221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
562418
Học ngoại ngữ ở trung tâm "nội"
1
Article
null
Học ngoại ngữ ở trung tâm 'nội'
,

(VietNamNet) - Nhận thức được sự quan trọng của ngoại ngữ, nên mặc dù được học trong nhà trường, nhiều SV vẫn gắng đi học thêm bên ngoài. Và trung tâm ngoại ngữ "nội" là sự lựa chọn của số đông. Bên cạnh đó, nhiều SV cũng hăng hái tham gia các hoạt động ngoại khóa khác như câu lạc bộ.

Học viên của các trung tâm ngoại ngữ hoàn toàn không có sự lựa chọn lớp học, thầy giáo cho mình.

Con đường tự học ấy cũng lắm gian nan và không ít chuyện phiền lòng...

Bốn năm, vẫn chưa xong hai cuốn Streamline

Bắt đầu từ năm nhất, Nguyễn Trung K (Khoa Hoá, trường CĐ Công nghiệp IV) xin gia đình tiền học thêm Anh văn."Trước đó, mình đã nghe mấy anh chị học ĐH cảnh báo tình hình học ngoại ngữ trong trường là tệ lắm".

Theo K, để tìm được một trung tâm vừa ý, vừa tiền không phải là chuyện đơn giản. Bằng chứng là K có 4 năm đi học ngoại ngữ ở các trung tâm, nhưng hiện tại, cậu học chưa xong cuốn Streamline 2 (Streamline Connections).

Lý do mà K đưa ra: nghỉ học không ai kiểm soát, lực học cũng không được đánh giá qua điểm số, bằng cấp nên dễ...bỏ ngang. Và những lần bỏ ngang đều có lý do chính đáng. Khi thì nước ngập, khi thì trời mưa, lúc khác lại...lỡ tiêu hết tiền học Anh văn; đành hẹn lần sau. Một lý do nữa mà theo K, có rất nhiều học viên mắc phải, đăng ký vào lớp có trình độ cao hoặc thấp quá, nên chỉ học vài hôm là chán.

Hiện nay, tại các trung tâm ngoại ngữ "nội" (thường là của các trường ĐH, CĐ, phổ thông, trung tâm dạy nghề quận huyện) thường không áp dụng hình thức thi chọn lớp, cũng không có chuyện tư vấn cho học viên học đúng với trình độ của mình.

Cứ đến đầu tháng, đầu khoá, các trung tâm lại để dành một tuần ghi danh, xếp lớp. Lớp này đủ sĩ số thì đến lớp khác. Mới đây, Nguyễn Minh Hải, SV trường Kỹ thuật Cao Thắng đã phải "bấm bụng" để bỏ 200.000 đồng vì lỡ đăng ký vào một lớp Anh văn vỡ lòng.

Hải cho biết: "Vào đăng ký, có trình cả thẻ SV, nhưng người ghi danh cũng không thắc mắc gì khi mình đăng ký vào lớp vỡ lòng. Sợ rằng trình độ mình không theo kịp các lớp cao hơn. Ai dè, lớp vỡ lòng toàn các em lớp 1, lớp 2. Mỗi buổi chỉ được tập đánh vần 2 chữ cái".

Được biết, hiếm trung tâm nào có các bài kiểm tra cuối khoá. Thỉnh thoảng, cũng có những giáo viên nhiệt tình, tự kiểm tra kiến thức của học viên.

Học viên của các trung tâm ngoại ngữ hoàn toàn không có sự lựa chọn lớp học, thầy giáo cho mình. Cũng có số ít học viên "nhanh nhẹn", bỏ ra vài đêm đứng ngoài các lớp học, để đánh giá xem giáo viên nào nhiệt tình, dạy hay. Sau đó mới đăng ký muộn 1-2 tuần.

Còn đại đa số học viên phải tuân theo sự sắp xếp của trung tâm. Nếu may mắn gặp được giáo viên phù hợp thì học, không thì...ráng ngậm đắng hết khoá. Chả thế mà, một nữ sinh viên trường Khoa học tự nhiên có cách chọn giáo viên độc đáo "Đi một vòng xem thầy nào đẹp trai, trẻ trung thì đăng ký vào học lớp đó".

Cũng không ít học viên đến với lớp học ngoại ngữ ban đêm theo quan niệm "đóng tiền, muốn học kiểu nào cũng được". Bởi thế, có những cặp nam nữ, xem lớp học ngoại ngữ ở trung tâm là chốn hẹn hò. Theo một giáo viên đang dạy tại trung tâm của ĐH Sư phạm: "Khoá nào cũng có vài học viên đóng tiền nhưng không đi học, lớp học nào cũng có những học viên vào lớp chỉ để...chơi".

Cô còn cho biết: "Vai trò của giáo viên là lên lớp và hoàn thành hết bài khoá. Nếu hay la mắng, bắt ép học viên học thì sĩ số sẽ giảm dần. Mà như thế thì mình lại bị tiếng là dạy không đạt yêu cầu".

Xem kết quả thi chứng chỉ ngoại ngữ (SGGP)

Trung tâm càng nhỏ, càng dễ lấy bằng

Vào một lớp học ngoại ngữ ban đêm bây giờ cảnh tượng cũng không khác mười năm trước: Vẫn giáo viên khệ nệ xách cái máy casset vào phòng học và mở cho học viên nghe một hai lần bài khoá đang học. Sau đó là học từ mới, học ngữ pháp. Hôm nào may mắn thì cô giáo ôm được cái máy ngon lành, còn không, cả lớp phải học chay.

Chục năm có lẻ, nhưng học viên bây giờ vào lớp cũng chỉ để ghi lại từ mới trong khuôn khổ của một bài học của cuốn Streamline. Sau đó, ngồi yên nghe cô giáo chỉ dẫn cho những cấu trúc ngữ pháp căn bản có trong bài. Và, nếu còn thời gian, các học viên sẽ tự bắt cặp với nhau để đàm thoại theo những mẫu câu có sẵn trong sách.

Học viên được cung cấp đa phần là kiến thức về văn phạm. Các kỹ năng còn lại, chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa".

Một số ít trung tâm được xem là lớn, có uy tín đã đưa vào những giáo trình như Headway, Interchage ngoài cuốn bộ Streamline. Còn lại, các trung tâm vẫn trung thành với bộ Streamline mà cách đây mười năm đã nghe nói lỗi thời.

Hầu hết SV đều có thâm niên "mài đũng quần" ở các trung tâm ngoại ngữ. Cộng với các giờ học Anh văn trên lớp. Nhưng ít ai đủ bản lĩnh vượt qua các kỳ thi chứng chỉ B, C nếu không có thời gian tự rèn luyện. Không biết tự bao giờ, trong giới SV đã truyền tai nhau "học ở trung tâm lớn, nhưng thi ở trung tâm nhỏ". Nghe đâu, các trung tâm càng nhỏ thì càng dễ lấy bằng.

Nhiều trường ĐH có quy định SV ra trường phải có chứng chỉ B Anh văn. Ngay từ năm nhất, SV đã phải đua nhau đến các trung tâm để lấy cho được tấm bằng. Nếu học hành chăm chỉ, đều đặn phải mất ít nhất hai năm mới thi được bằng B.

Bạn Nguyễn Hưng Phương (trường ĐH Mở-Bán công TP.HCM) bật mí: "Em đã thi bằng B ở trung tâm Sư phạm 2 lần, trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn 1 lần, đều rớt môn nghe. Nhưng khi về một trường ở Đồng Nai thi thì đậu điểm cao".

Phương nhận xét: "Trên lớp, văn phạm là kỹ năng được chú trọng hàng đầu. Đến các trung tâm, thời gian để học văn phạm cũng nhiều hơn học nghe và nói. Vì thế, muốn giỏi tất cả các kỹ năng, học viên phải bỏ thời gian để học thêm những lớp luyện nghe nói riêng".

Một số trường ĐH, CĐ xét thấy nhu cầu của SV, cuối mỗi năm học lại tổ chức ôn thi chứng chỉ B cho SV của mình. Mặc dù thi ở đâu, bằng ngoại ngữ chỉ là chuẩn để một SV ra trường. Hồng Liên, cựu SV ngoại ngữ trường ĐHDL Kỹ thuật Công nghệ tâm sự: "Học bốn năm ngoại ngữ, ra trường còn nói và nghe không chuẩn, huống gì học trung tâm. Nói thiệt, cầm cái bằng trong tay, đi đến đâu xin việc, em quê lắm!".

Cuối khóa giáo viên giữ được sĩ số lớp sẽ được thưởng!

Soạn: AM 238560 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Ông Vũ Ngọc Miến, Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ của trường cho biết: Trung tâm hoạt động được 9 năm, mỗi năm mở 4 khoá (mỗi khoá 2 tháng rưỡi). Mỗi khoá trung bình khoảng 7.000-8.000, có khi lên đến 9.000 học viên. 

Mỗi năm, trung tâm tổ chức thi cấp chứng chỉ A,B,C  4 lần, bình quân mỗi lần có khoảng 1.000 học viên đạt chứng chỉ. 

Giáo viên trung tâm phải có trình độ cử nhân trở lên, ký hợp đồng cụ thể, hết buổi dạy có sổ báo bài. 

Nếu giáo viên nào giữ được số học viên của mình (ví dụ mới đầu 40 học viên/lớp, cuối khoá còn 35-40 học viên thì được thưởng còn nếu cuối khoá chỉ có 20 học viên thì có vấn đề phải xem lại. 

Mỗi lần thi xong đều có biên bản kết quả về số lượng  trình độ A, B, C… Giám đốc ký danh sách trúng tuyển. Trường chỉ cấp chứng chỉ cho những người thực thi ở đây thôi.

  •  Đoan Trúc - Cam Lu

Đón đọc bài 2: Có gì ở câu lạc bộ ngoại ngữ?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,