221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
508072
Thị trường khoa học-công nghệ: "Chợ" chưa ra chợ!
1
Article
null
Thị trường khoa học-công nghệ: 'Chợ' chưa ra chợ!
,

(VietNamNet) - Trong chiến lược phát triển từ đây đến năm 2010, một trong những hoạt động trọng tâm của Bộ Khoa học-Công nghệ (KH-CN) là xây dựng và phát triển thị trường KH-CN. Tuy vậy, hiện nay các phiên "chợ công nghệ" ở Việt Nam vẫn chưa hẳn là chợ, còn chính sách hỗ trợ vẫn bất cập...

Trong một cuộc tọa đàm về phát triển thị trường công nghệ do Bộ KH-CN tổ chức hồi gần đây, khi phóng viên VietNamNet xin phép dự,  một chuyên viên của Bộ cứ dặn đi dặn lại người viết là có thể dự nghe, nhưng không được... đưa tin (?!). 

Thành phần dự cuộc tọa đàm gồm nhiều doanh nghiệp và các nhà khoa học, các nhà quản lý khoa học. Những ý kiến tại cuộc tọa đàm xoay quanh vấn đề nhu cầu của doanh nghiệp về thiết bị - công nghệ và khả năng đáp ứng của các cơ quan nghiên cứu khoa học. Nghĩa là vấn đề không có gì mới và càng không có gì là... bí mật.

Tuy vậy, có dự nghe rồi mới thấy sự cẩn thận của chuyên viên nọ thuộc Bộ quả thật không thừa! Chẳng qua, những ý kiến tại cuộc tọa đàm chỉ cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước về KH-CN đã... chậm trễ một cách đáng xấu hổ trong việc thúc đẩy một thị trường KH-CN đầy tiềm năng...

Nhu cầu thiết bị - công nghệ: Tư nhân đi đầu...

Doanh nghiệp Việt Nam có chịu sử dụng thiết bị - công nghệ trong nước? 

Bà Lê Thị Giàu, tổng giám đốc Công ty Tấn Hưng, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản thực phẩm, cho biết công ty của bà sử dụng đến 98% thiết bị - công nghệ trong nước. Theo bà, nếu phải mua công nghệ sản xuất hạt tiêu của Mỹ, bà phải trả ít nhất là 30.000 USD, trong khi mua công nghệ sản xuất trong nước chỉ phải chi 290 triệu đồng - tức khoảng 18.4000 USD nhưng đến nay, hạt tiêu xuất khẩu vẫn đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

Tương tự, bà Giàu mua một máy xay xát  gạo của Anh, giá 60.000 USD. Mang về Việt Nam, bà đặt hàng sản phẩm này cho một đơn vị nghiên cứu làm theo công nghệ. Kết quả: Chiếc máy thứ hai do Việt Nam làm có chất lượng tương đương nhưng giá chỉ có 40.000 USD. Doanh nghiệp tư nhân làm ăn là vậy, còn doanh nghiệp nhà nước thì sao?

Ông Nguyễn Xuân Mãn, Viện Cơ học Ứng dụng, kể lại một kinh nghiệm đầy cay đắng khi làm ăn với doanh nghiệp nhà nước: Có  lần nhóm nghiên cứu của ông viết một phần mềm tính toán dòng ô-tô qua lại dùng để tính toán lưu lượng xe. Phần mềm có chất lượng và nhóm nghiên cứu sẵn sàng bảo hành vô thời hạn. Thế nhưng một công ty nhà nước sau khi cân nhắc đã đi mua phần mềm của Pháp với giá cao hơn rất nhiều. Tìm hiểu nguyên do, mới biết là nếu mua công nghệ trong nước họ sẽ không nhận được phần trăm chênh lệch. Chuyện không mới, nhưng vẫn tồn tại dai dẳng lâu nay nơi các doanh nghiệp nhà nước! Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân do phải tự bỏ tiền túi nên thấy hay và tốt là quyết định mua rất nhanh.

Chợ công nghệ: Hiệu quả đến cỡ nào?

Bà Trần Thị Thu Thủy, giám đốc Trung tâm Thông tin KH-CN (thuộc Sở KH-CN TPHCM) - đơn vị thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM thực hiện mô hình chợ công nghệ đầu tiên trong cả nước từ năm 1999, cho biết: Nhu cầu mua công nghệ của doanh nghiệp thật sự nóng bỏng. Điều này thể hiện rất rõ qua các kỳ "chợ phiên" từ năm 1999 đến nay. Đã có hàng trăm tỷ đồng thu được từ việc chuyển giao các kết quả công nghệ.

Thế nhưng cho đến nay, vẫn có nhiều doanh nghiệp tư nhân dù có nhu cầu nhưng lại hoàn toàn thiếu thông tin về những nơi cung cấp thiết bị - công nghệ trong nước. Không phải thông tin nào cũng đến được tay doanh nghiệp. Ông Lê Văn Nam, chủ Cơ sở nước mắm Hạnh Phúc kể rằng khi ông cùng các cộng sự tìm ra quy trình cô đặc nước mắm bằng phương pháp chân không cho độ đạm cao thì suýt chút nữa ông tiêu luôn sản nghiệp. Nguyên do: Ông tìm ra cách làm được loại nước mắm 60 độ đạm chỉ là bằng thủ công. Do là dân tay ngang về kỹ thuật nên khi đưa nước mắm vào cỗ máy do ông tự thiết kế thì toàn bộ mẻ nước mắm bị hỏng. Chẳng biết kêu ai, suốt hơn sáu năm trời, ông cặm cụi làm đi làm lại cỗ máy này, khiến cho... hàng chục nghìn lít nước mắm hỏng bị đổ bỏ. May mắn thay, phút cuối cùng, nhờ sự giúp sức của một  kỹ sư hóa thực phẩm, ông Nam đã "chế" được cái máy như ý. Ông kết luận: "Hồi đó, phải chi có ai cho tui biết chỗ các nhà khoa học chế máy là ở đâu thì tui đã đến đặt họ làm, đâu phải ròng rã cả sáu-bảy năm trời, suýt tiêu tan gia sản"!

Không chỉ có ông Lê Văn Nam là "lạc hậu" về thông tin, tại cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Văn Sung, giám đốc Công ty Ngô Han đã nêu thắc mắc: Khi có nhu cầu về công nghệ thì liên hệ ở đâu và gặp ai?

Nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm cho rằng chợ công nghệ tổ chức theo cách hiện nay vẫn chưa thể gọi là chợ! Ông Sung cho rằng gọi là chợ thì phải có mặt bằng và hàng hóa. Người mua có thể đi chợ mỗi khi có nhu cầu chứ không chờ tổ chức chợ theo định kỳ như hiện nay.

Bà Lê Thị Giàu, Công ty Tấn Hưng, kể: Có lần, bà đăng ký mua một máy đóng gói qua chợ ảo trên mạng nhưng mãi đến hai tháng sau vẫn chưa có hàng nên đành mua thiết bị ngoại nhập với giá đắt hơn. Bà cho biết: Tâm lý của người mua là khi mua phải có thiết bị liền. Chợ phải có thật chứ không thể  "ảo" như hiện nay!

Các yếu tố về chất lượng thiết bị, giá cả về công nghệ cũng được đặt ra. Các đại biểu cho rằng khi tổ chức chợ công nghệ thiết bị, cần có các kỹ sư, chuyên gia để hướng dẫn về công nghệ. Việc mua bán, chuyển giao công nghệ phải có hóa đơn theo cơ chế thị trường, Luật Thương mại

Nhu cầu là có thật, nhưng cứ mãi ngồi... bàn!

TS Trần Doãn Sơn, trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, đặt vấn đề: Công nghệ có những giá trị vô hình, song ai là người có thể đánh giá những giá trị đó? Ông cho rằng trong việc phát triển thị trường KH-CN, cần phải tính đến những yếu tố đảm bảo sở hữu trí tuệ.

TS Doãn Sơn kể: Phải mất ròng rã hàng tháng trời vất vả khó nhọc, ông mới làm ra được dây chuyền sản xuất bánh tráng. Trước đó, việc sản xuất hoàn toàn làm thủ công. Sau khi làm ra dây chuyền sản xuất, ông đã được cấp bằng sáng chế. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đó, trên thị trường có khoảng 60 dây chuyền sản xuất bánh tráng làm theo mẫu của ông (!). Vì vậy, rút kinh nghiệm, đến lúc nghiên cứu làm chiếc máy rang cà phê, ông đã sử dụng các biện pháp kỹ thuật để " bảo toàn sáng chế" bằng cách để các chi tiết máy dính liền nhau, không tháo ra được. TS Doãn Sơn cho rằng: Tuy làm vậy không hay ho lắm, bất đắc dĩ mới làm (lỡ hư hao gì mà không tháo được thì phải đổi sang máy khác), song cách này tỏ ra "có hiệu quả". Nhờ vậy, đến nay ông đã chuyển giao được 40 máy, không " lỗ nặng" như hồi nghiên cứu, sản xuất dây chuyền bánh tráng.

Theo nhiều ý kiến tham gia tọa đàm, thông tin sản phẩm công nghệ nói chung đến với xã hội vẫn còn rất hạn chế. Thậm chí có nơi  nghiên cứu có kết quả tốt thì lại dấu kín công nghệ vì sợ mất. Bà Thu Thủy cho rằng các đơn vị nghiên cứu nhà nước ít ra còn có trung tâm thông tin khoa học, chứ với những đơn vị nghiên cứu khác thì rất khó tìm thông tin về sản phẩm nghiên cứu.

Dây chuyền sản xuất nước mắm độ đạm cao do ông Lê Văn Nam nghiên cứu và làm ra trong suốt hơn sáu năm (Ảnh: Thu Thảo)

Mới đây, trong một hội nghị toàn ngành triển khai chiến lược KH-CN đến năm 2010, bộ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Văn Phong cũng thừa nhận thị trường KH-CN của Việt Nam hiện nay vẫn còn chậm phát triển. Việc lưu thông kết quả nghiên cứu, mua và bán công nghệ vẫn còn rất hạn chế. Các cơ quan nghiên cứu lại vẫn còn ở tình trạng sản phẩm nhiều nhưng lối ra hẹp, nghiên cứu xong đành để đó. Ông Tạ Bá Hưng, giám đốc Trung tâm Thông tin KH-CN quốc gia còn cho rằng, ngoài việc thiếu thông tin giữa cung và cầu, bên mua và bán vẫn còn lúng túng trong việc định giá công nghệ được chuyển giao.

Địa chỉ ứng dụng nào, khi nghiên cứu?

TS Nguyễn Chánh Khê, trưởng Phòng nghiên cứu Khu Công nghệ cao TP.HCM, cho rằng ĐH Bách khoa TP.HCM có rất nhiều nghiên cứu đạt thành tựu nhưng không có ai mua vì nghiên cứu chưa gắn bó với thị trường. Nói cách khá, mối quan hệ giữa cung và cầu còn thiếu.

Một trong những nguyên nhân khiến nghiên cứu khoa học xa rời thực tế là những người tham gia Hội đồng tuyển chọn, xét duyệt đề tài hầu như xa rời thực tế. Mặc dù họ có kiến thức rất sâu, có học hàm học vị song chỉ là trên lý thuyết, còn thực tế thì hầu như rất... xa.

TS Trần Doãn Sơn kể tiếp câu chuyện sau để minh họa: Ngành chế biến hạt điều những năm gần đây đã tăng tốc rất nhanh. Kim ngạch xuất khẩu từ 120 triệu USD đã tăng lên 400 triệu USD/năm. Đạt được điều này là nhờ ứng dụng giống điều mới cho năng suất cao. Tuy nhiên, công nghệ chế biến hạt điều vẫn còn ở mức thủ công, người lao động trong ngành này rất đông, lên đến 300.000 người. Nếu vẫn làm bằng cách thủ công, trong năm năm tới, các nhà máy chế biến có nguy cơ đóng cửa do không tìm đủ nguồn lao động. Các nhà máy chế biến và Hiệp hội Hạt điều đã làm đơn đề xuất nghiên cứu công nghệ chế biến điều. Thế nhưng trớ trêu thay, khi đưa ra Hội đồng đánh giá nhiệm vụ, không một vị nào trong Hội đồng biết về... điều. Vì vậy, đơn  yêu cầu nghiên cứu công nghệ chế biến điều đã bị gác lại!

TS Trần Doãn Sơn cũng đưa ra nhận xét: Các trường ĐH hiện nay nghiên cứu khoa học rất nhiều, song nhiều đề tài sau khi nghiệm thu xong lại cất vào ngăn kéo, vài ba năm sau lại mang ra... đăng ký lại (!). Thông tin nghiên cứu không có tính thực tế thì không thể đưa vào ứng dụng được.

Các vấn đề bất cập trong nghiên cứu khoa học cũng được nhiều đại biểu nhắc đến. Kỹ sư Nguyễn Công Hoan, Viện Công nghệ Sau Thu hoạch, nói: Một trong những yêu cầu của đề tài nghiên cứu là khi nghiên cứu xong, phải có địa chỉ ứng dụng. Việc này các chủ nhiệm đề tài hoàn toàn có thể lo được nhưng nghiên cứu xong không đưa được vào thực tế thì không có cơ chế kiểm soát hay chế tài. Các dự trù trong kinh phí đề tài khi được duyệt không phải lúc nào cũng làm được. Thế nhưng khi quyết toán đề tài thì nhất nhiết phải quyết toán những cái đã dự trù ban đầu. Nhà khoa học vì thế phải lúng túng và mệt mỏi chạy cho đúng... quyết toán!

Từ năm 2000, chợ công nghệ-thiết bị đã được tổ chức thường xuyên tại Trung tâm Thông tin KH-CN TP.HCM (79 Trường Định, Q.1) và các chợ phiên tổ chức chuyên đề từng thời điểm khác nhau. Tính đến nay, TP.HCM đã tổ chức 15 phiên chợ, trong đó có tám phiên chợ ở TP.HCM, một phiên ở Đồng Nai, một phiên ở Cần Thơ, một phiên ở Đà Nẵng, một phiên ở Đắc Lắc và một phiên ở Hà Nội.

Trong số 830 sản phẩm KH-CN và dịch vụ được giới thiệu tại chợ công nghệ thường xuyên (79 Trương Định), có tới 465 sản phẩm là thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, kết quả đề tài được coi là nghiên cứu điển hình chỉ có 52, sản phẩm dưới dạng dịch vụ là 109.

(Nguồn: Công nghệ và phát triển thị trường công nghệ Việt Nam. NXB Khoa học Kỹ thuật 2003)

Cầu nối đã có, nhưng còn... "lắt lẻo"

GS TS Phạm Văn Biên, Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam cho rằng: Thị trường KH-CN cần có điểm bán cụ thể, định giá được những giá trị vô hình của công nghệ. Phát triển nhu cầu công nghệ cần được đưa lên hàng đầu, đưa KH-CN trở thành một phần của việc phát triển kinh tế.

Theo TS Doãn Sơn, việc thành lập Hội đồng tuyển chọn và xét duyệt đề tài cần phải có những người am hiểu vấn đề và gắn với nhu cầu doanh nghiệp.

TS Nguyễn Chánh Khê nói: Cần phải có chiến lược phát triển KH-CN có tầm vóc thế giới và bảo vệ các thành quả về công nghệ. Vì vậy, Bộ KH-CN nên có một Ban Nghiên cứu Công nghệ Chiến lược của Thế giới. Khi có rồi thì công bố cho các viện nghiên cứu, trường ĐH biết để đóng góp cho chiến lược. Vì nếu không có công nghệ nguồn, chúng ta sẽ không đi đâu xa được mà sẽ vướng phải vòng lẩn quẩn - nghiên cứu trở đi trở lại một vấn đề.

TS Khê cũng cho biết: Do công nghệ ở ta phát triển chậm nên có thể đi vòng trên con đường sáng chế bằng cách dựa trên nguyên lý của các loại máy móc nước ngoài và sáng tạo thêm cho phù hợp với ta. Ở Khu Công nghệ Cao TP.HCM, nhóm nghiên cứu do ông phụ trách đã ứng dụng thành công cách này bằng việc dùng xơ dừa, than bùn để làm mực in nano.

TSKH Hồ Sĩ Thoảng, phó chủ tịch Hội đồng Chính sách KH-CN quốc gia, đề nghị phải đổi mới cơ chế quản lý khoa học, đặc biệt là thay đổi cách tiếp cận đề tài nghiên cứu. Việc đề xuất các đề tài KH-CN nên xuất phát từ các doanh nghiệp, không hoàn toàn dựa vào các cơ quan nghiên cứu như hiện nay.

TSKH Hồ Sĩ Thoảng đề xuất: Nhà nước nên khuyến khích và tạo điều kiện thành lập các tổ chức KH-CN hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Ngoài ra, cần phải có môi trường thể chế vì doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam rất ngại đưa thiết bị vào do chưa có thể chế quy định. Cần mạnh dạn đưa việc mua công nghệ nước ngoài vào luật.

Cần có chính sách dành cho các doanh nghiệp không muốn mua mà chỉ muốn thuê công nghệ (ví dụ như thuê tài chính) là ý kiến của bà Thu Thủy. Theo bà, có thể cho doanh nghiệp dùng thử công nghệđược doanh nghiệp giám sát rồi mới ký hợp đồng. Phải có mặt bằng để tổ chức chợ, việc chuyển giao công nghệ phải có chính sách về thuế, vay vốn và đầu tư. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, liệu sẽ có chính sách cho vay vốn để mua công nghệ?

Thế nhưng ở góc độ Trung tâm Thông tin KH-CN TP.HCM, nơi lẽ ra cần tăng cường thông tin trong lĩnh vực thiết bị - công nghệ đến các doanh nghiệp theo chức năng được giao thì bà Thu Thủy lại cho rằng Nhà nước cần đóng thêm vai trò là nhà xúc tiến, làm thế nào để chuyển các thông tin nghiên cứu đến nơi cần (?!).

Rõ ràng điều mà các doanh nghiệp mong đợi không chỉ dừng lại ở... lời nói của các quan chức. Họ cần Nhà nước đưa ra những bước đi mạnh mẽ hơn trong chính sách, để làm đòn bẫy gắn kết được nhu cầu của doanh nghiệp với các đơn vị nghiên cứu khoa học!

Phan Thu Thảo 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,