221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1123999
Nước sẽ rút hết trong 4 -5 ngày tới, nếu...
1
Article
null
Nước sẽ rút hết trong 4 -5 ngày tới, nếu...
,

 - Chiều 2/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trực tiếp đến Trạm bơm Yên Sở - nơi được coi là "điểm huyệt" của thành phố trong lúc này, để kiểm tra tình hình và đưa ra các chỉ đạo "nóng"...

>> Toàn cảnh Hà Nội trong trận "đại hồng thuỷ" 

Ông Nguyễn Thế Thảo cho biết, những ngày này toàn bộ các sở, ban, ngành phải gửi báo cáo 2 tiếng/lần về UBND TP và bất cứ lúc nào trong quá trình xử lý, giải quyết mưa ngập mà cảm thấy quá sức mình thì phải báo cáo ngay để thành phố kịp thời hỗ trợ.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo (thứ 2, từ trái sang) và PCT Nguyễn Văn Khôi đang chỉ đạo chống lụt tại Trạm bơm Yên Sở chiều 2/11 - Ảnh: Vũ Điệp

Được biết, trước khi lên đường đến Trạm bơm Yên Sở, đập Thịnh Liệt... lúc 13h đã có một cuộc họp khẩn cấp giữa các lãnh đạo UBND, HĐND TP và các sở, ban, ngành Hà Nội về chỉ đạo chống lụt cho thủ đô.

Đoàn lãnh đạo TP Hà Nội và các sở, ban, ngành quay trở lại tiếp tục kiểm tra trạm bơm Yên Sở chiều 2/11/2008 (Ảnh: H.H).

Kiểm tra tại trạm bơm Yên Sở, Chủ tịch TP. Hà Nội tỏ vẻ vui mừng vì mực nước đã rút nhiều so với hôm qua, sau chủ trương "vợi trong, giảm ngoài" được thành phố quyết định tiến hành đêm 1/11 rạng sáng 2/11 tại đập Thịnh Liệt. 

Ứng cứu 24/24 phía ngoài trạm bơm Yên Sở (Chụp chiều 2/11 - Ảnh: H.H).

Tuy nhiên, ông Thảo vẫn yêu cầu ra công điện thứ 3 vào hồi 16h30 chiều 2/11. Công điện nhấn mạnh: "Hiện nay, địa bàn Hà Nội tiếp tục mưa, diễn biến thời tiết còn phức tạp và tác động nguy hiểm", bởi theo ông, đê đã ngâm nước nhiều giờ, nhiều ngày - lúc này, nước có rút hơn chứng tỏ giải pháp đưa ra đã phát huy hiệu quả, song chưa phải đã hết nguy cơ đe dọa.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng có mặt tại trạm bơm Yên Sở và cùng các lãnh đạo TP Hà Nội thị sát nhiều khu vực. Dưới đây là những ý kiến mà VietNamNet ghi nhận được...

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo tại hiện trường trạm bơm Yên Sở chiều 2/11 (Ảnh: H.H).

Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Phải quyết tử cho trạm bơm Yên Sở

Nước của thành phố thường thu vào sông Tô Lịch và tự chảy ra sông Nhuệ. Chúng ta phải sử dụng hệ thống bơm cưỡng bức, chính là trạm bơm Yên Sở này. 

Mấy ngày qua, mức nước sông Nhuệ lại cao hơn nước sông Tô Lịch, nên chúng ta phải đóng đập Thịnh Liệt lại. Như vậy, thành phố không tiêu thoát nước qua hệ thống tự chảy được nữa, muốn tiêu thoát nước giờ đây chúng ta chỉ phụ thuộc vào trạm bơm Yên Sở này thôi!

Do đó, những ngày qua Thành phố đã phải "quyết tử" bằng mọi biện pháp làm sao an toàn cho điện và cho trạm bơm này, tuy nhiên công suất trạm bơm này chỉ đạt 1/4 khối lượng mưa vừa qua. Vì vậy, nếu không mưa nữa cũng phải 4, 5 ngày tới chúng ta mới tiêu thoát hết được lượng nước đang ùn ứ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: "Tập trung ứng cứu cho khu vực nội thành trước!"

Bộ trưởng Cao Đức Phát (Ảnh: H.H)

Vừa qua Hà Nội đã xử lý đúng, vấn đề tiếp theo là bao vây, tập trung tiêu thoát nước trong nội thành trước, sau đó mới đến các khu vực lân cận rồi mới tiêu thoát nước nông nghiệp. 

Sau đó, tôi nghĩ rằng tôi và các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội sẽ phải ngồi lại với nhau, cùng rút kinh nghiệm và đặc biệt là phải rà soát lại qui hoạch hệ thống tiêu thoát nước của toàn thành phố trước mắt cũng như lâu dài. 

Sự phát triển của thành phố đã đem đến những yêu cầu mới cao hơn rất nhiều so với dự báo trước đây, bây giờ phải có sự điều chỉnh, và xây dựng hệ thống vận hành phù hợp.

Việc đầu tư cho thoát nước của Hà Nội mới chỉ lớn về kinh phí, song xét với yêu cầu của một đô thị lớn đang trong đà phát triển thế này thì còn phải đầu tư nhiều hơn nữa.

Phương châm của chúng ta lúc này là không để cho nước ở các khu vực lân cận đổ về nội thành. Ta phải bao vây và chỉ tập trung rút nước từ phía nội thành để các hoạt động sớm trở lại bình thường.

Đối với Hà Nội nói chung, ta phải tập trung thoát nước trên trục sông Nhuệ. Những khu lân cận thì cố gắng phát huy các trạm bơm sẵn có để bơm đổ ra sông Hồng và một phần ra sông Đáy. Tại khu vực sông Nhuệ, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các trạm bơm đổ ra hướng khác để rút bớt nước của sông Nhuệ, giảm áp lực hai bên bờ sông. Tất cả các trạm bơm hiện đều đang chạy hết công suất.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi chiều 2/11/2008 (Ảnh: H.H).

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi: "3 điểm trọng yếu vẫn đang được giữ an toàn"

Trong mấy ngày qua, trạm bơm Yên Sở đã chạy 11/11 máy, bơm được hơn 2 triệu khối nước, còn 8 triệu khối nữa nếu không mưa chúng ta có thể giải quyết trong 1, 2 ngày nữa. Nhưng, trận mưa trên 500mm đã gấp 3, 4 lần công suất thiết kế của trạm bơm này. Riêng TP Hà Đông lúc này đã lên gần 800mm.

Từ sáng qua đến nay, 2,2 vạn bao tải đất với hơn 400m3 đã được đắp bờ bao bảo vệ các điểm trọng yếu: trạm điện biến áp, trạm bơm, tủ điều khiển... Chúng ta giữ các điểm trọng yếu này suốt từ sáng 1/11 đến giờ và vẫn tiếp tục giữ vững.

Hôm 1/11, hơn nghìn cán bộ công nhân viên và bộ đội đã thay phiên ứng trực, bình quân mỗi ca 100 người. Với phương châm "4 tại chỗ" chúng ta vẫn giữ vững các điểm trọng yếu và đến nay các điểm úng ngập đã giảm khá nhiều.

Giám đốc Nguyễn Đức Nhanh (Ảnh: H.H).

Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh: "Người dân không có việc cần,  không nên ra khỏi nhà!"

Hiện tại, tình hình giao thông đang rất phức tạp. Nhiều hố ga, nắp cống được mở khắp nơi để thoát nước tối đa. Các cơ quan truyền thông cần khuyến cáo người dân nếu không có việc cần kíp, không nên ra khỏi nhà những ngày này.

Tôi biết, có những trẻ em và cả người lớn đã cảm thấy thích thú khi lội nước đi chơi, đánh bắt cá... trên những đoạn lụt lội của Hà Nội những ngày này. Đây là việc làm không nên và có thể dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc.

Trường hợp phải tham gia giao thông trên đường, người dân cần tuân thủ triệt để hướng dẫn đột xuất, bất thường của các lực lượng chức năng cho đến khi tình hình giao thông, đường phố trở lại bình thường.

Giám đốc Nguyễn Quốc Hùng (Ảnh: H.H).

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng: "Xe buýt vẫn cố gắng đảm nhận nhưng lượng xe giảm 1/3"

Vấn đề vận tải hành khách công cộng vẫn đang hết sức cố gắng đảm bảo nhu cầu đi lại tại nội đô, chỉ những nơi nào không thể đi vào được mới chịu thôi, nhưng lượng xe giảm 1/3 so với bình thường. Thiệt hại của ngành giao thông tương đối lớn, tuy nhiên chúng tôi chưa tổng kết được.

Hiện nay, tôi thấy có một vấn đề là việc cắm biển báo tại các hố ga mở của ngành xây dựng quá chậm. Hệ thống giao thông hiện nay đang mất nhiều nắp hố ga mà chưa có nhiều biển cảnh báo, dân cứ đi lại, rất nguy hiểm. Đây thuộc về trách nhiệm của Sở Xây dựng. Tuy nhiên, phía Sở Giao thông - Vận tải chúng tôi vẫn sẵn sàng phối hợp giải quyết ngay.

Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ: "Khi nào tuyệt đối an toàn, các em mới đến trường"

Giám đốc Nguyễn Hữu Độ (Ảnh: H.H).

Từ ngày 31/10, Sở chúng tôi đã ra công điện đề nghị các quận, huyện tùy từng điều kiện cụ thể của địa phương mà chủ động phối hợp với các trường học tại địa bàn, bố trí lịch học hoặc nghỉ cho các em rồi báo cáo Sở sau. Sáng 1/11, chúng tôi cũng có thêm công điện thứ 2, đặc biệt yêu cầu đến từng giáo viên chủ nhiệm các lớp thông báo cho các em nghỉ học, vậy mà không hiểu sao vẫn xảy chuyện đáng tiếc với một em lớp 7...

Còn 2 trường hợp trẻ nhỏ lâm nạn tại Mê Linh, tôi được biết đó là do các em đi chơi chứ không phải đi học. Hôm nay (2/11), chúng tôi tiếp tục yêu cầu các trường rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất sau mưa cũng như các tuyến giao thông dẫn đến trường, khi nào đảm bảo đủ điều kiện an toàn mới bắt đầu thông báo cho các em đi học.

Như vậy, thứ Hai (3/11) học sinh Thủ đô tiếp tục nghỉ. Thứ Ba (4/11) và những ngày sau đó, chúng tôi sẽ phối hợp ngành dọc của mình, tiếp tục cân nhắc và thông báo thêm...

Tại trụ sở UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho VietNamNet biết, trong ngày hôm nay đã quyết định cứu trợ khẩn cấp trước mắt cho 3 "ốc đảo" bị cô lập của Hà Nội: 4.000 hộ dân ở Tân Mai được nhận 1 téc nước sạch và 2.000 thùng mì (đảm bảo cho 2 ngày); 580 hộ ở thị trấn Quang Minh, xã Tiền Phong (Mê Linh) nhận 75.000 gói mì; 17 phường xã tại Hà Đông nhận 5 tấn mì tôm...

Hà Nội: Tập trung thoát nước trong nội thành

Chiều 2/11, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết về tình hình thực tế khắc phục tình trạng ngập úng: Công suất thiết kế của dự án thoát nước giai đoạn 1 là 172mm/2 ngày thì trận mưa lớn gấp 3 đến 4 lần. Tổng lượng nước tính trên toàn bộ khu vực của dự án 77,5m2 khoảng 45,4 triệu m3.

Sức chứa hiện tại của hệ thống thoát nước Hà Nội là 22,8 triệu m3. Bao gồm: 4 con sông và mương là 3 triệu m3, các hồ là 15 triệu m3, trạm bơm hồ Yên Sở là 4,3 triệu m3. 

Như vậy, sẽ còn tối thiểu khoảng 19,2 triệu m3 nước phải bơm qua trạm bơm Yên Sở ra sông Hồng. Chưa kể lượng nước nói trên thì trạm bơm Yên Sở còn phải thoát nước cho một phần của lưu vực sông Nhuệ. 

Trạm bơm Yên Sở với công suất 45m3/s, trong 24h chỉ bơm được 4,088 triệu m3 nước ra sông Hồng nên gây ra nhiều điểm úng ngập ở khu vực nội thành. Với lượng nước như trên, thì cần bơm trong khoảng 5 ngày Hà Nội mới hết ngập úng.

(Vũ Điệp - Trà My)

  • Tràng An Nguyễn
     



Hà Nội: Tập trung thoát nước trong nội thành

Chiều 2/11, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết về tình hình thực tế khắc phục tình trạng ngập úng: Công suất thiết kế của dự án thoát nước giai đoạn 1 là 172mm/2 ngày thì trận mưa lớn gấp 3 đến 4 lần. Tổng lượng nước tính trên toàn bộ khu vực của dự án 77,5m2 khoảng 45,4 triệu m3.

Sức chứa hiện tại của hệ thống thoát nước Hà Nội là 22,8 triệu m3. Bao gồm: 4 con sông và mương là 3 triệu m3, các hồ là 15 triệu m3, trạm bơm hồ Yên Sở là 4,3 triệu m3. 

Như vậy, sẽ còn tối thiểu khoảng 19,2 triệu m3 nước phải bơm qua trạm bơm Yên Sở ra sông Hồng. Chưa kể lượng nước nói trên thì trạm bơm Yên Sở còn phải thoát nước cho một phần của lưu vực sông Nhuệ. 

Trạm bơm Yên Sở với công suất 45m3/s, trong 24h chỉ bơm được 4,088 triệu m3 nước ra sông Hồng nên gây ra nhiều điểm úng ngập ở khu vực nội thành. Với lượng nước như trên, thì cần bơm trong khoảng 5 ngày Hà Nội mới hết ngập úng.

(Vũ Điệp - Trà My)

  • Tràng An Nguyễn
     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;