221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1266854
Bầu cử thực sự dân chủ trong Đảng
1
Article
null
Bài 3:
Bầu cử thực sự dân chủ trong Đảng
,

- Người ta không ra ứng cử hoặc đề cử người khác, không hẳn vì ứng cử viên duy nhất có tín nhiệm tuyệt đối mà có lẽ vì không ai muốn dại dột, thách thức người đã nắm chắc phần thắng do được cấp ủy cũ và cấp trên ủng hộ.

>> Đại hội XI nên tập trung bàn về cán bộ
>> Bài 2: Cán bộ không phải là ’cái đinh ốc’

Những người tham gia cấp ủy thường quen được gọi là cán bộ lãnh đạo. Nhưng từ này được dùng chỉ quá nhiều đối tượng, thậm chí gồm cả người đứng đầu những thành tố nhỏ bé nhất của tổ chức (một thôn, một tổ sản xuất, một chi bộ…).

Gọi những người tham gia cấp ủy từ một cấp nào đó (huyện, tỉnh chẳng hạn) là chính khách có lẽ ít bất hợp lý hơn. Đây không phải là vấn đề hình thức mà chính là xác định tính chất công việc của họ. Họ chịu trách nhiệm lãnh đạo chính trị, sản phẩm của họ là các quyết định chính trị, phương pháp làm việc của họ là vận động chính trị.

Trách nhiệm trước dân

Vì vậy, tuy trong công việc hàng ngày, họ có thể là nhà chuyên môn, nghiệp vụ, có thể là thành viên của một tổ chức nào đó, nhưng khi tham gia cấp ủy, họ phải hoạt động với tư cách thành viên ban lãnh đạo chính trị, tức là tư cách chính khách. Bầu vào cấp ủy là trao cho họ tư cách và trách nhiệm chính khách chứ không phải cơ cấu cho đẹp hoặc để họ kiếm chỗ, tìm điều kiện ngoi lên cao trong bộ máy hành chính.

Cấp ủy chịu trách nhiệm với ai? Nói cấp ủy chịu trách nhiệm với cấp trên, với Trung ương cũng đúng. Nhưng cần khẳng định cấp ủy chịu trách nhiệm trước hết với đảng bộ và cùng với đảng bộ chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Mô tả ảnh.
Đại hội đảng bộ phường Dịch Vọng (Hà Nội) bầu trực tiếp bí thư cuối tháng 1 vừa qua. Ảnh: Lê Anh Dũng

Họ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân bởi vì họ là người thay mặt đảng bộ, bộ phận của Đảng duy nhất lãnh đạo - cầm quyền. Họ phải chịu trách nhiệm trước đảng bộ là vì đại hội bầu ra họ để ủy nhiệm chức năng và trách nhiệm lãnh đạo giữa hai kỳ đại hội, để thực hiện nghị quyết đại hội.

Những điều hiển nhiên đó suy ra từ Điều lệ Đảng: “Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra”, “Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên”, “Giữa hai kỳ đại hội cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ”.

Thực hiện đúng những điều này xem ra là tất nhiên, nhưng trong thực tế lại không như vậy. Đây đang là một trong những yêu cầu có tính mục tiêu trong đổi mới bầu cử cấp ủy hiện nay.

Hiện nay đang thực hiện phổ biến chế độ đại hội đảng bầu ra cấp ủy, cấp ủy bầu ra ban thường vụ, bí thư, phó bí thư.

Theo những quy định, thủ tục và thói quen hiện hành, việc chuẩn bị nhân sự vẫn chủ yếu là việc của cấp ủy đương nhiệm/cũ và cấp ủy cấp trên, chưa có các biện pháp thu hút sự tham gia của các tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên của đảng bộ.

Bí mật đến phút chót

Danh sách những người được cấp ủy giới thiệu và được cấp trên chấp nhận tham gia cấp ủy mới thường được giữ bí mật đến cùng trước đại hội. Việc thảo luận công tác nhân sự, chất vấn, trả lời chất vấn… thường không thực hiện trong các phiên họp toàn thể của đại hội mà thực hiện ở đoàn, không công khai (hoặc chỉ công khai một phần) nên chưa tạo điều kiện thực hành dân chủ rộng rãi trong bầu cử.

Né tránh thực hiện một quy chế bầu cử thực sự dân chủ trong Đảng chính là không tin vào bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm của đảng bộ.
Sau khi được bầu ra, cấp ủy mới trong phiên họp đầu tiên thường nhanh chóng thực hiện thủ tục bầu ra các chức danh lãnh đạo theo sự chuẩn bị của cấp ủy cũ và ý kiến của cấp trên. Do tính chất và cơ cấu đại biểu đại hội/cấp ủy viên, do nhận thức theo nếp cũ, nên nhiều người vẫn thừa nhận cách làm này, ngại thực hiện bất cứ sự đổi mới nào.

Làm như vậy khiến cho việc hình thành cấp ủy mới trên thực tế dường như chủ yếu là “tác phẩm” của cấp ủy cũ, được cấp trên chuẩn thuận. Nếu mọi việc diễn ra đúng như dự kiến chuẩn bị thì đại hội được coi là thắng lợi. Nếu không đúng dự kiến, nhất là khi dự kiến nhân sự chủ chốt/bí thư không thành thì dư luận trên dưới xôn xao, nhiều người xem là đại hội không thành công.

Xét kỹ ra, bầu cử suôn sẻ như vậy chỉ phản ảnh một thực tế là đã làm xong thủ tục chấp nhận phương án nhân sự duy nhất được chuẩn bị.

Xét trong ngắn hạn và nhân sự cụ thể, không nhất thiết sự chuẩn bị đó là dở. Nhưng về lâu dài, cách làm này xóa mòn tính tích cực, chủ động, trách nhiệm của người bầu (đại biểu, cấp ủy viên), kìm hãm sự phát triển và tự khẳng định những nhân tố mới. Nó hướng tâm thế những người có nguyện vọng tham gia cấp ủy vào việc tìm quan hệ và hoàn thiện hình ảnh của mình trước cấp trên hơn là phấn đấu làm tốt trách nhiệm trước đảng bộ, nhân dân.

Nó cũng dễ biến bầu cử trong Đảng trở thành một thủ tục hình thức, gò bó, thiếu công khai minh bạch.

Cần phải nhận xét công bằng rằng, ngay cả cách làm này đôi khi cũng có những trường hợp không suôn sẻ. Phần lớn do mâu thuẫn nội bộ hoặc là phản ứng trước những gò ép nhân sự quá bất hợp lý.

Những phản ứng trên không được đồng tình, không phải là do “dân chủ thiếu lãnh đạo”, “dân chủ quá trớn” như một số người nhầm lẫn. Nó chính là hậu quả của việc mất dân chủ. Nếu công tác nhân sự đại hội thực sự dân chủ, có đấu tranh lành mạnh, công khai thì không thể xảy ra tình huống đó.

Né tránh xây dựng và thực hiện một quy chế bầu cử thực sự dân chủ trong Đảng chính là không tin vào bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm của đảng bộ.

Đã đến lúc kiên quyết thực hiện đúng quy định của Điều lệ Đảng, đảm bảo cho đại hội đảng các cấp làm việc đúng tư cách là cơ quan lãnh đạo của đảng bộ, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền trên cơ sở Cương lĩnh và Điều lệ Đảng. Đại hội quyết định việc bầu cấp ủy mới thông qua thực hành dân chủ rộng rãi, công khai trong các phiên họp toàn thể.

Thắng lợi hay thất bại?

Mọi việc chuẩn bị của cấp ủy và hướng dẫn của cấp trên là cần, phải nhằm tạo điều kiện để đại hội là tốt việc chủ động ra các quyết định của mình.

Trong đại hội các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XI, đã có một số cải tiến trong công tác nhân sự, trong đó có chủ trương thực hiện thí điểm đại hội trực tiếp bầu bí thư, phó bí thư, ban thường vụ, nhằm mở rộng dân chủ trong bầu cử. Nếu được nhận thức đúng và tổ chức thực hiện tốt, chắc chắn sẽ có những tiến bộ và kinh nghiệm mới.

Tuy nhiên, qua làm thí điểm ở một số cơ sở đã xuất hiện những hiện tượng chứng tỏ cách làm cũ vẫn chưa được khắc phục nhiều.

Tại đại hội, mọi việc diễn ra rất long trọng, chu đáo đến từng chi tiết, từ việc soạn lời cho thiếu nhi đọc chào mừng đến việc đại hội bầu cấp ủy, bầu bí thư. Dường như tất cả đều diễn ra theo “kịch bản mẫu” được cấp ủy cùng cấp dàn dựng công phu, có sự chỉ đạo của trên.

Việc đại hội bầu bí thư cũng diễn ra dễ dàng vì chỉ có một ứng cử viên duy nhất. Người ta không ra ứng cử hoặc đề cử người khác, không hẳn vì ứng cử viên duy nhất có tín nhiệm tuyệt đối mà có lẽ vì không ai muốn dại dột, thách thức người đã nắm chắc phần thắng do được cấp ủy cũ và cấp trên ủng hộ.

Đánh giá thế nào đại hội như vậy?

Chỉ có thể xem là thắng lợi thật nếu ý chí đoàn kết, thống nhất của đảng bộ, sự tín nhiệm tuyệt đối với các ứng cử viên là thật. Và sự thật đó được thể hiện công khai qua không khí chính trị đảng bộ và kết quả đại hội.

Nhưng nếu đại hội tốn công, tốn của dàn dựng một vở diễn khéo cố che đi những khuyết điểm, sai trái, bỏ qua việc đấu tranh làm rõ đúng sai, thảo luận thiết thực nhiệm vụ mới, chọn đúng người đủ phẩm chất vào cấp ủy và đại biểu dự đại hội cấp trên, đại hội đó không làm đúng chức năng là cơ quan lãnh đạo của đảng bộ. “Thắng lợi” đó là thắng lợi giả, là thất bại.

Nếu đại hội các cấp diễn ra như vậy thì không đáp ứng được yêu cầu xây dựng đảng trong tình hình mới, không đáp ứng mong muốn của nhân dân, của đảng viên, cán bộ đổi mới công tác xây dựng đảng.

Hơn ai hết, nhân dân và đảng bộ địa phương, cấp ủy cấp trên trực tiếp, những người “dự và chỉ đạo đại hội” có thể đánh giá rõ nhất thật giả ra sao.

Đến nay, hầu hết các địa phương đã tiến hành đại hội điểm cơ sở. Cần căn cứ tinh thần Chỉ thị 37 CT/TW của Bô Chính trị xem xét, đánh giá đúng thực chất kết quả các đại hội điểm, rút kinh nghiệm hay, chỉ đạo, uốn nắn những lệch lạc, nhất là bệnh hình thức nếu có.

Việc rút kinh nghiệm không chỉ thực hiện trong các hội nghị cấp ủy, trong các ban tham mưu, qua các tầng nấc. Làm như vậy là chậm, không kịp thời mà nội dung cũng hay bị “cắt xén” khi truyền đạt qua các tầng nấc.

Nên thực hiện việc công khai rút kinh nghiệm hay, uốn nắn những sai lệch, trên báo Nhân Dân và các phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp đến đảng viên, đến chi bộ. Đánh giá sát thực, có lẽ thuyết phục từ cấp có thẩm quyền. Không bỏ qua hoặc xem nhẹ ý kiến xác đáng các tầng lớp nhân dân, của cá nhân đảng viên, cán bộ.

  • Bùi Đức Lại

Bài 4: Khuyến khích thi tuyển lãnh đạo

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,