Hậu quả dài lâu của dịch cúm gia cầm:
Tài nguyên biển, sinh cảnh ven biển Việt Nam bị đe dọa!
22:31' 22/02/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Gần một tháng nay, tác động của dịch cúm gia cầm đã khiến giá nhiều loại cá đồng, cá biển và cả tôm sú đều tăng mạnh để thay thế thịt và các sản phẩm gia cầm. Việc tiêu thụ thủy hải sản đó đã khiến WWF dự báo về một hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra với các nguồn tài nguyên biển vốn đã bị khai thác quá mức, cũng như với sinh cảnh ven biển vốn rất nhạy cảm ở Việt Nam.

Rừng ngập mặn là "chiếc nôi", là nơi sinh sống và cung cấp thức ăn cho hàng ngàn loài cá và sinh vật biển.

Ông Nick Cox, điều phối viên Chương trình Biển và Ven bờ của WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên hoang dã) - Chương trình Đông Dương, cho biết: “Dịch cúm gia cầm bùng phát là một thảm hoạ trên nhiều phương diện, nhất là những tác động nghiêm trọng tới sức khoẻ con người. Mặc dù vậy, dịch cúm gia cầm còn có thể gây những hậu quả nghiêm trọng về lâu dài đối với kinh tế và môi trường Việt Nam. Dịch bệnh này có thể dẫn đến những áp lực còn lớn hơn đối với nghề cá biển và ven biển, thúc đẩy mạnh hơn việc chuyển đổi các sinh cảnh nhạy cảm ven biển, như rừng ngập mặn, thành các khu vực nuôi... tôm''.

WWF nhấn mạnh: Cho dù số tàu đánh cá của Việt Nam đã tăng 86% trong vòng 10 năm qua, nhưng sản lượng cá đánh bắt của mỗi tàu lại giảm mạnh. Điều này đã dẫn tới sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành nuôi trồng thuỷ sản, chủ yếu là các loại cá và các loại thuỷ sản có vỏ cứng. Vì vậy, chính các sinh cảnh tự nhiên phải trả giá cho sự phát triển này.

Các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản đã phá huỷ 90.000 hecta rừng ngập mặn của Việt Nam từ năm 1989. Khoảng 75% các diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam đã biến mất trong vòng 50 năm qua, chủ yếu là ở miền Nam. Một diện tích lớn bị mất trong chiến tranh chống Mỹ song tỷ lệ mất tăng nhanh trong 10 năm qua do hoạt động nuôi trồng thuỷ sản. Bán đảo Cà Mau là nơi có diện tích rừng ngập mặn bị mất lớn nhất so với các vùng khác. Rừng ngập mặn là môi trường sống quan trọng đối với nghề cá, là nơi sinh sống và cung cấp thức ăn cho hàng ngàn loài sinh vật. Một nghiên cứu mới đây của WWF đã phát hiện rằng hệ sinh thái rừng ngập mặn ở gần các rặng san hô là nơi sinh sống của một lượng cá nhiều gấp 25 lần so với ở các sinh cảnh khác.

Ông Nick Cox nói: “WWF rất hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thành lập hệ thống các khu bảo tồn biển tồn biển. Tuy vậy, chúng tôi tin rằng cần có những hành động khẩn cấp để bảo vệ ít nhất là 30% các sinh cảnh biển và ven biển quan trọng trước khi chúng bị chuyển đổi thành các khu vực nuôi trồng thuỷ sản và trước khi tình trạng đánh bắt cá quá mức sẽ gây nguy hiểm cho các sinh vật biển của Việt Nam”.

Trả lời câu hỏi Việt Nam cần làm gì để đảm bảo sự cân bằng giữa nuôi trồng thuỷ sản và bảo vệ môi trường, ông Nick Cox phân tích: ''Đây là mục tiêu mà mọi chính phủ, trong đó có Chính phủ Việt Nam, đang hướng tới. Nói thì dễ, song làm thì khó hơn nhiều. Tuy nhiên, có thể đạt được mục tiêu này bằng việc làm tốt khâu lập kế hoạch và có tầm nhìn dài hạn, cân bằng lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường chứ không phải tối đa hoá lợi ích kinh tế ngắn hạn, gây tác động tiêu cực cho môi trường. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam lập kế hoạch toàn diện hơn ở cấp tỉnh và quốc gia, bao gồm bảo vệ chặt chẽ hơn các sinh cảnh ven biển, tránh nuôi trồng thuỷ sản ở các khu vực nhạy cảm và phát triển phương pháp nuôi trồng thuỷ sản tốt nhất''

Việt Nam vẫn chưa có biện pháp đủ mạnh trong việc kiểm soát và ngăn chặn nạn tàn phá các rừng ngập mặn để làm đầm nuôi tôm.

Kể từ năm 1995, WWF đã ủng hộ việc bảo tồn biển và ven biển ở Việt Nam, ban đầu là ở Vườn Quốc gia Côn Đảo và gần đây hơn là ở nhiều tỉnh ven biển khác. Công việc đó tập trung vào việc bảo tồn rùa biển thông qua hoạt động bảo vệ nơi ấp trứng trên bãi biển, bảo tồn các loài sinh vật biển khác, như bò biển (dugong), và hỗ trợ Việt Nam trong việc thiết lập một hệ thống các khu bảo tồn biển quốc gia.

Mục tiêu của Chương trình Biển và Ven bờ của WWF là kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới dành một phần diện tích biển và ven biển để bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn cá cũng như môi trường sống của chúng, với chỉ tiêu là đến năm 2020, sẽ có ít nhất 10% tổng diện tích biển của thế giới được bảo vệ.

Minh Sơn

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nam Á với nỗi ám ảnh mang tên "H5N1" (17/02/2004)
Crittercam - camera dành cho thế giới sinh vật (12/02/2004)
Từ gà Việt, gà Nhật, ngỗng Trung Quốc: virus có họ với nhau (12/02/2004)
"Làng thận" và những đường dây buôn lậu nội tạng (12/02/2004)
Cúm gà lây lan mạnh ở Lào và Mỹ (11/02/2004)
Chưa phát hiện virus cúm gia cầm ở lợn Việt Nam (07/02/2004)
Trung Quốc thừa nhận: hệ thống kiểm soát bệnh dịch yếu kém! (05/02/2004)
Khi thế giới quay lưng với... con gà Thái Lan (04/02/2004)
Gần 4.000 ca ghép gan từ người cho còn sống (31/01/2004)
Cúm gà bắt nguồn từ Trung Quốc? (29/01/2004)
Pakistan và Bangladesh: lảng vảng bóng cúm gà (28/01/2004)
Thám hiểm đáy đại dương - khát vọng và thử thách (22/01/2004)
Cúm gà châu Á cũng sắp... bước vào năm Khỉ! (21/01/2004)
Trung Quốc: Cảnh giác và sẵn sàng ứng phó với bệnh cúm gà (20/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang