Chuyện hậu trường phim "Anh hùng"
15:28' 23/12/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hôm nay (23/12), khán giả TP.HCM sẽ được thưởng thức Anh hùng, bộ phim đã khiến đạo diễn Trương Nghệ Mưu "lao tâm khổ tứ". Không chỉ tạo nên những câu chuyện đầy hấp dẫn trên màn ảnh, Anh hùng còn ẩn chứa nhiều bí mật trường quay thú vị. 

Một cảnh trong phim.

Để đưa Anh hùng lên màn ảnh phải kể đến công lao rất lớn của Trương Nghệ Mưu. Ông đã dành ba năm để viết kịch bản cho Anh hùng, bộ phim được ông miêu tả là “không chỉ là một bộ phim võ thuật mà còn là một huyền thoại về những gì đã xảy ra vào thời kỳ Trung Quốc cổ đại”. Trương Nghệ Mưu giải thích: “Nếu bạn nhìn vào lịch sử văn học võ thuật Trung Quốc, bạn sẽ thấy cốt truyện luôn xoay quanh vấn đề báo thù... Trong nhiều năm, đây là ý tưởng chủ đạo duy nhất trong các phim võ thuật của Trung Quốc, kể cả đó là phim của Lý Tử Long và Thành Long. Tôi muốn lấy chủ đề này theo một hướng khác. Trong tác phẩm của tôi, mục tiêu là làm giảm bạo lực. Các nhân vật luôn có xu hướng muốn chấm dứt chiến tranh. Đối với những anh hùng võ thuật thực thụ, trái tim còn quan trọng hơn cả gươm đao".

Anh hùng, cuộc so tài của các sao.

Đối với các diễn viên, Anh hùng là một cơ hội hiếm có để họ khẳng định tên tuổi của mình, một bộ phim võ thuật coi trọng cả cốt truyện lẫn hành động. Lý Liên Kiệt tâm sự: “Anh hùng là một bộ phim trong mơ của tôi. Khi đọc kịch bản, tôi đã khóc đến hai lần. Trong sự nghiệp 20 năm đóng phim của mình, đây là kịch bản phim đầu tiên làm tôi rơi lệ. Đây là một câu chuyện có sức hấp dẫn lạ thường và đặt ra cho chúng ta một câu hỏi: ai sẽ là người được gọi là anh hùng”. Chương Tử Di cũng rất vui mừng khi được tham gia vào phim Anh hùng. “Hầu hết các bộ phim mời tôi đóng đều có rất nhiều cảnh võ thuật. Nhưng tôi thật sự hy vọng được tận hưởng cảm giác đóng phim bằng trái tim chứ không phải bằng nắm đấm".  

Không hề thiếu tính nghiêm ngặt trong các tiêu chuẩn đánh giá kịch bản và các cảnh phim ở bộ phim Anh hùng. Ba câu chuyện khác nhau, được kể từ các cách suy luận khác nhau, mỗi câu chuyện đều có màu sắc riêng - đỏ, trắng và xanh. Đạo diễn Trương Nghệ Mưu nói: “Tính mỹ thuật của bộ phim này là sự gắn bó mật thiết với cốt truyện. Ý tưởng sử dụng những màu sắc riêng để kể chuyện được đưa ra ngay từ khi bắt đầu khái quát hóa nội dung. Các cảnh quay, trang phục và nhiều thứ khác nữa được phát triển đồng bộ với bản thân kịch bản. Tôi đã có một hình ảnh trong đầu mình rất lâu và sau đó phải tìm cách thực hiện được nó thông qua trao đổi với các thành viên khác trong đoàn làm phim”. 

Trương Mạn Ngọc (vai Phi Tuyết).

Góp phần vào thành công của Anh hùng còn phải kể đến sự hỗ trợ đắc lực của nhà thiết kế trang phục nổi tiếng, Emi Wada. Bà đã thử không dưới 30 màu và nhuộm bằng tay từng mẫu riêng biệt. Tuy nhiên, sau khi chúng được chấp nhận, Wada đã gặp phải một vấn đề không ngờ tới. Bà thổ lộ: “Chúng tôi không thể làm một số màu với thuốc nhuộm trong môi trường nước ở Bắc Kinh. Vì thế chúng tôi phải mang thuốc nhuộm từ Anh và Nhật và dùng nước khoáng để nhuộm một số loại sợi… Chúng tôi đã làm ra hàng nghìn mét vải". Sự kiểm soát của Wada về thiết kế tỉ mỉ đến nỗi trang phục màu đỏ được tạo ra dựa trên 54 sắc màu khác nhau. Để có được những trang phục tuyệt đẹp có thể khắc hoạ được tính cách của từng nhân vật, Wada đã tìm cảm hứng từ những trang phục cổ truyền của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Để có được những cảnh quay hay nhất, Trương Nghệ Mưu đã đi hàng trăm km để tìm những cảnh nền lý tưởng cho mỗi cảnh phim. Đoàn phim gồm 300 con người này đã đi từ Đôn Hoàng ở phía Tây Bắc tỉnh Cam Túc tới Jiuzhaikou ở phía Bắc Tứ Xuyên trước khi dựng cảnh tại trung tâm phim ảnh Hoành Điếm, chỉ cách thành phố cổ Hàng Châu ba giờ đồng hồ. Đoàn làm phim thậm chí phải bỏ lại mọi thứ để đi tới một khu rừng sồi nhỏ thuộc Mông Cổ để quay cảnh quyết đấu giữa Trương Mạn Ngọc và Chương Tử Di trong màn lá rơi ấn tượng. “Tôi phải bố trí một tay máy để ghi lại thời điểm những chiếc lá này chuyển từ màu xanh sang vàng. Chúng tôi đã dùng 3, 4 máy quay cùng một lúc ở các góc quay khác nhau, thậm chí sử dụng cả  một hệ thống phân loại lá".  

Anh hùng còn là điểm hội tụ của một đội ngũ làm phim chuyên nghiệp từng thành công với Crouching Tiger, Hidden Dragon (Ngọa Hổ, Tàng Long). Đó là Giang Chí Cường và Christopher Doyle, người đoạt giải thưởng kỹ xảo phim tại Cannes với tư cách là chỉ đạo hình ảnh...

  • Bích Hạnh

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Chúa tể những chiếc nhẫn 3" thống trị các rạp của 29 nước (22/12/2003)
Phim Việt Nam: thiếu hay yếu? (21/12/2003)
Kết thúc bằng Lễ trao giải rộn tiếng cười (20/12/2003)
Thêm một game show hấp dẫn trên HTV (19/12/2003)
"Cold Mountain" dẫn đầu danh sách đề cử Quả cầu vàng (19/12/2003)
"Anh hùng" - thành công mới của Trương Nghệ Mưu (18/12/2003)
"It's a Wonderful Life" - phim Giáng sinh hay nhất mọi thời đại (17/12/2003)
Quyền Linh – Chàng diễn viên “chân đất” thích… thử sức (17/12/2003)
Công bố giải thưởng của Hiệp hội phê bình phim New York 2003 (16/12/2003)
Chuyện ngoài lề phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn 3” (13/12/2003)
Gặp lại Bruce Willis trong "Giác quan thứ 6" (11/12/2003)
Phim truyền hình “Made in Vietnam” đã thật sự… “trở mình”? (10/12/2003)
Đồ vật của Marilyn Monroe vẫn có giá (09/12/2003)
Tom Cruise lại ghi điểm với "The Last Samurai" (09/12/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang