,
221
2121
Trong nước
trongnuoc
/khoahoc/trongnuoc/
718758
Bất cập trong quản lý khoa học!
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Bất cập trong quản lý khoa học!

Cập nhật lúc 20:17, Thứ Sáu, 14/10/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet)- Với đội ngũ khoảng 21.000 nhà khoa học nhưng mỗi năm VN chỉ có 300 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Bất cập trong quản lý khoa học...

Soạn: AM 585878 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Quang cảnh buổi Hội thảo.

Đó là nhận xét chung của giới khoa học tại Hội thảo Giáo dục-Đào tạo và Khoa học-Công nghệ trong giai đoạn Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá và hội nhập do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội tổ chức vào sáng 14/10.

Theo GS Đặng Mộng Lân, Viện Chiến lược và Chính sách khoa học-công nghệ (KH-CN), nếu nhìn vào các kết quả đã đạt được thì sự phát triển của khoa học ở nước ta thật bi đát và đáng lo ngại. Số bằng sáng chế của Việt Nam được cấp bởi những cơ quan có uy tín trên thế giới - chỉ số cơ bản đánh giá khả năng sáng tạo công nghệ của một quốc gia - hình như chỉ có một, tính từ xưa tới nay. Trong khi đó, con số của Thái Lan trong năm 1997 đã là 13, Trung Quốc là 3.100. Còn số bằng sáng chế của người Việt Nam được cấp ở Việt Nam từ năm 1995 tới 2001 chỉ vọn vẹn có 43 sáng chế.

Không những thế, số lượng bài báo khoa học do các nhà nghiên cứu Việt Nam công bố trên các tập san khoa học quốc tế cũng chung số phận. Các công trình của Việt Nam đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế trung bình là 300 bài/năm, so với 700.000 bài/năm của thế giới. Chính vì vậy mà trong nghiên cứu do hãng dự báo nổi tiếng RAND biên soạn cho Ngân hàng Thế giới năm 2001, năng lực KHCN của Việt Nam được xếp thứ 94 trên thế giới, sau Malaysia, Thái Lan, Philippins, Nepan , Burundi, Iraq và Syria. GS Lân nói: ''Nếu bình tâm xem xét lại bản thân thì kết quả trên chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Vấn đề là các cơ quan quản lý KH-CN nghĩ gì về tình hình này''.

Soạn: AM 585882 gửi đến 996 để nhận ảnh này

GS, TSKH Nguyễn Xuân Hãn: Cứ 10 tiến sĩ thì chỉ có 3 người làm chuyên môn. Còn 7 người kia làm... quản lý! 

Trong khi các kết quả khoa học còn Việt Nam còn thua xa các nước trong khu vực thì số tiến sĩ lại đứng đầu bảng. Nghịch lý này do GS Nguyễn Xuân Hãn, ĐH Quốc gia Hà Nội, nêu ra tại Hội thảo. Theo con số thống kê mới nhất, cả nước có 15.000 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, gần 1.100 giáo sư và gần 5.000 phó giáo sư. Thế nhưng trong gần 9.000 tiến sĩ được điều tra, gần 70% giữ chức vụ quản lý và chỉ 30% thực sự làm chuyên môn. GS Hãn bức xúc: ''Như vậy đào tạo và sử dụng ở Việt Nam chẳng giống ai''.

Theo GS Phạm Duy Hiển, nghịch lý do GS Hãn nêu ra phản ánh xu hướng chung của xã hội Việt Nam trong những năm gần đây: chạy theo số lượng. Xu hướng này diễn ra ở nhiều lĩnh vực chẳng hạn như giáo dục đào tạo (tăng số lượng sinh viên ĐH...), công nghiệp... và sẽ để lại nhiều hậu quả nguy hiểm. Nhiều người nói rằng số lượng nhiều sẽ biến thành chất lượng. Tuy nhiên, GS Hiển nói, cũng cần phải nhớ rằng số lượng tồi sẽ dẫn tới chất lượng tồi, cũng giống như đội ngũ làm R&D (nghiên cứu và phát triển-Research and Development-R&D) ở Việt Nam rất đông song lại thiếu những chuyên gia giỏi. Một ví dụ là Việt Nam thua xa Thái Lan về kết quả nghiên cứu (khoảng 30 năm) trong khi số người làm R&D của Việt Nam lại lớn gấp hơn 3 lần (21.000 so với 6.400)!

Một trong những giải pháp không thể tránh khỏi đối với vấn đề trên mà các chuyên gia tại hội thảo nhất trí là giảm số cán bộ được gọi là làm R&D hiện nay.

Thực chất giải pháp này không có gì là hy sinh ghê gớm về đội ngũ cán bộ KH&CN, chỉ là sự thay đổi về cách gọi. Không gọi ''cán bộ R&D'' đối với những người trong khu vực R&D nhưng 'không làm R&D''! Như thế sẽ giúp giảm bớt số lượng những ''tiến sĩ'' không có các kết quả nghiên cứu theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tiêu chuẩn đó, chẳng hạn như ở Philippins, là người làm luận án tiến sĩ (Ph.D) phải có ít nhất một công trình công bố trên các tạp chí quốc tế, theo danh mục của Viện thông tin khoa học - ISD - ở Mỹ). Ngoài ra, giải pháp sẽ tự động làm cho suất đầu tư cho mỗi cán bộ R&D tăng hẳn lên trong khi tổng đầu tư quốc gia cho R&D chưa thể tăng đáng kể và khoa học Việt Nam sẽ dần đi theo quỹ đạo của các tiêu chuẩn quốc tế.

Các giải pháp khác là mạnh dạn thay đổi nhận thức, chính sách và cơ chế quản lý KH-CN theo cơ chế thị trường. Cụ thể là ngân sách của Nhà nước chỉ nên tập trung cho phát triển tiềm lực khoa học, nghiên cứu cơ bản và các lĩnh vực phục vụ lợi ích chung toàn xã hội. Các lĩnh vực khác như khoa học ứng dụng, công nghệ được chuyển cho thị trường. Nhà nước định hướng, xây dựng cơ chế chính sách, hỗ trợ kinh phí một phần và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia. Quốc hội có cơ chế sử dụng tài năng, trả lương theo sản phẩm, tăng lương theo khối lượng, chất lượng công việc, không kể tuổi tác...

  • Minh Sơn

,
,