10 năm Rock Việt - nhìn từ Hà Nội
08:36' 02/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Cứ cho rằng rock Việt là những bản rock lời Việt do người Việt Nam sản xuất đi, thì ở Hà Nội, “đặc sản” này mới có từ năm 1996. Trong một ngày hè ở Vọng quán, The Light trình bày 2 bài Khát vọngMong đợi mặt trời. Thời gian trước đó dành để dùi mài, hay nói cách khác để tiêu hóa, để rock Tây dần thành rock… Tây Nguyên.

Hà Nội được mùa rock

Ban nhạc The Wall.

Đêm 28/9/02 báo hiệu sự hồi sức của rock Hà Nội tại bể bơi Cung VHTT Thanh Niên, quy tụ 13 ban nhạc và 4.000 khán giả. Sự kiện mang ý nghĩa điểm mặt các rock band Hà Nội và bố cáo: lại có người “chịu” đứng ra tổ chức chương trình! 2003, kể từ 26/8 - chương trình riêng giới thiệu album đầu tiên của The Light sau 10 năm có mặt chưa bao giờ Hà Nội xem tận mắt nhiều rock đến thế: 5 chương trình trong vòng hai tháng. Trong đó, có những buổi quy mô như Festival rock Việt - chủ yếu giới thiệu các gương mặt trẻ; và Đại hội Rock Việt - đưa ra 5 ban nhạc rock tiêu biểu, nhạc mục 100% tự sáng tác.

Với 200 thành viên thường xuyên (gần 3.000 qua mạng), CLB Rock Hà Nội (HRC), thành lập từ 1999, quyết định ngừng các chương trình sinh hoạt có biểu diễn rock, thành thông lệ từ đầu 2000. Vì theo Chủ tịch Bình, thời gian tới “cung sẽ vượt cầu”. Khán giả bỏ ra 30.000đ tới các show lớn, hơn là 15.000đ đến sinh hoạt với CLB tại các điểm nhỏ lẻ ở Cung VHTT Thanh Niên, quán Stylish, Hàng Trống, Cung Thiếu nhi, Cung Hữu nghị tuy buổi đông cũng được 800 người.

Giở lại trang sử rock Hà Nội, khởi đầu cuối những năm 1980, Những Bậc Thang và các ban lần lượt ra đời nhằm thỏa mãn nhu cầu chơi lại những gì đã nghe. Sân chơi là Trung tâm phương pháp CLB 16 Lê Thái Tổ với các cuộc Dạ hội sinh viên thêm tí rock. Khoảng 1991, tại nhà thi đấu Trung Tự, đã có những đêm toàn heavy metal mạnh đến độ giữa chừng phải nghỉ 15 phút. Một đêm tháng 3/1994, bán vé không xin phép, công an đến kiểm tra. Tuy không đình chỉ ngay lập tức, nhưng loa máy nhạc cụ dùng xong bị niêm phong, vài thành phần ''tích cực'' lên đồn... Những đêm ''thi đấu'' ở Trung Tự của Đại Bàng Trắng, The Light, Desire… từ đó bị bãi bỏ. Rock quay về nương náu tại Sân Ga (mở hàng giữa năm 1994) và các quán cà phê rock khác như Vọng, Hương Đầu Mùa...

Khi thông dòng chảy

Ban nhạc Thủy Triều Đỏ.

Theo thời gian, rockfan ngày càng tỉnh táo, không còn thiếu đói đến mức thèm thuồng như xưa. Không còn cảnh “tìm toát mồ hôi ở những hàng đĩa lẻ tẻ, xới tung chợ giời mới được dăm ba chiếc đĩa Tàu…” như cách đây mấy năm. HN giờ đây có một mạng lưới các hàng đĩa chuyên về rock luôn cập nhật, giá cả cạnh tranh. Tờ Rock Today (TLTK nội bộ HRC) số 1 (10/03) viết: “Bây giờ rockfan nghe rock như người ta đọc báo, xem thời sự hàng ngày. Những chuyện kiểu đĩa này năm bao nhiêu, ban nhạc kia mấy người… ít ai còn bàn tới. Người ta nói tới dòng nhạc này ra sao, có bao nhiêu band hay, đĩa nọ tư tưởng thế nào, được giải thưởng gì không, bán được mấy triệu bản…”. Đừng tưởng nghe rock bây giờ toàn trẻ con. Lúc nào chẳng có vài cặp vợ chồng trẻ dắt con nhỏ, thậm chí mang bầu vẫn đi nghe rock - trong những đêm ngoài trời…

“Những sáng tác thời kỳ đầu Mong đợi mặt trời, Nuối tiếc, Khát vọng… của ban không hẳn là thrash metal, mà nhẹ hơn. Điều này có liên quan đến việc nhìn nhận về rock lúc bấy giờ,” Ngọc Hà - cây lead của The Light đi thẳng vào vấn đề. “Ban nhạc chủ ý sáng tác dễ nghe cả về ca từ và nhạc để được chấp nhận ngay từ bước duyệt chương trình, hài lòng vừa các fan vừa các nhà quản lý''. Thậm chí The Light đã từng nghĩ đổi tên cho đỡ xui, vì cứ chương trình nào có họ hình như đều… không được duyệt, nếu không thì điện đóm cũng trục trặc(!) Những Bậc Thang tan tác, Đại Bàng Trắng từ heavy metal chuyển sang chơi rock n’ roll. The Light trả lại là ban rock nặng nhất Hà Nội.

Đầu 1998, VTV3 tổ chức Liên hoan Ban nhạc trẻ Hà Nội, mời 3 ban: The Light, Đại Bàng Trắng và The Wall. Đêm đầu ra mắt, The Light một lần nữa “làm nên chuyện” với phần trình bày ấn tượng bài rưỡi khi giữa chừng ca sĩ đổ gục. Cộng với những định kiến sẵn có, một số người vu cho rocker giả vờ ngất để… kích động?! Hậu quả sau một ngày làm ở công ty, buổi tối nhịn ăn… cộng vài hớp rượu. Chưa hết, sau một năm không biểu diễn gì, khán giả tại hội trường KTX Mễ Trì (ĐHTH), ngay khi ban nhạc xuất hiện, bỗng trở nên “kinh khủng”- băng rôn rừng rực. VTV mời cả ban nhạc trong Nam, quay tivi đến rocker cũng run!

Ở Hà Nội, tuyệt đại đa số các rocker đều có công việc sáng đi… tối về mới chơi rock. Ngọc Hà tốt nghiệp ĐH Thương mại, làm cho Việt Nam Economic News sắp được 10 năm. Tiến Đạt - ca sĩ của Gạt Tàn Đầy sau 7 năm 7 tháng pha rượu ở khách sạn Sofitel, nay dấn thân vào ngành quảng cáo, theo anh đang đầy hứa hẹn. Anh nói về công việc của mình say sưa chẳng kém về nhạc rock. Không hiểu rock có duyên nợ gì với thiết kế mỹ thuật công việc “tay phải” của khá nhiều rocker Hà Nội, kể cả Trần Lập (Bức Tường).

Cho đến cuối 2001, rock bao giờ cũng là phần bonus trong các chương trình pop. “Bây giờ xin là được! Các nhà quản lý đã có cái nhìn khác” như Hà phỏng đoán. Sự kiện rock thâu đêm trên quảng trường Ngân hàng vào thời khắc chuyển giao thiên niên kỷ làm các rocker HN như cởi tấm lòng: chỉ cần đăng ký tên ban nhạc, tên bài là lên hát… Trong khi cách đây dăm năm, để được duyệt, nhóm Buratinox phải dịch nội dung Heaven On Fire của Kiss ra tiếng Việt!

Tháng12/2003, tại buổi duyệt chương trình Đại hội Rock Việt, sau khi nghe mỗi band chỉ 1-2 bài, không có phàn nàn gì, ngoài chuyện tên ca khúc gì mà lại Ngổn ngang (của Small Fire)… Về đại thể, người duyệt đều động viên các band rock bám sát các vấn đề xã hội. Hà đồng tình: “Chỉ có nhạc rock mới nói lên được các vấn đề xã hội. Theo tôi, nội dung của mỗi ca khúc cần triển khai như một đề tài báo chí. Lời ca phải triết lý, phải khó hiểu một chút!”

Đam mê vô điều kiện?

Những sinh viên, công chức coi rock ngoài giờ một thú giải trí lành mạnh nhưng xa xỉ. “Hai, ba ngày thay một bộ dây, năm có bao nhiêu buổi biểu diễn?” Hà chỉ tay cây đàn kia 1.700 đô, dàn máy này 2.000 đô… Cát-sê cho nhạc rock được bao nhiêu? “Gạt The Light, Da Vàng, Bức Tường… những ban nhạc đã có album sang một bên, trung bình mỗi ban nhạc rock được trả 2-3 triệu/chương trình. Tôi đánh giá đây là sự coi thường công sức của ban nhạc, lợi dụng đam mê của người ta…”.

 

The Light.

Hà và Đạt, cũng như nhiều rocker HN khác, không hẹn mà đồng thanh: chơi rock chỉ để giải trí! Cái máu rock HN đã chảy từ thuở… Đạt còn bé. Giữa những năm 80, đĩa than còn hiếm vì “vác lên máy bay nặng”, cậu của Đạt - Hà Smoke, cùng Việt Cận và các bạn đã lập nhóm “máu như rock bây giờ”! Họ tập đàn thùng, rồi thuê hội trường của phường hay quận biểu diễn free cho bạn bè… và trẻ con vào xem. “Ông nghe Beat, mình cũng nghe Beat, cậu nhảy cháu cũng nhảy… Hứng lên thì chơi. Đến giờ mình vẫn ảnh hưởng kiểu chơi nhạc ấy. Xác định vẫn đi làm, không coi chơi nhạc để kiếm tiền”.
 
Và ôm giấc mơ có đủ sáng tác và tiền để ra album, Thủy Triều Đỏ, thành lập 1999, vừa ra mắt Nắng mới cuối tháng 12/2003. Buratinox, ra đời 1997, cũng “dọa” ra CD đầu tay. Tâm trạng của Gạt Tàn Đầy thành lập 1996, giải khuyến khích Đĩa nhạc xanh 1997: “Thèm (ra album) bỏ xừ! Nhưng tiền đâu?!”. Đành đưa lên mạng để làng nước biết mình chưa bỏ cuộc. Ai muốn nghe Người hóa cáo, ghi âm mới nhất của ban, mời vào www.badguydesign.com. Họ còn có bài Phàn nàn, lời lẽ như sau: "Mấy tháng lương dành dụm đàn sao đắt thế/ Có guitar chưa xong lại còn phedal lích kích/ Lắm khi tôi hay bị cằn nhằn nhạc kia bé xuống…/ Tuy mệt nhưng mà vui/ La la la…".

Chỉ cái đống lơ thơ góc phòng gồm đàn và phơ, Linh (Small Fire) thông báo: “Cũng phải đến 15-16 triệu.” Sinh viên năm 3, tiền đâu ra? “Tiền bố mẹ, được cái tâm lý hiểu đam mê của con!”. Bố dạy hóa ở ĐH KHTN, chơi guitar cổ điển, bắt Linh học piano từ bé. Anh họ chơi trong Buratinox, nên từ thuở lớp 7, cậu đã được tiếp cận The Light, The Wall ở Sân Ga. Small Fire thành hình từ lớp 9, cuối lớp 10, chung tiền tổ chức chương trình ở Nhà Văn hóa HSSV. Trước khi tạm nghỉ ôn thi ĐH, ra hẳn một CD lưu niệm. Năm trước, Tuấn thích nu-metal, muốn vào nhóm nhưng không biết chơi gì. Nghe anh em khen có tư chất, cậu đặt mua dàn máy 1.200 đô bên Mỹ về mày mò, trở thành DJ.

Rock trên đôi chân chính mình

Các rocker Việt Nam (trước đây) thường đi sâu vào rèn luyện kỹ thuật mà ít quan tâm tới sáng tạo”. Về mặt này, The Light thuộc loại bứt phá sớm. Họ pha bằng được chất Tây Nguyên vào Mong đợi mặt trời, và nhờ có thành viên tốt nghiệp ĐH Nhạc viện, đưa e giao hưởng vào Giấc mơ hoang tàn - ca khúc mới nhất, viết xong 1999. Chưa hé lộ gì nhiều về những sáng tạo kế tiếp, nhưng Hà đã khẳng định, chẳng hạn: “Chầu văn có thể cho ngay vào death metal!”.
 
Rock HN đang trên đà đa dạng hóa. Nam, sinh viên năm cuối Học viện Quan hệ quốc tế - ca sĩ của Meteoric, nhóm duy nhất theo đòi death-metal, cho biết, đang thai nghén loạt bài khai thác đề tài trẻ em bị AIDS. Ở quán Rock Bụi, có anh còn rủ Nam lập nhóm cơi brutal-metal. Cậu lắc đầu quầy quậy nặng quá! Đưa lời Việt nội dung phù hợp vào những thể loại này là cả một thách thức. Những sáng tác dạng alternative như Đám cưới chuột vẫn dễ “đi vào lòng người” hơn. Lèo tèo dăm bài nhưng khá chắc tay, lời lẽ gọn và vui, Gạt Tàn Đầy vẫn được dân tình kỳ vọng.

Nu-metal- thể loại “thỏa hiệp” với dance, hip-hop… còn làm nhiều rock fan HN dị ứng, đã có Small Fire từ 2 năm nay đi trước đón đầu, với những ca khúc bè bối tử tế. Linh nghĩ: “Vinh quang trước mình có The Wall, The Light liệu mình theo tiếp hay tìm cái mới. Còn trẻ, nên cập nhật xu hướng hiện đại”. Và lạc quan rằng khi nào dân HN đổ xô đi nghe nu-metal, thì Small Fire đã đấy rồi! Đa số thành viên học Xây dựng, năm thứ nhất trường không cho đi thi, năm thứ hai đứng thứ tư LH Ban nhạc SV toàn quốc 2001…

Thế hệ đàn anh “hơi bị rụt rè”, ít sáng tác. Nếu có lại là hòa tấu hoặc không phải rock điển hình là Minh Xù. Từ biệt Những Bậc Thang và rock, anh đi tu nghiệp guitar 2 năm (sau ĐH) ở Kazakhstan. Ba năm sau, ra đĩa blues-country Trở lại làng gốm (2001), đang tính ra cái thứ hai trong 2004… Thế hệ bây giờ không cần học nhiều như vậy. Đến với rock dễ dàng và mạnh dạn sáng tác, xem ra họ thích lên sân khấu thể hiện hơn là mất thời gian tập luyện trong phòng cách âm. Đã có những tín hiệu chuyên nghiệp hóa tiếp cận “công nghệ”. Tờ Rock Vision số 5, mục Tin đồn cho biết: ban rock “thế hệ mới” Fewel ngay từ khi thành lập đã có một ông bầu lo về marketing, phòng thu, bài tập… “Thậm chí còn phụ trách cả phần chửi bới trên mạng”!

Các nhà tổ chức rock cũng ngày càng tỏ ra “mạnh tay”. Để có một đêm như Đại hội rock Việt, BTC bỏ ra không dưới 350 triệu, non nửa trong đó để thuê âm thanh, ánh sáng… The Light “không phải lo một cái gì chỉ việc chơi nhạc”! 100% nhờ RVWG (Rock Vision Working Group) và các tình nguyện viên. “Hợp đồng chưa bàn tới, RVWG chưa phải manager,” Hà khẳng định. “Nhưng ban nhạc có việc gì, bọn họ giúp việc ấy”. Nghe nói cả việc lo mang Giấc mơ hoang tàn sang Mỹ mix lại. Trước mắt, fanclub The Light đang được xúc tiến; website cựu thành viên Tuấn Evil thiết kế cũng sắp xong…

 

The Wall

Nhưng sống được bằng rock chắc còn lâu. “Ai trả cho anh ấy 1.000 đô/tháng!” - Đạt hỏi giùm thành viên làm việc ở TP.HCM, thảng hoặc đáp máy bay ra rock một trận. “Cần thay đổi nhất là tư duy của người nghe, kể cả xác định người ta… nghèo. Nếu nói tiền bỏ ra mua album của anh, em dập được 10 cái đĩa cho bọn bạn em thì chịu rồi!”. Từ tháng 9 đến hết năm 2003, CD của The Light mới bán được hơn 1.000 bản. Bức Tường và hard rock (Theo một điều tra “nội bộ” trên mạng TTVN 12/3003, có tới 24% bạn trẻ ưa thích hard rock, trong khi chỉ 14% thích pop và 2,4% thích nhạc nhảy (techno)) cho thấy đã “có đất sống”, với tổng cộng 2 album khoảng 40.000 bản. Small Fire cho hay, sẽ lấy Bức Tường làm cái đích vươn tới. Không phải sự nổi tiếng hay phong cách, mà là “làm tốt 2 công việc cùng một lúc”!

Nhìn lại hơn 10 năm nhạc rock ở HN, mới thấy biến chuyển không phải là chậm. Nhạc rock còn có vẻ được chấp nhận nhanh hơn so với lo lắng của nhiều người trong cuộc. Đương nhiên, từng người, từng ban sẽ cảm thấy đơn độc trên con đường đã chọn. Hành trình sáng tạo có bao giờ đông vui! Phải biết từng bước mình đi mới được chặng đường dài... Rock ở VN đã đạt tới độ dung hòa đáng kể với môi trường xung quanh, giờ đây không ai khác ngoài rock quyết định sự phát triển và tầm vóc của chính mình.

 

  • Mạnh Hà

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Khi giấc mơ trở lại... (01/03/2004)
''Đường xa vạn dặm'', liveshow đầu tiên của Quốc Trung (26/02/2004)
Bích Hồng trở lại với “Những ca khúc muôn thuở” (25/02/2004)
Sự trở lại của Phương Thanh (20/02/2004)
Ca sĩ 'lội ngược dòng' - được và mất gì? (20/02/2004)
Lễ trao giải thưởng âm nhạc Anh - nhiều nghệ sĩ vắng mặt (18/02/2004)
Madonna chiến thắng nhờ "Justify My Love" (17/02/2004)
Ca sĩ Quang Vinh: "Phải vượt qua áp lực và chính mình" (16/02/2004)
Việt Nam - điểm hẹn của hòa bình (13/02/2004)
Evanescence, ẩn số không dễ giải mã (11/02/2004)
Nam ca sĩ rất cần... nam tính (10/02/2004)
Liệu “mun đen” có áp đảo “ngà trắng” trong đêm Grammy 2004? (08/02/2004)
Các nghệ sĩ Cuba sẽ không có mặt tại lễ trao giải Grammy (06/02/2004)
Ra mắt CLB Âm nhạc Thính phòng (04/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang