,
221
2121
Trong nước
trongnuoc
/khoahoc/trongnuoc/
710750
Nông nghiệp đã có khóan 10, còn khoa học-công nghệ thì sao?
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Nông nghiệp đã có khóan 10, còn khoa học-công nghệ thì sao?

Cập nhật lúc 08:53, Chủ Nhật, 25/09/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet)- Nông nghiệp đã có khóan 10, riêng họat động khoa học-công nghệ còn dẫm chân tại chổ... Phát biểu thẳng thắn của giới khoa học với Thủ Tướng vào ngày 24/9.

 
Soạn: AM 560381 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thủ tướng Phan Văn Khải (giữa) và Chủ tịch đoàn

Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong đã thừa nhận mặc dù KHCN đóng góp nhiều cho sự phát triển của đất nước trong những năm qua song vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần giải quyết. Số lượng cán bộ nghiên cứu KHCN của Việt Nam còn chưa tương xứng với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt thiếu nghiêm trọng cán bộ khoa học đầu đàn, cán bộ có tầm cỡ quốc tế, tổng công trình sư.

Kết quả là Việt Nam chưa có nhiều công trình khoa học đạt trình độ quốc tế, có chất lượng cao. Ngoài ra, tuổi bình quân của cán bộ đầu ngành còn cao, thiếu hụt cán bộ trẻ kế cận. Nguyên nhân là chưa tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, chưa có cơ chế trọng dụng người tài... Trách nhiệm của sự chậm chễ này một phần thuộc về Bộ KH&CN...

  • Các nhà khoa học cần nhìn lại mình!
Soạn: AM 560395 gửi đến 996 để nhận ảnh này

TS Trần Xuân Hoài: Trong công cuộc đổi mới, nông nghiệp đã có khoán 10, còn các nhà làm nghiên cứu KHCN, chúng ta đã làm gì hay là đứng ngoài cuộc?

Còn theo GS, TSKH Trần Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học, tình hình KHCN của VN hiện nay hao hao giống nông nghiệp trước khoán 10, so với khu vực thì đang nằm ở nhóm cuối.
 
Trình độ chuyên môn và tinh thần của cộng đồng làm KHCN chưa vượt qua được trình độ ngưỡng để có thể thực sự làm động lực sản xuất. Ông cho rằng nguyên nhân trước hết thuộc về các cán bộ KH. Ngoài ra, một phần là do chính sách quản lý KHCN của chúng ta còn nhiều bất cập. Nhưng vì đâu tinh thần và chuyên môn chưa vượt được ngưỡng?
  • Thu nhập không đảm bảo, khó có động lực làm việc

Câu trả lời của GS Hoàng Tuỵ là tiền lương hiện chỉ đảm bảo 1/3-1/4 chi phí sinh hoạt của nhà khoa học, phần còn lại họ hoặc các viện, trường ĐH phải tự xoay sở. Chính vì thế mà nảy sinh nhiều tiêu cực. Chẳng hạn, khác với các nước phát triển nơi kinh phí được cấp cho một đề tài nghiên cứu khoa học chỉ được sử dụng để trang trải cho những chi phí về phương tiện, ở nước ta cho phép dùng 40-50%, thậm chí 70-80%, kinh phí cấp cho đề tài để bổ sung cho thu nhập. Điều này có nghĩa là càng xin đề tài có kinh phí càng lớn thì thu nhập càng tăng. Rồi thì nghiên cứu gì cũng được coi đề tài nhà nước khoa học, thí dụ như đánh số nhà. Nguyên nhân là do chế độ lương, phụ cấp, thù lao vô cùng phức tạp, không thể vận dụng được.

 
Soạn: AM 560401 gửi đến 996 để nhận ảnh này

GS Hòang Tuỵ: Tôi rất lấy làm lạ... Nhiều đề tài nghiên cứu hiện nay  không thể gọi là nghiên cứu khoa học được!

TS Nguyễn Thị Xuân Thu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và nuôi trồng thuỷ sản 3 cũng rất bức xúc về vấn đề này. TS Thu cho rằng động lực cơ bản để nhà khoa học cống hiến nhiều hơn, say mê và không bỏ nghiên cứu liên quan nhiều tới thu nhập. Nếu không có cải tiến về thu nhập, thực sự các nhà nghiên cứu khoa học rất khó khăn trong công việc, không có động lực làm việc. Chẳng hạn thu nhập của một nghiên cứu viên chính như bản thân tiến sĩ chỉ trên dưới 1 triệu đồng, gồm cả lương cơ bản, thù lao nghiên cứu, không bằng một công nhân xây dựng bậc 3 là 40.000 đồng/ngày.

Từ những bất cập trên, GS Tuỵ kiến nghị từ nay về sau cần cấp lương đủ sống cho các nhà khoa học bằng cách cải cách toàn bộ hệ thống, cơ chế lương và phân phối thu nhập, cải cách sử dụng tiền ngân sách. Còn kinh phí đề tài nghiên cứu khoa học chỉ dùng để cho trang thiết bị, chi phí hội nghị quốc tế. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo điều kiện, phương tiện làm việc tốt và môi trường khoa học phải thuận lợi, ở mức tối đa của khả năng đất nước. Có như thế nhà khoa học mới yên tâm làm việc, cống hiến. TS Nguyễn Thị Xuân Thu thì mong muốn có thị trường KHCN thực sự, có chính sách cơ chế hợp lý để người làm khoa học có thể sống được bằng chất xám của mình và được hưởng xứng đáng thành quả của mình mà không phải chờ vào Nhà nước.

  • Đầu tư và sử dụng còn lãng phí
Soạn: AM 560439 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu: Chúng ta tuy ít nhân tài nhưng cũng không phải là quá ít nhưng lại chưa dùng hết!

Thu nhập cán bộ khoa học thấp là thế. Đáng tiếc là trong khi kinh phí cho hoạt động KHCN ở Việt Nam hiện vào khoảng 200 triệu USD, còn chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế, thì việc phân bổ, sử dụng kinh phí lại chưa hiệu quả và lãng phí.

Cùng chung quan điểm trên, GS.Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cho rằng nếu biết tiết kiệm số vốn này thì tiềm lực KHCN sẽ tăng lên. Có một thực trạng vô lý, lãng phí hiện nay là hai khoa thuộc một trường ĐH cùng đầu tư hàng triệu đôla mua hai thiết bị giống nhau mà không biết điều phối sử dụng chung. Lẽ ra số tiền mua chiếc máy thứ hai nên dùng để mua những thiết bị khác. Chưa hết, nhiều đơn vị mua thiết bị lớn, trang bị phòng thí nghiệm hiện đại song lại không có đề tài nghiên cứu.

Không chỉ lãng phí trong việc mua sắm thiết bị, việc phân bổ kinh phí cho các đề tài khoa học cũng không hiệu quả. Theo GS Nguyễn Lân Dũng, nhiều đề đề tài không xuất phát từ thực tiễn, có những đề tài không thể làm được, còn nếu làm được thì chẳng có lợi ích gì. GS Phạm Văn Biên, Viện KHKT công nghiệp miền Nam, phàn nàn xưa nay chúng ta đầu tư, phân bổ kinh phí nhiều khi không có tiêu chí, hứng lên thì có thể cho vài tỷ mà có cái chỉ 5-7 triệu.

Vì vậy, các nhà khoa học đề xuất cần có biện pháp dân chủ để lựa chọn đúng vấn đề và đúng đối tượng được giao trách nhiệm. Nhà nước nên giao nhiệm vụ cụ thể từng vấn đề và tạo đủ điều kiện để hoàn thành trong một thời gian nhất định, không làm theo cách giao đề tài hiện nay. Việc tổ chức và xác định các nhiệm vụ khoa học công nghệ cần bám sát vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Do sự lãng phí và không hiệu quả nói trên nên kinh phí dành cho những nghiên cứu khoa học thực sự không còn nhiều. Ấy vậy mà nhiều kết quả nghiên cứu lại được sử dụng không hiệu quả. Ở các nước phát triển, các nhà khoa học được các công ty trả lương từ sản phẩm do chính công nghệ của họ tạo ra và nhà nước bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ này.

Còn ở VN, các nhà khoa học được cấp kinh phí nghiên cứu và sản phẩm khoa học là của Nhà nước.  Theo TS Thu, bất cập là Nhà nước sử dụng các sản phẩm khoa học không hiệu quả bằng cách cho không các doanh nghiệp. Đây là một sự lãng phí bởi lẽ ra doanh nghiệp phải đầu tư cho công nghệ, chi phí sản xuất nhưng do công nghệ được cho không nên họ không có trách nhiệm đầu tư lại cho nghiên cứu, không sẵn sàng bỏ tiền mua công nghệ. Biện pháp này đã làm cho nhà khoa học và doanh nghiệp chưa gắn kết với nhau.

 
 
Soạn: AM 560445 gửi đến 996 để nhận ảnh này

TS Nguyễn Thị Xuân Thu: Nhà nước cần tạo điều kiện hơn nữa cho cán bộ nghiên cứu trẻ thực hiện những ý tưởng sáng tạo...

Đáng buồn hơn là nhiều kết quả nghiên cứu không được quan tâm, làm xong rồi đút vào ngăn kéo. GS Tuỵ bức xúc: ''Nhiều nghiên cứu của chúng tôi làm ở đất nước này không ai quan tâm. Nhưng khi chúng tôi thông báo ra bên ngoài thì lại được người ta mời đi chỗ này, chỗ kia, thậm chí có nhiều hãng chẳng hạn như Toshiba cũng tha thiết mời. Chuyện này tiêu biểu cho cách làm việc quan liêu và chúng ta cần thay đổi cách tư duy làm khoa học''.

Ngoài chuyện kinh phí, năng lực hiện nay của đội ngũ KHCN VN chưa được khai thác tối đa. GS Phạm Văn Biên, Viện KHKT công nghiệp miền Nam, cho rằng việc khai thác năng lực hiện nay của các nhà khoa học Việt Nam chỉ đạt 20-25%. Nếu có chính sách, biện pháp đúng thì với đội ngũ khoa học hiện nay chúng ta có thể nâng hiệu quả đó lên gấp nhiều lần. Lương của các nhà khoa học cần khá hơn nhưng điều kiện và môi trường làm việc là quan trọng nhất, thứ mà VN chưa có.

  • Cần đánh giá, quan tâm đúng, đãi ngộ công bằng
Soạn: AM 560447 gửi đến 996 để nhận ảnh này

GS Đào Văn  Lượng: TP HCM có đội ngũ KHCN khá mạnh, nhưng cơ cấu không đồng bộ, lại yếu và thiếu...

Nghị quyết Trung ương 2 và Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã xác định giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.
 
Tuy nhiên, GS Biên  cho rằng sự quan tâm của Nhà nước về KHCN là chưa đủ, cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho KHCN. Nếu đã coi KHCN là đòn bẩy để đưa đất nước tiến lên thì cần có lãnh đạo cấp cao của Nhà nước chỉ đạo. Chẳng hạn như Hàn Quốc trong những năm đầu thành lập Viện khoa học quốc gia, chính Tổng thống thường xuyên theo dõi, chỉ đạo công việc thì Hàn Quốc mới có một cơ ngơi khoa học bề thế như ngày nay. GS Đào Văn Lượng, Sở KH-CN TP. HCM cũng tha thiết đề nghị một đồng chí trong Bộ Chính trị nắm chương trình đào tạo, một đồng chí nắm chương trình KHCN.

Ngoài việc quan tâm đầy đủ của Nhà nước, các nhà khoa học cũng mong muốn việc nghiệm thu, đánh giá đề tài cần khách quan, chính xác hơn, lượng hoá được kết quả, từ đó có cơ sở khen thưởng hợp lý cho các nhà khoa học. Tình trạng hiện nay là đề tài khoa học nào cũng được đánh giá là tốt, xuất sắc cả, cho nên không có động lực thúc đẩy các nhà khoa học.

 

 

 
Soạn: AM 560449 gửi đến 996 để nhận ảnh này
KS Nguyễn Hữu Quang: Nhà khoa học không cần đãi ngộ nhiều, chỉ cần có sự công bằng.

Công bằng cũng là một trong những động lực thúc đẩy các nhà khoa học. KS Nguyễn Hữu Quang, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, cho rằng một nhạc sĩ được ăn lương Nhà nước và sáng tác âm nhạc thì có quyền nhận tiền bản quyền đối với bài hát họ sáng tác. Còn nhà khoa học nhận tiền nghiên cứu và đơn đặt hàng của Nhà nước, thậm chí còn bỏ thêm tiền để đề tài thành công, đem lại sản phẩm cho xã hội nhưng không được nhận một chút gì gọi là quyền sáng tác cả.

Theo TS Quang, sự không công bằng nằm ở đó. Ông mong muốn phải cải tổ thì VN mới có được nền KHCN mà từ đó những Bill Gates sẽ mọc lên...Vậy cải tổ như thế nào?

  • Tập trung về tài lực, phi tập trung về quyền lực hành chính

Hiện nay hệ thống tổ chức khoa học-công nghệ của VN vẫn là hệ thống hành chính bao cấp của 30-40 năm về trước. Mới đây, Nghị định 115/2005/NĐ-CP đã được ban hành để chuyển đổi các tổ chức cũ (KHCN thuần tuý hành chính bao cấp) sang một lĩnh vực khác (tự trang trải, thực chất về lâu dài sẽ là hoạt động kinh tế-công nghệ) có ích hơn. Theo TS Hoài, mỗi nước có một mô hình khác nhau song nguyên tắc chung là tập trung về tài lực, phi tập trung về quyền lực hành chính. Ngân sách đầu tư cho KHCN nên phân làm hai loại, một là định hướng phát triển và đầu tư cưỡng bức, hai là điều tiết của thị trường.

Soạn: AM 560427 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đông đảo các nhà khoa học tham dự buổi gặp gỡ và làm việc của Thủ tướng
TS Hoài cho rằng Nhà nước cần và chỉ nên chăm lo chủ yếu cho loại phát triển cưỡng bức, đặt ra các yêu cầu ứng dụng KHCN rất cụ thể, ví dụ trong ba năm làm ra chip điện tử, 7 năm giải quyết xong giống chuyển gien đặc biệt, 10 năm làm ra tên lửa, vệ tinh... Những việc cụ thể này phải là chìa khoá và đầu tàu để thay đổi tình trạng công nghệ đất nước. Cần tập trung vào đó những tài năng xuất sắc nhất với sự đầu tư lớn, chẳng hạn 60-70% kinh phí nghiên cứu KHCN để đủ điều kiện thực hiện.
 
Những vấn đề ứng dụng khác, cần để thị trường điều tiết và Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí. Không nên chỉ nêu những hướng khoa học trọng điểm chung chung như kiểu phát triển Công nghệ Vật liệu mới, Công nghệ sinh học. GS Hoàng Tuỵ cũng cho rằng xây dựng khoa học không thể dàn hàng ngang về chiến lược và phải đặc biệt chú trọng xây dựng các trung tâm xuất sắc.

Gần đây, Chính phủ đã phê duyệt đề án ''Đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ'', trong đó vận dụng một hình thức triển khai thành quả khoa học đã rất thành công trên thế giới. Đó là hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ cao với nhiều hình thức sở hữu. TS Hoài kiến nghị Nhà nước nên cho thí điểm ngay ý tưởng về Doanh nghiệp khoa học và công nghệ cao để rút kinh nghiệm nhân rộng, dần dần trở thành quy định cụ thể. Kinh nghiệm thế giới cho thấy đây là vườn ươm tốt nhất cho xã hội. Chỉ cần 2-3% số doanh nghiệp này trưởng thành được là xã hội đã thu được lợi lớn rồi. Tuyệt đại các tập đoàn kinh tế-khoa học-công nghệ lớn trên thế giới đều khởi nghiệp từ những hạt giống như thế này với vài trăm đôla cộng với chất xám của nhà khoa học sáng lập.

Soạn: AM 560431 gửi đến 996 để nhận ảnh này

GS Nguyễn Lân Dũng: Đề nghị Nhà nước cho vay 100% kinh phí nghiên cứu, nếu không thành công thì nhà khoa học phải bồi hoàn.

Về vấn đề đổi mới cơ chế quản lý, TS Nguyễn Thị Xuân Thu đề xuất nên có cơ chế quản lý mới đối với khoán kinh phí cho các nhà nghiên cứu khoa học, tổ chức khoa học. Cơ chế này phải phù hợp với công tác nghiên cứu, đơn giản hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn so với cơ chế quản lý hành chính trước đây. Nên khoán toàn bộ phần kinh phí cho các nhà khoa học và họ tự chịu trách nhiệm với kết quả nghiên cứu. Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động đó và đánh giá trên cơ sở hoạt động đó hiệu quả như thế nào, ứng dụng ra sao, chứ không phải kiểm soát từng mục, từng khoản kinh phí như hiện nay, làm cho các nhà khoa học tốn nhiều thời gian trong thanh quyết toán.

 

Kết thúc buổi gặp mặt và làm việc, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến, đề xuất của các nhà khoa học. Thủ tướng nhấn mạnh đó là những nguyện vọng chính đáng và Chính phủ sẽ suy nghĩ kỹ và nghiêm túc tiếp thu để vận dụng vào trong thực tiễn. Chính phủ đang nghiên cứu và từng bước đáp ứng nguyện vọng đó để khuyến khích được người tài theo đóng góp của mỗi cán bộ khoa học và công nghệ. Bộ KH&CN cần xây dựng và thực hiện một chính sách mới để cán bộ khoa học công nghệ có thể tạo ra nhiều tri thức đạt trình độ thế giới và sản xuất ra nhiều công nghệ, sản phẩm thật tốt, thật rẻ với cách đi nhanh.

"Tôi đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ duy trì các cuộc gặp gỡ theo hình thức này một năm một lần để Chính phủ trực tiếp nghe ý kiến của cộng đồng cán bộ khoa học công nghệ.

Tôi đồng ý đề nghị của Bộ Khoa học Công nghệ về tổ chức ngày khoa học và công nghệ hàng năm để tạo diễn đàn công khai, rộng rãi cho các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Đảng và Nhà nước".

(Phát biểu của Thủ tướng Phan Văn Khải với giới khoa học-công nghệ vào ngày 24/9)

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ KH&CN và các bộ cần tập trung nghiên cứu, để đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp, chăm lo phát triển công nghệ và đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Doanh nghiệp phải tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ, hình thành các tổ chức nghiên cứu trong doanh nghiệp.

Soạn: AM 560433 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Thủ tướng: Phải có tư duy mới để tạo ra trong khoa học công nghệ đột phá như ''khoán 10 trong nông nghiệp'' trước đây.

Các bộ phải cùng với Bộ KH&CN tập trung hơn nữa đổi mới chính sách đầu tư và cơ chế tài chính phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động khoa học, công nghệ và thúc đẩy đầu tư của toàn bộ xã hội cho đổi mới công nghệ, có thể đạt mức 1,5% GDP vào năm 2010 như Nghị quyết của Đảng đã đề ra.

Về phía các nhà khoa học, Thủ tướng đề nghị đem hết tâm huyết tư vấn, hiến kế cho Chính phủ, Bộ KH&CN để có được các quyết định nhanh chóng hơn, đúng đắn hơn và kịp thời hơn nhằm tháo gỡ những vướng mắc, rào cản để khoa học, công nghệ trở thành động lực phát triển của đất nước. Các cán bộ khoa học ở viện, trường cần có tư duy năng động để khắc phục tình trạng thiếu liên kết giữa đào tạo, nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh. Các cán bộ khoa học cần đoàn kết hơn và hợp tác tốt hơn....

  • Minh Sơn
,
,