Sao la vẫn bí hiểm!
14:29' 25/02/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) chỉ là một trong khoảng 4.500 loài thú hiện đang sinh sống trên Trái đất này. Vậy tại sao sao la lại được các nhà động vật học xem là một loài đặc biệt, trong khi những thợ săn Việt hay Lào vẫn có thể thẳng tay sát hại nếu tình cờ bắt gặp chúng giữa rừng núi Trường Sơn?

WWF Chương trình Đông Dương

WWF là một trong những tổ chức bảo tồn độc lập lớn nhất và có kinh nghiệm nhất thế giới, với 4,7 triệu người ủng hộ và một mạng lưới hoạt động toàn cầu có mặt tại 96 quốc gia.

Năm 1991, WWF  lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, đặt tại Hà Nội. WWF Chương trình Đông Dương thực hiện hàng loạt dự án từ các văn phòng tại cả ba nước Đông Dương, tập trung chủ yếu vào bốn trong số sáu lĩnh vực ưu tiên toàn cầu của WWF: rừng, loài, biển và ven bờ, và nước ngọt, cùng một số công việc khởi đầu trong lĩnh vực Thay đổi Khí hậu.

Tổ hợp Vùng sinh thái các khu rừng thuộc hạ lưu sông Mekong nằm trong phạm vi hoạt động của WWF Chương trình Đông Dương. Trong những vùng sinh thái này có Dãy Trường Sơn Vùng sinh thái rừng khô Trung Đông Dương, được đưa vào danh sách “Vùng sinh thái tiêu biểu Toàn cầu 200” (gồm 238 vùng sinh thái đại diện cho những sinh thái đất liền, nước ngọt và biển nổi bật và đa dạng nhất trên Trái đất).

WWF Chương trình Đông Dương hiện đẩy mạnh các hành động cần thiết cho sự tồn tại của những loài thú lớn và những loài có đặc tính di cư, bảo tồn sinh cảnh sống của chúng và duy trì các hệ thống sông ngòi trù phú, nhằm bảo tồn hiệu quả hơn và bảo vệ tính đa dạng sinh học có ý nghĩa của những vùng sinh thái này cho các thế hệ tương lai.

Sao la: loài mới, chỉ có một đại diện 

Năm 1992, trong một cuộc khảo sát do Quỹ Thế giới Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tài trợ, khi đi sâu vào những khu rừng của dãy Trường Sơn, nhà động vật học Đỗ Tước đã phát hiện một cặp sừng dài và nhọn trong một ngôi nhà gần Khu Bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang. Với cái nhìn của một chuyên gia, ông đã nhận ra ngay cặp sừng này không phải của một loài động vật nào mà khoa học đã từng biết tới. Người dân địa phương cho biết đó là "sừng của con sao la, một loài thú hiếm và nhút nhát, thường chỉ gặp ở những vùng rừng sâu nhất".

Sau này, mọi người nhận thấy sao la cũng có thể được tìm thấy ở những nơi khác, nhưng tất cả đều nằm trong phạm vi khu vực rừng Trường Sơn. Cuối cùng, các nhà khoa học đã nhìn thấy loài thú này trong tự nhiên. Đến năm 1993, những mô tả khoa học đầu tiên về loài sao la đã được xuất bản. Loài thú lớn mới được phát hiện này được mang tên khoa học là Pseudoryx nghetinhensis bởi có hình dáng giống như loài linh dương (oryx) và có liên quan đến hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nơi các nhà khoa học lần đầu tiên đã phát hiện ra loài này.

Thế giới đã vô cùng kinh ngạc khi biết tin sao la, loài thú lớn đầu tiên được phát hiện và mô tả sau một thời gian dài như vậy mà khoa học không hề biết cho đến tận cuối thế kỷ XX!

Điều làm cho sự phát hiện ra loài sao la trở nên đáng chú ý chính là những nét đặc biệt của loài thú này. Hầu hết các loài mới phát hiện thường chỉ là những biến thể của một loài đã được biết đến. Trong khi đó, sao la không những chỉ là một loài mới, mà còn là một “loài chỉ có một đại diện” – đó là một đại diện duy nhất được biết đến của một nhánh cao hơn trong bậc phân loại. Các phân tích ban đầu về gien cho thấy sao la là một phụ loài của họ bò (bao gồm bò, trâu và dê).

Sao la không thể sống trong cảnh bị nhốt giữ!

Tuy vậy, do đến nay vẫn chưa có những phân tích sâu hơn nên có thể vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ngờ nữa về loài sao la. Sao la được phân biệt bởi một cặp sừng dài thẳng vuốt, trông như... con suốt của một cái guồng xe sợi (mà một số người nói rằng đó chính là nguồn gốc của tên gọi loài sao la). Ngoài cặp sừng độc đáo này, trên mặt của sao la còn có những đốm trắng rất dễ nhận thấy. Một đặc điểm khác biệt nữa của loài sao la là hai tuyến xạ lớn nằm gần hai mắt, được che bởi một lớp cơ dầy và sao la chỉ nâng lên khi nó cần phóng chất xạ đó ra ngoài.

Bức ảnh đầu tiên chụp sao la trong tự nhiên, nhờ dùng bẫy máy ảnh tại Vườn Quốc gia Pù Mát.

Mặc dù sao la là một loài thú lớn có thể cân nặng tới 100kg và cao tới 90cm, nhưng vẫn rất ít khi trông thấy nó. Loài thú này được chụp ảnh trong tự nhiên lần đầu tiên vào tháng 10/1998, bằng máy bẫy ảnh của Dự án Lâm nghiệp Xã hội và Bảo tồn Thiên nhiên (viết tắt là SFNC) do Uỷ ban châu Âu tài trợ tại Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An). Kể từ đó, chỉ có vài cá thể sao la được quay phim. 16 con sao la bị người dân bắt giữ từ năm 1994 đều đã chết sau vài tuần, dẫn tới một nhận định: sao la không thể sống trong điều kiện bị nhốt giữ. Các cán bộ bảo tồn chuyên nghiệp chỉ nhìn thấy sao la trong môi trường tự nhiên duy nhất một lần. Tuy nhiên, người ta vẫn biết loài sao la sinh sống trên địa bàn sáu tỉnh ở Việt Nam và ba tỉnh ở Lào. Thực tế, loài sao la có thể có nguồn gốc ở những vùng rừng ẩm nhiệt đới đất thấp, nhưng do tình trạng phá rừng nghiêm trọng ở các vùng rừng đai thấp và do các áp lực từ việc săn bắn bừa bãi đã khiến cho loài vật này hiện nay chỉ còn tồn tại ở các vùng rừng trên núi cao dọc biên giới Việt Nam – Lào.

Điều kỳ diệu của dãy Trường Sơn

SFNC - Dự án Lâm nghiệp Xã hội và Bảo tồn Thiên nhiên tỉnh Nghệ An

Sao la, biểu tượng của Vườn Quốc gia Pù Mát (thị xã Con Cuông, tỉnh Nghệ An)

Dự án SFNC được Chính phủ Việt Nam và Uỷ ban châu Âu hỗ trợ, nhằm giảm sự tàn phá và suy thoái của tài nguyên rừng ở Vườn Quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An, và ở các vùng đệm.

Vườn Quốc gia Pù Mát là một phần của dãy núi Bắc Trường Sơn, bao gồm một khu vực rừng nhiệt đới thường xanh tự nhiên rộng lớn nhất còn lại ở Việt Nam. Các khảo sát đa dạng sinh học đã ghi chép được hệ thú đa dạng nhất trong số các khu bảo tồn của Việt Nam, gồm sáu loài thú lớn đặc hữu của vùng Đông Dương, (bốn loài trong số đó là đặc hữu của dãy Trường Sơn). Trong số những động vật quan trọng nhất này có sao la, được chọn làm biểu tượng của Vườn Quốc gia Pù Mát.

Sao la không phải là loài thú kỳ diệu đầu tiên được tìm thấy ở dãy Trường Sơn. Điều gây chấn động trong giới nghiên cứu động vật quốc tế và những người có quan tâm: Trong tám loài thú lớn của Trái đất mới được tìm thấy từ đầu thế kỷ XX tới nay, riêng tại Việt Nam đã có ba loài là sao la (Pseudoryx nghetinhensis), mang lớn (Megamuntiacus vuquanggensis), và mang Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis). Bên cạnh đó, có nhiều loài đặc biệt khác đặc hữu của khu vực này như voọc ngũ sắc (Pygathrix nemaeus) - một trong những loài linh trưởng đẹp nhất trên thế giới, và trĩ sao (Rheinardia ocellata) - loài có những chiếc lông đuôi dài nhất trong tất cả các loài chim trên thế giới.

Trong khi các nhà khoa học vẫn đang tập hợp những kiến thức còn hạn chế của mình về sinh thái học của dãy Trường Sơn thì một số mô hình khác đã bắt đầu xuất hiện. Tính đa dạng sinh học đặc biệt của khu vực này là kết quả của những điều kiện khí hậu địa phương được tạo nên bởi những dãy núi kéo dài từ dãy Hy Mã Lạp Sơn (Hymalayas) về phía Nam.

Do chặn lại những đợt gió mùa từ phía Đông và lưu lại lượng mưa tương đối lớn tích tụ từ biển Đông, nên dãy Trường Sơn đã tạo ra một kiểu khí hậu địa phương thuận lợi cho sự tiến hoá của những loài độc đáo. Trước những thay đổi đáng kể về nhiệt độ và lượng mưa trong nhiều thiên niên kỷ qua, địa hình đã biến đổi giữa các khu rừng mưa ẩm nhiệt đới thường xanh với những vùng rừng khô và thoáng hơn. Tuy vậy, do điều kiện ẩm ướt kéo dài trong suốt thời kỳ băng hà đã giúp cho những khu rừng mưa của dãy Trường Sơn được giữ nguyên vẹn, và các loài động thực vật nơi đây có thêm hàng nghìn năm được ẩn náu và tiến hoá.

Loài sao la thật sự là một đại diện hoàn hảo của một khu vực tuy không lớn nhưng rất đặc biệt này. Tuy nhiên, do những áp lực của con người làm cho các vùng rừng ngày càng thu hẹp lại, nên quần thể sao la ngày một hiếm hơn

Bản đồ ước đoán vùng sinh sống của sao la tại 6 tỉnh ở Việt Nam và 3 tỉnh ở Lào, nằm hai bên khu vực Bắc Trường Sơn.

Dự đoán quần thể sao la còn lại khoảng 70-1.000 con. Tuy nhiên, những con số dự đoán này không phải do nghiên cứu đầy đủ đưa ra, mà phần lớn là do người dân địa phương nêu lên, dựa trên những câu chuyện kể lại của những người thợ săn. Điều rõ ràng là loài sao la rất hiếm trong toàn bộ khu vực này. Điều may mắn là sao la không được coi là có giá trị cao về dược phẩm cũng như thực phẩm, và nó cũng không phải là mục tiêu chính của các thợ săn, như tê giác hay bò tót. Tuy vậy, sao la vẫn vô ý bị bắt do vướng vào bẫy của một số loài khác như lợn rừng và hươu, và nó cũng sẽ vẫn bị bắn nếu bị các thợ săn phát hiện. Các vật phẩm của sao la thu hút đôi chút hiếu kỳ nơi những người dân thành thị ở Việt Nam, thường được bán với giá khoảng 25-65 USD, tuỳ theo kích cỡ của vật phẩm đó. Bởi vì sao la rất hiếm, nên chỉ một cá thể sao la mất đi là đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến số lượng quần thể sao la trên toàn cầu. Hơn nữa, loài thú này còn bị đe doạ bởi sự phá huỷ sinh cảnh của nó, khi các khu rừng quý giá đang bị chặt phá để con người làm nơi sinh sống và làm nông nghiệp.

Do số lượng còn rất ít và đặc tính khác biệt của loài sao la, cũng như do mức độ bị đe doạ cao, sao la đã trở thành một trong những ưu tiên cao nhất cho bảo tồn ở khu vực Đông Nam ÁĐược xếp hạng ở mức Bị đe doạ tuyệt chủng (E) trong Danh sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN), chỉ hơn một thập kỷ kể từ khi được phát hiện, sao la đang đứng bên bờ tuyệt chủng!

Liệu có thể xem việc tuyệt diệt loài sao la trên núi rừng Trường Sơn cũng là một trong các... nỗi quốc nhục, để có những biện pháp thích đáng từ cấp quốc gia?

Nguyễn Thị Đào

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nguy cơ nghiêm trọng của cây GM đối với sức khoẻ con người (24/02/2004)
Đôi điều về rùa tai đỏ - động vật xâm hại (24/02/2004)
Cúm gà lây lan cao xuất hiện ở Mỹ (24/02/2004)
Khám phá bí ẩn của nọc rắn (23/02/2004)
Cúm gia cầm đe dọa nỗ lực xóa đói nghèo ở châu Á (23/02/2004)
Tài nguyên biển, sinh cảnh ven biển Việt Nam bị đe dọa! (22/02/2004)
Nam Á với nỗi ám ảnh mang tên "H5N1" (17/02/2004)
Crittercam - camera dành cho thế giới sinh vật (12/02/2004)
Từ gà Việt, gà Nhật, ngỗng Trung Quốc: virus có họ với nhau (12/02/2004)
"Làng thận" và những đường dây buôn lậu nội tạng (12/02/2004)
Cúm gà lây lan mạnh ở Lào và Mỹ (11/02/2004)
Chưa phát hiện virus cúm gia cầm ở lợn Việt Nam (07/02/2004)
Trung Quốc thừa nhận: hệ thống kiểm soát bệnh dịch yếu kém! (05/02/2004)
Khi thế giới quay lưng với... con gà Thái Lan (04/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang