– Người dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao nơm nớp lo sợ khi TP.HCM vào mùa chạy "bà thủy". Trong khi đó, các dự án chống sạt lở triển khai ì ạch khiến cuộc chiến chống “bà thuỷ” tại TP.HCM dường như chỉ trông cậy vào ông trời.
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Hà bá” hoành hành
Chuyện người dân Sài Gòn thấp thỏm, “chạy loạn” giữa đêm vì “hà bá” nuốt nhà đã không còn xa lạ. Vụ sạt lở 11 căn nhà ở bán đảo Thanh Đa đêm 24/7 làm hàng trăm người dân hoảng loạn chỉ là dấu hiệu bắt đầu một… mùa sạt lở.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 3 vụ sạt lở đất dọc theo kênh rạch và đều nằm trong các khu vực được cảnh báo. Thậm chí, nhiều nơi người dân đã xây kè nhưng vẫn không chống trọi được với “bà thuỷ”.
Vụ sạt lở đầu tiên trong năm xảy ra vào ngày 26/6 trên tuyến rạch Giồng - sông Kinh Lộ thuộc ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè khiến phần đất sau nhà của ông Nguyễn Văn Đầy chìm sông. Khu vực này cũng từng sạt lở vào tháng 8/2009 và nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao.
Đêm 22/7, vụ sạt lở thứ ba xảy ra với chiều dài 50m, ăn sâu vào đất liền đến 36m trên sông Sài Gòn, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Đáng nói, khu vực sạt lở này đã được người dân xây bờ kè hoàn chỉnh từ tháng 5/2009. Thế nhưng người dân chưa kịp yên tâm với “bà thuỷ’ thì chỉ một tháng sau, toàn bộ phần bờ kè vừa hoàn thành đã nằm dưới sông.
Vụ sạt 11 căn nhà ở bán đảo Thanh Đa xuống sông chỉ là dấu hiệu bắt đầu mùa... chạy "hà bá". Ảnh: Thái Phương |
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP nhận định: nguy cơ sạt lở năm nay có thể cao hơn 2009 vì nắng hạn gay gắt từ đầu năm làm lượng nước về các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn giảm đáng kể. Lưu lượng nước xả về hạ lưu cũng giảm làm gia tăng độ sâu của mực nước chân triều khiến nguy cơ sạt lở tăng cao.
Sạt đâu chống đó
Cuộc chiến chống “bà thuỷ” của người dân TP chỉ trông chờ vào may rủi từ ông trời bởi các dự án chống sạt lở được triển khai chậm. Còn chính quyền địa phương áp dụng kiểu “sạt đâu chống đó”.
Trong năm 2009, chỉ có 2 dự án chống sạt lở khu vực cầu Phước Long và cầu Rạch Tôm, huyện Nhà Bè được hoàn thành.
Từ đầu năm 2010 đến nay, "cuộc chiến chống sạt lở" của TP thêm được dự án xây kè chống sạt lở rạch Tôm khu vực hạ lưu cầu Bà Sáu và trường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè. 11 dự án còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị thủ tục đầu tư…
Ngay như dự án cấp bách chống sạt lở khu vực kênh Thanh Đa được khởi động từ năm 2004 đến nay cũng chỉ mới thực hiện đoạn 1.1 từ chân cầu Kinh đến doanh trại quân đội thuộc P.25.
Dù nằm trong diện cấp bách nhưng dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa mới chỉ xong đoạn 1.1. Ảnh: Thái Phương |
Ông Trần Văn Giàu, Phó Giám đốc Khu đường sông cho biết dự kiến tháng 9/2010 đoạn 1.3 dự án xây kè chống sạt lở kênh Thanh Đa sẽ khởi công. Hai đoạn còn lại cũng trong diện cấp bách nhưng vướng kinh phí giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, hiện TP vẫn chưa có một công trình nghiên cứu toàn diện các nguy cơ xảy ra sạt lở. Mới đây, cả 2 dự án quy hoạch, chỉnh trị hệ thống sông, kênh rạch trên địa bàn TP và dự án nghiên cứu xác lập giải pháp chống sạt lở bờ sông Sài Gòn cũng chưa có lối ra.
Theo Sở GTVT, chỉ khi nào dự án Quy hoạch chỉnh trị hệ thống sông kênh rạch được triển khai thì mới có giải pháp triệt để.
Tuy vậy, dự án này chỉ mới được chấp thuận về mặt chủ trương. “Kinh phí dự kiến của dự án lên đến 4.000 tỷ đồng. Một số nhà quản lý cho rằng chưa cần thực hiện dự án lúc này mà quan tâm thực hiện các dự án xây bờ kè chồng sạt lở cấp bách” - ông Giàu cho biết.
Trong khi đó, hiện TP còn 42 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, có thể bị “hà bá” nuốt chửng bất cứ lúc nào. Ở các vị trí có nguy cơ sạt lở cao, chính quyền dựng biển cảnh báo còn người dân chống sạt lở bằng cách trồng dừa nước, đóng cọc sơ sài hoặc chấp nhận sống chung với "bà thuỷ".
-
Thái Phương
Mời quý độc giả xem tiếp những thông tin hấp dẫn khác tại đây