221
484
Chuyện giảng đường
chuyengiangduong
/giaoduc/chuyengiangduong/
232740
"Không chịu" học tiếng Anh, nhiều cô cậu cử thất nghiệp
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
'Không chịu' học tiếng Anh, nhiều cô cậu cử thất nghiệp
,

(VietNamNet) - Học mãi bằng A tiếng Anh vẫn chẳng khá lên tí nào nên em bỏ! Ôi dào, bì sao được dân chuyên ngữ được đào tạo từ thời còn trong... bụng mẹ! Kệ, cùng lắm không đăng ký vào công ty liên doanh là xong... Đây là những câu "cửa miệng" của các cô cử, cậu cử khi bị loại khỏi nhiều cuộc tuyển dụng chỉ vì không thạo tiếng Anh.

Từ lối nghĩ thụ động...

Nhiều HS mẫu giáo đã được tiếp cận môn tiếng Anh.

Thời THPT ở trường Phan Đình Phùng - Hà Nội, vốn tiếng Anh của Hoàng không phải loại xoàng. Thế nhưng, chỉ sau bốn năm theo học ngành công nghệ chế tạo máy, Khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội, Hoàng chỉ còn nhớ mang máng vài thì cơ bản của ngữ pháp tiếng Anh và mấy câu chào hỏi thông dụng. Hỏi vì sao Hoàng trở thành người "vô sản" tiếng Anh nhanh đến vậy, cậu cười xoà thanh minh: "Tiếng Anh để lâu thường dễ quên, huống chi bọn em chỉ học có hai năm đầu "đại cương". Đến hai năm cuối, đứa nào cũng vắt chân lên cổ vì chương trình học chuyên ngành khá nặng. Ngoảnh đi ngoảnh lại, đã chuẩn bị ra trường lúc nào không hay". 

Không chỉ với riêng dân kỹ thuật như Hoàng, nhiều sinh viên học ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Luật Hà Nội và sinh viên các trường CĐ trên địa bàn Hà Nội vẫn thường học tiếng Anh với tâm lý đối phó và vẫn xem tiếng Anh chẳng khác nào "con ngáo ộp" đáng sợ. Hương - sinh viên năm 2 Khoa Kế toán trường CĐ Giao thông Hà Nội cho biết: "Cứ đến giờ học tiếng Anh, dân số lớp em lại vơi đi một nửa. Hoặc hôm nào đông đủ, mọi người lại túm tụm dấu giảng viên đánh carô, chuyện phiếm đến hết giờ. Bố mẹ cũng khuyên em nên tăng cường thời gian rèn tiếng Anh để sau này còn có cơ hội làm cho liên doanh, nước ngoài. Nhưng em nghĩ: Học CĐ như bọn em làm sao với nổi chỗ ngon lành ấy. Làm cho tư nhân hoặc xin vào Nhà nước thì lại chẳng cần đến tiếng Anh".

Cùng một cách nghĩ thụ động như Hương, Hồng - sinh viên năm cuối trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn lý giải: "Lắm lúc, em cảm thấy bất lực trước môn tiếng Anh, có lẽ do... "tư duy không phù hợp" nên năm lần bảy lượt đăng ký đi học thêm ở lớp tiếng Anh, em vẫn chưa "tốt nghiệp" bằng A. Hơn nữa, ngoài chuyện học trên giảng đường, em còn phải đi làm thêm, chuẩn bị đề tài cho khoá luận tốt nghiệp... nên không có thời gian học tiếng Anh cho đến nơi đến chốn".

Đến chuyện "lạc hậu" của chương trình

Theo H.Ng, sinh viên năm 1, Khoa Kế toán, trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội thì "Chương trình học tiếng Anh của trường em khá được chú trọng nhưng ngặt nỗi, lớp học quá đông (trung bình 65-70 SV/lớp), lại không được nghe băng nên rất khó nắm bắt. Hơn nữa, trong khi sinh viên các trường khác như Bách khoa, Thương mại được học chương trình mới Cambridge, tiếng Anh thương mại, New Headway... thì bọn em vẫn học theo giáo trình Headway cũ nên nhiều bạn không mấy hứng thú, đặc biệt là những bạn đã từng học chuyên ngữ thời phổ thông".

Còn lý do chán học ngoại ngữ mà H.A., sinh viên năm thứ 3 Khoa Báo chí trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn nêu ra là do trình độ ngoại ngữ giữa các thành viên trong lớp không đồng đều, nhất là giữa sinh viên xuất thân từ nông thôn và sinh viên gốc thành thị. Điều này dẫn đến tình trạng những sinh viên học kém thì mặc cảm là mình không đủ khả năng theo kịp bạn cùng lớp, còn những sinh viên có trình độ ngoại ngữ khá tốt thì không mấy hứng thú với chương trình học A, B, C của trường". Cũng theo H.A., nhiều trường ĐH không có chuyên khoa ngoại ngữ, hoặc có nhưng thiếu giáo viên, phải thuê thêm giáo viên các trường khác đứng lớp nên không thể tránh khỏi tình trạng "cha chung không ai khóc"...

Một nguyên nhân khá quan trọng khác dẫn tới việc sinh viên chủ quan, không chịu nỗ lực rèn kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ là... nhu cầu "ảo" từ chính các nhà tuyển dụng. N.T.V., cựu sinh viên trường ĐH Thuỷ lợi Hà Nội phân tích: "Đọc báo, nghe đài, xem tivi, đâu đâu cũng nêu tiêu chí tuyển người phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ. Thế nhưng trên thực tế, trong quá trình làm việc, rất nhiều đơn vị trong số đó lại không cần nhân viên của mình sử dụng đến ngoại ngữ nên suy cho cùng, học cũng phí, để dành thời giờ trau dồi nghiệp vụ chuyên môn". 

Thế nên mới có chuyện nhiều sinh viên sau khi ra trường đã tìm đủ mọi cách để xoay được chứng chỉ tiếng Anh, trình độ C với giá 250-300 nghìn đồng chỉ để đảm bảo đủ tiêu chí dự tuyển. Họ quan niệm: Chỉ cần lọt qua "cửa ải" tuyển dụng, mọi việc coi như xong. 

Tất nhiên, không phải ai cũng may mắn lọt qua cửa tuyển dụng bằng cách chép bài thi tiếng Anh của người khác hoặc rủ một người bạn cùng tên đi thi cùng để tráo bài. Bằng chứng  là số sinh viên thất nghiệp hàng năm ngày một tăng, số hồ sơ bị loại khỏi các cuộc tuyển dụng trực tiếp hay gián tiếp do trình độ tiếng Anh yếu kém và do thiếu các phẩm chất quan trọng khác như tính độc lập trong công việc, ý chí tiến thủ, tư duy sáng tạo... 

Đã đến lúc chúng ta cần phải nghiêm túc xét lại chương trình đào tạo ngoại ngữ ở các trường ĐH, CĐ hiện nay cũng như tâm lý coi thường ngoại ngữ của sinh viên.

Giải được bài toán này, ngay từ trong giảng đường, sinh viên đã có thể sử dụng ngoại ngữ làm phương tiện để tự học, tự nghiên cứu thêm các đề tài chuyên ngành từ các tạp chí nước ngoài và cả từ Internet,... như bạn bè cùng trang lứa trên khắp thế giới. Mặt khác, nhờ có thêm lưng vốn ngoại ngữ hùng hậu bên cạnh các kỹ năng khác mà gánh nặng thất nghiệp của các cử nhân hẳn sẽ không đến nỗi cứ nặng chịch như hiện nay?

  • Nguyệt Minh 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,