Hướng đi nào cho cải lương trên truyền hình?
08:08' 06/01/2004 (GMT+7)

Chương trình "Những cánh chim không mỏi" với chủ đề "Nghề nối nghề" của NSƯT Thanh Tòng.

(VietNamNet) - Cải lương thành phố vắng khách. Giới cải lương từ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ… đến những nhà quản lý đều chung một tâm trạng là… làm cách nào để cải lương thu hút được người xem, để họ có được trở lại với “thói quen” xem cải lương trên sàn diễn, trong rạp hát.  

                                                                                                                               

Đã có nhiều biểu hiện rất đáng trân trọng của các nghệ sĩ cải lương trên con đường kiếm tìm khán giả như chịu làm đề tài hiện đại, tìm kiếm biểu hiện mới với xác xuất rủi ro nhiều hơn, trên sàn diễn đã thấy những tín hiệu nghiêm túc của nhiều nghệ sĩ biểu diễn, v.v… Tuy nhiên sân khấu trình diễn vẫn chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn. 

Một cảnh trong vở cải lương truyền hình "Bức ngôn đồ Đại Việt".

Song song với hiện tượng đáng lo ngại đó, ta cũng lại thấy những dấu hiệu lạc quan hơn là khán giả lại rất “chịu” những chương trình truyền hình cải lương trực tiếp như Vầng trăng cổ nhạc, Dưới ánh đèn sân khấu, Giải triển vọng Trần Hữu Trang, Những cánh chim không mỏi - giới thiệu chân dung các Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, giao lưu giữa các nghệ sĩ cải lương với khán giả, hoặc một số chương trình như Đờn ca tri kỷ, Đờn ca tài tử, Tân cổ nhạc, v.v… Hiện trạng của hai biểu hiện “vừa buồn, vừa vui” ấy buộc những ai quan tâm đến nghệ thuật cải lương phải suy nghĩ: thử tìm xem nguyên nhân sâu xa nào đã đưa sân khấu cải lương đến “ngã ba đường” này?

 

Phải chấp nhận một sự thật là sân khấu cải lương trên sàn diễn hiện nay không đủ sức hấp dẫn được người xem bởi sự mòn mỏi cũ kỹ về phương thức trình diễn, sáo mòn về đề tài, lệ thuộc vào tính khí thất thường của một số “ngôi sao”. Tóm lại, cải lương trên sàn diễn hiện nay giống như một cơ thể lúc về già - chậm chạp, mòn mỏi, xưa cũ không theo kịp đời sống đang biến động từng ngày. 

HTV với chương trình giải "Triển vọng Trần Hữu Trang".

Màn ảnh nhỏ với các loại hình: Truyền hình sân khấu, truyền hình trực tiếp… đã mở con đường ra cho sân khấu cải lương bởi tính đại chúng của nó. Không có một kênh giải trí nào đông khán giả hơn là truyền hình. Có lẽ vì ý thức được giá trị của sự xuất hiện trước khán giả đông đảo của màn ảnh nhỏ mà người nghệ sĩ đã tự mình từ bỏ những thói quen dễ dãi trong ca diễn, chịu khó chọn lựa các tiết mục hay để đưa vào các chương trình truyền hình. Người dự các chương trình như Vầng trăng cổ nhạc, Những cánh chim không mỏi…, được những bữa thưởng thức no nê những tinh hoa nghệ thuật mà họ say mê được gặp những người mà họ ái mộ cũng như được nghe những bài ca mà họ ưa thích… hơn nữa hiện nay, như lời một nghệ sĩ nổi tiếng trong nghề có nói, khán giả cải lương chủ yếu là giới bình dân. Giá vé hiện nay cao quá nên xu hướng chung là ở nhà đón coi ti vi vừa đỡ tốn tiền lại được xem truyền hình trực tiếp… Ý kiến đó có cái đúng của nó, bởi chúng ta đang làm nghề trong nền kinh tế thị trường. Và yếu tố kinh tế vẫn được hiểu đúng và làm đúng.

 

Tuy nhiên trong lĩnh vực truyền hình, bên cạnh những cái được, vẫn còn có đôi điều khiến cho giới sân khấu nói chung và cải lương nói riêng còn bức xúc, đó là … chuyện trả tiền bản quyền cho tác giả và những người tham gia còn “thấp”, chưa tương xứng với lao động sáng tác mà người nghệ sĩ đã bỏ ra. Bên cạnh đó còn có một số biểu hiện dễ dãi trong các khâu thực hiện như trang trí, phục trang, ánh sáng… Chưa tạo được vẻ đẹp thẩm mỹ cho tác phẩm. 

Chương trình "Vầng trăng cổ nhạc" thực hiện tại Nhà hàng Thủy tạ Đầm Sen.

Sân khấu truyền hình và những chương trình truyền hình trực tiếp đã có những đóng góp không nhỏ cho sự tồn tại của sân khấu cải lương, nhưng đó không phải là lối ra duy nhất cho hiện trạng cải lương TP.HCM, bởi suy cho cùng thì sân khấu không phải là truyền hình. Sân khấu phải tồn tại trên sàn diễn, người nghệ sĩ phải diễn trước công chúng thực của mình – dù đó chỉ là vài trăm người, thậm chí… vài chục người. Vấn đề khán giả đến vớisân khấu xưa nay vẫn là vấn đề được quan tâm nhất bởi họ (khán giả) mới thực là lý do tồn tại của trình diễn sân khấu. Sân khấu muốn chinh phục được khán giả có lẽ nên làm như khi lên truyền hình: chăm chút nâng niu từng chi tiết của ca, diễn với nhiệt tình và bốc lửa giống như cầu thủ bóng đá lao vào trận đấu.

  • Trần Nguyễn

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Một tuần buồn tẻ của thị trường phim Bắc Mỹ (05/01/2004)
Lee Byung-hun lại ghi điểm với "Cuộc cạnh tranh khốc liệt" (02/01/2004)
TFS ra mắt phim tài liệu về "Hoàng Thành Thăng Long" (31/12/2003)
Tương tác, nét mới của Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2004 (31/12/2003)
"Điện thoại di động" - Phim đón Tết của điện ảnh Trung Quốc (30/12/2003)
"Điểm hẹn quê hương 56" – cuộc hội ngộ của những câu hò, điệu lý… (30/12/2003)
"Rock trường học" - món quà năm mới hấp dẫn (30/12/2003)
Sắp có phim truyền hình dài tập hợp tác với Hàn Quốc (26/12/2003)
Quá nhiều "sao" trong "Vô Gian Đạo" (26/12/2003)
Robert De Niro - ngôi sao điện ảnh lớn nhất mọi thời đại (24/12/2003)
''Điều thiêng liêng nhất'' khép lại Nhà hát truyền hình 2003 (23/12/2003)
Chuyện hậu trường phim "Anh hùng" (23/12/2003)
"Chúa tể những chiếc nhẫn 3" thống trị các rạp của 29 nước (22/12/2003)
Phim Việt Nam: thiếu hay yếu? (21/12/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang