221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
565722
Chuyển ngữ: bao giờ?
1
Article
null
Chuyển ngữ: bao giờ?
,

(VietNamNet) - Việc dùng tiếng nước ngoài làm chuyển ngữ (ngôn ngữ giảng dạy) trong quá trình hội nhập đang được đặt ra ráo riết. Thế nhưng cận cảnh mới thấy giật mình.

Tháng 9/2004, Thủ tướng Chính phủ có công văn yêu cầu Bộ GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các trường ĐH, CĐ chọn lựa, thí điểm đào tạo một số chương trình và giáo trình tiên tiến, hiện đại thuộc các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật-công nghệ và quản lý kinh tế đang được giảng dạy tại các trường ĐH nước ngoài, phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam.

Tại Malaysia hiện nay, tiếng Anh được xem là ngoại ngữ quan trọng nhất và đã được đưa vào làm ngôn ngữ giảng dạy tại các trường ĐH, dù cách đây không lâu, việc này từng bị phản đối. Điều đó tạo cơ hội thu hút SV quốc tế tới nước này du học. Trong ảnh: một buổi phỏng vấn tuyển sinh của các trường ĐH Malaysia tại Hà Nội tháng 10/2004 (Ảnh: HA)

Theo tinh thần này, hướng đang được xem xét lựa chọn sẽ là dùng tiếng nước ngoài làm ngôn ngữ giảng dạy trong các chương trình đó. Tiếng nước ngoài được ngầm hiểu là tiếng Anh. Ít ra, hướng đó đã được đề cập tới với việc đưa chương trình dạy Công nghệ thông tin (CNTT) theo chương trình quốc tế hoàn toàn bằng tiếng Anh vào thí điểm tại các trường ĐH ở Việt Nam.

Ở góc độ này, khoa Quản trị kinh doanh - Quốc tế học và Du lịch của trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội có thể xem là mô hình mẫu.

N.D.H.D là một trong những sinh viên (SV) đã tốt nghiệp loại khá của khoa. Theo D, với những SV đầu vào TOEFL 450 trở lên, việc học cũng gặp không ít khó khăn.  Ở trên lớp, nếu giáo viên chỉ giảng bằng tiếng Anh thì chỉcó khoảng 20% sinh viên hiểu được nội dung bài giảng, 80% còn lại không thể hiểu giảng viên nói gì. Nếu giáo viên giảng bài 50% tiếng Anh, 50% tiếng Việt thì tình hình khả quan hơn. Tuy nhiên, như vậy không còn gọi là dạy và học bằng tiếng Anh nữa.

Còn công việc tự học, mà ở đây là đọc và hiểu giáo trình, thì có tới gần 80% không hiểu giáo trình "ngoại" chuyên ngành do ngại học, hoặc sách có nhiều thông tin khó hiểu.

Ý kiến của GS Nguyễn Quốc Hùng, gương mặt quen thuộc dạy tiếng Anh trên truyền hình, đã làm không ít người ngạc nhiên. Theo GS Hùng, chuyện những SV đã tốt nghiệp ĐH ngoại ngữ thất bại trong việc dịch thuật (dịch thuật là một nghề nghiệp hẳn hoi) là đương nhiên. Bởi, SV chỉ được đào tạo nói, nghe, đọc, viết.

Những người được xem là đã nắm được kiến thức bài bản về tiếng Anh ở bậc ĐH còn vậy. Còn số đông SV mới nhập học ĐH - sẽ là đối tượng được giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh trong khi học ĐH thì sao?

Một giảng viên tiếng Anh trường ĐH kỹ thuật lớn ở Hà Nội nêu thực tế: các bộ môn chuyên ngành có nhờ giảng viên của khoa Anh giảng dạy bằng tiếng Anh với 60 tiết. Giảng viên tiếng Anh không nắm được chuyên môn của ngành đó, nhưng vẫn dạy và cuối khóa, sẽ chứng nhận "cho xong" là SV đã hoàn thành môn học với chừng ấy thời lượng.

Khi lên lớp, chủ yếu giáo viên dạy theo kiểu "phiên dịch" từ sách thuật ngữ ra cho SV hiểu, thầy và trò lúc nào cũng phải kè kè cuốn sách tiếng Việt ở bên.

Giảng viên Nguyễn Thị Kim Thanh, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngoài việc tham gia vào dạy tại trường, còn là cộng tác viên cho chương trình đào tạo Genetic (một chương trình của trường ĐH Bách khoa Hà Nội phối hợp với Singapore dạy CNTT và kinh tế hoàn toàn bằng tiếng Anh) và trung tâm đào tạo công nghệ thông tin Attech-Hà Nội.

Bà Thanh cho hay, lúng túng nhất trong việc dạy chuyên ngành cho SV bằng tiếng Anh là giáo trình. Hiện nay, giáo trình tiếng Anh ngành CNTT khá phong phú, lại rất sẵn (bán nhiều ở hiệu sách) nhưng chưa được lựa chọn phù hợp trong quá trình dạy và học. Nhưng giáo trình của các bộ môn khoa học - kỹ thuật khác hầu như không có, người giảng dạy tiếng Anh phải tự mày mò làm lấy để dạy. Sự phối hợp - nếu có - giữa bộ môn chuyên ngành và giảng viên tiếng Anh - khá lỏng lẻo.

Bộ môn tiếng Anh của trường ĐH Bách khoa Hà Nội hiện đang xây dựng một chương trình tiếng Anh với các cấp độ từ E1 đến E4 (từ mức bắt đầu đến trình độ viết và trình bày một vấn đề nghiên cứu trước đông người). SV khi vào học ĐH, trình độ khác nhau sẽ được phân học theo các cấp độ khác nhau chứ không "chui vào một rọ" như lâu nay.

Một đề xuất khác của GS Nguyễn Quốc Hùng: cần kết hợp nhiều giáo trình trong quá trình giảng dạy và học một cách linh hoạt, không dùng một bộ giáo trình duy nhất. Ngoài ra, cần khuyến khích SV tìm hiểu kiến thức qua nhiều kênh thông tin khác nhau.

Đó là cách làm cấp thời. Theo PGS-TS Bùi Hiền (Viện Ngôn ngữ học), điều kiện để có thể dùng một ngôn ngữ giảng dạy, học tập các môn văn hóa trong nhà trường là học sinh phải nắm vững ngôn ngữ đó thì mới tiếp thu được nội dung giáo dục và quan trọng hơn là có đội ngũ giảng viên đáp ứng được công việc đó.

Điều này, thì đang được Bộ GD-ĐT xem xét một cách tổng thể với bản chiến lược về giảng dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông, đang nằm trong dự thảo.

Một GS nguyên là phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội băn khoăn mãi về "điều làm những người có tâm với ngoại ngữ vừa buồn, vừa khó hiểu, vừa tự trách mình". Đó là, đã 20 năm, từ khi có cơn sốt "Follow me" (tên một chương trình dạy tiếng Anh trên truyền hình năm 1985), rồi bùng nổ tiếng Anh những năm 1990, đến giờ, trình độ tiếng Anh của chúng ta vẫn kém nhất trong khu vực!"

  • Hạ Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,