Từ lịch sử cấy ghép các cơ quan nội tạng:
Gần 4.000 ca ghép gan từ người cho còn sống
07:26' 31/01/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hoạt động cấy ghép các cơ quan nội tạng có từ năm 2000 trước CN. Tuy vậy, các thầy thuốc lâm sàng hiện đại thường cho rằng sự phát triển của kỹ thuật ghép gan có từ thế kỷ XVIII, khi bác sĩ tiến hành thử nghiệm trên người và động vật.

Các nỗ lực cấy ghép ban đầu đã thất bại. Tuy nhiên, trong suốt nửa đầu của thế kỷ XX, kỹ thuật cấy ghép đã được hoàn thiện cho tới năm 1954, với ca cấy ghép đầu tiên trên thế giới diễn ra tại Mỹ. Năm ấy, TS Joseph Murrat đã ghép thành công một quả thận tại Boston, Massachusetts.

Vào giữa những năm 1960, ca cấy ghép lá lách và gan được tiến hành và các bác sĩ đã chứng tỏ khả năng cứu sống con người bằng cách thay thế cơ quan bị bệnh bằng cơ quan khoẻ mạnh. Vào tháng 12/1967, TS Christiaan Barnard tại Nam Phi đã cấy ghép trái tim của người này cho người khác.

Năm 1963, TS Thomas Starzl thuộc ĐH Colorado đã tiến hành ca ghép gan thành công đầu tiên. Mãi tới năm 1998, ca ghép gan đầu tiên do người còn sống hiến tặng mới được tiến hành tại Brazil.

Đến nay, đã có gần 4.000 ca ghép như vậy, trong đó nhiều nhất là Nhật Bản (gần 2.000 ca). Các nước khác, chẳng hạn như Mỹ, Pháp, Trung Quốc và Hàn Quốc, đã tiến hành hàng trăm ca ghép gan lấy từ người cho còn sống.

Rào cản lớn nào với cấy ghép nội tạng?

Có hai rào cản đối với cấy ghép: sự đào thải, số lượng các cơ quan cấy ghép sẵn có.

Để cấy ghép các cơ quan, phải có sự tương đồng di truyền giữa người nhận và người cho, nhằm ngăn chặn hiện tượng đào thải. Chính vì vậy, các cơ quan nội tạng do người trong gia đình hiến tặng ít có nguy cơ bị đào thải. Hiện tượng đào thải xảy ra khi hệ miễn dịch của người nhận coi cơ quan mới là mối đe doạ (vật lạ) và phá huỷ nó. Tuy nhiên, những tiến bộ trong y học - phân loại mô và sử dụng thuốc ức chế hệ miễn dịch - đã giúp các bác sĩ tiến hành nhiều ca cấy ghép hơn. Điều đó có nghĩa là người nhận sẽ sống lâu hơn.

Rào cản thứ hai tiếp tục là thách thức, do nhu cầu cấy ghép vượt xa số lượng cơ quan được hiến tặng. Điều đó đã làm nảy sinh hoạt động buôn bán các cơ quan nội tạng dưới hình thức chợ đen. Trước tình hình đó, nhiều người đã kêu gọi hợp pháp hoá việc bán các cơ quan nội tạng của cơ thể. Người ta không chỉ cần các cơ quan lớn mà nhu cầu đối với giác mạc, van tim, xương và da cũng rất cao. Để đáp lại nhu cầu này, nhiều tổ chức đã được thành lập trên khắp thế giới nhằm khuyến khích mọi người hiến tặng các cơ quan. Chỉ tính riêng tại Mỹ, mỗi năm có gần 5.000 bệnh nhân được ghép gan song hơn 1.700 bệnh nhân chết mỗi năm trong khi chờ đợi. Hiện ở Mỹ có hơn 17.500 bệnh nhân đang ở trong danh sách đợi.

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, trong tương lai các nhà khoa học sẽ thử nghiệm cấy ghép não, cấy ghép cơ quan của động vật cho người. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất của giới khoa học là vấn đề đạo đức và việc virus từ động vật, chẳng hạn như lợn mini chuyển đổi gene, có thể nhiễm sang người và gây bệnh.

Nhu cầu ghép gan ở Việt Nam cũng rất lớn. Theo điều tra năm 2000, số người có chỉ định ghép gan trong cộng đồng là 29/100.000. Điều tra trên 200 người nhà bệnh nhân gan mật thì có 160 người đồng ý hiến gan. Điều tra trên 13.600 người trong cộng đồng thì có 6.258 người đồng ý hiến gan cho người thân.

Tại sao phải cấy ghép gan?

Cấy ghép gan

Gan là cơ quan lớn nhất trong cơ thể và có khả năng tự tái tạo. Nó nằm trên phía phải của bụng và bên dưới phổi. Gan thực hiện hơn 400 chức năng mỗi ngày để giữ cho cơ thể khoẻ mạnh. Một số chức năng lớn của gan bao gồm: biến thức ăn thành các chất dinh dưỡng để cơ thể sử dụng, chẳng hạn như gan tạo mật để phân huỷ chất béo; dự trữ mỡ, đường, sắt và các vitamin để cơ thể sử dụng sau này; tạo các protein cho quá trình đông máu bình thường, thải hoặc thay đổi các loại thuốc, rượu và những chất khác mà có thể độc hại đối với cơ thể; tiêu diệt mầm bệnh xâm nhập cơ thể qua đường ruột.

Một số căn bệnh có thể làm tổn thương trực tiếp gan. Tổn thương gan có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình hấp thụ các vitamin và chất dinh dưỡng, ngăn cản chất thải được bài tiết hiệu quả khỏi hệ thống cũng giảm giảm lượng protein mà cơ thể sản xuất ra để đông máu. Nếu tổn thương gan ở mức nghiêm trọng, vĩnh viễn và tất cả các phương pháp điều trị khác đều không thành công (gọi là bệnh gan giai đoạn cuối), bệnh nhân cần phải được cấy ghép gan mới. Cấy ghép gan giúp bệnh nhân có thể tiếp tục sống bình thường.

Sau đây là những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh gan giai đoạn cuối: viêm gan B và C mạn tính do virus, bệnh gan liên quan tới rượu cồn, viêm gan tự miễn dịch, viêm đường mật, xơ gan cuống mật, các chứng rối loạn gan do di truyền, tổn thương gan do thuốc. Ở trẻ em, nguyên nhân hỏng gan phổ biến nhất là hẹp ống mật. Đây là một chứng bệnh mà trong đó ống dẫn mật không phát triển. Những ống dẫn này mang mật từ gan tới ruột. Nếu không có ống dẫn, mật tích tụ trong gan và gây hỏng gan. Hẹp ống mật thường xuất hiện khi trẻ em chào đời.

Nghiện rượu là một nguyên nhân phổ biến nữa của bệnh gan giai đoạn cuối. Mặc dù những bệnh nhân này vẫn được ghép gan song mọi trung tâm cấy ghép đều yêu cầu đánh gia tâm lý trước tiên. Họ cũng yêu cầu bệnh nhân cai rượu và chứng tỏ kiêng rượu ít nhất 6 tháng. Nếu không, gan cấy ghép sẽ bị rượu cồn làm tổn thương nghiêm trọng như gan cũ.

Phần lớn bệnh nhân nhiễm viêm gan B và C phục hồi hoàn toàn và không có tổn thương nào hơn nữa ở gan. Tuy nhiên, một số bệnh nhân sẽ phát triển viêm gan mãn tính, dẫn tới xơ gan và bệnh gan giai đoạn cuối. Cấy ghép gan cho họ rất khó khăn bởi gan mới luôn bị nhiễm các loại virus này. Thường thì bác sĩ phải liên tục điều trị để giữ cho gan mới khoẻ mạnh.

Phần lớn ung thư gan phát triển ở các phần khác của cơ thể rồi di căn tới gan. Những bệnh nhân này không bao giờ được cấy ghép gan mới bởi hiện không thể chữa được ung thư. Thỉnh thoảng ung thư phát triển đầu tiên ở gan. Khi ung thư gan được phát hiện sơm, bác sĩ có thể tiến hành cấy ghép gan mới. Tuy nhiên, thời gian sống thêm của bệnh nhân thường ít hơn so với bệnh nhân được cấy ghép vì những lý do khác.

Thủ tục cấy ghép gan

Bệnh nhân cần ghép gan phải trải qua một loạt các xét nghiệm để xác định liệu họ có phải là ứng cử viên cấy ghép hay không. Nếu hội đủ các điều kiện, bác sĩ sẽ cắt gan của người hiến tặng (đã chết) hoặc một thuỳ gan khoẻ mạnh của người còn sống. Tiếp đến, họ cắt bỏ gan bị hỏng của bệnh nhân và ghép gan của người hiến tặng bằng cách gắn nó với các mạch máu và ống dẫn mật. Gan của người cho nhanh chóng tái tạo và tiếp tục hoạt động bình thường. Cả hai thủ tục được tiến hành cùng lúc ở hai phòng phẫu thuật riêng biệt. Nếu gan được cho ở một địa điểm khác, nó phải được chuyển tới trung tâm phẫu thuật trong điều kiện đông lạnh và tiệt trùng trong vòng 8-20 tiếng.

Phần lớn bệnh nhân phải nằm viện nhiều tuần sau khi cấy ghép trong khi người hiến tặng phải ở bệnh viện chừng một tuần.

Bác sĩ giám sát bệnh nhân rất chặt chẽ. Theo GS Tanka thuộc ĐH Tokyo, Nhật Bản, tỉ lệ sống thêm trên 1 năm do cấy ghép gan từ người cho còn sống đã đạt trên 90%.

Ghép gan từ người hiến tặng còn sống có nhiều ưu điểm hơn so với gan của người đã chết: Người cho khoẻ mạnh, thời điểm ghép là tối ưu cho người nhận, chất lượng mảnh ghép tốt hơn, giảm thời gian hoại tử lạnh của gan, tăng sự hoà hợp của hệ miễn dịch. Tuy nhiên, yêu cầu hàng đầu của dạng ghép gan này là phải luôn đảm bảo tuyệt đối an toàn đối với người cho gan.

Cho tới nay, tại Nhật Bản và Đài Loan chưa có trường hợp tử vong nào đối với người cho gan.

Minh Sơn (Tổng hợp)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cúm gà bắt nguồn từ Trung Quốc? (29/01/2004)
Pakistan và Bangladesh: lảng vảng bóng cúm gà (28/01/2004)
Thám hiểm đáy đại dương - khát vọng và thử thách (22/01/2004)
Cúm gà châu Á cũng sắp... bước vào năm Khỉ! (21/01/2004)
Trung Quốc: Cảnh giác và sẵn sàng ứng phó với bệnh cúm gà (20/01/2004)
WHO: Cúm gà ở VN lây lan chủ yếu qua phân chim, gà và thịt không nấu chín (18/01/2004)
Thêm những địa chỉ mới về... cúm gà! (16/01/2004)
Bệnh dịch gà ở Thái Lan, đâu là sự thật? (16/01/2004)
H5N1 + H9N2 = H5N1 ở người (14/01/2004)
Cúm gà xuất hiện ở... miền Nam Nhật Bản! (14/01/2004)
Thể chế hóa việc phòng chống cúm gà (14/01/2004)
Dịch cúm gà ở Hàn Quốc: Đến hẹn lại “lên”? (09/01/2004)
Thực phẩm biến đổi gene - nên hay không? (02/01/2004)
10 sự kiện CNTT và viễn thông VN 2003 (31/12/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang