nào đó hiện nay là rất khó. Ở Hà Nội hiện nay có khoảng 4-5 rạp gì đó, anh nhân chiếu ngày bẩy xuất, nếu thu 1 tỉ anh biết phải chiếu bao nhiêu bộ phim? Nếu 7 phim làm ra, thu 7 tỉ, là không thu nổi cho dù đông khách liên tục. Cho nên cái gì cũng phải đồng bộ. Một hãng làm 1-2 phim thì được, chứ còn để đứng vững thì không dễ.
Hiện nay thì tư nhân hay nhà nước thì cũng thế thôi, cũng duyệt, cũng đội ngũ ấy làm thôi. Nhưng tư nhân họ bỏ tiền thì họ phải tính sao cho xứng đáng, phải tận thu... Còn chúng tôi làm bằng tiền của nhà nước, làm được hay không được thì cũng thế, có làm tốt cũng chẳng được thưởng.
Có tư nhân nào dám bỏ tiền trả cho đạo diễn hai năm trời thu nhập bằng công chức văn phòng nước ngoài 400-500 triệu không? Trả thế thì phải trả hàng loạt những khâu khác, và giá phim bị đội lên không phải 1 tỉ mà 7 tỉ. Mà phim chiếu thu 7 tỉ đã là hiện tượng rồi. Còn nếu trả 10 triệu kịch bản hay đạo diễn thì nó sẽ như các phim khác mà thôi. Có tư nhân nào dám bỏ 5 tỉ ra làm phim không? Vì như thế phát hành phải là 10 tỉ, vì rạp đã lấy 5 tỉ rồi chưa kể quảng cáo và bao nhiêu chi phí khác. Như vậy với tư nhân là rất khó khăn, nào có dễ dàng gì.
Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh: Quyết định Nhà nước về thành lập hãng phim tư nhân đã có cách đây 2 năm, nhưng cho đến nay chưa có một phim tư nhân nào được hoàn thành cả. Từ năm 89 đến 92, có nhiều hãng phim tư nhân bỏ tiền dùng mác của hãng phim nhà nước hay đoàn thể để sản xuất phim và đã thu được thành công. Hãng phim tư nhân ra đời sẽ là một môi trường để các văn nghệ sỹ có tài kết hợp với hãng làm thử nghiệm. Đến một lúc nào đó các nhà sản xuất phim sẽ phối hợp với nhau từ khâu kịch bản đến đạo diễn, khi ấy chính các đạo diễn, biên kịch, diễn viên phải lăn lộn vào công chúng và tìm ra cái gì công chúng cần.
- HDKhanh [hdanhbka@newsvn.com] - Nam: Nhiều người khi xem một bộ phim, nhất là phim Việt Nam thời nay, họ rất hay có sự so sánh với các phim được làm từ thời kháng chiến. Lý do chính là vì các phim thời đó đã thể hiện và phản ánh nội dung, diễn biến tâm lý và tâm hồn của nhân vật một cách rất tự nhiên và THẬT. Ngoài các vai chính, thì cử chỉ, hành động hay thái độ của các vai diễn phụ góp một phần không nhỏ vào hiệu ứng truyền cảm của từng bối cảnh cụ thể, cũng như cả phim. Tôi chưa muốn bàn tới nội dung, chỉ cần đề cập tới 1 vấn đề tưởng như không có gì quá quan trọng, nhưng đây có khi lại chính là lý do vì sao phim nước ngoài hay hơn hẳn phim VN. Khi xem phim VN, tôi rất hay chú ý vào các khía cạnh này. Vì sao thế giới lại có những giải thưởng lớn dành cho các diễn viên phụ? Phim là phản ánh chính cuộc đời. Vậy để người xem có cảm giác xem phim như là xem KỊCH thì còn giá trị gì của phim đây??!!Tôi nghĩ, có lẽ các nhà đạo diễn nên lưu tâm nhiều hơn tới diễn xuất của các diễn viên phụ, hay đôi khi là cả vai quần chúng nữa.....
Đạo diễn Vương Đức: Tôi muốn hỏi lại người đặt câu hỏi: Một năm bạn xem bao nhiêu phim truyện nhựa Việt Nam, bao nhiêu phim nước ngoài, vì phải xem nhiều mới có cơ sở để đưa ra nhận xét.
Điện ảnh rất khác với truyền hình, nên nếu bạn thường xuyên xem truyền hình, thì tôi không có ý kiến gì. Thực tế, mỗi năm chúng tôi sản xuất 10 phim nhựa, trong đó có 1-2 phim tốt, nhưng sợ rằng không tới được với các bạn. Nếu thường xuyên xem phim nhựa VN, có thể bạn xem 8 phim loại trung bình còn lại. Bên cạnh đó công tác phổ biến phim còn làm chưa tốt.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi thấy đạo diễn Vương Đức nói rất đúng. Câu ''Điện ảnh Việt Nam xuống cấp'' hiện đang là cửa miệng của nhiều người, nhưng không phải như vậy. Tôi cam đoan diễn viên đóng trong ''Ngã ba Đồng Lộc'' hay hơn trong phim ''Vĩ tuyến mười bảy ngày và đêm''. Họ diễn hồn nhiên, chân thật hơn. Bạn nói ngày xưa diễn viên diễn thật, ngày nay diễn viên đóng chưa đạt thì không đúng. Chúng ta cứ nói câu ngày xưa như một thói quen. Ngày xưa xem phim giống ăn kẹo bột, phim hiện nay là kẹo Socola. Ngày xưa tôi nhớ kẹo bột rất ngon, nhưng ngày nay đưa bạn Socola chưa chắc bạn thích ăn. Cái gì cũng phải xem đã, nhiều người chê nhưng chưa hề xem phim.
Nhưng có một điều thế này. Ngày xưa người ta làm phim theo công nghệ đến hoàn thiện mới thôi. Bọn tôi nói đùa với nhau, một bộ phim đến 4h chiều không đủ ánh sáng không quay. Phim quay năm năm rưỡi không xong, cứ về thấy không được lại quay lại. Hôm nay làm phim theo 1 công nghệ không cho phép như vậy. Anh phải 2 tháng xong phim. Hạt sạn thì ngày hôm nay nhiều hơn.
Lương Đức Tuấn - Nam 24 tuổi - 231 Hoà Cầu _Cầu Giấy _Hn: Tôi thấy phim của Trung Quốc, Mỹ và đặc biệt là của Hàn Quốc, rất thu hút khán giả Việt Nam, (từ cụ già tới trẻ nhỏ) với nội dung: tình yêu, sự nghiêp, cuộc sống... Vậy sao Viêt Nam không có những bộ phim như vậy?? Vì kinh phí?? Hay vì "chất xám " của điện ảnh Viêt Nam?? Tôi mong Quý vị có mặt tại buổi giao lưu hôm nay cho tôi và nhiều khán giả của toàn quốc hay! Xin chân thành cảm ơn!
Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh: Tôi nghĩ bạn xem phim truyền hình nhiều hơn điện ảnh và lấy tiêu chí phim truyền hình để so sánh phim nội với phim ngoại. Nhưng bạn phải lưu ý là khi nhập phim ngoại, ta nhập là nhập những phim xuất sắc nhất. Ta chọn một phần nhỏ từ đó để chiếu. Còn ta sản xuất được cái gì chiếu ngay cái ấy. Cho nên chúng ta không được chọn lựa nhiều. Còn về khía cạnh tiếp cận cuộc sống thì phim VN làm được. Nhiều người cứ than thở tại sao phim VN chậm thế. Tây họ vừa đi vừa nói, còn ta cứ nhân vật muốn nói là đang đi phải đứng lại để nói. Đó là vì công nghệ ta chưa có hệ thống quay đồng bộ. Đó cũng là ''dấu trừ'' đối với các đạo diễn.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Bạn đã khiến chúng tôi quá vinh dự khi so sánh điện ảnh Việt Nam với những nền điện ảnh lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... Theo tôi để có một ngành điện ảnh ''rạng rỡ'', phải ''mất'' rất nhiều và phải đối chọi với nhiều khó khăn. Tôi nói có thể hơi xúc phạm bạn, nhưng thực tế bạn đang ca ngợi điện ảnh Hàn Quốc mà không biết rằng, những phim bạn được xem chỉ là phim ăn khách loại 3 của điện ảnh Hàn Quốc.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Có bạn đọc hỏi, gần đây Nhà nước tài trợ cho một số phim. Vậy ai sẽ nghiệm thu? Làm một công trình xây dựng nếu không hoàn thành tốt thì bị kỷ luật, vậy một bộ phim làm không thành công thì sao?
Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh: Đây là một câu hỏi nhạy cảm và rất khó trả lời. Theo cá nhân tôi, bất kỳ nền ĐA nào Chính phủ cũng chỉ tài trợ theo hai tiêu chí, một là phim phục vụ đường lối chính trị của đất nước; hai là phim thể nghiệm. Ta cũng nên theo hướng ấy. Còn một số phim mang tính thương mại đều của tư nhân và hãng phim phối hợp và tự bỏ tiền ra.
Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ, hệ thống phát hành phim của ta đang bất cập. Có những phim chiếu ở đô thị không đựơc, nhưng chiếu ở nông thôn lại rất nhiều người xem. Nhiều ví dụ cụ thể, phim chiếu ở thành thị ế ẩm nhưng đưa về tỉnh lẻ hay miền núi lại có nhiều triệu lượt người xem. Nếu trong trường hợp đó, mỗi buổi chỉ thu 500 đồng cũng tạo được doanh thu khổng lồ. Vậy nên nếu ta nói có phim A, B nào đó được đầu tư nhiều tiền mà không đi vào quần chúng được do chỉ căn cứ trên số người xem ở thành phố, thì không đúng. Chẳng hạn, vừa rồi với phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, mang về các tỉnh thành, trường đảng, trong các đợt học tập lý luận tư tưởng Hồ Chí Minh, cuối cùng có đến 530 ngàn lượt người xem. Còn nếu chỉ chiếu ở các đô thị, chắc không được. Còn nếu nhận xét này áp dụng vào một phim cụ thể A, B nào đó thì nó chưa toàn diện.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Chúng ta chưa gắn trách nhiệm của người nghệ sĩ vào trong tác phẩm. Một người cầm mười mấy tỉ của nhà nước làm xong phim vứt xó cũng không chịu trách nhiệm gì cả. Đây là vấn đề của cơ chế. Giá mà anh cầm tiền làm xong, dù phát hành thế nào, không có hiệu quả thì anh phải có tội chứ.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Đạo diễn Vương Đức đã nhận làm phim được tài trợ nào chưa?
Đạo diễn Vương Đức: Tôi đã thực hiện 3 phim nhựa, nhưng đều thiếu tiền be bét. Ngành có nhiều hội đồng để nghiệm thu sản phẩm điện ảnh như hội đồng nghệ thuật, hội đồng kinh tế, nhưng hiện chưa có cơ chế buộc người nghệ sĩ phải làm phim tốt và có trách nhiệm hơn.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Theo anh Minh sắp tới ta có cơ chế gì cụ thể đối với các hãng phim không?
Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh: Nếu có cơ chế gì thì nó đang nằm trong quy hoạch ngành ĐA đến 2020. Và luật ĐA đang được tiến hành gấp rút để thông qua ở QH. Nếu có 2 văn bản đó thì điều kiện làm việc tốt hơn nhiều, và có sự trọng dụng đúng mức đối với người có tài. Tôi hy vọng những điều hay sẽ thành hiện thực.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Giả sử có cơ chế tốt, liệu ngành công nghiệp điện ảnh của ta sẽ làm ăn có lãi, thu hút khán giả không?
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi nói ngoài một chút. Từ nãy ta cứ nói về sự lãi lỗ, lãi lỗ rất nguy hiểm. Vì thực ra nghệ thuật còn có chức năng nâng cao. Tôi chưa xem Gái nhẩy 2, nhưng bạn bè họ kêu ca. Tiền là quan trọng, nhưng không phải cái ưu tiên. Nếu cứ thế này thì tôi cũng theo anh Lê Hoàng mất. Nếu cứ thế ta sẽ mất đi nhiều thứ. Hai mặt này cần phải được nhìn nhận lại. Để trở thành nền CN ĐA lớn ngày một ngày hai là khó. Mà hiện nay giầu và nghèo theo tôi nghĩ cũng không theo qui luật. Trong ngay xã hội chúng ta, người giầu chưa chắc là người tốt người giỏi, người nghèo chưa chắc là họ làm ăn kém. Đất nước chúng ta đang đi những bước đầu tiên, nên những giá trị thật trong mọi lĩnh vực đều chưa chuẩn, thì bảo ĐA chuẩn ngay thế nào được. Một nền ĐA làm nhiều phim chưa là nền ĐA giỏi, nhưng nền ĐA có 1 phim hay xứng tầm quốc tế là nền ĐA giỏi. Và trong khi chúng ta tập trung cho ĐA, chúng ta phải tập trung cho một ai đó có thể hôm nay còn chưa xuất hiện, một bộ phim mà nhờ đó chúng ta sẽ có vị trí cao. Bất cứ quốc gia nào, chỉ cần có một phim hay là có tiếng nói trên thế giới. 500 phim mà không có tác phẩm lớn thì sẽ không được đánh giá. Và chúng ta còn lòng tự hào dân tộc nữa chứ, đâu phải chỉ sản xuất phim để bán thu lời lãi.
Tôi xin lỗi nếu xúc phạm đến người xem. Chúng ta bảo phim Hàn Quốc hay, nhưng đó chỉ là những phim ăn khách của họ, nghệ thuật không cao. Họ có phim nghệ thuật cao, nhưng phim đó chiếu ở ta không ai xem. Vậy nên chăng chúng ta, các cơ quan ĐA, truyền thông có nên tạo dựng một tầng lớp khán giả đến với nghệ thuật chứ không phải đến với phim thương mại.
Đạo diễn Vương Đức: Nhà nước đầu tư cho điện ảnh khoảng 15-20 tỷ đồng/năm. Theo tôi có một số hiểu lầm về ngành điện ảnh. Nếu tách bạch các khâu sản xuất, phát hành, chiếu phim, thì có thể bộ phim này, phim kia bị lỗ, nhưng nhìn tổng thể, ngành điện ảnh vẫn có lãi. Phải nhìn tổng thể để thấy chúng tôi không phải những người ăn hại.
Còn câu hỏi có thể tin ở điện ảnh VN không, theo ý kiến của người đầy đủ thông tin, ta mạnh trong khối ASEAN. Điều này đã được thế giới và các nước trong khu vực công nhận. Tất nhiên điện ảnh VN còn nhiều vấn đề, nhưng nếu giải quyết được, ngành sẽ phát triển tốt hơn.
Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh: Mỗi năm Nhà nước tài trợ cho điện ảnh 15-20 tỉ, không nhiều so với các ngành khác, nhưng ta đã xây dựng được một nền điện ảnh, mà so với thế giới thì tôi không dám nói, nhưng so với khu vực, thì cũng có thể tự hào. Ta không nên so xưa với nay. Khi xưa một đoàn chiếu bóng về, cả làng rủ nhau ăn cơm sớm đi xem. Nay thì họ bật ti vi lên lúc nào cũng có thể xem phim được. Ta không tự phụ về những cái mà hiện nay ta có. Ta có thể hy vọng, vì thứ nhất - ta có nhiều nhân tài; thứ hai - vấn đề xã hội của nước ta rất phong phú; thứ ba - công chúng thích xem phim ảnh, nhưng sinh hoạt văn hoá cộng đồng; thứ tư - gần đây các nhà làm phim càng ngày càng nỗ lực hướng tới khán giả...
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều người coi Trung Quốc là nền điện ảnh ta nên học tập. Theo các anh bài học gì đem lại thành công cho họ. Và theo các anh, ta có thể coi họ như một tiêu chí để học tập không?
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Trước tiên chúng ta phải khẳng định TQ không chỉ thành công ở điện ảnh mà ở mọi lĩnh vực. Thứ hai một nền điện ảnh phụ thuộc 2 yếu tố quan trọng. Yếu tố thứ nhất là văn học. Mà văn học TQ là một nền văn học khổng lồ, văn học sử, văn học hiện đại mà điện ảnh không thể độc lập được khi không có văn học. Khâu kịch bản là khâu mà chúng tôi đang gặp khó khăn nhiều.
Cái thứ hai, cũng như anh Minh nói, một năm TQ sản xuất hơn 1000 phim và chúng tôi sang TQ được biết có 900 phim tầm tầm như chúng ta. Còn những phim mang sang Việt Nam thực sự là những phim hay nhất của họ. Chúng ta không thể nào so sánh với điện ảnh TQ và Hàn Quốc. Bởi vì một lẽ đơn giản: 100.000USD/ 1 tập phim truyền hình TQ so với 5.000 USD/tập phim truyền hình Việt Nam, thì không thể cạnh tranh được. Tôi đã sang TQ và hỏi diễn viên của họ, thì được biết thu nhập không cao hơn diễn viên VN là mấy, nhưng giá thành một bộ phim thì cao hơn hàng chục lần. Đầu tư của chúng ta quá thấp. Người đời nói rồi, ''tiền nào của ấy''. Giá như giao cho chúng tôi khoảng 100.000USD/tập phim truyền hình, thì họ làm được 10, chúng tôi cũng được 7,8.
Đạo diễn Vương Đức: Ý kiến tôi hơi khác. Số nhân tài thường tỷ lệ với dân số. Trung Quốc có 1,3 tỷ người thì số nhân tài như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca... còn thấp so với các nước được đánh giá phát triển điện ảnh nhanh như Iran, Hàn Quốc...
Ông Trương Nghệ Mưu làm phim bằng kinh phí nước ngoài, ít khi bằng kinh phí của Trung Quốc đại lục. Số người dùng tiền Trung Quốc làm phim như Trần Khải Ca còn ít. Chính ta cũng từng giúp Việt kiều Pháp anh Trần Anh Hùng làm phim bằng vốn của tư nhân. Vì vậy, chúng ta nên nhìn khía cạnh này sòng phẳng, chính xác hơn.
Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh: Đúng là từ nền ĐA Trung Quốc ta có thể học được nhiều điều. Bởi vì, thứ nhất nền văn hoá của họ có nhiều nét tương đồng với ta. Thứ hai ở Trung Quốc người ta rất quan tâm đến vấn đề kịch bản, họ lại có nền văn học lớn để lại. Thuỷ Hử, Tam Quốc ta kể với nhau thôi nghe đã hay rồi, lên phim sẽ càng hấp dẫn hơn. Còn ta không được thừa hưởng nhiều từ nền văn học.
Tôi thấy ta nên học Trung Quốc ở 2 điểm. Thứ nhất, không tự ti. Tôi gặp tác giả làm phim Khát vọng, ông ta nói trước năm 90, phim truyền hình Trung Quốc thua kém so với Hồng Kông, Đài Loan; Sau đó, Trung Quốc đã mua phim Hồng Kông, Đài Loan về học hỏi, và mấy năm sau, phim Trung Quốc đã đánh bạt phim Hồng Kông, Đài Loan. Thứ hai, chuyện tiếp thị của họ cực kỳ ghê gớm, họ bán kịch bản đến tận truyền hình cấp huyện. Theo tôi, điện ảnh phải có cạnh tranh, nếu không sẽ sản xuất ra những thứ tầm tầm. Nghệ sỹ nếu không có cạnh tranh, đọ sức sẽ dễ thoả hiệp, sẽ không dấn thân, không phấn đấu nữa.
Thay mặt độc giả báo điện tử Việt NamNet, Ban biên tập xin cám ơn sự có mặt của các vị khách có mặt trong buổi giao lưu hôm nay. Xin chân thành chúc các vị khách sức khoẻ và nhiều thành công mới trong nghề nghiệp. Đặc biệt xin chúc cho nên điện ảnh của chúng ta thành công trong một hướng phát triển mới, để góp phần vào sự nghiệp xây dựng một nền văn hoá mới, cũng như đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày một cao của nhân dân.
* Trên đây chỉ là phần chúng tôi lược ghi từ cuộc giao lưu. Để nghe và xem toàn bộ, xin quí vị bấm vào đây Nghe Xem
-
VietNamNet